Suy nghĩ về công cha nghĩa mẹ – Giải nhanh

Đề bài: Suy nghĩ về công cha nghĩa mẹ

Bài làm

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, tuyệt vời và kỳ diệu nhất trong cuộc đời này. Cha mẹ là người sinh thành và dưỡng dục cho chúng ta, cho chúng ta hình hài, và nuôi chúng ta khôn lớn trưởng thành với bao nhiêu khó nhọc trong cuộc sống. Cha mẹ vì chúng ta mà sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ tuổi xuân thời gian công sức…

Công ơn của cha mẹ dành cho chúng ta là những điều mà chúng ta không bao giờ có thể trả hết được. Bởi tình cảm của cha mẹ tựa như câu ca dao mà ông bà ta thường nói:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Lời bài thơ chính là một bài học, một lời nhắc nhở tới những đứa con thân yêu, đến thế hệ mai sau phải biết tôn trọng công lao của cha mẹ. Khi chúng ta còn nằm nôi, thơ bé những lời ru của mẹ đã nuôi chúng ta khôn lớn. Những lời ca dao xưa đã nói hộ tiếng lòng của mỗi chúng ta.

Lời ca dao tuy mới nghe qua chúng ta cảm thấy thật dễ hiểu, nhưng nó lại hàm chứa những suy nghĩ vô cùng sâu sắc, thể hiện công đức bao la như trời biển của cha mẹ dành cho con cái của mình. Và phận làm con phải đặt chữ hiếu thuận lên hàng đầu, bởi so với những điều cha mẹ đã vất vả làm cho chúng ta thì chúng ta có đối xử phụng dưỡng cha mẹ bao nhiêu cũng là không đủ.

Suy nghĩ về công cha nghĩa mẹ

Ngọn núi Thái Sơn trong bài ca dao là một ngọn núi vô cùng cao lớn, thể hiện cho sự hùng vĩ, trường tồn của vùng đất Trung Quốc. Đem so sánh nó với công lao to lớn của người cha trong gia đình thì có phần công cha con lớn hơn rất nhiều. Bởi trong cuộc sống người đàn ông luôn là người gánh vác mọi công việc nặng nhọc trong gia đình, lo lắng kiếm tiền nuôi sống gia đình chăm sóc vợ con. Những khó khăn ngoài cuộc sống là nhiều vô kể những người đàn ông, người cha trong gia đình luôn kiên cường vì vợ vì con mà vượt qua mọi khó khăn, rủi ro, thử thách trong cuộc sống.

Nghĩa mẹ được ví như suối nguồn, một con suối dạt dào, bao la như biển cả, suối nguồn thì không bao giờ biết cạn nước, thể hiện tình cảm của người mẹ dành cho con mình là không bao giờ cạn kiệt, ngay cả khi con cái của mình đã trưởng thành thì người mẹ cũng không bao giờ hết lo lắng, yêu thương con mình. Một hình ảnh so sánh vô cùng sâu sắc, thể hiện sự tinh tế của người xưa trong lối ví von.

Nghĩa mẹ làm sao có thể nói hết bằng lời. Người mẹ mang nặng chín tháng mười ngày, với ba lo lắng ôm ấp hình hài thai nhi bé bỏng trong lòng mình. Rồi cho tới kỳ sinh nở vô cùng khó khăn có nhiều rủi ro, bất chắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào “Người chửa cửa mả” thể hiện việc mang thai có thể xảy ra rất nhiều tai biến sản khoa, khiến người mẹ có thể mất mạng bất kỳ lúc nào.

Rồi khi sinh thành thành công, người mẹ lại thức đêm thức ngày chăm sóc cho con của mình khôn lớn từng ngày bằng dòng sữa mẹ mát trong, bằng những lời ru bên nôi, rồi những đêm thức trắng thâu đêm trông nom cho con vì những lần con ốm con đau, con bị nhức đầu sổ mũi, mọc răng…Biết bao lần người mẹ phải canh chừng lo lắng suốt năm canh vì đứa con thơ dại của mình.

Tình cảm của mẹ vĩ đại và vô bờ bến, dạt dào như biển cả, cách so sánh tình cảm của mẹ với dòng suối nguồn vô cùng mát trong thể, một dòng suối nguồn không bao giờ cạn thể hiện một sự tinh tế của tác giả dân gian xưa.

Công cha nghĩa mẹ vô cùng lớn lao bởi cha mẹ đã mang tới cho chúng ta sự sống, nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành mà còn cho chúng ta rất nhiều tình cảm bao la vô cùng quý giá. Nếu như không có cha mẹ thì không có chúng ta ngày hôm nay, bất kỳ ai trên đời này cũng không thể tự mình sinh ra được đều cho cha mẹ sinh thành mà nên người.

Cha mẹ sinh chúng ta ra cho chúng ta máu thịt, thân thể, vóc dáng… chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng những gì cha mẹ dành cho mình. Ơn nghĩa sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ phận làm con phải có nghĩa vụ ghi lòng tạc dạ để báo đáp phụng dưỡng, trả ơn khi cha mẹ về già.

Cha mẹ nuôi dưỡng chăm bẵm chúng ta từ khi chúng ta chỉ là đứa trẻ ngây ngô đỏ hỏn nằm trên tay cha mẹ, lúc đó chúng ta chưa hiểu gì chưa có khả năng tự lo lắng chăm sóc cho bản thân. Nhưng chính những nguồn sữa ngọt ngào, những thìa cháo, thì cơm của cha mẹ đã cho chúng ta trưởng thành, thành người khỏe mạnh cao lớn, thành những con người thành đạt trong cuộc sống. Công cha nghĩa mẹ là một tình cảm vô cùng lớn lao không có gì có thể sánh được. Chúng ta cần phải biết quý trọng cha mẹ của mình.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều người không biết quý trọng cha mẹ của mình. Họ thường xuyên làm cha mẹ buồn lòng vì thói ăn chơi đua đòi, hoặc đòi hỏi quá mức ở cha mẹ. Có nhiều bạn sinh ra trong gia đình bố mẹ lao động chân tay, kinh tế không dư giả nhiều nhưng lại muốn ăn chơi như những bạn nhà giàu có, bố mẹ làm giám đốc, hoặc con nhà đại gia, triệu phú…Những bạn đó không những không biết ơn công cha nghĩa mẹ mà còn là nghịch tử bất hiếu.

Ngoài ra, có nhiều người khi đã trưởng thành đủ lông đủ cánh lại tỏ ra bất hiếu với cha mẹ, không muốn phụng dưỡng cha mẹ, tìm cách cho cha mẹ vào trại dưỡng lão hoặc đùn đẩy nhau không muốn chăm sóc cha mẹ già yếu, vì cảm thấy nặng gánh. Thật đáng buồn biết bao.

Mỗi chúng ta phải luôn nhớ rằng công lao cha mẹ dành cho chúng ta to hơn trời biển, bổn phận làm con cái trong gia đình cần phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, cần phải cư xử với cha mẹ ân cần nhiều yêu thương, chăm sóc cha mẹ những khi cha mẹ già yếu, trở nên lú lẫn. Như cha mẹ đã từng chăm sóc ta khi ta còn nhỏ, chưa hiểu chuyện gì.

Việc con cái chăm sóc cha mẹ không phải là trách nhiệm mà đạo nghĩa, là lối sống làm người trong xã hội. Nó thể hiện chuẩn mực đạo đức của con người, biết liêm sỉ, biết ghi nhớ công ơn, một người biết trước biết sau, sống có tình có lý.

Hạ Trang

Rate this post

Viết một bình luận