Strepsils® là thuốc gì? Công dụng và liều dùng

Strepsils® là viên ngậm giúp giảm đau nhức và khó chịu của nhiễm trùng miệng và cổ họng. Strepsils® không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi và nên thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ mang thai, cho con bú.

Tên hoạt chất: Dichlorobenzyl và Amylmetacresol
Thương hiệu: Strepsils®
Nhà sản xuất: Công ty Reckitt Benckiser Healthcare Manufacturing -Thailand Ltd;

I. Công dụng của Strepsils®

1. Công dụng của thuốc Strepsils®

Strepsils® thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc sát trùng, dưới hình thức viên ngậm trong điều trị viêm họng.

Strepsils® là sự kết hợp của 2 chất, rượu 2,4-dichlorobenzyl và amylmetacresol đều là những chất khử trùng nhẹ giúp tiêu diệt vi khuẩn liên quan đến nhiễm trùng miệng và cổ họng, xảy ra với triệu chứng đau và không sốt ở người lớn, trẻ em trên 6 tuổi.

Việc ngậm viên thuốc làm cho tuyến nước bọt được kích thích, các hoạt chất tan ra và hoạt động trong khu vực khó chịu của người bệnh, từ đó giúp bôi trơn, làm dịu khu vực đau. Điều này giúp giảm đau nhức và khó chịu của nhiễm trùng.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nó xấu đi hoặc không cải thiện sau 2 – 3 ngày điều trị.

2. Mua Strepsils® có cần đơn của bác sĩ?

Strepsils® nằm trong danh mục thuốc không kê đơn. Viên ngậm strepsils® có nhiều dòng khác nhau, với những hương vị phù hợp với nhu cầu của người dùng. Vì viêm họng thay đổi qua nhiều hình thức và triệu chứng khác nhau như ngứa, ho, đau, khó chịu.

Viên ngậm strepsils® màu đỏ là vị cơ bản, strepsils® cam và vitamin C, strepsils® chanh và mật ong, strepsils® bạc hà. Đặc biệt, strepsils® bạc hà là dạng viên ngậm giảm đau họng không đường. Với những người cần hạn chế lượng đường như người bệnh tiểu đường thì có thể sử dụng dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng những sản phẩm không đường có thể gây tác dụng nhuận tràng, vì vậy nên tư vấn với dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn.

— Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về thuốc trị đau họng

II. Liều dùng Strepsils®

1. Liều dùng thuốc Strepsils® với người lớn

Liều khuyến cáo của thuốc strepsils® trên người lớn, người cao tuổi là một viên ngậm hòa tan chậm trong miệng. Lặp lại sau 2-3 giờ khi cần thiết, tối đa là 12 viên ngậm trong 24 giờ.

Nên nhớ mặc dù viên ngậm có nhiều loại hương vị khác nhau, kích thích vị giác như kẹo khiến bạn muốn ngậm nhiều hơn, tuy nhiên bạn cần biết rằng strepsils® là thuốc, vì thế không tự ý sử dụng nhiều hơn khuyến cáo hoặc liều lượng dược sĩ khuyên dùng.

Khi sử dụng viêm ngậm strepsils® nếu triệu chứng không cải thiện hoặc tình trạng sức khỏe của bạn tồi tệ hơn sau 2-3 ngày điều trị hoặc bạn bị sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn.

2. Liều dùng thuốc Strepsils® với trẻ em

Trẻ em dưới 6 tuổi không được sử dụng strepsils®.

Liều khuyến cáo cho trẻ trên 6 tuổi tương tự như người lớn, 1 viên mỗi 2 đến 3 giờ, không dùng quá 12 viên trong 24 giờ.

3. Liều dùng thuốc Strepsils® với người đang mang thai và cho con bú

Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, hoặc đang dự định mang thai hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc strepsils®.

Đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc sử dụng các sản phẩm có chứa dichlorobenzyl và amylmetacresol gây ra tác dụng phụ trong thời gian mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, tính an toàn của thuốc vẫn chưa được khẳng định là tạo thành mối nguy hiểm cho thai nhi hay không. Vì thế, việc sử dụng strepsils® không được khuyến khích trong thời gian mang thai. Hơn nữa, trong thời gian mang thai mẹ cũng không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn từ dược sĩ, bác sĩ, kể cả thuốc kê toa hay không kê toa.

Đối với phụ nữ đang cho con bú cũng vậy, nên thận trọng khi dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến hoặc liên hệ bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng viên ngậm strepsils®.

>>>Có thể bạn quan tâm: Đang mang thai, uống ngậm thuốc Strepsils Cool được không?

III. Cách dùng Strepsils®

1. Cách dùng thuốc Strepsils® hiệu quả

Strepsils® không nên được sử dụng trước bữa ăn hoặc uống. Không nên sử dụng strepsils® trong hơn 5 ngày vì thuốc có thể thay đổi cân bằng vi khuẩn tự nhiên của cổ họng.

Không được vượt quá liều khuyến cáo tối đa. Nếu bạn dùng strepsils® với số lượng lớn hoặc lặp đi lặp lại, thuốc khi đi vào máu có thể tác động lên tim và hệ thần kinh với khả năng co giật.

Bạn lấy strepsils® ra khỏi vỉ, đặt viên ngậm vào miệng để thuốc tan từ từ, đừng nuốt, nhai hoặc cắn thuốc.

Trẻ nhỏ có thể bị sặc khi dùng viên ngậm strepsils®, do đó các bậc phụ huynh cần quan sát, để mắt đến trẻ nhiều hơn khi dùng thuốc.

Trong thời gian sử dụng viên ngậm strepsils®, bạn nên tránh xa các loại thức uống có cồn. Ngoài ra, khi sử dụng strepsils® trong liều khuyến cáo thì thuốc không gây ra tình trạng buồn ngủ hoặc giảm khả năng phản ứng. Tuy nhiên, bạn cần lắng nghe cơ thể của mình, quan sát phản ứng của bạn với thuốc, nếu có buồn ngủ hay giảm khả năng tập trung thì không nên lái xe, vận hành máy móc cho đến khi bạn cảm thấy có thể thực hiện những công việc này một cách an toàn.

2. Bạn nên làm gì khi uống quá liều thuốc Strepsils®?

Trong trường hợp quá liều hoặc vô tình dùng strepsils® một lượng lớn, bạn có thể thấy khó chịu đường tiêu hóa, mờ mắt và buồn ngủ.

Nếu bạn dùng nhiều strepsils® với lidocaine hơn có thể sẽ xảy ra tình trạng tăng hoặc thay đổi nhịp tim bình thường, tăng huyết áp, an thần, thở yếu trong khi ngủ, bất tỉnh, trụy tim mạch, mất ngủ, ảo giác, run và co giật (triệu chứng trầm cảm hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương). Kích động có thể xuất hiện ở trẻ em.

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn khó chịu hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc xảy ra tình trạng nghiêm trọng hơn cần gọi Trung tâm cấp cứu 115.

3. Bạn nên làm gì khi quên liều thuốc Strepsils®?

Một ngày ở người lớn có thể sử dụng tối đa đến 12 viên, nghĩa là cách 2-3 giờ sử dụng một lần. Do đó, rất khó để xảy ra tình trạng quên liều thuốc. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng nếu lỡ có quên cũng không nên sử dụng gấp đôi liều để bù cho viên ngậm đã quên, chỉ cần sử dụng viên ngậm tiếp theo như liều dùng khuyến cáo mà thôi.

IV. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Strepsils®

Giống như tất cả các loại thuốc, viên ngậm strepsils® có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng gặp phải. Nếu bạn gặp bất kỳ tình trạng quá mẫn cảm với strepsils, tức là ngứa, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ rất hiếm gặp đó là phản ứng dị ứng (mẫn cảm) như đỏ, ngứa hoặc sưng da (phát ban), hoặc nóng rát, nóng rát hoặc sưng miệng hoặc cổ họng. Khi xảy ra tác dụng phụ này hãy gọi cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

V. Lưu ý khi dùng thuốc Strepsils®

1. Nên làm gì trước khi dùng thuốc Strepsils®?

Bạn không nên dùng strepsils® nếu dị ứng (quá mẫn cảm) với rượu 2,4-dichlorobenzyl, amylmetacresol, lidocaine hydrochloride hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này. Bạn có thể xem trên nhãn sản phẩm để biết các thành phần của thuốc.

Ngoài ra, bạn không nên sử dụng strepsils® nếu như bạn không dung nạp với một số loại đường nhất định như fructose, giucose-galactose và sucrose-isomaltose. Việc không dung nạp sẽ dẫn đến các tình trạng như thiếu hụt enzyme fructose-1-phosphate aldolase (dẫn đến không dung nạp fructose), kém hấp thu glucose-galactose và thiếu hụt sucename-isomaltase.

Trước khi dùng thuốc, bạn nên trao đổi với các bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê toa, thuốc không kê toa, thảo dược, vitamin. Hoặc nếu bạn:

• Bị hen suyễn.
• Đang bị bất kỳ vấn đề nào khác về cổ họng, ho trong bữa ăn, nghẹn trong khi ăn thức ăn.
• Người cao tuổi bị ốm hoặc suy nhược nên kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng thuốc strepsils® vì họ nhạy cảm hơn với các phản ứng bất lợi có thể xảy ra. Nếu nó không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau 2 ngày điều trị hoặc bạn bị sốt cao, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn không nên vượt quá liều khuyến cáo tối đa.

2. Tương tác thuốc với Strepsils®

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây, hãy nói cho dược sĩ biết trước khi sử dụng strepsils® vì có thể cần phải điều chỉnh liều của bất kỳ loại nào trong số chúng:

– Thuốc ức chế beta (để điều trị bệnh tim hoặc điều trị các bệnh về động mạch) và các loại thuốc như cimetidine (để điều trị loét dạ dày).

– Thuốc gây tê cục bộ khác (loại amide).

– Thuốc được chỉ định cho các rối loạn nhịp tim như mexstaine hoặc Procainamide.

– Các loại thuốc như fluvoxamine (để điều trị trầm cảm).

– Kháng sinh như erythromycin và itraconazole.

Bạn không nên dùng thuốc sát trùng vòm họng khác nếu đang dùng strepsils®, mặc dù không có tương tác.

VI. Cách bảo quản thuốc Strepsils®

Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em. Không sử dụng viên ngậm khi đã hết hạn ghi trên bao bì. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ 25 độ C, không vượt quá 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và độ ẩm.

Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
Nguồn: lloydspharmacy.com, farmaciairun.com

Rate this post

Viết một bình luận