Một người chuyển qua chế độ ăn uống lành mạnh chưa thể coi là sống chậm.
Chia sẻ quan điểm về sống chậm, độc giả Hung lấy dẫn chứng từ chính thói quen sinh hoạt của gia đình mình: “Bữa cơm của gia đình tôi chỉ có 10.000 đồng cho cả hai vợ chồng. Vợ chồng tôi năm nay ngoài 50 tuổi, có hai con trai sinh 2000 và 2004. Tôi đi làm cho công ty nước ngoài được 18 năm và đã nghỉ việc được bảy năm. Gia đình tôi có cơ sở kinh doanh hàng nội thất từ năm 2000 đến giờ. 10 năm qua, chi phí sinh hoạt cho cả gia đình (bao gồm tất cả các khoản) đều từ nguồn thu nhập thụ động.
Hàng ngày, vợ chồng tôi thức dậy từ 5h sáng để vệ sinh nhà cửa. Sau đó, chúng tôi đi ra ngoài ăn sáng đến 8h30 mới về mở cửa hàng. Con trai lớn tôi đi Đại học xa nhà, còn cháu thứ hai đang học phổ thông, ở với vợ chồng tôi. Bữa cơm trưa và chiều, thức ăn của chúng tôi chủ yếu là rau, lạc rang hoặc cá khô, những thứ này chẳng đáng là bao nhiêu tiền. Còn thức ăn cho con được chế biến thực phẩm khác, phù hợp với tuổi đang phát triển”.
Cũng hài lòng với thói quen sống chậm của bản thân, bạn đọc Nguyễn Châu chia sẻ: “Tôi không biết chính xác sống chậm là thế nào? Nhưng tôi thấy cứ cố phấn đấu cũng không phải là sống nhanh. Còn bản thân tôi, tôi vui và hài lòng với cuộc sống của mình: sáng đi làm từ 6h30, tối về nhà lúc 18h30, tính ra mất 12h mỗi ngày để làm việc. Từ 18h30 – 21h30, tôi dành thời gian cho con. Sau khi con ngủ, tôi mới dành cho mình. Cuối tuần, chúng tôi dành ra 90 phút riêng tư cho hai vợ chồng ở một quán cà phê quen thuộc, yên tĩnh, hoặc đơn giản là mở toang cửa và cả nhà cùng ngồi quay quần nói chuyện với nhau.
Vợ chồng tôi cũng ăn chay, nên thấy khá thoải mái, dù vẫn nấu ăn có thịt động vật cho con nhỏ đang tuổi lớn. Tôi nghĩ đơn giản: sống chậm là biết mình đang làm gì, hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của chính mình. Tôi không thích, cũng không cổ xuý cho việc sống chậm là ngừng phấn đấu, rồi đổ thừa cho việc bận rộn mà lười dọn dẹp, lười nấu ăn, ăn bậy bạ, không có thời gian cho bản thân và gia đình, nhưng đến khi chuyển qua ăn uống lành mạnh lại kêu là sống chậm. Đây là điều mà tôi thấy hầu hết các bạn trẻ đang mắc phải”.
>> Ăn Tết tối giản không cần bỏ truyền thống
Giải thích rõ hơn bề sống chậm, độc giả Vodanh nêu quan điểm: “Rất nhiều người hiểu sai về hai từ ‘sống chậm’. Sống chậm là toàn tâm, toàn ý với việc mình đang làm. Và vì cẩn trọng, cân nhắc, tránh sai sót đáng tiếc do lơ là ý thức tạo ra, nên đa số họ sẽ chậm hơn một người bình thường chỉ làm theo thói quen, để rồi cũng gặp rắc rối vì thói quen xuất hiện không đúng chỗ, sai thời điểm. Ví dụ, một người tưới nước cho chậu cây, chỉ cần đủ cẩn thận sẽ không để nước vung vãi, đổ ra ngoài, không ảnh hưởng đến người khác đi qua đi lại, không phải mất công lau dọn sau đó (những rắc rối không đáng có).
Sống chậm là một cách sống trải nghiệm, học hỏi mọi biểu hiện, dù là nhỏ nhất của thân – khẩu – ý, ý thức rõ ràng như mình đang thực sự làm gì, nghĩ gì, nói gì”.
“Xã hội thà thiếu vật chất một chút nhưng mỗi con người trong xã hội đều thấy hạnh phúc, còn tốt đẹp gấp trăm nghìn lần cái xã hội dư dả vật chất mà con người trong đó lúc nào cũng giẫm đạp lên nhau mà sống. Hơn nữa, năng suất xã hội không hoàn toàn phụ thuộc vào việc con người trong đó lăn xả hay bất chấp như thế nào? Con người khi thư thái về tâm hồn có thể tạo ra những thành quả gấp chục lần so với những người cắm đầu mù quáng làm trong cùng một lượng thời gian”, bạn đọc VuNga Tran nhấn mạnh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.