Trong thế giới hiện đại ngày nay với vô vàn áp lực và căng thẳng, suy nghĩ tích cực đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng tâm lý. Suy nghĩ tích cực trong cuộc sống giúp chúng ta kiểm soát căng thẳng và thậm chí có thể cải thiện sức khỏe.
1. Suy nghĩ tích cực là gì?
Suy nghĩ tích cực có nghĩa là tiếp cận những thách thức trong cuộc sống với một cái nhìn tích cực, tập trung vào những điều tốt đẹp trong bất kì tình huống nào.
Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, cũng không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua những điều tồi tệ. Thay vào đó, ta sẽ tiếp nhận sự khó chịu theo cách tích cực và hiệu quả hơn.
2. Lợi ích của suy nghĩ tích cực
Những lợi ích sức khỏe mà suy nghĩ tích cực mang lại bao gồm:
- Tăng tuổi thọ
- Giảm tỷ lệ trầm cảm
- Giảm mức độ đau khổ
- Tăng khả năng chống lại các bệnh cảm lạnh thông thường
- Sức khỏe thể chất tốt hơn và tâm lý vững vàng hơn
- Sức khỏe tim mạch tốt hơn và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch
- Năng lực giải quyết vấn đề tốt hơn trong giai đoạn khó khăn và căng thẳng
Sức mạnh của suy nghĩ tích cực giúp ta đối phó tốt hơn với các tình huống căng thẳng, làm giảm tác hại sức khoẻ của căng thẳng lên cơ thể. Những người tích cực và lạc quan cũng sẽ có xu hướng sống lành mạnh hơn, hoạt động thể chất nhiều hơn, có chế độ ăn uống tốt hơn và không lạm dụng bia rượu hoặc thuốc lá.
3. Nhận diện suy nghĩ tiêu cực
Trước khi xây dựng suy nghĩ tích cực, ta phải nhận biết được các suy nghĩ tiêu cực để thay đổi chúng:
- Chỉ chú ý đến mặt tiêu cực của sự việc: bạn hoàn toàn bỏ qua những mặt tốt và chỉ tập trung vào những điều tồi tệ.
- Tự đổ lỗi cho bản thân: khi có việc xấu xảy ra, bạn luôn tự cho là lỗi của mình.
- Suy diễn bi quan: bạn luôn nghĩ đến hướng xấu nhất sẽ xảy ra.
- Tư duy phiến diện: bạn nhìn nhận vấn đề chỉ có tốt hoặc xấu.
Khi thấy một suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng ngăn chặn nó và chuyển sự tập trung sang hướng tích cực.
4. Luyện tập suy nghĩ tích cực
Khi đã kiểm soát được các suy nghĩ tiêu cực, đó là lúc chúng ta nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Có nhiều cách để suy nghĩ và hành động theo hướng lạc quan hơn, bao gồm:
- Cười nhiều hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mỉm cười (hoặc thậm chí cười giả tạo) khi đang làm một công việc căng thẳng sẽ cảm thấy tích cực hơn sau đó. Tất nhiên hiệu quả sẽ lớn hơn nếu đó là nụ cười chân thành. Vì vậy, hãy dành thời gian và tìm kiếm sự hài hước từ những người hoặc những điều khiến bạn cười.
- Nhận định lại tình huống hiện tại. Khi có việc tồi tệ xảy ra, thay vì bực bội thì ta hãy tìm ra những mặt tích cực của vấn đề. Ví dụ khi bạn bị kẹt xe kéo dài, hãy nhớ đến sự thoải mái khi bạn ngồi trong ô tô. Tận dụng thời gian để đọc sách, nghe nhạc hoặc xem một bộ phim mà bạn thích.
- Hình dung tương lai tươi sáng mà bạn có thể đạt được. Hãy suy nghĩ chi tiết về viễn cảnh tốt đẹp cho tương lai của bạn về sự nghiệp, quan hệ, sức khoẻ và viết điều đó ra giấy. Nghiên cứu cho thấy khi ta tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ diễn ra tốt đẹp, ta sẽ hạnh phúc hơn ở hiện tại.
- Tập trung vào ưu điểm của bạn. Mỗi ngày hãy suy nghĩ về một điểm mạnh của bạn, lên kế hoạch sử dụng ưu thế đó như thế nào trong ngày hôm đó và thực hiện nó. Những người thực hiện điều này trong một nghiên cứu đã cảm thấy hạnh phúc hơn và giảm các triệu chứng trầm cảm.
- Xây dựng lối sống lành mạnh. Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa để cân bằng tâm lý, cải thiện tâm trạng và giảm stress.
Tóm lại, suy nghĩ tích cực là sự nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan tích cực. Để có được suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, chúng ta phải nhận định được tình huống hiện tại, vạch định kế hoạch cho tương lai, tập trung vào các điểm mạnh của vấn đề hiện tại.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng MyVinmec
để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn và
đặt tư vấn từ xa qua video
với bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi.
Nguồn tham khảo: webmd.com – mayoclinic.org