Loài cây trong câu chuyện… mà mình bịa ra ở trên có tên là cây Sung (hay cây Vả) Ficus carica, thuộc Chi Sung (Ficus), Họ Dâu Tằm (Moraceae).
Tại Việt Nam, một số người gọi quả sung là quả Vả. Điều này không đúng. Cây sung ở nước ta tên khoa học Ficus racemosa, thân gỗ lớn, mọc hoang dại tại các vùng đất ẩm bìa rừng, rất ưa khu vực ven ao hồ, sông suối, còn cây Vả là Ficus auriculata, về hình dáng cấu tạo giống với sung, nhưng có thân cây to hơn, lá to hơn và quả cũng to hơn quả sung. Cả hai loài đều thuộc Chi Ficus nên chúng có nhiều đặc điểm hình thái giống nhau là vậy, nhưng nếu chịu khó quan sát kỹ thì chúng ta sẽ thấy một số sự khác biệt như trên.
Cây Sung mà hôm nay mình nói đến là loài Sung Mỹ – Ficus carica vốn được nhiều người ưa trồng dạo gần đây. Trong phạm vi bài này mình sẽ không nói đến các công dụng của quả sung này cũng như các lợi ích kinh tế của nó, bạn nào muốn có thể tự gg để biết thêm. Mình chỉ đề cập về cách loài cây này bắt tay với một loài côn trùng để tạo ra mối quan hệ tương hỗ vô cùng độc đáo của giới tự nhiên.
Ficus carica có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, lưu vực sông Nile. Trong tiếng Latin, carica – được đặt tên cho địa điểm Caria ở Tiểu Á, nơi được cho là quê hương của cây sung (đó là lý do mình dựng nên câu chuyện về loài cây này).
Tính đến nay, Chi Ficus đã có khoảng 840 loài chính thức được ghi nhận, mặc dù các tranh cãi chỉ ra rằng có đến gần 2000 loài sung đang tồn tại ngoài tự nhiên.
Lần đầu cây sung được đưa đến Châu Mỹ vào những năm 1550 bởi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha ở Mexico , trở thành loài xâm lấm các cây bản địa, đặc biệt ở các khu rừng ven sông. Về sau khi người Mỹ thấy được giá trị to lớn của quả sung nên họ đã tìm cách thuần hóa và canh tác, biến Sung từ một loài cây lớn gây hại thành một trong những cây đóng góp lớn vào kinh tế nước Mỹ.
Tại một bang nọ, có rất nhiều người mang Sung từ một nơi khác đến để trồng, họ cam đoan rằng “Cây Sung này lạ lắm nghen, không cần mọc hoa mà vẫn ra trái, đã vậy lại không cần thụ phấn mà quả vẫn chín ngọt”, thế là rất nhiều nông dân đã trồng cây này. Nhưng qua nhiều năm, cây không hề ra quả chín ngọt như Sung nhà người ta, mà chỉ thấy nó ra quả xanh rồi rụng như cây sung trong câu chuyện kể trên.
Về sau, một nhà khoa học đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng, cây Sung vẫn ra hoa, do đó nó vẫn phải cần thụ phấn. Nhưng cách thụ phấn của nó vô cùng độc đáo và khá phức tạp.
Thật ra quả sung mà chúng ta hay thấy lâu nay không phải là quả, mà là đài hoa, dùng để bao bọc những bông hoa sung bên trong. Khi cắn một quả sung, ta thấy có rất nhiều sợi nhỏ bên trong, đó chính là hoa sung.
Qua hàng triệu năm tiến hóa, hoa sung không mọc ra bên ngoài mà ẩn mình hoàn toàn bên trong đài hoa. Vậy thì làm thế quái nào mà nó có thể thụ phấn theo cách thông thường được, khi ong và bướm không thể tiếp cận được phấn hoa và gió thì bất lực trước cách lẩn trốn này của các bông hoa.
Mẹ Thiên Nhiên đã có cách, đưa một tình yêu đến cho Sung, đó chính là loài ong bắp cày Blastophaga psenes.
Đây là một loài ong rất nhỏ bé, chỉ dài từ 1-2mm. Con đực và con cái dị hình giới tính, tức là có hình dáng rất khác nhau. Con cái có cánh, đầu thuôn nhỏ, có vòi đẻ trứng (ovipositor) khá ngắn. Con đực nhỏ hơn, và không có cánh. Tất cả hình thái sinh học của hai con này đều được tự nhiên đúc gọt vô cùng hoàn hảo.
Cây sung Ficus carica là cây lưỡng tính với cây đực và cây cái riêng biệt.
Cây đực vẫn có trái sung nhưng ko hề ăn được, có vai trò rất quan trọng. Vào tháng 4 dương lịch (ở các nước Bắc bán cầu), cây Sung đực bắt đầu ra hoa (bên trong các quả sung đực). Con ong bắp cày cái dùng đôi cánh để bay đến tìm các quả sung mọc ra từ cây sung đực. Quả sung đực đến tuổi “dậy thì” sẽ tiết ra một hợp chất thơm tho để giúp các con ong cái đánh hơi thấy từ cách xa 5 mét. Vì tuổi đời của ong cái là rất ngắn, chỉ tính bằng ngày, nên tín hiệu mà quả sung tiết ra là rất mạnh mẽ, thôi thúc ong cái tìm đường mà đến.
Khi tiếp cận được quả sung, ong cái sẽ phân tích tín hiệu mùi, và thấy đây là một quả sung lý tưởng cho đàn con của mình. Nó sẽ tìm cách chui vào, đúng vậy CHUI VÀO quả sung. Lối vào là một rãnh hẹp rất nhỏ, ở phía đầu quả sung, gọi là ostiole. Vì đường vào tim em ôi chật quá, nên con ong cái dùng hết sức để lách mình qua khe cửa hẹp, kết quả khi vào được bên trong thì cặp cánh và đôi ăng ten đã rơi rụng dọc đường đi, nhưng điều đó không còn quan trọng vì đôi cánh (để bay đi tìm quả sung) và cặp ăng ten (để đánh hơi) đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay khi ong cái vào trong quả sung, lối vào cũng tự động liền lại sau vài ngày, chính thức nhốt ong cái bên trong. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Trong “quả sung đực”, có 3 loại hoa gồm: hoa đực có nhị nhô ra, hoa cái kiểu ngắn, và hoa cái kiểu dài. Đến đây điều thú vị mới bắt đầu.
Con ong cái dùng vòi đẻ trứng để chích vào bông hoa cái kiểu ngắn, đẻ vào đó một quả trứng, xong nó tiếp tục qua bông hoa cái kiểu ngắn khác đẻ tiếp quả trứng khác. Cứ vậy nó đẻ hết số trứng mang trong người, mỗi trứng vào đúng mỗi bông hoa cái kiểu ngắn.
Bông hoa cái kiểu dài có cấu tạo khá đặc biệt, với cái nhụy dài ngăn không cho con ong cái đẻ trứng (vì cái vòi đẻ của nó ngắn quá), do vậy bên trong bông hoa cái kiểu dài sẽ chỉ phát triển thành hạt, sau này được phán tán bởi các loài ăn quả như dơi, chim, khỉ, chuột…
Ấu trùng bên trong bông hoa cái kiểu ngắn sẽ ăn các mô của hoa và phát triển. Khoảng vài tháng sau, khi cây sung cái vào vụ, sẵn sàng cho sự thụ phấn thì cũng là lúc ấu trùng ong Blastophaga psenes chính thức lột xác trở thành ong trưởng thành. Bên trong trái sung đực, con ong đực sẽ ra đời đầu tiên. Có hai việc nó cần làm ngay lập tức, đầu tiên nó sẽ bò đến các “túi ngủ” đang chứa các con ong cái vẫn còn đang say giấc nồng, nó chổng thứ-công-cụ của nó vào túi và truyền tinh trùng vào đó.
Nhiệm vụ chỉ mới hoàn thành một nửa, sau đó nó tìm cách đào một đường hầm chui ra khỏi quả sung. Thời điểm này, quả sung vào thời kỳ rụng phấn, nên nó sẽ mềm hơn và phình to ra một chút, tạo điều kiện thuận lợi để ong đực đào đường hầm. Con đực không nhìn thấy gì, chỉ dùng miệng để đào một cách bản năng. Thấm thoát vài ngày trôi qua, đường hầm đã được mở, những tia sáng len lỏi hắt vào căn phòng tối tăm bấy lâu.
Ngay khi hoàn thành nhiệm vụ, con đực sẽ chết, chết vì kiệt sức, chết vì rơi từ quả sung xuống đất, chết vì hy sinh cho tình yêu cao cả.
Con ong cái lúc này mới chui ra khỏi túi ngủ, với cái bụng đầy ắp tinh trùng bên trong. Nó dạo quanh ngôi nhà một lượt, vô tình ôm theo rất nhiều phấn hoa trên bông hoa đực, thậm chí nó còn mang cả phấn nhét vào cái túi ở trước ngực.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hành trang, nó men theo đường hầm mà con đực đã đào, và bay ra khỏi quả sung, kết thúc những tháng ngày ngủ đông lạnh lẽo.
Ngay khi vừa ra khỏi quả sung đực, con ong cái (với cơ thể mang nhiều phấn hoa đực) sẽ tìm đến những cây sung khác. Lúc này nó có hai lựa chọn:
Một là tìm đến một quả sung đực khác, chui vào bên trong rồi đẻ trứng vào các bông hoa cái kiểu ngắn, rồi chết, như cách mẹ nó từng làm.
Lựa chọn thứ hai là chui vào một quả sung cái trên cây sung cái, trong quả sung này hoàn toàn chỉ có bông hoa cái kiểu dài, đồng nghĩa nó chỉ có thể mang phấn hoa (mà nó ôm từ cây sung đực) đem thụ phấn cho các bông hoa cái này, mà không thể đẻ trứng vào được (vì cấu tạo hoa không cho phép ong cái đẻ trứng), sau đó nó cũng sẽ chết. Những trái sung cái sau khi được thụ phấn thành công sẽ tiếp tục phát triển to hơn. Sau hai tháng kể từ khi được thụ phấn, chúng sẽ chín và tạo ra thứ quả Sung Mỹ ngọt ngào mà chúng ta mua mấy chục $ trong siu thị đó.
Đây chính là lời giải đáp cho cây sung ở đầu bài viết. Đó là cây sung cái, nhưng vì không có ong bắp cày thụ phấn nên quả chỉ lớn một chút rồi rụng xuống.
Ong bắp cày Blastophaga psenes cũng như bao loài ong trong Bộ Cánh Màng, có khả năng chủ động điều chỉnh ong đực và ong cái trong quả sung. Nếu trứng được thụ tinh bởi tinh trùng (mà ong mẹ lưu giữ trong người) thì sẽ nở ra ong cái, còn trứng không được thụ tinh sẽ nở ra ong đực. Vì vậy nó sẽ tự điều chỉnh số lượng ong đực và ong cái trong quả sung theo cách phù hợp nhất.
Mối quan hệ giữa cây sung và ong bắp cày là mối quan hệ tương hỗ. Nếu không có loài này thì sẽ không có loài kia, và ngược lại. Mối quan hệ của chúng giống như người thuê nhà trọ và chủ nhà vậy.
Ong là người thuê nhà, tìm được nơi lý tưởng để sinh sản và bảo vệ đàn con, quả thật môi trường bên trong quả sung vô cùng lý tưởng để ong con sống sót. Còn với cây sung, mặc dù còn hậm hực với mẹ Thiên Nhiên vì “rảnh quá” giấu hoa của nó vào trong thì cùng đành hài lòng với “sứ giả ong” mà Thượng Đế ban xuống giúp Sung duy trì và phát tán giống nòi.
Kết bài
Nếu bạn đã từng cắn một quả Sung Mỹ, phát hiện bên trong có một hoặc vài con ong đã chết thì cũng đừng quá hoảng hồn, vì bạn là người vô cùng may mắn khi chiêm ngưỡng được sự bắt tay diệu kỳ của tự nhiên giữa ong và sung.
Khi ong cái thụ phấn xong cho hoa sung, nó sẽ chết và quả sung tiết ra một loại enzyme phân hủy xác ong thành protein hấp thụ vào quả, nên bạn hoàn toàn không cần phải lo lắng gì về “cái xác” này nhé.
Vậy nếu bên trong sung có kiến nữa thì sao? lại thêm một cái bắt tay nữa chăng? À dĩ nhiên là không. Kiến là một loài thông minh, nó biết đánh hơi thấy mùi thơm tho của quả sung ở giai đoạn thụ phấn sẽ đồng nghĩa với việc có một con ong cái đang ở bên trong. Chà, nếu mà mình vào được quả sung đó thì tha hồ đánh chén đám ong con béo múp đang say ngủ. Đó là lý do vì sao khi ong cái chui vào được quả sung thì nhiệm vụ của sung là phải nhanh chóng đóng cánh cửa hẹp lại một cách nhanh nhất có thể, nhằm ngăn chặn lũ kiến đánh hơi được. Vì nếu để kiến mò vào được, thì xong đời đàn ong và xong đời quả sung luôn. Thiên nhiên làm việc ko bao giờ thừa thãi, dù đôi khi có hơi chút cồng kềnh.
Mặc dù sung đực không hề có giá trị kinh tế, nhưng rõ ràng vai trò của nó rất quan trọng để có thể thụ phấn cho sung cái, tạo thành thứ quả ngọt thơm mà vua Tut cũng mê mẩn.
Quả sung đực, con ong bắp cày đực đều thể hiện thiên chức vô cùng hoàn hảo để các chị em nở mày nở mặt, nên đừng bao giờ nói rằng: “chồng nhà người ta thế này, chồng người ta thế kia nha các chị em”.
Có hàng trăm loài sung trong Chi Ficus cũng có tương ứng nhiều loài ong bắp cày có thể giúp chúng thụ phấn cho sung. Có loài ong cùng lúc thụ phấn nhiều loài loài cây, cũng có loài chỉ thụ phấn duy nhất cho một loài cây mà thôi.
Và cũng có loài ong sở hữu ống đẻ trứng đủ dài để chích trực tiếp từ bên ngoài quả, xuyên qua lớp vỏ đẻ trứng bên trong sung. Ví dụ như con trong hình mà mình mới chụo ảnh sáng nay.
Trong môi trường trồng trọt, người nông dân khi muốn thụ phấn cho sung cái, họ sẽ treo mấy quả sung đực lên cành cây. Vài hôm sau, ong bắp cày cái chui ra khỏi quả và thụ phấn cho các cây sung cái bên cạnh, đó là cách mà nông dân Mỹ đã làm hàng thế kỷ nay.
Do đó, dù trải qua quá trình thụ phấn phức tạp, nhưng những quả sung ngọt vẫn được ưa chuộng và trồng rộng rãi quanh khu vực Địa Trung Hải và bang California tại Hoa Kỳ như một loại quả thương phẩm có giá trị cao.
Link: https://bannenbiet.com/su-ky-dieu-de-co-qua-sung-qua-va/
Nguồn: (Ma Bu) Maybe You Missed This F***king News
5/5 – (4 bình chọn)