Sử dụng muối Epsom (Epsom Salt) bón cho cây hoa hồng? – Vườn Vân Loan

Nhiều tháng nay, khi tôi tìm hiểu về cách chăm sóc hoa hồng trên một số trang web, thấy họ có đề cập đến việc sử dụng muối Epsom (Epsom Salt) bón cho cây hoa hồng? Tôi cũng tò mò về muối Epsom (Epsom Salt), nhưng quả thật kiếm nguồn mua cũng rất khó khăn. Vài tuần trước tôi đặt thử trên Lazada muối Epsom Salt, nhưng quả thật cũng chẳng biết có mua đúng loại mình đang cần không vì nhìn nhãn mác cũng không yên tâm lắm! Hôm nay, tôi mới nhận được muối Epsom Salt và tiến hành thử nghiệm trước trên vài cây hồng cho chắc ăn.

Muối Epsom (Epsom Salt) là gì?

Muối Epsom là một tên gọi khác của Magie sulfat, là một muối vô cơ có chứa magie, lưu huỳnh và oxi, với công thức hóa học MgSO₄. Muối Epsom cũng có thể được sử dụng như một sản phẩm làm đẹp hoặc được nhà vườn sử dụng Epsom Salt để cải thiện cây trồng (theo Wikipedia).

Lịch sử của muối Epsom 

Loại khoáng thiên nhiên này, được phát hiện trong nước giếng của Epsom, Anh. Muối Epsom đã được sử dụng hàng trăm năm, không chỉ để bón cho cây trồng mà còn dùng để điều trị một loạt các bệnh của con người và động vật.

Về mặt hóa học, muối Epsom chứa khoảng 10% magiê và 13%  lưu huỳnh. Magiê là rất quan trọng cho sự nảy mầm và sản xuất chất diệp lục, trái cây, và các loại hạt. Magnesium giúp củng cố màng tế bào và cải thiện sự hấp thu thực vật của nitơ, phốt pho, và lưu huỳnh. (Nguồn: https://garden.org/learn/articles/view/68/)

Muối Epsom (Epsom Salt) có tác dụng gì với cây hoa hồng?

TẤT CẢ NỘI DUNG BÊN DƯỚI CHỈ LÀ TRÊN LÝ THUYẾT THÔNG TIN MÀ TÔI SƯU TẦM ĐƯỢC, TÔI VẪN CHỈ SỬ DỤNG THỬ NGHIỆM Epsom Salt TRÊN 1 VÀI CÂY HOA HỒNG. 

Epsom Salt được cho là có lợi cho cây hoa hồng như giúp cây hoa hồng ra nhiều hoa hơn, lá hồng trở nên xanh mướt hơn, cây hoa hồng đâm cành đẻ nhánh nhiều hơn.

Xem thêm: Dấu hiệu thiếu hụt các chất dinh dưỡng trên cây hoa hồng

 

Nếu theo như những gì trong hình ảnh này thì:

  1. Trước khi trồng cây hồng, pha 1/2 cup muối Epsom (Epsom Salt) với 1 gallon nước để soak (ngâm???) rễ hồng, sẽ giúp phục hồi bộ rễ cây hoa hồng, giúp cây hồng dễ hấp thu dinh dưỡng.
  2. Trộn 1/2 cup muối Epsom (Epsom Salt) vào đất trồng hồng để hỗ trợ cây hồng ra hoa.
  3. Pha 1 muỗng canh muối Epsom với 1 gallon nước cho mỗi 40cm chiều cao (1 foot = 30,48 cm, nhưng nói 40cm cho chắc ăn, dùng ít vẫn an toàn hơn dùng nhiều) của cây hồng. Ví dụ: cây hồng cao 80cm thì pha 2 muỗng Epsom Salt vào 1 gallon nước và tưới cho cây hồng này mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Sử dụng muối Epsom (Epsom Salt) bón thử nghiệm cho cây hoa hồng ở vườn nhà

Tôi đã sử dụng muối Epsom (Epsom Salt) tưới vào gốc, và cả phun trên lá cho cây hồng Claude Monet rose vào ngày 27/12/2017. Liều lượng như sau:

  • Phun thân lá cây hồng với muối Epsom (Epsom Salt): 2/3 muỗng cafe cho 2 lít nước.
  • Tưới gốc cũng với liều lượng như trên.

Tôi sẽ tiếp tục quan sát và ghi nhận tình trạng cây hồng sau khi bón Epsom Salt trong vài tuần tới.

Chậu hồng Claude Monet sau khi phun Epsom Salt

[Cập nhật ngày 06/01/2018]

Như vậy sau 10 sử dụng muối Epsom vừa phun lá vừa tưới gốc cho cây hoa hồng, thì tôi chưa thấy dấu hiệu tác hại xấu đến cây hồng (sợ lúc mua không biết có chính xác là muối Epsom Salt không). Tình trạng hiện tại là cây hồng ngoại Claude Monet cũng đang đâm khá nhiều tược non.

[Cập nhật ngày 08/01/2018]

Chiều nay tôi phát hiện một số con nhện đỏ đã xuất hiện trên cây hồng Claude Monet này. Đã thử thuốc thì thử cho tới, tôi cũng nghe “đồn” Lưu huỳnh (Sulphur) cũng có thể trị được nhện đỏ và một số loại bệnh đốm lá trên hoa hồng. Nên tôi đã dùng thử Kumulus (sulphur 800 g / kg) với liều lượng 1gram/lit nước phun thân lá cây hồng Claude Monet rose.

Tán lá hồng Claude Monet rose ở thời điểm phun thuốc Lưu huỳnh
Phần đọt non
Chậu hồng Claude Monet nhìn từ xa

Cũng lưu ý thêm:

  • Lưu huỳnh có thể là con dao 2 lưỡi, sau khi phun, nếu hôm sau không tưới xả kỹ lưỡng có thể nó sẽ làm lá hồng bị cháy khi gặp nắng
  • Không áp dụng ở nhiệt độ 24 ° C hoặc cao hơn. Không áp dụng cho dưa chuột, dưa và bí.
  • Không áp dụng trong vòng 30 ngày sau khi phun dầu.

[Cập nhật ngày 21/01/2018]

Từ thời điểm viết bài viết này ngày 27/12/2017, tôi chỉ 2 lần sử dụng muối Epsom (Epsom Salt) để phun lá cho chậu hồng monet này (1 lần vào ngày 17/12/2017 và lần 2 vào 14/01/2018). Và cũng 2 lần sử dụng lưu huỳnh Kumulus (sulphur 800 g / kg) để phun cho cây hồng.

Đánh giá ban đầu: cây hồng rất ít bị đốm lá, và cũng không thấy dấu hiệu gây hại của nhện đỏ. Nhưng khi sử dụng lưu huỳnh để phun, sáng sớm hôm sau, tôi phải tưới nước rửa cho chậu hoa hồng này rất kỹ lưỡng. Nhưng có vài lá vẫn gặp hiện tượng cháy bìa lá.

Lá hồng có màu xanh hơi vàng ở phần lá non, lá hồng trông rất cứng cáp.

[Cập nhật tối 21/01/2018]

Nhưng theo tài liệu này: https://s3.wp.wsu.edu/uploads/sites/403/2015/03/epsom-salts.pdf thì muối Epsom cũng không phải là “thần dược” đối với cây trồng, chỉ nên sử dụng khi nào chắc chắn rằng đất đang thiếu magie.

[Cập nhật 27/01/2018]

Bông hoa hồng sọc Claude Monet này có màu hồng khá đậm so với hoa của các cây Monet thường gặp!
Chậu hoa hồng Claude Monet ngày 03/02/2018

Rate this post

Viết một bình luận