“Sống đơn giản”.
- DÀN Ý:
- Mở bài: Giới thiệu về triết lí sống của bản thân: “Sống đơn giản”.
- Thân bài:
- a) Giải thích:
– Khái niệm triết lí sống là gì?
– Sống đơn giản là gì?
- b) Bàn luận:
– Để có một cuộc sống đơn giản thì phải hành động như thế nào?
+ Biết điều chỉnh mọi nhu cầu ở giới hạn nhất định.
+ Sắp xếp thời gian, tiền bạc,…hướng tới quan tâm mọi người xung quanh nhiều hơn.
– Tại sao phải sống đơn giản?
+ Chỉ có sống đơn giản thì mỗi người mới có đủ thời gian để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống.
+ Chỉ có sống đơn giản thì mới thực với chính bản thân mình, thanh thản hơn.
– Sống đơn giản không phải là lẫn tránh hiện thực, chạy theo giá trị hư không.
– Sống đơn giản không phải là biết chấp nhận cái tầm thường sẵn có mà là vươn tới cái hay cái đẹp nhất định.
– Dẫn chứng: Cuộc sống thanh bần của Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh,…..
– Mở rộng, liên hệ với cách sống của giới trẻ ngày hôm nay. Phải biết nhìn vào giá trị đích thực của cuộc sống. Không chạy theo những thú vui vô bổ.
- c) Bài học nhận thức: nhàn tâm, biết dừng lại ở mức đủ, biết người biết mình, hành xử đúng đắn văn hóa, đặc biệt là cảm nhận đâu mới là giá trị đích thực ở xung quanh ta.
- Kết bài:
Khẳng định lại sống đơn giản là một phương pháp sống phù hợp với tất cả mọi người và lợi ích không thể nghĩ bàn.
- BÀI LÀM:
Cuộc sống hiện đại với đủ mọi tiện nghi vật chất, vô số những con đường với ánh sáng rực rỡ đôi khi làm bước chân ta không thể có chọn lựa đúng đắn. Để có thể tiếp tục vững bước trên con đường đầy chông gai của cuộc đời, ai cũng có những triết lí sống riêng. Một trong số đó là “sống đơn giản”.
Mỗi người mỗi cảnh vì thế triết lí sống cũng có thể khác nhau, song tất cả đều là để hướng tới hai chữ hạnh phúc thật trọn vẹn. Triết lí sống ở đây có thể hiểu là những quan niêm về cuộc sống và mọi người lấy đó làm kim chỉ nam để hành động. Sống đơn giản không đồng nghĩa với cuộc sống khổ hạnh và nghèo đói, mà đó là một cuộc sống hòa đồng với thiên thiên, tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ động – tĩnh; một cuộc sống vô tư và thanh sạch. Đặc trưng của lối sống này là đơn giản hóa. Một nhà triết học nổi tiếng người Mĩ (Su-rô) đã từng nói: “Tôi đến với rừng sâu là bởi tôi muốn có cuộc sống nhàn nhã, thong dong. Chỉ khi đối diện với bản chất của cuộc sống thì ta mới tìm ra ý nghĩa thật sự của nó. Tôi không muốn khi tử thần đến bên mình thì mới nhận ra rằng mình vẫn chưa hề biết đến hạnh phúc nơi trần thế. Tôi muốn được tận hưởng cuộc sống, tận hưởng tất cả những tinh túy của cuộc sống này…”.
Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta bị lôi cuốn vào quá nhiều vật chất nào là nhà cao cửa rộng, tiền nhiều bạc lắm, ..Tất cả những thứ đó đã hút hết mọi sức lực của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên khô cằn kiệt quệ. Chúng ta đánh mất cả tự do thanh thản trong tâm hồn mình vì những mục đích bên ngoài như vật. Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi cho chính bản thân, mình thực sự cần đến những thứ đó hay tất cả chỉ để thỏa mãn cho tính hiếu thắng của chính mình? Sống đơn giản chính là để nghe xem tiếng lòng của mình nói gì, đâu mới là cái đích mà mỗi người cân phấn đấu để đạt đến. Sống đơn giản là sống thực sự với bản thân chứ không bị xao động bởi ngoại cảnh bên ngoài. Có bao giờ ta thật sự nghe theo bản thân mà không bị những phán xét bên ngoài gây nhiễu động? Vậy nên sống đơn giản là theo mách bảo của trái tim, của tâm hồn ẩn sâu bên trong ta.
Hướng tới một cuộc sống đơn giản mỗi người cần phải có lòng quyết tâm và sức sáng tạo, thực sự hòa mình vào cuộc sống để cảm nhận. Là con người ai cũng nhu cầu riêng. Song vấn đề ở đây là nhu cầu đó có phù hợp với hoàn cảnh, bạn có thực sự cần nó hay không. Ông bà ngày xưa có câu: “Lòng tham vô đáy”. Thật vậy, con người ta đôi lúc đã nhúng chân vào vũng bùn của vật chất, danh vọng,…rồi thì khó có thể rút chân ra được. Lòng tham đó sẽ đẩy chúng ta vào hoàn cảnh khôn lường, nợ nần chồng chất, gia đình đổ vỡ,..ta bị đưa vào thế cùng quẫn và không lối thoát; ta mãi chạy đôn chạy đáo để thoát ra, càng ngày ta càng hành động ngu muội và tâm hồn kia sẽ trở nên chai sạn, trơ lì. Vậy ta cần phải biết điều chỉnh mọi nhu cầu ở giới hạn nhất định, đủ để ta sống bằng lòng, thanh thản không vướng bận.
Sống đơn giản cũng có nghĩa là sống sâu sắc hướng mối quan tâm của mình vào mọi người xung quanh nhiều hơn, thiết lập các mối quan hệ dựa trên tình nghĩa thật sự chứ không vì mục đích vụ lợi. Vật chất cũng quan trọng, song có những thứ còn quan trọng hơn nó rất nhiều, đó là tình yêu thương giữa con người với nhau. Biết sắp xếp mọi công việc, thời gian để hướng tới những hành động có ích thật sự cho mọi người và chính bản thân ta. Đó không phải là những việc làm lớn lao, to lớn mà đôi khi chỉ là một bàn tay khi họ vấp ngã, một bờ vai khi họ đang cô đơn, một cái siết nhẹ giữa màn đêm u tối…chỉ cần ta hành động với cả tấm lòng, bằng trái tim đầy ắp tình yêu thương. Tự sống và tạo dựng xung quanh một cuộc sống chân thực bằng tấm lòng. Chỉ khi nào bạn cảm thấy an nhàn, bắt đầu một cuộc sống thực sự, khi đó mới có thể phát triển tinh hoa, chạm tới hạnh phúc thật sự, điều đó nằm trong tầm tay mỗi chúng ta.
Sống đơn giản không phải là lẫn tránh thực tại tầm thường hay thoát li mơ mộng mà là biết nhìn vào thực tế để đối diện, sống thực. Bởi người sống đơn giản không chạy theo những giá trị phù phiếm, tiền tài, danh vọng mà hướng tới tình yêu thương. Họ biết kiềm hãm những ham muốn nhất thời, làm chủ chính bản thân trước mọi cám dỗ hoa lệ để hướng tới những cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, non nước và con người. Lối sống này đã được ông cha ta coi trọng từ xưa và trở thành một trong những giá trị văn hóa cổ truyền của người Việt. Không phải người Việt ta chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng của triết học, tôn giáo nên có xu hướng sống an nhàn mà ở bất cứ dân tộc quốc gia, thời đại nào thì một cuộc sống tự do thanh thản, có ích cho đời luôn được đề cao. Nguyễn Trãi – bậc đại anh hùng dân tộc, nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử Việt Nam, ngày xưa cũng vì buồn chán danh vọng, địa vị, những tranh chấp quyền lực mà về lánh gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào song núi nước non; song lòng ông vẫn luôn hướng về nhân dân, lấy cái đau của nhân dân làm cái đau của mình, lấy cái khổ của nhân dân làm cái khổ của mình và mong muốn cho nhân dân sẽ được sống trong hạnh phúc, sung sướng: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ, khắp đòi phương.” Một hình ảnh thuyết phục hơn về lối sống đơn giản ta có thể nói đến vị cha già của dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh. Người đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp cứu nước vĩ đại, nhưng Người lại có một lối sống giản dị mà không vị lãnh tụ trên thế giới này có được. Mùa hè nóng lắm, Hà Nội là vào nơi nóng bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng Bác không cho lắp máy điều hòa không khí. Còn quạt máy thì cho đến năm 78, 79 tuổi, Bác vẫn không chịu dùng quạt trần và quạt để bàn. Về mùa đông, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác dùng nhiều năm rồi. Mới đầu bông xốp còn dày, ấm. Sau dùng mãi nó lép kẹp xuống không ấm lắm nữa. Nhưng chưa ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ cả mền bông đâu, chỉ nghĩ đến thay cái vỏ ngoài. Lúc đầu cái vỏ bằng vải mới, dần dần nó phai màu, đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ. Bác bảo mạng lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai. Bác đã đem đến một bài học vô cùng quan trọng về lối sống đơn giản.
Trong cuộc sống hiên đại ngày nay, con người luôn luôn phải chịu đựng một áp lực quá tải do cuộc sống mang lại. Ngay từ khi đang là một đứa trẻ người ta đã bị cuốn theo nhịp sống gấp gáp của cuộc sống. Càng nhiều những căn bệnh về tâm lí xuất hiện làm tổn thương biết bao tâm hồn, con người đang đứng trước bờ vực và cần phải có sự chọn lựa. Trong hoàn cảnh như thế với tư cách là tương lai của đất nước, giới trẻ cần biết chọn lựa cho mình một cuộc sống đơn giản – một cuộc sống nhàn nhã theo đúng nghĩa: nhàn tâm, biết dừng lại ở mức đủ, biết người biết mình, hành xử đúng đắn văn hóa, đặc biệt là cảm nhận đâu mới là giá trị đích thực ở xung quanh ta.
Khi ta sống đơn giản ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc thật sự. Lối sống này không những phù hợp với xu hướng văn minh của thời hiện đại mà còn phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam chúng ta.