Say lòng canh cá leo chua

Biên phòng – Ở xứ Huế, người ta thường chế biến chột nưa (bẹ cây nưa) cùng với các loại cá đồng như cá rô, các tràu, cá trê, cá leo… thành nhiều món ăn dân dã, thơm ngon. Đặc biệt, với tiết trời “mưa dầm xứ Huế”, món canh chột nưa nấu với cá leo nguồn (cá leo theo lũ trên nguồn về) ăn với cơm nóng sẽ làm say lòng những ai thưởng thức bởi hương vị đậm đà, ngon ngọt rất đặc trưng của món này. Canh cá leo nấu với chột nưa trở thành nỗi nhớ “khôn nguôi” của người dân xứ Huế xa quê.


Tô canh chua chột nưa nấu với cá trê thơm ngon, nhiều dinh dưỡng và chống suy nhược cơ thể.

Chột nưa là loại cây “đặc sản” thích hợp nơi đất ruộng khô hoặc đất bãi bồi ven sông Bồ. Nhưng chột nưa ngon có tiếng là chột nưa trồng ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo Đông y, cây chột nưa còn là một dược liệu có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, hạ sốt, giải độc…, vì thế, trong quan niệm dân gian thì chột nưa là thức ăn rất lành (hiền).

Thân cây nưa được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như món dưa chua chột nưa muối với cây kiệu, ăn kèm thịt heo luộc… Chột nưa còn được dùng nấu nhiều món canh độc đáo như canh chua cá lóc, canh chua cá leo, canh chột nưa nấu với tôm, chột nưa hầm thịt, chột nưa còn được dùng kèm trong các loại lẩu như một loại rau. Nhưng đặc biệt là món canh chột nưa nấu cá leo nguồn là “món ăn vị thuốc” rất đậm đà, tạo nên “hồn cốt” hương vị quê hương, ai đã một lần ăn sẽ nhớ mãi.

Còn cá leo thuộc loại cá da trơn, da có màu xám hoặc hơi nâu, chuyên sống ở thác hoặc nơi nước chảy xiết. Cá có thân dài, dẹp ngang. Đầu tương đối to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, có hai đôi râu ở hàm trên và hàm dưới. Vào tháng 9, tháng 10, cá leo ăn rất bùi, béo bởi nguồn thức ăn dồi dào vào mùa nước lũ sông Bồ. Một lão ngư chuyên bắt cá leo cho hay, loài cá này có đặc tính rất kỳ lạ, mỗi khi chúng “bắt cặp” là leo nơi khe cạn hoặc leo lên ruộng nước đùa giỡn. Những đêm trăng sáng, cá leo tưng bừng giỡn nước. Có người cho rằng cá leo mùa sinh sản là món ăn rất bổ dưỡng của đấng mày râu. Cá leo có thể chế biến nhiều món ăn ngon như nấu lẩu, nấu canh chua, nướng, chiên, kho lá nghệ, lá gừng…

Cách chế biến món canh chột nưa nấu cá leo khá đơn giản. Chột nưa gọt sạch vỏ, dùng cán dao dần qua cho dập các “thớ thịt” (làm thế thì khi nấu chột nưa sẽ mau mềm và thấm ngon hơn). Sau đó cắt lát dày khoảng 2cm, rửa sạch, để ráo nước. Cá leo làm sạch, rửa nước muối cho sạch nhớt và cũng cắt lát dày 2cm. Ướp cá với hạt tiêu, hành tím cắt lát mỏng kèm theo chút nuớc mắm để khoảng 15 phút cho thấm. Cá trê được tao trong soong dầu nóng cho thơm. Sau đó cho nước dùng vừa đủ nồi canh. Tiếp tục cho chột nưa và các nguyên liệu phụ như khế, chuối chát, dứa, cà chua, măng chua vào nấu khoảng 10 phút là nồi canh chín bốc khói thơm lừng.

Không có gì bằng trong tiết đông mưa gió lạnh lùng, cả nhà quây quần bên nồi cơm nóng dẻo với bát canh cá leo chột nưa thơm lừng bốc khói mà ăn, cái lạnh sẽ tiêu tan. Thịt cá leo tính ôn ăn rất tốt cho người đang ốm, người già, trẻ con, thai phụ… và trứng cá leo khi nấu chín có màu vàng nghệ, tuy nhỏ mà dai, vừa thơm vừa bùi và beo béo, bạn đã ăn một lần, hương vị của nó khó quên. Cho nên có người cho rằng món ăn có cá leo rất bổ dưỡng của đấng mày râu, bởi vì khi ăn loài cá này sẽ kích thích người ăn “siêng leo” nơi “khe cạn” giống như cá leo vậy!

Món canh sẽ ngon hơn khi nấu canh chột nưa mà thêm chút ruốc Huế thì sẽ đậm đà, “thăng hoa” hơn. Múc canh ra tô thêm chút hành lá, ngò tây, rau ngổ sẽ có một món canh thơm ngon hấp dẫn mà ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên! Chả thế mà nguời xứ Huế xa quê, khi nhớ về quê huơng yêu dấu sẽ rất thèm được ăn món canh chột nưa nấu cá leo nguồn. Bởi vậy, người dân quê tôi có câu ca: “Chột nưa nấu với cá leo / Ông ăn một chén, ông trèo núi non”, hay là “Chột nưa nấu cá leo nguồn / Anh ăn một chén có buồn cũng vui…”.

Tiên Sa

Rate this post

Viết một bình luận