Sông Hương và những cây cầu đặc trưng xứ Huế
Huế không chỉ gắn với vẻ đẹp cổ kính của những đền chùa, thành quách, lăng tẩm… mà còn nổi tiếng với dòng sông Hương thơ mộng. Vẻ đẹp, sức quyến rũ của dòng sông Hương đã từng được vua Thiệu Trị ca ngợi trong 20 cảnh đẹp của mảnh đất Cố đô (Thần kinh nhị thập cảnh), bao gồm: “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương). Cùng với Núi Ngự, sông Hương chính là “hồn cốt”, là “tinh thần” của xứ Huế.
1. Huyền tích về dòng sông Hương
Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là sông Hương, cũng có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông, thậm chí có nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông. Nhưng có “một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho”.
Vẻ đẹp sông Hương mơ màng trong sương. Ảnh: Hà Viết Hải
2. Sông Hương bắt nguồn từ đâu?
Sông Hương có hai nguồn chính (dòng Tả Trạch và dòng Hữu Trạch) đều bắt đầu từ dãy Trường Sơn và chập lại thành một tại ngã ba Bằng Lãng. Đoạn từ Bằng Lãng đổ ra biển dài 33 km. Sông Hương chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị xã như Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang. Tất cả đều thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sông Hương chảy đến đâu, làng mạc và cư dân chan hòa đến đó. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Điều đặc biệt, sông Hương chảy đến đâu, làng mạc và cư dân chan hòa đến đó. Dòng sông đã mở ra nguồn thiêng cho sự sống và tâm linh của người dân trên mảnh đất Cố đô.
3. Nét đặc trưng
Sông trong lòng phố
Hiếm có dòng sông nào chảy trong lòng thành phố, và với Huế, sông Hương là dòng sông duy nhất ấy. Chính vì thế nên vẻ đẹp của sông Hương là vẻ đẹp vang bóng một nền văn hóa trải qua nhiều thăng trầm nhưng cũng rất đỗi bí ẩn, quyến rũ của cố đô Huế.
Sông Hương là dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế. Ảnh: ThanhLyly
“Con sông không chảy”
“Con sông dùng dằng, con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” – Đó là những lời thơ nổi tiếng trong bài “Tạm biệt Huế” của nhà thơ Thu Bồn mà sau này đã được phổ nhạc thành ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Xuân An.
Dòng sông thi ca
Cùng với bề dày lịch sử của mình, sông Hương cũng đi vào thơ ca nhạc họa với bấy nhiêu trầm tích và dấu ấn. Từ những lời ca dao dân ca, đến những lời ca Huế. Là hình ảnh trong “Trường ca”, “Tình ca” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (ca khúc Tiếng Sông Hương)…, Sông Hương còn trở thành người bạn trong thơ của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo (“Sông Hương hóa rượu ta đến uống – Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say…”); là cảm hứng về một vùng đất của nhạc sĩ Duy Khánh (“Ai ra xứ Huế thì ra – Ai về là về núi Ngự – Ai về là về sông Hương – Nước sông Hương còn vương chưa cạn – Chim núi Ngự tìm bạn bay về…”)… Có lẽ bao nhiêu tình cảm với Huế là bấy nhiêu sự gợi nhắc về sông Hương.
Sông Hương thơ mộng về đêm. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Dòng sông lễ hội
Không ngoa khi gọi sông Hương là dòng sông lễ hội bởi lẽ nơi đây đã trở thành không gian của biết bao lễ hội gắn liền với văn hóa Cố đô: lễ hội hoa đăng, lễ hội điện hòn Chén, lễ hội đua ghe truyền thống, ca Huế trên sông Hương… Là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, những lễ hội Festival hàng năm tại Huế, bao giờ cũng có những chương trình hấp dẫn gắn liền với sông Hương: Huyền thoại sông Hương (2008), Âm vọng sông Hương (Festival 2018)…
Lễ hội đua ghe truyền thống được tổ chức trên sông Hương. Ảnh: Ngọc Bích
Lễ hội điện Hòn Chén ở Huế. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
4. Những tên gọi khác của Sông Hương
Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tuỳ theo thời gian có nhiều tên khác nhau.
Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1435), viết là Sông Hương là sông Linh; Sách “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang); Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn gọi là sông Hương Trà (Hương Trà nguyên). Từ nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.
Từ năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc Thừa tuyên Thuận Hoá. Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hoá (1558), huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà.
5. Những cây cầu bắc qua sông Hương
Sông Hương tựa như trục xương sống chia ra hai bờ Bắc – Nam của thành phố Huế, nối liền nhau bởi rất nhiều các cây cầu, từ trước đến nay, Sông Hương được biết đến với 6 cây cầu bắc qua, bao gồm: cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên, cầu Kim Long, cầu Đập Đá và cầu Chợ Dinh. Mỗi cây cầu bắc qua dòng sông thơ mộng này có một nét đặc trưng riêng.
Cầu Trường Tiền
Cầu Trường Tiền là chiếc cầu dài 402,60m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67m, khổ cầu 6m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Đông Ba, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội tại trung tâm thành phố Huế. Đây là cây cầu nổi tiếng nhất bắc qua Sông Hương, đã đi vào thơ ca nhạc họa, trở thành điểm đến bất thành văn cho những ai có dịp ghé Huế.
Cầu Phú Xuân
Cầu Phú Xuân – Huế. Ảnh: Wikipedia
Cầu Phú Xuân (thường được gọi là Cầu Mới) được xây dựng vào năm 1970 do hãng Eiffel của Pháp thiết kế và tổ chức thi công, sau 2 năm thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu dài 374,65m, rộng 17m, riêng lòng cầu rộng 12m; tải trọng của cầu là 18 tấn. Hai bên cầu đều có lề dành cho người đi bộ và có xây lan can để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Từ 1971 đến nay, cầu Phú Xuân được tu bổ thêm vào năm 1998 và năm 2009. Lúc mới xây xong (1971), cầu được đặt tên theo tên dòng sông mà nó bắc qua, cầu Sông Hương. Sau năm 1975, nó được chính quyền đổi tên là cầu Phú Xuân.
Cầu Dã Viên
Cầu Dã Viên là cầu đường bộ bắc qua sông Hương nối từ đường Lê Duẩn (Quốc lộ 1A) sang đường Bùi Thị Xuân và kết nối với hệ thống các trục đường quy hoạch khu vực phía Nam thành phố Huế.
Vào năm 1908, khi chiếc cầu bằng sắt bắc qua sông Hương được xây dựng xong và bắt đầu hoạt động để nối tuyến tàu hỏa Bắc – Nam, thì nó được đặt tên là cầu Dã Viên, vì phần giữa của đoạn đường sắt ở đây đã được xây dựng ngay trên mặt đất của cồn Dã Viên. Nhưng, vì đầu phía bắc của cầu này nằm quá gần cầu Bạch Hổ cũ (nay gọi là cầu Kim Long), cho nên người dân Huế thường gọi nhầm là cầu Bạch Hổ.
Năm 2010, cầu đi bộ này được đầu tư xây dựng lại với mức kinh phí 730 tỷ đồng và được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về tên cầu. Ngày 10/12/2012, tại Kỳ họp thứ V, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VI đã biểu quyết thông qua tên cho cầu đường bộ qua sông Hương là Cầu Dã Viên. Đây là một công trình hoành tráng, có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ đổi mới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, đây là cây cầu lớn nhất bắc qua Sông Hương, không chỉ nhằm giảm ùn tắc giao thông cho hai cầu Phú Xuân và Trường Tiền, cầu Dã Viên còn là điểm thưởng ngoại sông Hương cho nhân dân và du khách.
Cầu Đập Đá
Cầu Đập Đá được xây dựng từ năm 1917 dưới thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ, Đập Đá có vai trò quan trọng trong việc giao thông nối Vỹ Dạ với thành phố Huế và ngăn xâm nhập mặn vào sông Hương lúc mùa hè, ngăn nước từ thượng nguồn sông Hương đổ về trong mùa mưa để hạn chế lũ lụt. Đập Đá hiện nằm giữa hai con đường Lê Lợi (phường Phú Hội) và Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ, TP.Huế). Vài năm về trước, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành công trình đập thủy lợi Thảo Long ở hạ lưu sông Hương nên chức năng ngăn mặn của Đập Đá không còn. Năm 2015, cầu Đập Đá được đầu tư, mở rộng và lắp cống ngầm nhằm cải thiện môi trường và chất lượng nước, bổ sung nguồn nước tưới nông nghiệp cho sông Như Ý, tăng cường thoát lũ cho hệ thống sông vùng nam sông Hương.
Cầu Chợ Dinh
Giới trẻ thích thú check in tại chân cầu Chợ Dinh với nhiều danh thắng Huế
Cầu Chợ Dinh được xây dựng năm 2000, nằm ở phía bắc thành phố Huế, kết nối phường Phú Thượng với phường Phú Hậu thuộc thành phố Huế. Cầu gồm 9 nhịp, dài gần 400 m và rộng 14 m. Nét đặc sắc của cây cầu này chính là “con đường bích họa” ở dưới chân cầu. Với nhiều chủ đề đặc trưng của xứ Huế như: Tháp Chàm Phú Diên, biển Thuận An, cầu ngói Thanh Toàn, chùa Thiên Mụ…, kể từ cuối năm 2020 đến nay, chân cầu Chợ Dinh trở thành một điểm check in thú vị đối với giới trẻ khi có thể tham quan được những danh thắng Huế qua tranh.
Những năm gần đây, có 2 cây cầu nữa được xây dựng, tuy không bắc qua sông Hương nhưng tạo nên dấu ấn về vẻ đẹp cảnh quan cho thành phố Huế cũng như là nơi check in không thể thiếu cho bất cứ ai ghé Huế và muốn ngắm dòng sông Hương trữ tình:
Cầu gỗ lim
Cầu đi bộ gỗ lim bên bờ sông Hương. Ảnh: baothuathienhue.vn
Nhằm phát huy giá trị cảnh quan, không gian đô thị, môi trường và văn hóa lịch sử sông Hương để phát triển cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị Huế bền vững, hiện đại, trở thành một thành phố văn hoá – du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hợp tác với tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để xây dựng Cây cầu Gỗ lim chạy dọc sông Hương. Đây là cây cầu chỉ dành cho người đi bộ, rộng 4m dọc sông Hương, với diện tích 2.443 m2, được lát bằng gỗ lim dày 5cm. Tổng kinh phí cho công trình là gần 53 tỉ đồng, trong đó phần gỗ lim hơn 5 tỉ.
Cầu bán nguyệt
Từ đầu năm 2020, chính quyền thành phố Huế đã triển khai dự án làm đường đi bộ hai bên bờ sông Hương với mục đích tạo không gian công cộng tốt hơn cho người dân. Công trình cầu bán nguyệt ở khu vực Bến Me, phường Phú Thuận, bờ Bắc sông Hương được xây dựng, trở thành điểm check-in của giới trẻ Huế và du khách nhiều nơi đến tham quan, ngắm cảnh, đi bộ, tập thể dục hàng ngày.
Giống như tên gọi, cầu có hình bán nguyệt (nửa hình tròn), không có lan can. Sở hữu điểm view “không góc chết”, cùng với Đồi Vọng Cảnh, cầu bán nguyệt chính là điểm chụp ảnh, ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Huế tính đến thời điểm hiện nay.
Lời kết
Vẻ đẹp sông Hương đã đi vào thi ca nhạc họa nhưng chỉ khi bạn tự mình trải nghiệm thì mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng, huyền ảo của dòng sông này. Sông Hương hiền hòa chảy quanh năm trong thành phố luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách khi đặt chân đến Huế.
Ngắm ráng chiều, hoàng hôn trên sông Hương hay những hình ảnh hoa đăng dập dềnh, văng vẳng giọng hò ca Huế nhặt khoan luôn là nỗi nhớ của biết bao thế hệ…