Sao Hôm, sao Mai, sao Vược

*Lâu nay tôi chỉ nghe nói đến sao Hôm và sao Mai, vừa rồi có người bảo còn có sao Vượt nữa. Có phải ba sao này chỉ là một sao duy nhất trên bầu trời nhưng xuất hiện ở ba thời điểm khác nhau? (Ánh Vân, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

 

– Sao Hôm và sao Mai theo cách gọi dân gian Việt Nam chính là sao Kim Tinh (Venus) hoặc còn gọi là sao Thái Bạch, là hành tinh thứ 2 (tính từ Mặt Trời ra) thuộc Thái Dương Hệ của chúng ta. Sao Kim là hành tinh phía trong Thái Dương Hệ tính từ Trái Đất, nên theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời mà quá xa Mặt Trời. Trong chu kỳ 24 giờ, sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh. Khi hành tinh này hiện lên lúc hoàng hôn, dân gian Việt Nam gọi là sao Hôm; khi hành tinh này hiện lên lúc bình minh, dân gian gọi là sao Mai.

Theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam (nongnghiep.vn), với mắt trần sao Kim là thiên thể sáng thứ ba trên bầu trời, sau Mặt Trời và Mặt Trăng. Sao Kim được các nền văn hóa thượng cổ để ý đến vì độ sáng của nó. Người Hy Lạp cổ đại tuy biết sao Kim xuất hiện trên bầu trời cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng giống như người Việt, vẫn đặt tên riêng cho sao Hôm là Hesperus và cho sao Mai là Phosphorus.

Sao Kim quay một vòng xung quanh Mặt Trời trên quỹ đạo mất khoảng 225 ngày. Do đó một năm sao Kim dài bằng 225 ngày của Trái Đất. Nếu quan sát từ trái đất, sao Kim dường như di chuyển theo hướng ngược với mặt trời. Nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy nó vào buổi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc.
Trang Ca dao Mẹ (cadao.me) có dẫn câu ca nói đến 3 ngôi sao, ngoài sao Hôm và sao Mai còn có sao Vược: Vắng sao Hôm, có sao Mai/ Kìa ông sao Vược đón ai giữa trời. Sự tích 3 ngôi sao được tảng này kể như sau:

“Sao Hôm và sao Mai vốn là hai anh em mồ côi cha mẹ, rất thương yêu nhau. Người anh bị bắt đi phu, trước khi đi dặn em trông nom chị dâu. Nghe lời anh, em đêm ngày lo lắng coi giữ chị. Em khoét một lỗ vách, đêm đêm luồn tay qua, đặt lên bụng chị để canh. Không ngờ, chị có thai. Em sợ trốn đi, đi mãi, kiệt sức chết, hóa thành sao Hôm. Người anh trở về, thấy sự rắc rối, rất giận em. Cho đến khi vợ đẻ ra một bàn tay thì anh mới hiểu em mình bị nghi oan, liền đi tìm, đi mãi, chết hóa thành sao Mai. Người vợ cũng đi tìm chồng và em, chết hóa thành sao Vược. Vì vậy sao Vược cứ lao qua lao lại giữa bầu trời như đang tìm kiếm ai đó”.

Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng không có sao Vượt mà chỉ có sao Vược trong ca dao “Có Hôm thì chẳng có Mai/ Còn như sao Vược đợi ai giữa trời”.

Tuy nhiên, trong một số tài liệu giảng dạy (tuhoc365.vn chẳng hạn) có bài ca dao ghi là sao Vượt. Trèo lên cây khế nửa ngày/ Ai làm chua xót lòng này khế ơi!/ Mặt trăng sánh với mặt trời/ Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng./ Mình ơi! Có nhớ ta chăng?/ Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Theo giải thích của trang này, chàng trai so sánh mình như sao Vượt, mà sao Vượt cũng là sao Hôm, sao Mai. Sao Vượt mọc từ rất sớm lúc chiều hôm, khi sao Vượt lên đến đỉnh bầu trời thì trăng mới mọc, vậy mà sao Vượt vẫn ngóng đợi trăng lên. Sự chờ đợi, ngóng vọng dẫu cô đơn nhưng kiên định biết bao, thủy chung biết bao. Qua đó thể hiện niềm tin vào sự thủy chung son sắt của tình yêu lứa đôi, của tình người cao đẹp.

ĐNCT

Rate this post

Viết một bình luận