Sâm đương quy được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc Đông y với tác dụng bồi bổ sức khỏe. Trên thị trường hiện nay xuất hiện khá nhiều loại sâm này với nhiều mức giá khác nhau, gây hoang mang cho người tiêu dùng trong khi lựa chọn. Vậy sâm đương quy có tác dụng gì, giá bao nhiêu và cách sử dụng như thế nào?
Sâm đương quy là gì?
Sâm đương quy là phần củ rễ của một loại cây thân thảo phát triển ở các vùng núi đồi có độ cao khoảng hơn 2000m so với mực nước biển. Danh pháp khoa học của cây là Radix Angelicae Sinensis, được du nhập vào nước ta những năm 1960. Sau này, đương quy được trồng phổ biến tại các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc.
Sâm đương quy có hình dạng khá giống với nhân sâm với lớp da màu nâu vàng bên ngoài. Người ta thường thu hoạch củ sâm từ cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 12. Sau đó nó được đem sấy khô hoặc để tươi nguyên tùy vào mục đích sử dụng.
Sâm đương quy có vị ngọt, hơi đắng và hăng. Theo Đông y, loại dược liệu này có tính ấm, chuyên dùng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến lá lách, gan, tim. Trong củ sâm còn chứa một số loại tinh dầu dễ bay hơi như ligustilide, butylidene, angelicone, carvacrol và các thành phần hoạt tính như glucoside, axit ferulic, axit nicotinic, gelsemine huỳnh quang,…
Sâm đương quy có tác dụng gì?
Chính vì sở hữu nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe mà dược liệu này được sử dụng trong điều trị các vấn đề dưới đây:
- Thiếu máu:
Sâm đương quy được dùng làm thành phần cho các bài thuốc bổ máu, chủ trị các triệu chứng gây ra bởi bệnh thiếu máu như đau đầu, chóng mặt, suy nhược cơ thể, da xanh xao, mờ mắt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, mất ngủ, chuột rút cơ bắp,…
- Rối loạn kinh nguyệt:
Loại dược liệu này có tác dụng điều hòa chu kỳ đèn đỏ ở nữ giới, loại bỏ khí trệ và huyết ứ, thanh nhiệt, Củ sâm thích hợp dùng trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng như: Kinh không đều, trễ kinh, đau bụng quặn thắt, đau bụng sau sinh, bốc hỏa, khô miệng, rong kinh,…
- Tình trạng đau do bệnh lý:
Rễ cây sâm đương quy có khả năng làm dịu các cơn đau do cơ thể thiếu máu, khí huyết ứ trệ hoặc nhiễm hàn khí. Ví dụ: Đau bụng kéo dài, tiêu chảy ra máu, chấn thương ngoài, đau tức ngực, đau bụng sau sinh, đau nhức khớp và tê bì chân tay.
- Vấn đề viêm loét:
Vị thuốc này có thể chữa lành các vết lở loét, nhất là với các trường hợp cấp tính. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng giảm sưng tấy, đau nhức, thoát mủ viêm và tái tạo mô da.
Sâm đương quy có bao nhiêu loại?
Cách phân loại có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian trồng, khu vực phân bố, chế biến,…Cụ thể như sau:
Theo cách chế biến
Dựa theo cách chế biến, người ta chia sâm đương quy thành hai dạng dưới đây:
- Rễ củ tươi:
Rễ củ tươi giữ được nguyên vẹn những dưỡng chất và tinh dầu. Khi mới được thu hoạch, củ sâm có hình trụ tròn mập mạp, chiều dài tùy theo số năm nuôi trồng, lớp vỏ bên ngoài màu nâu vàng hơi sẫm và có nhiều rễ con xung quanh.
- Rễ củ sấy khô:
Khi chế biến ở dạng khô thì củ sâm đương quy thường được thái thành các lát mỏng. Tùy vào mục đích sử dụng mà sâm có thể sấy khô thông qua cách xông khói, thổ sao hoặc phơi tự nhiên dưới ánh nắng.
Theo khu vực thu hái
- Sâm đương quy rừng:
Sâm rừng rất hiếm trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng cũng dễ bị nhầm lẫn với sâm nhân tạo. Vì sinh trưởng hoàn toàn ở môi trường tự nhiên và không có sự chăm sóc hay tác động từ con người nên kích thước củ sâm thường nhỏ và có nhiều rễ phụ hơn.
- Sâm củ nhân tạo:
Sâm củ nhân tạo được quy hoạch và nuôi trồng trong các trang trại thảo dược quy mô lớn. Đây cũng là loại phổ biến nhất trên thị trường và có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa tiệm thuốc bắc.
Cách sử dụng sâm đương quy tươi
Loại dược liệu này có các cách dùng như sau:
Sâm đương quy tươi ngâm rượu
Sâm ngâm rượu là một trong những cách dùng đương quy phổ biến nhất hiện nay. Cách chế biến này có thể áp dụng với cả hai dạng sâm tươi và sấy khô, bảo quản được trong thời gian dài mà không làm mất đi giá trị dược tính, dinh dưỡng từ rễ đương quy.
Các bước thực hiện như sau:
-
Nguyên liệu: Rễ sâm đương quy tươi hoặc sấy khô, rượu nếp trắng nguyên chất, bình thủy tinh.
-
Khử trùng cho bình ngâm bằng rượu hoặc hơ qua lửa nóng trong khoảng 5 phút, lau khô bằng khăn bông mềm.
-
Lần lượt xếp từng củ sâm tươi hoặc các lát sâm sấy khô vào trong bình, đổ thêm rượu trắng cao độ vào rồi đậy kín nắp.
-
Bảo quản rượu ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời. Thời gian ngâm củ tươi sẽ lâu hơn so với loại đã sấy khô, có thể mất từ ba đến sáu tháng.
Sắc nước sâm đương quy để uống
Rễ củ dạng sấy khô cũng thích hợp dùng sắc nước uống, dùng để điều hòa tuần hoàn máu cũng như ngăn chặn tình trạng huyết khí ứ trệ rất hiệu quả. Cách thực hiện như sau:
-
Nguyên liệu: Sâm đương quy khô 5g đến 15g, nước lọc.
-
Rửa sơ dược liệu để loại bỏ các loại bụi bẩn, sau đó cho vào ấm đất đun cùng với hai bát nước lọc cho đến khi sôi bùng lên.
-
Hạ nhỏ lửa và ủ thuốc thêm khoảng 15 phút thì tắt bếp, để nguội và dùng uống trong ngày thay nước.
Sâm đương quy ngâm mật ong
Giống như nhân sâm, sâm đương quy cũng có thể dùng ngâm với mật ong, có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống viêm và ngăn ngừa rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ hiệu quả. Cách chế biến này cũng thích hợp dùng lâu dài với những người sợ uống thuốc sắc hay dị ứng với chất cồn.
Cách thực hiện đơn giản như sau:
-
Nguyên liệu: Sâm đương quy tươi, mật ong, bình thủy tinh.
-
Khử trùng sạch sẽ cho bình thủy tinh, sơ chế cho sâm tươi. Có thể cắt rễ đương quy thành từng lát mỏng cho dễ sử dụng sau này hoặc ngâm nguyên củ.
-
Bỏ đương quy vào trong bình rồi đổ mật ong thô vào cho đến khi mật bao phủ toàn bộ phần thuốc. Đậy kín nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Sâm đương quy tươi giá bao nhiêu?
Giá thành của sâm đương quy được định mức dựa theo cách bảo quản và chế biến. Theo như tìm hiểu của bài viết, loại rễ tươi thu hoạch tại vườn thường được bán với giá từ 40 nghìn VNĐ đến 70 nghìn VNĐ cho 1 kg. Trong khi đó, loại rễ đã được sao khô được bán với mức giá rơi vào khoảng trên 250 nghìn VNĐ cho 1 kg.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức mới về tác dụng, cách sử dụng và giá bán sâm đương quy. Đây vốn là loại dược liệu quý sở hữu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe với cách chế biến cũng như sử dụng vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi mua bán vị thuốc này để tránh tiêu thụ phải hàng giả, hàng kém chất lượng!
Theo: ISMQ – Trung tâm thông tin sức khỏe
4.2/5 – (6 bình chọn)