“Nước ăn chân” là bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu và rất lâu khỏi nếu người bệnh không biết cách xử lý đúng cách.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “nước ăn chân” là tên gọi dân gian để chỉ bệnh nấm da chân (chủ yếu là ở kẽ chân) gây ngứa ngáy, khó chịu.
Đây là bệnh hay gặp ở những người thường phải tiếp xúc chân trần với nước, nhất là các nguồn nước bẩn trong các mùa mưa lũ. Sau đó, nếu không rửa lại với nước sạch, các vi khuẩn trong nước bẩn rất dễ tích tụ và bám tại các kẽ chân gây nấm da chân.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, về bản chất, bệnh “nước ăn chân” và bệnh nấm da chân đều do vi khuẩn nấm gây ra, tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lại khác nhau. Bệnh “nước ăn chân” chỉ xảy ra khi chân tiếp xúc với nước bẩn. Nếu không có quá trình tiếp xúc nước bẩn mà chân vẫn bị ngứa thì đó là các bệnh ngoài da khác.
Triệu chứng của “nước ăn chân” điển hình là ở các kẽ chân xuất hiện lớp nấm màu trắng đục, sờ hơi ẩm hoặc nặng hơn là có các mụn nước nhỏ gây ngứa ngáy. Nấm có thể lan xuống dưới lòng bàn chân hoặc lên trên bề mặt chân tùy vào mức độ vi khuẩn “ăn” nặng, nhẹ khác nhau.
Chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị “nước ăn chân” cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn nước bẩn. Trong tình huống bắt buộc phải lội vào vùng nước bẩn, phải nhanh chóng rửa bàn chân với nước sạch hoặc các dung dịch sát khuẩn (nếu có). Sau đó, lau khô chân bằng khăn sạch để đảm bảo loại hết vi khuẩn gây bệnh.
Trường hợp thấy có các triệu chứng của “nước ăn chân”, việc cần thiết nhất là dùng nước muối rửa sạch chỗ nấm. Sau đó, bôi thuốc chữa nấm chuyên dụng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Những sai lầm khi điều trị “nước ăn chân”
– Nhiều người thường quan niệm, khi bị “nước ăn chân” cần “cách ly” chân với bên ngoài, tức là đi tất hoặc giày kín để vi khuẩn không tiếp tục xâm nhập được. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Việc để bàn chân kín mít sẽ tạo thêm độ ẩm để các vi khuẩn gây viêm nhiễm cho các kẽ chân. Do đó, trong quá trình điều trị “nước ăn chân”, nên đi giày dép thoáng, để hở các ngón chân.
– Một quan niệm sai lầm khác nhiều người thường mắc phải là điều trị chưa dứt điểm đã tiếp tục để chân tiếp xúc với nước bẩn. Khi đó, lớp biểu bì da non mới hình thành ở các kẽ chân rất dễ bị các vi khuẩn tấn công và bị bệnh trở lại. Vì vậy, trong quá trình bôi thuốc, phải giữ cho chân luôn khô thoáng, tránh tiếp xúc với các nguồn nước khác, nhất là nguồn nước bẩn, bị ô nhiễm.
– Để chữa “nước ăn chân” một số người dùng giẻ hoặc đũa cả hơ nóng để chườm vào các nốt nước li ti cho chúng xẹp xuống. Đây là cách làm nguy hiểm, có thể làm bỏng da hoặc tăng nguy cơ viêm nhiễm nếu các vật dụng trên không đảm bảo vệ sinh.
Lưu ý:
– Khi bị “nước ăn chân”, không được gãi mạnh nhất là gãi làm trầy xước hoặc vỡ các mụn nước li ti giữa các kẽ chân. Việc làm này sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn, vi nấm lan rộng ra vùng chân xung quanh, vừa làm tăng thêm thời gian điều trị vừa có nguy cơ gây bội nhiễm vi khuẩn, khó điều trị dứt điểm.
– Không dùng chung giày, dép với những người đang bị “nước ăn chân”, tránh nguy cơ bị lây bệnh.
– Các loại lá dùng để chà trực tiếp lên vùng bị viêm nhiễm cần phải được rửa sạch sẽ, vì nếu lá bụi bẩn hoặc chứa trứng của các ấu trùng gây bệnh sẽ gây hại khi tiếp xúc với các vết thương hở dưới kẽ chân.
– Nếu dùng thuốc, vẫn bị viêm loét, cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Các bài thuốc dân gian chữa nước ăn chân
Lá trầu không: Dùng lá trầu không rửa sạch, vò nát, xát vào các kẽ ngón, hoặc vắt lấy nước bôi vào các kẽ ngón, những chỗ loét.
Lá lốt: Cho lá lốt vào đun với nước. Đun sôi khoảng 20 phút, tắt bếp, để nguội và dùng để rửa vùng chân bị nấm. Ngày làm 2 lần.
Búp ổi:Giã búp ổi với muối, xát nhẹ vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần.
Gừng: Đập nhỏ một nhánh gừng cho vào nồi nước đang sôi, đun tiếp 20 phút nữa. Sau khi nước nguội, dùng để ngâm 2 lần/ngày.
Dấm: Hòa dấm vào trong một chậu nước nhỏ để ngâm chân. Một ngày thực hiện khoảng 1-2 lần.
Theo Theo Gia đình xã hội