Tôi hiểu cảm giác ấy, khi mà bạn bước sang tuổi 22, bạn bắt đầu phải chấp nhận rằng cuộc sống này không chỉ đơn giản là hoàn thành bài tập về nhà, nộp đúng hạn và nhận về vài con điểm tốt. Cuộc sống phức tạp hơn rất nhiều, chẳng có ai nói cho bạn biết làm thế nào là đúng, thế nào là sai nữa, thậm chí, bạn còn chẳng hiểu nổi những gì mình cho là đúng có thật sự đúng hay không?
Để giúp bạn bước qua ngưỡng cừa đầu đời dễ dàng hơn, chúng tôi đã đưa ra một số kỹ năng tối quan trọng cho những người “sắp trở thành người lớn”. Cùng tham khảo nhé:
1, Học cách trung thực
“Trung thực ư? Tôi chả có gì ngoài trung thực!”. Bạn chắc không? Nhớ lại những trễ họp hay một cuộc hẹn, bạn đã nói gì với sếp và các đồng nghiệp nào? “Đồng hồ báo thức của tôi tự nhiên bị hỏng”, “Đứng mãi không bắt được bus”, “Đường tắc kinh khủng!”.
Thay vì đưa ra các lý do muôn thuở như vậy, chi bằng đừng biện hộ gì cả, hãy chỉ thành thật nhận lỗi: “Lỗi của tôi, tôi đã làm lỡ dở công việc của mọi người”, như vậy tốt hơn gấp trăm lần việc đổ lỗi cho đồng hồ hay tắc đường đấy!
2, Học cách đối mặt với những lời chỉ trích
Chẳng ai muốn bị nhận lấy những lời khiển trách cả, cho dù câu nói “anh sai rồi đấy!” được chuyển đến bạn dưới hình thức hay phong cách nào đi chăng nữa. Thường thì khi nhận được thông tin phản hồi rằng mình đã làm ra một việc tồi tệ, con người chúng ta thường có xu hướng phản bác hoặc lờ đi luôn. Nhưng đó chẳng phải là một cách hay đâu! Để thành công, bước đầu tiên là phải biết chấp nhận thất bại, hãy đơn giản chấp nhận rằng mình đã làm sai và đừng để bụng người đã chỉ ra sai sót của bạn. Bạn mới là người sai cơ mà?
3, Cách bắt đầu một câu chuyện
“Bắt chuyện mà bạn cũng cần học nữa sao?” Nhiều người ngạc nhiên hỏi lại. Tuy nhiên đó không phải nhiệm vụ dễ dàng gì với những người hay xấu hổ hay sống nội tâm. Cho dù bạn là mẫu người như vậy, thì hãy luôn nhớ nở một nụ cười và hỏi thăm người ngồi kế bên bạn nhé. Biết đâu người đó lại chính là người bạn tri kỷ? Người bạn đời? Hay thậm chí là một đối tác làm ăn trong tương lai.
4, Cách để có được những gì bạn muốn
“Muốn có cái gì, cứ việc hỏi xin”. Đợi sếp nhận ra những cố gắng của bạn và tự động khen thưởng sao? Đừng mơ mộng nữa!
Nếu bạn không bao giờ tự đề xuất tăng lương, một phần thưởng hay một thương vụ lớn hơn thì bạn sẽ không đời nào có nó cả. Nếu việc đòi hỏi làm bạn cảm thấy ngại ngùng hay lo lắng, sao không thử tập luyện khả năng “đòi hỏi” ở một nơi khác trước. Thay vì đơn giản rút ví trả tiền cho một món hàng, hãy thử yêu cầu một mức giá thấp hơn trước đã.
Bạn càng đưa mình vào thế khó, bạn sẽ càng nhận ra rằng thực tế nó chẳng khó chút nào.
5, Cách giữ lời hứa
Bạn đã hứa với đồng nghiệp rằng bạn sẽ đến chúc mừng sinh nhật họ, hay sẽ giao bài báo cáo vàng sáng thứ Hai cho sếp? Hãy hoàn thành việc đó!
“Bạn cứ liên tục thất hứa, dần dà chẳng còn ai tin lời bạn nói nữa. Con đường lấy lại lòng tin của mọi người sẽ gian nan hơn gấp ngàn lần sau khi bạn đánh mất nó đấy!” Hoffman nói.
6, Giao tiếp thành công
Dù bạn làm gì đi chăng nữa thì cũng đừng bao giờ coi thường khả năng trình bày ý muốn của mình bằng văn bản hay lời nói, tôi gọi nó là kỹ năng giao tiếp và viết.
Hãy thay đổi cách thức giao tiếp thử xem sao? Nếu bạn thường bộp chộp nói ngay những gì mình nghĩ, thì hãy bình tĩnh đếm đến 5 để xem những gì mình nói có còn giá trị đóng góp hay liên quan đến nội dung cuộc hội thoại nữa không. Còn nếu bạn thường e dè nhút nhát, không bao giờ chịu nói lên suy nghĩ của mình thì hãy thử một lần chia sẻ những gì bạn đang nghĩ. Rất có thể bạn sẽ nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt vì những sáng kiến của mình đấy.
Tôi hi vọng những kỹ năng trên đây sẽ phần nào giúp các bạn trẻ trên con đường vào đời của mình.
Tham khảo Business Insider