Sáng sớm, bà Phạm Thị Mến (61 tuổi, ngụ bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM) xắn ống quần, lội ra mé sông Sài Gòn hái ít rau choại. Sau đó lội bộ ra đìa nước gần nhà kéo vó bắt cá trê để chuẩn bị bữa cơm cho 6 người trong nhà.
Chẳng biết từ khi nào, bà Mến không còn thói quen đi chợ hàng ngày như những gia đình khác. Nguyên liệu trong bữa cơm gia đình phần lớn từ vườn và từ sông Sài Gòn.
Quê gốc Bến Tre, trong một lần chèo ghe lên TP HCM để bán hoa Tết, không hiểu lương duyên nào khiến bà cập bến bên bán đảo Thanh Đa rồi cùng gia đình lập nghiệp ở đây. Thi thoảng người dân ở quê lên TP HCM khám bệnh ghé nhà bà qua đêm và giật mình: “Nhà phố chẳng khác nhà quê”.
Căn nhà bà nằm cuối con con đường dẫn vào đình Bình Qưới. Bốn bề cây xanh, sau lưng nhà là sông Sài Gòn. “Sông Sài Gòn cưu mang gia đình tôi. Bữa cơm, bữa tiệc nào cũng có nguồn gốc từ sông đưa lên”- bà Mến nói.
Cả cuộc đời gắn liền với ruộng đồng, sông nước, anh Hà Quốc Quy (41 tuổi, ngụ Thanh Đa, Bình Thạnh) vẫn không quên những sản vật một thời trù phú mà tuổi thơ anh từng bắt gặp.
Anh Quy kể vanh vách: “Sông Sài Gòn nước ngọt lại có cua biển. Khi nước hạ xuống còn bắt được tép bạc, cá bống dừa, cá bống kèo, tép bầu, cá bống đeo…”
Dưới sông có tôm, cá; trên bờ có những trái, rau kết hợp vào ăn ngon không gì bằng. Điển hình như mấy loài cá bống mà kho với trái dành dành mọc ven sông là vét sạch nồi cơm.
Người dân ở đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh đi câu cá, bắt cua cách kênh rạch nối với sông Sài Gòn.
Mỗi buổi sáng ra bờ sông Sài Gòn bắt cá, hái rau để chuẩn bị bữa cơm.
Đên đến giăng lưới, móc câu có ngay mớ cá.
Vừa nói dứt lời, anh Quy dẫn chúng tôi ra phía sau nhà. Con rạch nối từ sông Sài Gòn chạy dọc xóm, ở dưới dòng nước có lúc nhúc các loài cá và tép. Từ lâu, người dân trong xóm tự thỏa thuận nhau chỉ bắt những con có kích thước trưởng thành. Kéo ống tre để bẫy lươn được chừng 3 con, anh Quy lựa con to nhất đưa vào trong, số còn lại thả dưới nước. Quay sang cười: “Trời ban cho sản vật thì mình cũng đối xử tử tế chứ không nên bắt theo kiểu tận diệt”.
Lươn kho ba rọi từ bán đảo Thanh Đa.
Rau choại hái từ bờ sông Sài Gòn
Rau được chấm với kho quẹt đậm chất dân dã
Tép và đĩa rau rừng được người dân bắt và hái dọc sông Sài Gòn.
Dù tìm cách níu giữ và duy trì sản vật trên sông Sài Gòn để mãi phong phú nhưng anh Quy không khỏi chạnh buồn khi số lượng ngày càng ít đi. “Có mùa nước bỗng dưng dòng sông bốc mùi, cá, tôm nổi lên vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm”- anh Quy mô tả và cho biết khi rảnh phải chèo ghe lên tận thượng nguồn sông, may ra mới tìm được một số loài cá quý.
Hơn ai hết, gắn bó với bán đảo bao bọc bởi kênh, rạch người dân ở đây luôn mong ngóng con sông Sài Gòn hồi sinh như trước để mang lại sản vật, nguồn sống cho bao người.