“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại; các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại; các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt”. (Kinh Tà kiến, Phẩm Chủng tử, Tăng Chi Bộ)
Theo quan niệm của đạo Phật, tà kiến (micchà-ditthi) là sự hiểu biết sai lầm hay nhận thức điên đảo về sự thật cuộc đời, nghĩa là bản chất cuộc đời là khổ mà cho là lạc, vô thường thì nghĩ là thường hằng, vô ngã lại xem là hữu ngã. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi rối rắm nảy sinh trên cuộc đời. Trong cuộc sống đời thường, tà kiến biểu thị sự mê mờ về nhân quả, không nhận rõ về luật nhân quả hay không tin diễn tiến nhân quả của ác hành vi thiện ác. Tất nhiên, một thái độ hiểu biết sai lầm như vậy sẽ có tác dụng dung túng bản năng xấu ác và gợi mở dục vọng ở bên trong con người. Đức Phật cắt nghĩa: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà kiến? (Cho rằng) không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo là tà kiến”.
Hệ luận nhân quả trong đời sống cho thấy điều tất yếu xảy ra là nhận thức sai lầm sẽ dẫn đến hành động sai lầm. Chính vì thế, tà kiến được xem là mối nguy hại đối với cuộc sống, vì nó đưa đường dẫn lối cho các tà đạo, nghĩa là tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định phát sinh do duyên tà kiến. Nói khác đi, tà kiến là nguyên nhân gốc rễ của mọi bất hạnh khổ đau, vì nó dẫn dụ con người đi vào con đường lầm lạc – suy nghĩ lầm lạc, nói năng lầm lạc, hành động lầm lạc, làm cho con người hoàn toàn mê mờ điên đảo, mất hết lý trí, tự rơi vào các hành vi ác bất thiện về thân, về lời, về ý khiến mọi hệ lụy khổ đau không ngừng phát sinh, liên tục kéo dài trong cuộc sống. Một hôm giảng dạy cho những người cư sĩ ở Kosala, Đức Phật nêu rõ về diễn tiến tai hại của tà kiến:
“Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí”. Đối với những vị này sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến”. [1]
Trong một văn cảnh khác [2], Đức Phật nhấn mạnh thêm về các hậu quả tai hại khổ đau do duyên tà kiến:
“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến; phàm mọi khẩu hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến; phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến. Phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo. Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây nimba, hay hột giống cây kosàtaki (một loại cây leo), hay hột giống cây mướp đắng, được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao? Vì tánh ác của hột giống, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến; phàm mọi khẩu hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến; phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến. Phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo”.
Do bản chất xấu ác và hệ quả tai hại của nó, Đức Phật khuyên nhắc mọi người cần phải nỗ lực loại bỏ tà kiến bằng cách nhận rõ hậu quả nguy hại mà nó gây ra đối với cuộc sống của mỗi người. Phải nhận rõ bản chất xấu xa nguy hại của nó để sinh tâm nhàm chán sợ hãi mà kiên quyết từ bỏ. Bởi tà kiến là nguyên nhân sâu xa đưa đẩy con người vào đường ác, do đó cách hay nhất là tự hỏi và xem xét về chính mình: Vì sao ta có thể làm ác, không làm thiện; nói ác, không nói thiện; suy nghĩ ác, không suy nghĩ thiện? Động cơ nào dẫn dụ ta làm ác, không khuyến khích ta làm thiện ?… Cứ suy cứu như vậy về tự thân thì dần dần sẽ thấy ra rằng không gì khác chính tà kiến hay «thái độ xem thường luật nhân quả» là động lực vô hình khiến ta dễ dàng làm ác, không khuyến khích ta làm thiện… Ngoài ra, để giúp cho việc khắc phục và loại bỏ tà kiến, gốc rễ của mọi hành vi ác bất thiện, được thực hiện dễ dàng và có hiệu quả thì việc thường xuyên tiếp xúc, học hỏi và chiêm nghiệm những lời Phật dạy về nhân quả – để thấy rõ sự nguy hại của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp và để thấy được sự lợi ích của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp – là hết sức cần thiết. Bởi như Đức Phật từng nói rõ cho những người cư sĩ ở Kosala, sở dĩ con người ta cứ rơi vào làm ác, không làm thiện, ấy là do người đó “không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.”
[1] Kinh Không gì chuyên hướng, Trung Bộ.
[2] Kinh Tà kiến, Tăng Chi Bộ.