Sống chậm để thưởng thức

Chậm không phải là chậm chạp, đương nhiên thế, chậm là bình tĩnh, ung dung tự tại, chậm là kĩ càng chắc chắn, làm việc có xét đoán, suy nghĩ. Chậm là đủ hiểu đời và biết thích ứng với nó. Ấy là một tư thế và phong thái, để chậm được cũng cần rèn luyện và đòi hỏi những điều kiện nhất định…

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, có một chi tiết rất tầm thường mà tôi đặc biệt lưu ý đó là hai kẻ gian hùng bậc nhất Đổng Trác và Tào Tháo khi oai quyền lấn át thiên hạ, họ được ban một thứ quyền rất kì lạ: “vào chầu không phải bước rảo”. Hãy lưu ý cụm từ này, “không phải bước rảo”, nghĩa là được quyền đi chậm. Đi chậm nói lên điều gì? Nó là đặc quyền của thiên tử, chỉ có thiên tử mới có quyền đủng đỉnh, còn cận thần thì phải khẩn trương. Được quyền bước chậm trong khi vào chầu vua là một đặc ân rất lớn, tự nó đã toát ra ý nghĩa.

Đi chậm là uy quyền, điều này nghe có vẻ như mâu thuẫn vì bây giờ ai cũng muốn nhanh, đi nhanh làm nhanh, chậm chạp làm ru. Những kẻ như Đổng Trác và Tào Tháo được hưởng thứ quyền gì lạ vậy. Thưa không. Đi chậm, sống chậm là một quyền lực, người ta phải thế nào mới được quyền chậm. Sống chậm là thưởng thức.

Tất nhiên bây giờ chúng ta không cần uy quyền như Đổng Trác, Tào Tháo vẫn có thể sống chậm được. Chậm là một cách sống, một lựa chọn. Chậm là đã tiến lên một tầm mức mới, khi người ta có thể sống chậm, ấy là khi họ đã bình thản, tự tin và cũng đủ thành công trong đời.

Chậm không phải là chậm chạp, đương nhiên thế, chậm là bình tĩnh, ung dung tự tại, chậm là kĩ càng chắc chắn, làm việc có xét đoán, suy nghĩ. Chậm là đủ hiểu đời và biết thích ứng với nó. Ấy là một tư thế và phong thái, để chậm được cũng cần rèn luyện và đòi hỏi những điều kiện nhất định.

Luận về từ chậm, tôi lại nhớ đến một quyển tiểu thuyết của Milan Kundera tên tiếng Anh là “Slowness”. Ở lần đầu xuất bản bằng tiếng Việt, cuốn sách được dịch là “Chậm rãi”, rất tiếc sau này tái bản đổi tên là “Chậm”. Chậm và chậm rãi khác nhau nhiều lắm chứ. Từ thứ nhất chỉ sự chậm chạp đơn thuần, từ thứ hai là sự bình thản, an nhiên, tôi đã có ý kiến với dịch giả nhưng đáng tiếc sách đã ra rồi!

Người Việt ta ban đầu là chậm rãi, cứ nhìn những người đi bộ mà xem, nếu có ba người đi bộ trên đường, một người Đức, một người Nhật và một người Việt, tôi chắc chắn người Việt sẽ tụt lại phía sau nếu như không có một sự thúc ép hay đòi hỏi nào đó. Người Việt đủng đỉnh bước trong khi người Đức và người Nhật sẽ guồng rất nhanh dù họ không phải vội vã gì cả.

Nhiều người cho rằng vì nước Đức và nước Nhật đã là những nước công nghiệp phát triển từ lâu, họ cần nhanh để bắt kịp tốc độ của công nghiệp, của máy móc. Còn nước Việt, mới bắt đầu tiến vào xã hội công nghiệp, bản chất của đời sống nông nghiệp vẫn còn đậm vị, vì thế không cần quá nhanh, quá gấp gáp làm gì. 

Ngoài lí do là đời sống kinh tế gần gũi với sản xuất nông nghiệp thì tôi cho rằng bản chất người Việt cũng ưa chậm rãi. Họ thích sự khoan thai, rề rà. Đến nhà nhau chơi mà về sớm quá thì sẽ coi không đủ sự trân quý, hoặc cứ nhìn vào các bữa nhậu mà xem, đàn ông Việt thích sự la đà, lắm khi một bữa tiệc kéo dài từ mười giờ sáng đến mười giờ đêm vẫn chưa xong! Người Việt có một câu để biện minh cho sự la cà, dềnh dang này:

“Long đong cũng tới bến mà nghễu nghện cũng tới nơi”.

Thì thế cuộc sống mới nghèo, nhiều người lấy nguyên nhân ấy để giải thích cho cái sự chậm chạp của người Việt nhưng tôi thấy sự chậm này cũng chưa chắc là điều tệ. Người Nhật họ đi nhanh quá, làm nhanh, họ giầu có nhưng áp lực công việc cũng rất lớn, xứ sở mặt trời mọc đứng đầu về tỉ lệ tự sát vì căng thẳng công việc. Nhìn người Nhật đi đường, thao tác đôi khi trông họ giống như những con rô bốt được lập trình hơn là con người, lúc nào cũng gấp gáp, vội vã. Điều đó giải thích cho sự ức chế và mất cân bằng, còn người Việt, tự tử vì áp lực công việc là điều rất hiếm khi xảy ra. Lại tồn tại những con số thống kê, những nước chưa giàu hoặc không ưa vội vã thì chỉ số hạnh phúc lại cao hơn những nước phát triển, ví dụ như nước Nepal có nền kinh tế kém xa nước Nhật, nước Mỹ nhưng chỉ số hạnh phúc thì cao hơn nhiều.

Nói thế nhưng tôi đã thấy người Việt đã nhanh hơn nhiều rồi, không phải bây giờ mới bắt đầu mà từ khi văn minh thái tây bắt đầu xâm nhập và thổi vào những luồng gió mới, người Việt đã nhanh dần lên. Chính thi sĩ Xuân Diệu đã từng thốt ra rằng:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

Em, em ơi, tình non đã già rồi.

Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,

Mau với chứ! thời gian không đứng đợi…”.

Tất nhiên sự nhanh gấp của Xuân Diệu là dành cho tình yêu và tuổi trẻ. Tuổi trẻ cần nhanh và gấp bởi sự cuồng nhiệt và cái nhịp nhanh mạnh của nước ngoài đã tràn vào như một xu hướng không cưỡng lại được. Người ta sống nhanh, sống gấp vì sợ không đủ thời gian để làm nữa, cả đời cứ chậm rề rề thì làm được việc gì. Thế nhưng có lúc chậm lại là một giá trị, điều ấy không hề mâu thuẫn. Chậm khi ấy là nhâm nhi, là tận hưởng, là bình thản và an nhiên.

 Thế nhưng muốn sống chậm trước hết phải sống nhanh cái đã. Lúc nào cũng chậm thì hỏng và khi nào cũng nhanh sẽ tổn thọ. Đời người có lúc chậm lúc nhanh. Thông thường người ta sẽ nhanh nhẹn, gấp gáp lúc trẻ vì cả tinh thần và thể chất cần như thế. Một tình yêu sôi nổi không thể rề rà, chờ đợi quá lâu được, một việc cần làm ngay thì phải dục tốc cho kịp. Cái sự nhanh thời tuổi trẻ phù hợp với điều kiện lúc ấy, vừa chuẩn bị cho sự chậm rãi lúc già. Tuổi trẻ nhanh nhẹn thì tuổi già được phép chậm rãi.

Thế nhưng có những người cho đến già vẫn còn long đong vội vã, ấy có thể do tính cách của họ, hoặc không có sự chuẩn bị an thân cho mình. Nhìn thấy một người trẻ vội vã thì không mấy bận tâm nhưng thấy một người già quá vội vã, điều ấy hàm chứa những hoàn cảnh thương tâm.

Nghĩ đến sự chậm, tôi lại nhớ đến loài rùa. Rùa nổi tiếng chậm chạp nhưng là một trong những loài vật có tuổi thọ cao nhất. Những loài động vật cực nhanh như hổ báo có tuổi thọ kém xa loài rùa. Rùa chậm khiến người ta phát bực, phát cáu nhưng lại được chọn là con vật làm bệ đỡ, làm nền móng cho những loài vật đẹp đẽ hơn:

“Thương thay thân phận con rùa

Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia”

Tôi cho rằng loài rùa chẳng cần cảm thấy tủi phận cho thân phận của mình,  thậm chí là vinh dự. Sao người ta không chọn một con vật nào khác làm bệ đỡ mà lại chọn rùa. Nên nhớ bệ đỡ, nền móng là điều kiện quan trọng nhất trong bất kì công trình và sự thăng tiến nào. Phải chăng con rùa là sự chắc chắn, bền vững và cả trường thọ nữa. Chính sự chậm của loài rùa cho chúng những ưu thế mà không phải loài nào cũng có được.

Tôi làm biên tập báo khá nhiều năm, mỗi khi cộng tác viên gửi bài đến, họ thường giục tôi đọc nhanh, làm nhanh. Nhanh khi ấy rất tốt và hứng thú vì ai cũng muốn biết đứa con tinh thần của mình được đón nhận ra sao, hay dở thế nào. Nhưng một biên tập viên đâu phải lúc nào cũng chỉ đọc bản thảo và trả lời thư, anh ta còn phải làm những việc khác nữa và điều quan trọng là cần sự tĩnh tâm để thẩm định cho chuẩn và nhận xét. Tôi thấy những người viết gấp gáp quá, giục dồn thường không đạt, vì sự nóng lòng thái quá thường là kết quả của sự thiếu chín chắn và kiên nhẫn, cũng chưa đủ một sự tự tin cần thiết. Cuộc sống đôi khi phải chậm một chút mới nhanh được, chậm là sự cẩn thận, chắc chắn và bền vững, là những gì mình làm ra không đáng bị vất đi, là sự công phu và tâm huyết làm ra những  sản phẩm có chất lượng.

Nhanh chậm cần hài hòa và tùy thời, tùy thế. Người ta nhìn vào hoàn cảnh để quyết định tốc độ của mình. Khi tất cả đều nhanh ta chậm có được không hoặc họ chậm mà ta nhanh có ổn chăng? Chọn sự đồng tốc với xung quanh hay đi theo một hướng khác. Tôi thỉnh thoảng lại nhìn thấy những người thảnh thơi rất sớm vì họ đã chuẩn bị cho sự chậm rãi của mình từ lâu rồi. Họ đã rất nhanh để có thể chậm, họ từng rất gấp để có thể thong dong.

Người Việt thì có vẻ đi ngược với những quy luật thông thường. Chúng ta từng quen sống chậm, bây giờ thì lại bắt đầu sống nhanh quá, muốn chậm lại phải rèn luyện, tu tập từ từ.

Điều ấy mâu thuẫn chăng?

Rate this post

Viết một bình luận