Nữ bệnh nhân 42 tuổi (Phú Thọ) sốt cao liên tục, nổi hạch sưng đau vùng bẹn, tổn thương gan do bị bọ mò cắn.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng sốt nóng liên tục, sưng đau bẹn phải, có nốt vỡ mủ vùng bẹn, mệt mỏi, ăn kém, đi ngoài suốt 12 ngày trước khi vào viện. Trước đó, bệnh nhân đã tự mua thuốc uống và dán cao vùng hạch sưng nhưng đau không giảm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan của bệnh nhân tăng cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, chưa được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu nên gây biến chứng tổn thương gan. Bệnh nhân đang được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu và thuốc phục hồi chức năng gan.
Bệnh sốt mò hay gọi Scrub typhus do vi khuẩn Ricketsia tsutsugamushi hay R.orientalis gây nên, truyền từ súc vật sang người do côn trùng trung gian là ấu trùng mò. Cơ chế bệnh sốt mò là tổn thương hoại tử và viêm tắc mạch máu làm tăng thẩm thấu thành mạch gây thoát huyết tương, phù tổ chức, tràn dịch… Sốt mò nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm não, màng não, viêm phổi có ARDS.
Ấu trùng mò thường đốt máu ở những nơi da mềm mỏng như bẹn, gần hậu môn, nách, rốn, mi mắt… Các khu vực này thường khuất nên người bệnh ít để ý và khó phát hiện.
Bệnh nhân thường bị sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ bọ mò đốt, lúc đầu xuất hiện một tổn thương là vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó người bệnh bắt đầu sốt. Triệu chứng của sốt mò rất dễ nhầm với một số bệnh khác nên khó phát hiện.
Để phòng bọ mò, nên tránh tiếp xúc với những nơi có nhiều ấu trùng này như nơi cỏ cây rậm rạp, nhiều chuột hoạt động. Chống mò bằng cách phun hóa chất diệt côn trùng ở các bụi cây. Khi cơ thể có dấu hiệu như sốt cao thành cơn, phát ban, sưng hạch ngoại biên, có vết loét da, cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Không nên tự ý điều trị tại nhà tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.