Có người nói “phong long” là chiết tự lóng của hai chữ “gió rồng” – “rò giống”, ám chỉ luồng khí xấu, không tốt, được coi là uế khí của những người phụ nữ bị hư thai, nạo phá thai hoặc phụ nữ mới sinh con và đang trong thời gian ở cữ. Có thể bắt nguồn từ câu “sinh dữ tử lành” nên nhiều người cho rằng những người phụ nữ này mang lại đen đủi, xúi quẩy, không may mắn cho người khác.
Vì thế trong dân gian mới có việc “đổ phong long”, “đốt phong long”; thậm chí trên mạng hiện nay, nhiều loại bột trừ uế khí, bột trừ tà, thuốc xông xuất hiện tràn lan chẳng biết đâu mà lần. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào?
Từ một quan điểm cũ rích, ấu trĩ
Theo quan niệm của người xưa, phong long, hay còn có những tên gọi khác là phông long, cung long, bong long… là những gì ô uế, đen đủi của sản phụ mới sinh, chưa hết thời gian ở cữ hoặc những người phụ nữ bị hư thai, nạo phá thai. Vì thế khi nhà có người sinh, người ta thường treo trước cửa những loại cây có gai góc như nhánh xương rồng hoặc nắm lá dứa để đuổi phong long, phần nữa báo cho những người lạ biết để tránh vào nhà.
Người ta vẫn nói “mua may bán rủi”, vì thế trước khi làm lễ đầy tháng của trẻ, bà mẹ vừa sinh (kể cả những người phụ nữ hư thai, phá thai) đi bán một thứ gì đó gọi là “đổ phong long”. Mục đích để mình được “sạch sẽ” và mọi việc trong gia đình được thuận lợi.
Tuy nhiên, về sau, quan niệm này “biến tướng” và dị dạng đi nhiều; hễ mọi việc đầu không xuôi đuôi không lọt, kinh doanh trì trệ thì người ta lại suy diễn rằng do mình bán cho người mới phá thai, hoặc sinh non. Có nhiều người cũng cho rằng nếu người nào đến thăm sản phụ hoặc gặp sản phụ ngoài đường mà người đó chưa “đổ phong long” thì cũng coi như họ đã đã vướng phong long. Thậm chí, một số trò game trên mạng còn có một tính năng gọi là “đốt phong long” cho phép người chơi giải xui (tăng điểm may mắn) bằng cách ngẫu nhiên đưa ra một số điểm may mắn cho người chơi. Và theo tâm lý thông thường, rất nhiều người hễ có chuyện gì xui thì miệng lại lẩm nhẩm “đúng là gặp phong long”, hoặc “đốt phong long thôi”. Cách dùng rất tùy tiện và vô tội vạ.
Để hóa giải, người đó cũng phải mua bán hoặc cho đi một thứ gì đó để tống khứ sự xui xẻo đi; nếu không, nhiều tai họa ập xuống, làm cái gì cũng đổ vỡ, buôn bán ế ẩm, công danh, tình duyên lận đận… Ngoài việc mua bán trên, ông bà ta còn có nhiều cách để “giải phong long” như lấy muối và gạo rắc quanh bốn góc nhà rồi khấn; hoặc đốt giấy rồi vừa bước qua bước lại 9 lần, miệng vừa lẩm nhẩm đọc “3 hồn 9 vía, 3 hồn 7 vía, vía lành thì ở vía dữ thì đi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm theo những cách dân gian này.
Và câu chuyện trở nên rối rắm hơn khi thầy bói – những người được coi là ngồi một chỗ mà nghe ngóng được cả thiên hạ thêm mắm thêm muối vào cho đáng sợ hơn. Không biết thực hư như thế nào nhưng sau khi nghe xong, nhiều người đã sợ xanh mặt và bỏ ra một số tiền không nhỏ để làm cái việc được gọi là giải hạn phong long.
Khổ vì tin mù quáng vướng phong long
Chị Trần Thị Hiền (28 tuổi, ở Nghệ An) kể lại: “Đợt nớ tôi nhiều chuyện không vui, công việc thì lận đận, tình yêu thì trục trặc, chia tay chia chân đến mấy lần nên đi bói xem thử rốt cuộc là răng. Thầy bói nói tôi bị vướng phong long và có hỏi tôi có cầm cái gì của ai phá thai hoặc sẩy thai không? Tôi bảo không. Sau mấy phút nhắm mắt, thầy bảo là từ đứa bạn con hay chơi, nên mọi chuyện của nó thuận lợi, của con thì ngược lại. Rứa là tôi mới nhớ ra tôi cầm cái găng tay của con bạn hôm đám vui. Mà đúng hôm đó nó bị sẩy thai. Nó thắc mắc với tôi và một chị nữa rằng có bầu sao lại có kinh nguyệt nữa vì thấy đau bụng và máu ra một ít. 3 chị em mới vào nhà tắm. Thực ra, không phải nó đau bụng mà nó bị sẩy thai. Nhưng cái thai cũng mới ít tuần nên cũng không nặng lắm. Lúc đó thấy vừa thấy đúng vừa thấy sợ sợ nên tôi mới đồng ý “giải phong long”, hết 4 trăm nghìn. Sau khi giải xong thì tất cả đồ cúng, lễ bỏ vào túi nilon quẳng hết xuống sông. Chẳng biết như thế nào nhưng cứ làm cho nó an tâm”.
GS Ngô Đức Thịnh: “Tống khứ đi sự không may của mình, không có nghĩa là làm hại người khác”.
Vừa dứt chuyện của mình, chị Hiền vội kể thêm chuyện của một người cũng đi giải phong long với chị ngày hôm đó. Bà thầy bói nói chị đó bị phong long theo 12 năm rồi. Trong nhà vợ chồng xích mích, chồng theo gái. Chị tính hiền lành, hay thương người nhưng lại hại thân. Vợ chồng bỏ nhau lâu rồi. Rồi bà bói hỏi trước chị có lấy cái gì của ai sa sẩy cái gì không? Chị lắc đầu. Bà lại nhắm mắt một lát rồi bảo đó là cô em dâu có bầu mà sẩy; 7 tháng chứ có ít gì, và có mộ hẳn hoi. Chị đèo cô ấy đi và phong long theo chị tới tận bây giờ. Sau khi bà bói nói xong, chị kia khóc bù lu bù loa lên, nói đúng như bà bói nói. Chồng chị theo bồ, bỏ vợ bỏ con, lại theo một “ả” đã có chồng có con, chồng “ả” bị nghiện, hiện đang ở tù. Chồng chị đang nuôi vợ nuôi con cho nó. Giờ giải mất thời gian lắm, chị phải vừa giải ở đây vừa giải ở nhà vì cái này nặng. Nói xong chị Hiền chép miệng: “Chẳng biết sao lắm người dính phong long thế không biết?”.
Trường hợp chị Nguyễn Phương Thúy (30 tuổi, Hà Nội) thì ghê rợn hơn khi thầy bói bảo muốn giải phong long thì chồng 1 triệu đồng, đồng thời về nhà tìm một con chó đen, cắt cổ nó ngay khi nó đang sống (như kiểu cắt tiết gà). Rồi lấy một phần xác của nó chôn vào một trong 4 góc giường. Có thế thì chuyện trong nhà mới êm được. Tuy nhiên, nghe xong chị Thúy hãi quá, bản thân chị tâm niệm mình sẽ không làm cái việc “thất đức” ấy nên chị không nghe lời bà bói. Thay vì giết chó đen, để mong mọi sự được hóa giải, chị tu tâm tích đức, sống thiện và năng đi chùa. Đến giờ, khi kể lại câu chuyện, chị Thúy bảo: “Vẫn chưa hết rợn da gà. Ác quá, ác quá”.
Những thứ bột có tác dụng “an thần” tràn lan
Lợi dụng tâm lý mê tín và sợ sệt của nhiều người, hiện nay trên thị trường xuất hiện tràn lan thứ bột trừ uế khí, bột trừ tà, thuốc xông nhằm đuổi “phong long” và những xúi quẩy mà nó gieo rắc. Nếu ta vào google và gõ cụm từ “thuốc xông phong long” thì cho ra rất nhiều kết quả. Đi cùng với đó là một “bài giáo trình tâm linh” mới đọc qua nghe có vẻ cũng có lí mà người “rao giảng” không ai khác chính là chủ cửa hàng. Đặc biệt những hình ảnh minh họa trong bài viết chủ yếu là các chư phật mười phương, các hình bồ tát đang niệm kinh, chứ không phải hình sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý của mọi người. Và tất nhiên, kết thúc bao giờ cũng là giá tiền và số điện thoại liên hệ mua hàng.
Ngày nay, quan niệm về phong long biến tướng vào các trò game trên mạng.
Theo những người này, bột tẩy uế được lấy một số lá, rể, cành, vỏ cây bồ đề rồi xây nhuyễn trộn vào thêm các thành phần khác nhập từ… Thái Lan, để tạo lên mùi thơm đặc trưng nhằm xua hết mọi xú uế. Cách sử dụng cũng khá đơn giản, đó là lấy bột rồi đốt và hơ đi mọi ngóc ngách trong nhà, sau đó xuống đặt ngay giữa nhà và lấy muỗng cà phê trộn lên để tạo lên khói nghi ngút. Đốt bột trừ tà vào lúc 11h sáng hoặc 6h chiều, phải đóng cửa và mở các đèn… khi cháy hết mới mở các cánh cửa. Nếu quá xui xẻo thì nam nhảy qua nhảy lại 7 bước, nữ thì 9 bước. Đi kèm là mấy câu “thần chú”.
Họ cũng không quên giới thiệu thêm: “Bột tẩy uế này được trì tụng rất kỹ qua nhiều thần chú để làm tiêu tan “xui xẻo”, xú uế, mang lại cát tường cho gia thất cũng như chính bản thân các bạn”. Trong lúc chưa biết nên tin vào cái gì thì mấy lời trên nghe cũng có vẻ hấp dẫn! Hấp dẫn quá đi ấy chứ, chỉ với vài trăm nghìn đồng là xua tan mọi “sóng gió” cuộc đời, hèn chi ai cũng muốn thử.
Tuy nhiên, công năng của nó có đúng là diệu kỳ như thế hay đơn giản cũng chỉ là một dạng “thuốc an thần”, “thuốc phiện tâm linh” nhằm làm an tâm những ai đang “chao đảo” thì vẫn là một câu hỏi lớn. Như trường hợp chị Hiền ở trên có nói: “Chẳng biết như thế nào nhưng cứ làm cho nó an tâm”. Phải chăng, việc giải phong long, đốt phong long, đổ phong long hoặc sự ra đời của các loại thuốc xông, bột trừ xú uế phong long tràn lan kia đánh vào sự mê tín dị đoan của một bộ phận không nhỏ người trong xã hội? Rồi theo đó, không ít kẻ lợi dụng và kinh doanh trên chính yếu tố tâm lý tâm linh này?
GS Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam:
“Hiện tượng phong long có từ lâu rồi, dựa trên một niềm tin cho rằng ai cũng gặp xui xẻo gì đó và người ta muốn tống khứ nó đi, lấy về sự may mắn. Trong dân gian bán đi xui xẻo đó là may mắn. Nó cũng giống như việc ta gặp nhau và thường chúc nhau may mắn nhé vậy đó. Tất nhiên, rất khó để chứng minh nó là cái gì nhưng theo tôi, rõ ràng đây là ước mong, là niềm tin của người ta để không gặp rủi ro, khôn g may, bệnh tật trong cuộc sống, bà đẻ thì khỏe mạnh. Và bán đi sự rủi ro của mình, tống khứ đi sự không may của mình, không có nghĩa là làm hại người khác, gây điều xấu cho người khác. Không phải đâu. Ở đời mua may bán đắt, có thể bán đi thì tốt cho chị, nhưng không có nghĩa tôi mua là tôi nhận phần xấu xa”.