Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết – LesMichels.Fr

Sau hơn 5 năm có mặt tại Sài Gòn, les Michels tự tin khẳng định rằng chúng tôi biết rất nhiều về thành phố này.

Năm ngoái, chúng tôi đã nêu ra cho bạn những lý do hợp lý cho việc bạn chuyển đến Việt Nam, tuy nhiên rất nhiều thông tin liên quan đến việc định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không được đề cập đến.

Theo khảo sát của trang Expat Insider vào năm 2020, Sài Gòn xếp thứ 19 trong danh sách những thành phố đáng sống nhất dành cho người nước ngoài, đặc biệt là ở các hạng mục :

  • Giao lưu và kết bạn
  • Sự thân thiện của dân bản địa
  • Sự bảo đảm về công ăn việc làm
  • Môi trường làm việc
  • Chi phí sinh hoạt : xếp hạng 4
  • Nhà ở : xếp hạng 4
  • Tài chính

Vậy nên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào chi tiết hơn về cuộc sống ở thành phố này.

Bạn có muốn định cư ở Sài Gòn vào năm 2020?

Nơi ở, ăn uống, chi phí sinh hoạt, địa điểm ăn chơi, văn hóa, Les Michels sẽ cho bạn cái nhìn tổng thể về những điều đang chờ đợi bạn ở Việt Nam!

Chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn

Để có thể đánh giá về mức sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi không chỉ dựa trên kinh nghiệm của bản thân mà còn dựa vào các dữ liệu được đưa ra bởi Numbeo, mời các bạn tìm hiểu thêm tại đây.

Mức giá này tương đối ổn định và được ước tính cho năm 2020, tuy nhiên vẫn cần phải tính đến tỉ lệ lạm phát khá cao ở Việt Nam nữa nhé (vào khoảng 7%/năm).

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 1

Đồ ăn thức uống ở Sài Gòn

Hãy bắt đầu từ tầng dưới cùng của kim tự tháp Maslow, đó chính là nhu cầu ăn uống. Sài Gòn là nơi hội tụ của tinh hoa ẩm thực. Dù bạn là một người thích ăn uống bên ngoài hay bạn là một người đã quen với việc tự nấu ăn tại nhà, chắc chắn rằng bạn sẽ hài lòng khi sống ở đây. Có rất nhiều nhà hàng phục vụ đầy đủ các món ngon trên thế giới, vì vậy bạn có thể tìm thấy ở Sài Gòn hầu hết các món đặc sản của Pháp mỗi khi thấy thèm, từ những món phổ biến nhất đến những món tinh tế nhất.
price food vietnam

Đi chợ ở thành phố Hồ Chí Minh có đắt không?

Giá cả của các món hàng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí bạn ở, quy mô của cửa hàng (siêu thị nhỏ hay lớn) hoặc chất lượng (sản phẩm nội địa hay hàng  nhập khẩu). Nhưng thông thường, bạn sẽ đi chợ theo tuần hoặc theo tháng tại các hệ thống siêu thị như Vinmart hoặc BigC (Carrefour group), hay các cửa hàng tiện lợi (Family Mart, 7/11, v.v.).

Nếu bạn chỉ dùng các sản phẩm của địa phương thì các hóa đơn cần chi trả sẽ tương đối rẻ. Ví dụ, bạn sẽ chỉ tốn khoảng 1,3 € cho 1 tá trứng, dưới 1 € cho 1 kg khoai tây, hành tây hay cà chua. Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển cho nên bạn có thể mua được rau củ quả quanh năm với giá rẻ nhưng chất lượng thì lại tươi ngon hơn ở Pháp nhiều. Ngay cả đối với các loại thực phẩm “châu Âu” điển hình như bí ngô, bí xanh, cà tím, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm thấy ở đây. Ngoài ra, còn hằng hà sa số các loại thực phẩm mới rất đáng để thử như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, v.v..

Bạn cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên cho coi, khi tìm được ở Việt Nam rất nhiều đặc sản của nước Pháp, ví dụ như phô mai (nhãn hiệu Con bò cười là loại được sử dụng nhiều nhất), thịt nguội, bánh mì, gan ngỗng, sô cô la, dâu tây và thậm chí cả rượu vang!  Giá cả của các sản phẩm này tương đương như khi bạn mua ở Pháp (hoặc thậm chí rẻ hơn phân nửa đối với bánh mì baguette!), còn chất lượng thì ổn vô cùng.  So với các nước khác ở châu Á thì chúng tôi nhận thấy giá thành của các đặc sản Pháp này ở Việt Nam là tương đối hợp lý và phải chăng.

Các loại thịt địa phương thường có chất lượng tốt, đặc biệt là thịt gà (khoảng  2,50 €/kg) và thịt lợn. Đối với thịt bò, các sản phẩm của Mỹ hoặc Úc được ưa chuộng hơn, do đó giá thành của chúng cũng đắt hơn.

Nguồn cung cấp cá và thủy hải sản ở đây vô cùng dồi dào và có giá thấp hơn so với ở Pháp do ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam rất phát triển. Mực và bạch tuộc là hai loại thủy sản được bày bán rất nhiều và có giá thành rẻ hơn so với các loại khác.

Các loại thực phẩm được nhập khẩu thì thường có giá cao hơn, chẳng hạn như táo, anh đào, kiwi, ngũ cốc, kem, món tráng miệng, nước ép trái cây, nước sốt. Chúng thường đắt hơn ở Pháp từ 10 đến 30%.

Đối với các loại đồ uống có cồn, giá của các loại bia công nghiệp ở Việt Nam khá hợp lý (ví dụ như 3,5 € cho một lốc 6 lon bia Heineken), trong khi các loại rượu mạnh như Vodka, Rhum, Gin… thì sẽ đắt hơn một chút và có giá tương đương như ở Pháp (đắt nhất à Whisky).

Ngoài ra, bia thủ công cũng đang rất được ưa chuộng và phát triển mạnh trên thị trường, với mức giá ngang ngửa ở Pháp.

Giá ăn nhà hàng ở Sài Gòn tầm bao nhiêu?

Sẽ có rất nhiều sự lựa chọn nếu như bạn muốn ăn uống tiết kiệm ở các quán ăn lề đường: bánh mì, phở gà hoặc phở bò, cơm tấm …, bạn sẽ chỉ tốn khoảng ​​1 đến 2 €/người cho mỗi bữa ăn. Đồ uống thì có giá khoảng 0,4-0,5 €. Đơn giản, ngon và nhanh chóng, đây là những món rất đáng để thử.

Các loại thức ăn nhanh (KFC, Burger King, McDonalds…) có giá từ 3 đến 6 €, đắt hơn nhiều so với các món ăn đường phố. Còn món bánh Big Mac kinh điển của MacDonalds thì sao? Ở Việt Nam, bạn sẽ tốn khoảng 2,60 € cho món bánh hamburger nổi tiếng này và 3,50 € cho một menu đầy đủ (có thêm khoai tây chiên và nước).

Nếu bạn đi ăn ở các nhà hàng “truyền thống”, giá một bữa ăn ở nhà hàng Việt Nam sẽ dao động từ 3 đến 4 € và tại các nhà hàng nước ngoài thì vào khoảng 4 đến 7 €. Hiện nay, có rất nhiều nhà hàng nước ngoài có mặt ở Sài Gòn, không chỉ có các nhà hàng kiểu Pháp, Ý, Ấn Độ hay Mexico, mà bạn còn có thể tìm thấy những địa chỉ mang phong cách Địa Trung Hải, Hàn Quốc hay Brazil, v.v. Tóm lại, thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều sự lựa chọn về ẩm thực, đặc biệt nếu bạn sống ở một quận “quốc tế” – có nhiều người nước ngoài sinh sống. Các nhà hàng sang chảnh hơn sẽ cung cấp cho bạn các bữa ăn có giá từ 10 đến 30 € một người.

Giá của rượu vang nhập khẩu (tính theo ly hoặc chai) trong các nhà hàng có giá đắt hơn nhiều so với khi được bày bán trong các cửa hàng (đắt hơn từ 30 đến 100%) và có thể nói là ngang ngửa với mức giá ở Pháp. Bạn có thể gọi một ly rượu với giá từ 2 đến 4 € và chai từ khoảng 12 €. Các loại rượu mạnh có giá thành đắt tương tự. Chỉ có bia là rẻ hơn, thường khoảng 1 đến 3 €, tùy thuộc vào nhà hàng bạn đang ăn.

Phí giao đồ ăn ở Sài Gòn

Nếu bạn gọi đồ ăn giao tận nhà thì giá cũng giống như khi bạn ăn tại chỗ, chỉ cần tính thêm phí giao hàng vào khoảng 0,5 đến 2 €. Mức giá trung bình cho việc gọi đồ ăn đến nhà rơi vào khoảng 5-8 €.

Chỗ ở tại Sài Gòn

Giá thuê nhà ở Sài Gòn là bao nhiêu?

Trước tiên chúng ta cần phải phân biệt được các khái niệm như “khu dân cư Việt” (là các khu trung tâm như quận 4, quận 5, quận 8, quận 10, hoặc các quận ngoại thành như quận 9, Thủ Đức) và các khu dành cho Tây : quận 1, quận 2, quận 7.

Tại Sài Gòn, người nước ngoài thường thích sống tại các khu vực Quận 1, 2, 3, 7, Bình Thạnh.

Giá cả tại các khu này như sau (theo tháng):

  • Đối với phòng riêng trong một căn hộ có nhiều phòng (dạng ở ghép): 200 đến 350 €
  • Đối với studio hoặc căn hộ 1 phòng ngủ: 400 đến 600 €
  • Đối với một ngôi nhà truyền thống kiểu Việt có từ 2 đến 3 tầng với 3 phòng ngủ: 600 đến 800 €
  • Đối với một căn hộ 3 phòng ngủ trong khu dân cư sang trọng (có đầy đủ dịch vụ, hồ bơi, cửa hàng), 800 đến 1200 €
  • Đối với biệt thự (3 đến 6 phòng ngủ): 1400 đến 4000 € +

Nói chung sẽ có rất nhiều mức giá thuê nhà khác nhau, tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người.

Đối với các quận khác nằm xa trung tâm hơn hoặc ít “tây” hơn, giá thành sẽ thấp hơn từ 20 đến 50%. Vì vậy, nếu muốn thuê được nhà tốt với giá rẻ, bạn có thể di chuyển ra ở các khu vực ngoại thành hoặc sống trong các khu dân cư đông đúc chung với người địa phương.

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 2

Phí sinh hoạt hàng tháng ở Sài Gòn là bao nhiêu?

  • Internet: 10 đến 15 €
  • Truyền hình cáp: 10 €
  • Điện thoại 4G: từ 3 đến 10 € tùy theo dung lượng mà bạn đăng kí
  • Điện: 20 đến 30 €
  • Nước sinh hoạt: 4 đến 8 €
  • Thuê người dọn dẹp theo giờ: 2 đến 3 €/giờ

Ngoài ra, đừng quên tính thêm chi phí để gia hạn visa, vào khoảng 400 đến 600 € mỗi năm. Công ty thuê bạn sẽ không chi trả phí này đâu, bạn sẽ phải tự lo đấy.

Giá một căn nhà ở Việt Nam là bao nhiêu?

Trước tiên, bạn nên biết là ở Việt Nam, bạn sẽ không bao giờ được sở hữu vĩnh viễn mảnh đất mà bạn đang sống. Đấy là thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, bạn có thể kí kết một hợp đồng sở hữu nhà hoặc căn hộ dài hạn, trong vòng 50 đến 100 năm.

Ở các thành phố lớn, và đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, giá trung bình của một căn hộ nằm trong các quận gần trung tâm là vào khoảng hơn 2000 euros hoặc dollars cho 1 mét vuông. Mức giá này có thể tăng lên gấp đôi nếu bạn quan tâm đến các dự án bất động sản hạng sang hoặc dự án nằm ở khu vực siêu trung tâm (ví dụ như Quận 1). Đối với dạng nhà phố, giá của chúng còn cao hơn nhiều, lên đến hơn 10.000 euros/mét vuông.

Tại Hà Nội, thị trường bất động sản sẽ có giá rẻ hơn khoảng 25% so với thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các tỉnh thành khác, giá sẽ rẻ hơn khoảng 50%.

Giáo dục tại Sài Gòn

Học phí là bao nhiêu cho một năm học ở Sài Gòn?

Giáo dục có lẽ là một trong những chi phí đắt đỏ nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt nếu bạn cho con mình theo học tại một trường quốc tế.

Với hầu hết những người Pháp xa xứ, trường trung học phổ thông Marguerite Duras vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Mặc dù trường có nằm hơi xa trung tâm thành phố nhưng giá cả lại rất phải chăng so với các trường quốc tế khác và có chất lượng giáo dục đạt chuẩn Pháp. Học phí một năm học là khoảng 5,500 €/học sinh. Thỉnh thoảng trường cũng hay dành tặng học bổng cho một số trường hợp đặc biệt.

Đối với các trường nói tiếng Anh, học phí dao động từ 10.000 € đến 25.000 € mỗi năm cho một học sinh.

Để biết thêm chi tiết về các trường quốc tế, bạn có thể đọc bài viết này.

Vậy còn học thêm ở Sài Gòn thì giá bao nhiêu?

Dù là người Việt Nam hay người nước ngoài thì giáo dục luôn là vấn đề được đặc biệt coi trọng. Vì vậy, rất nhiều lớp học thêm được mở ra, có thể học tư hoặc học theo nhóm. Giá của một lớp học thêm ngoại ngữ hay một môn học phụ đạo nào đó sẽ dao động từ 15€ đến 35€ / giờ.

Y tế tại Sài Gòn

Rất khó để có thể đánh giá chính xác về chi phí y tế ở Sài Gòn. Nhìn chung thì chất lượng chăm sóc y tế ở mức tương đối tốt, cơ sở hạ tầng phát triển, có cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư hay bệnh viện quốc tế cho bạn lựa chọn.

Tuy nhiên, có sự chênh lệch giá rất lớn giữa các cơ sở y tế thuần Việt và cơ sở quốc tế. Bạn nên mua thẻ bảo hiểm sức khỏe để chi trả phần nào cho chi phí khám chữa bệnh ở các bệnh viện quốc tế, vốn có giá cao hơn nhiều so với chi phí bạn phải trả ở Pháp. Ở Sài Gòn cũng có bệnh viện chuẩn Pháp do người Pháp thành lập, đó là bệnh viện Pháp Việt – FV.

Chi phí tại các bệnh viện thuần Việt:

  • Thăm khám: 1,5 €
  • Chụp X-quang: 10-15 €
  • Nằm viện: 30-50 €/đêm

Chi phí ở bệnh viện quốc tế

  • Thăm khán: 80 €
  • Chụp X-quang: 280 €

Chi phí sinh hoạt linh tinh hàng ngày ở Sài Gòn

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 3

Sau đây là một vài ví dụ cơ bản:

  • 1 suất xem phim: 4 đến 5 €
  • 1 lần cắt tóc: 2 đến 5 €
  • Đăng kí tập thể thao theo tháng ở các trung tâm: 15 đến 50 € +
  • 1 giờ mát-xa: 10 đến 15 €
  • Giá thuê xe máy mỗi tháng: 40 €
  • Một lít xăng: 1 €
  • Đi taxi 5km: 5 €
  • Đi xe ôm 5km: 2€
  • Một gói thuốc lá: 1€
  • Một chiếc áo sơ mi được thiết kế riêng: 20 €

Chất lượng cuộc sống ở Sài Gòn

Sau khi xem xét tất cả các chi phí sinh hoạt thiết yếu, bây giờ chúng ta hãy xem có thể làm gì, chơi gì ở Sài Gòn nhé. Văn hóa, địa điểm ăn chơi, đời sống xã hội, du lịch… mời bạn cùng tìm hiểu.

Di chuyển và du lịch quanh Sài Gòn

Một trong những lợi thế không thể phủ nhận khi sống ở Sài Gòn là bạn có thể du lịch đến những nước khác ở khu vực Đông Nam Á bằng các chuyến bay thẳng với giá cả rất phải chăng.

Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay duy nhất trên thế giới nằm ở trung tâm thành phố. Nó cách các quận huyện lân cận chỉ tầm 30 phút di chuyển, điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho việc du lịch bằng đường hàng không.

Du lịch nước ngoài

Hồng Kông, Singapore, Đài Bắc, Bangkok, Kuala Lumpur, đều là những điểm đến tuyệt vời, cách Sài Gòn từ 1 giờ đến 3 giờ bay, với mức giá vé dao động từ 70 đến 150 €. Bạn có thể lên kế hoạch để đi du lịch nước ngoài vào cuối tuần mà không phải tốn kém quá nhiều.

Ngoài ra còn những điểm đến khác xa hơn một chút, cách Sài Gòn 4 đến 5 giờ bay, nhưng cũng có chuyến bay thẳng, chẳng hạn như Nhật Bản, Úc hay Ấn Độ, (giá vé sẽ dao động trong khoảng 250 € đến 400 €).

Du lịch trong nước

Từ Sài Gòn, bạn có thể di chuyển dễ dàng đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Nếu thích biển, bạn có thể bay ra đảo Phú Quốc (mất khoảng 45 phút) hoặc đến thăm các bãi biển đẹp ở Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng.

Đối với những người yêu thiên nhiên, nếu ở miền Nam chúng ta có Đà Lạt, Pleiku, thì ở miền Bắc bạn có thể du lịch ở Hà Nội và các vùng lân cận như Ninh Bình, vịnh Hạ Long hay các vùng núi ở phía Bắc. Thành phố Huế ở miền Trung cũng là một địa điểm rất đáng để đến tham quan.

Giá vé khứ hồi cho các chuyến bay trong nước dao động trong khoảng 30 đến 120€, nhìn chung đây là một mức giá khá hợp lý và vừa túi tiền.

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 4

Loanh quanh thành phố Hồ Chí Minh

Mặc dù Sài Gòn nằm gần ở vị trí tương đối gần bờ biển, nhưng các địa điểm để đi chơi cuối tuần gần Sài Gòn (dưới 2 giờ di chuyển) lại không có nhiều. Vũng Tàu là bãi biển gần Sài Gòn nhất, nhưng lại không được ưa chuộng bằng Hồ Tràm (cách Sài Gòn 2h30p đi xe) hoặc Phan Thiết/Mũi Né (cách Sài Gòn 5h đi xe).

Nếu bạn yêu thiên nhiên và muốn được khám phá, trải nghiệm nhiều hơn, đồng bằng sông Cửu Long hay vùng Cát Tiên có thế sẽ là những điểm đến khiến bạn hài lòng (cách Sài Gòn 2 giờ lái xe).

Cuộc sống về đêm ở Sài Gòn

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 5

Đây là một trong những điểm đặc trưng nhất của Sài Gòn. Dù là ngày trong tuần hay cuối tuần, thành phố luôn sôi động vào ban đêm và các buổi tiệc có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng.

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với số lượng quán bar, nhà hàng, hộp đêm… có mặt ở Sài Gòn. Tùy thuộc vào túi tiền, bạn có thể lựa chọn những quán nhậu bình dân ở lề đường hay quán bar trên tầng thượng của các khách sạn lớn với view cực đẹp, cho phép bạn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố về đêm.

Sống hết mình trong một thành phố luôn sáng rực ánh đèn neon, có thể bạn sẽ được tận hưởng những đêm đẹp nhất đời mình ở Sài Gòn.

An ninh ở Sài Gòn

Sài Gòn nhìn chung là một thành phố rất an toàn. Tội phạm tất nhiên có tồn tại, nhưng chỉ giới hạn trong các tội nhẹ và trên hết là không có bạo lực. Bạn có thể thoải mái đi dạo trên đường vào bất kì thời điểm nào. Tuy nhiên, vẫn phải luôn đề phòng, tránh để bị móc túi nhé.

Giải trí ở Sài Gòn

Sài Gòn có rất nhiều chợ và trung tâm thương mại giúp bạn thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Đa số các trung tâm thương mại còn có thêm các hoạt động giải trí để phục vụ cho gần 10 triệu dân sinh sống ở thành phố này : trò chơi điện tử, khu vui chơi trẻ em, sân trượt băng, trò chơi thoát hiểm, rạp chiếu phim…

Ngoài ra, nếu bạn yêu thích thể thao, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các câu lạc bộ hay các phòng tập phù hợp với nhu cầu của mình.

Văn hóa Sài Gòn

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 6
Đây là một trong những điểm mà chúng tôi cảm thấy khá thất vọng khi sống ở Sài Gòn.

Nếu bạn đến từ một thành phố lớn của Châu Âu, bạn có thể sẽ hơi thất vọng trước văn hóa của Sài Gòn!

Có rất ít các bảo tàng, các buổi hòa nhạc hay lễ hội cũng hiếm khi được tổ chức. Các nghệ sĩ sân khấu đến từ quốc tế (hay thậm chí là trong nước) cũng không được tôn vinh nhiều. Tuy nhiên, tình hình đang dần được thay đổi khi Việt Nam đã bắt kịp ngày càng gần với xu thế phát triển của nền văn hóa toàn cầu.

Nhưng cần phải nhìn nhận rằng : không thể nói rằng Sài Gòn là một thành phố không có văn hóa được. Chúng ta cảm nhận được văn hóa của Việt Nam trong từng ngóc ngách của các con phố, ngõ hẻm ở Sài Gòn. Mặt khác, rất nhiều di sản văn hóa từ thời thuộc địa vẫn còn tồn tại và được sử dụng cho đến ngày hôm nay, ví dụ như Nhà hát Thành Phố.

Thiên nhiên ở Sài Gòn

Sinh sống ở Sài Gòn vào năm 2020: cẩm nang kinh nghiệm và mức phí sinh hoạt cần biết 7

Đây lại là một trong những điểm yếu của thành phố, đó là thiếu rất nhiều không gian xanh. Đó là lí do vì sao người dân thường xuyên rời Sài Gòn đi du lịch để được tận hưởng không khí trong lành.

Vẫn có một số công viên và không gian xanh trong thành phố, nhưng đấy vẫn là chưa đủ nếu chúng ta so sánh với tiêu chuẩn của phương Tây, Châu Mỹ hoặc Úc. Các không gian tự nhiên thì cũng có hiện hữu, nhưng lại không được thiết kế để giải trí như kiểu công viên…

Nếu bạn là một người nhạy cảm với khói bụi hoặc có ý định sống lâu dài ở khu vực trung tâm thành phố thì có lẽ nên suy nghĩ lại, vì khu vực này hay bị kẹt xe và khá là ô nhiễm.

Khí hậu Sài Gòn

Hãy kết thúc bài viết với một điểm tích cực (đặc biệt là đối với những người yêu thích khí hậu nhiệt đới): thời tiết ở Sài Gòn tốt quanh năm với nhiệt độ ổn định và khá nóng (tuy nhiên không đến nỗi ngột ngạt). Nhiệt độ thấp nhất vào khoảng 22-23 ° và cao nhất là từ ​​32 đến 35 °.

Vào mùa mưa, trời cũng chỉ mưa lác đác: 2 đến 3 lần một tuần, và kéo dài trong khoảng 1 đến 4 giờ.

 

Bạn muốn sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh vậy sao không bạn thử khởi nghiệp?

Liên hệ LesMichels.fr! Thiết kế thương hiệu, Thiết kế web, SEO, chúng tôi cung cấp hàng loạt các dịch vụ để phát triển doanh nghiệp của bạn!

 

[caldera_form id=”CF604b19dfafa72″]

Rate this post

Viết một bình luận