Soạn bài Tam đại con gà – chuabaitap.com

Tiểu dẫn

  Truyện cười có hai loại: truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí (song vẫn có ý nghĩa giáo dục). Truyện trào phúng có mục đích phê phán. Đối tượng phê phán phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên của xã hội nông thôn Việt Nam xưa. Cũng có khá nhiều truyện cười phê phán thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân. 

Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày là những truyện thuộc loại trào phúng, phê phán thầy đồ dốt và quan lại tham nhũng. 

Bố cục:

Bố cục: 3 phần:

Mở truyện: Câu đầu – giới thiệu mâu thuẫn trái tự nhiên 

Thân truyện: Tiếp đến – “ Tam đại con gà nghĩa là làm sao?” và các tình huống mâu thuẫn gây cười.

Kết truyện: Câu cuối – Lật tẩy bản chất dốt nát mà lại cố giấu dốt của thầy đồ, bật lên tiếng cười. 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

 

Câu 1: Tìm hiểu mâu thuẫn trái tự nhiên ở nhân vật “thầy’’ qua việc phân tích ba khía cạnh sau :

– “Thầy’’ liên tiếp bị đặt vào tình huống nào ?

 – “Thầy’’ đã giải quyết tình huống đó ra sao ?

 – Trong quá trình giải quyết các tình huống, “thầy’’ đã tự bộc lộ cái dốt của mình như thế nào?

 

“Thầy’’ liên tiếp bị đặt vào các tình huống làm bộc lộ bản chất dốt nát, đi kèm với đó là những cách giải quyết tình huống đầy liều lĩnh, thiếu thuyết phục:

+ Lần thứ nhất: Chữ “kê” trong Tam thiên tự, nhưng thầy lại không nhận được mặt chữ. Vì học trò hỏi gấp quá, thầy nói liều “Dủ dỉ là con dù dì”. Rõ ràng, “dủ dỉ”  không phải là chữ Hán, và trên đời cũng làm gì có sự vật nào mang tên dủ dỉ, dù dì cả. Sự dốt nát của thầy ở đây, là do thiếu cả kiến thức sách vở, lẫn kiến thức thực tế cuộc sống. => Người “thầy” bị bộc lộ sự dốt nát và liều lĩnh. 

+ Lần thứ hai: Vì sợ nhỡ dạy sai, thì sẽ rất xấu hổ, nên thầy bảo học trò đọc khẽ, và thấp thỏm trong lòng. => “Thầy” tỏ ra khá thận trọng trong việc giấu dốt. 

+ Lần thứ ba: “Thầy” nhò đến Thổ công của gia chủ, để xin quẻ xem những gì mình dạy cho học trò có phải là đúng hay không. “Thổ công cho ba đài được cả ba”. Vậy là thầy đắc ý, “Bệ vệ ngồi lên giường bảo trẻ đọc to”. Bọn trẻ gào to “Dủ dỉ là con dù dì”. => Sự dốt nát như được khuếch đại lên, và anh “thầy” cảm thấy tự hào, hãnh diện về cái sự dốt mà mình đang có. 

+ Lần thứ tư: Cái dốt của “thầy” bị lộ tẩy khi chủ nhà chỉ ra lỗi sai của thầy. Thế nhưng, thầy vẫn không hoàn toàn chấp nhận điều đó, mà lại đổ thừa, nhạo báng chính cái dốt của mình: “Mình đã dốt, Thổ công nhà nó còn dốt hơn”. Hơn nữa, cái dốt của thầy còn được đấy lên đến đỉnh điểm, với cách che đậy gượng gạo, không hề thuyết phục: “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”. => Cái dốt của “thầy” bị lật tẩy nhưng thầy lại bằng mọi cách che đậy và không chấp nhận điều đó. 

Như vậy, ở mỗi tình huống gây cười trên đây, cách “thầy” giải quyết tình huống đã tự bộc lộ cái dốt của mình. Tuy nhiên, “thầy” lại không chịu nhận mình là dốt, cố gắng che đậy để cuối cùng vẫn lộ ra sự dốt của mình. Các tình huống được miêu tả liên tiếp đã làm bật lên tiếng cười phê phán.

 

Câu 2: Hãy chỉ ra ý nghĩa phê phán của truyện (Có phải chỉ phê phán một đối tượng cụ thể là anh học trò dốt không?)

 

– Ý nghĩa phê phán của truyện: Qua hình ảnh thầy đồ, truyện Tam đại con gà không phải chỉ phê phán một đối tượng cụ thể là anh học trò dốt mà thông qua đó, nó phê phán tật xấu trong một bộ phận nhân dân không nhỏ: giấu dốt; muốn che đậy cái dốt, kém hiểu biết của mình. Câu chuyện còn mang ý nghĩa, ngầm khuyên răn mọi người, đặc biệt là những người đi học, không nên che đậy sự thiếu hiểu biết củ bản thân. Nếu cứ che giấu như vậy, mỗi người sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được. Chúng ta cần mạnh dạn học hỏi, bổ sung những kiến thức còn thiếu còn thiếu cho mình thì mới nhanh tiến bộ. 

– Truyện không chỉ mang ý nghĩa phê phán một đối tượng cụ thể là anh học trò dốt, mà phê phán tật xấu trong một bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, những tình huống trong truyện vẫn chủ yếu mang tính chất gây cười, chứ chưa tới mức cười nhằm đả kích và triệt tiêu đối tượng.

 

GHI NHỚ

Cái dốt không che đậy được, càng giấu càng lộ ra, càng làm trò cười cho thiên hạ. Nghệ thuật gây cười của truyện được khai thác từ mâu thuẫn trái tự nhiên này. 

 

LUYỆN TẬP 

Hãy phân tích hành động và lời nói của nhân vật “thầy” để làm sáng tỏ thủ pháp gây cười trong truyện.

 

1. Hành động:

Nhân vật “thầy” đã có những hành động cụ thể là: 

Hành động biểu hiện cho sự thận trọng, muốn che giấu cái dốt của mình: bảo học trò đọc khẽ, khấn xin âm dương thổ công. 

Hành động biểu hiện sự đắc chí, sự yên tâm tuyệt đối vào bản thân mình: bệ vệ ngồi trên giường bảo trẻ đọc thật to. => Đây là hành động có khả năng bộc lộ rõ nhất bản chất nhân vật và khiến tiếng cười bật ra một cách thoải mái nhất. 

2. Lời nói:

+ Dạy trẻ: “Dủ dỉ là con dù dì”.

+ Chống chế: Dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà.

+ “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”.

Càng về sau, các lời nói càng chứa đựng nhiều sự phi lý, ngô nghê, vô nghĩa. Thế nhưng, nhân vật “thầy” vẫn dùng những lời nói ấy để ngụy biện, chống chế, che giấu cái dốt của mình. Vì thế, sự dốt nát càng bị lộ rõ. 

Các yếu tố gây cười trong truyện được sắp xếp theo thủ pháp tăng tiến. Càng những hành động và lời nói về sau, lại càng đưa “thầy” vào tình huống khó xử hơn, qua đó càng thể hiện bản chất của “thầy” được rõ ràng hơn.  

Rate this post

Viết một bình luận