Khác với nhiều loài sâm khác, vị thuốc huyền sâm có công dụng sinh tân, giải độc, chỉ khát, chủ trị lao hạch, viêm amidan, lở loét,… Để tìm hiểu rõ hơn về những tác dụng của cây huyền sâm cũng như cách dùng, lưu ý, giá thành, hãy cùng chúng tôi khám phá trong bài viết dưới đây.
1. Mô tả cây huyền sâm
1.1. Đặc điểm chung
Huyền sâm hay được biết đến với tên gọi khác là hắc sâm, đại nguyên sâm,… thường sẽ bị nhiều người nhầm lẫn với loài đẳng sâm. Huyền sâm từ lâu đã được người dân biết đến như một vị thuốc quen thuộc. Chúng không chỉ được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền tại Việt Nam mà cả Trung Quốc cũng dùng trong rất nhiều bài thuốc cổ phương với nhiều công dụng như bồi bổ sức khỏe, làm mát cơ thể, trị mụn nhọt.
Trong y học sử dụng phần rễ được phơi hoặc sấy khô của cây huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl) hoặc cây bắc huyền sâm (Scrophularia buergeriana Miq).
Cây huyền sâm có tên khoa học là Scrophularia kakudensis Franch thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Mỗi địa phương có thể sử dụng những tên gọi khác nhau để gọi cho vị thuốc huyền sâm như Trọng đài, Chính mã, Huyền đài, Lộc trường, Đoan, Hàm, Trục mã….
Huyền sâm là cây thuốc quý, loài cây thân thảo và sống nhiều năm. Đặc điểm của chúng không khó nhận biết với thân cây vuông cao độ 1,7 – 2,3 m, lá màu tím xanh. Lá mọc đối có cuống hình trứng dài, đầu nhọn vát, rìa lá có răng cưa và màu xanh nhạt. Cây huyền sâm thường ra hoa mùa hè, hoa của chúng tự xếp thành hình chùy tròn, ống tràng hoa hình chén, cánh hình môi, chia làm 5 thùy, màu tím xám dài ngắn. Quả huyền sâm bẻ đôi hình trứng còn hạt nhỏ, đa số có màu đen. Rễ to mập nhưng hơi cong, thường có độ dài từ 10 – 20 cm và phần giữa rễ củ phình lớn, hai đầu củ hơi thon, nói chung mỗi gốc có 4 – 5 củ mọc thành chùm, lúc tươi vỏ màu trắng hoặc vàng nhạt, sau khi chế biến vỏ ngoài màu nâu nhạt bên trong màu đen, mềm dẻo.
Huyền sâm sản xuất ở tỉnh Tứ Xuyên gọi là “Xuyên huyền sâm” hay “Thổ Huyền sâm” thường trồng vào đầu mùa hạ, đến mùa thu sang năm thì thu hoạch. Chủ yếu phân bố ở Đạt Huyện, Ôn Giang, Vạn Huyện, Bồi Lăng.
Huyền sâm sản xuất ở tỉnh Triết Giang thuộc loại Quảng huyền sâm, trồng vào đầu năm thu hoạch vào cuối năm, phân bố ở các huyện Đông Dương, Tiêu cư. Loại này sản xuất ở các tỉnh Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tây, Thiểm Tây, Quý Châu, Cát Lâm, Liêu Ninh. Ở các tỉnh trên ngoài việc trồng trọt ra, còn có khai thác cây mọc hoang dại.
Huyền sâm mới di thực vào nước ta, trồng ở đồng bằng hay miền núi đều cho năng xuất cao, chất lượng tốt. Ở đồng bằng gieo trồng tháng 10 – 11, ở miền núi tháng 2 – 3. Cây ưa đất pha cát nhiều chất mùn, màu mỡ, thoát nước tốt. Có thể gieo thẳng hoặc trồng bằng mầm non sau khi thu hoạch nhưng thông thường là gieo thẳng. Ngâm hạt với nước ấm, trong 4 giờ, vớt ra để ráo, trộn với đất bột để gieo. Gieo xong tưới nước phủ rơm rạ.
1.2. Thu hái, sơ chế
Đến vụ thu hoạch huyền sâm, tùy địa phương sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau. Ở đồng bằng, huyền sâm sẽ được thu hoạch vào tháng 7 – 8, miền núi là tháng 10 – 11. Tuy nhiên tất cả đều sẽ được thu hoạch vào năm thứ 2 sau khi trồng. Trong quá trình thu hoạch, người dân sẽ dùng cuốc đào nhẹ nhàng sâu xuống bên dưới, sau đó nắm lấy gốc cây rũ hết lớp đất bám, ngắt bẻ lấy củ để chế biến. Trường hợp cần lấy đầu chồi hoặc đầu củ làm giống cũng nên chọn vào thời điểm này.
Huyền sâm sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch và đưa lên giàn sấy cho đến khi khô được một nửa thì đem ra chất đống để 2 – 3 ngày. Bên trên có phủ kín cỏ rạ làm cho ruột củ biến thành màu đen, nước bên trong thấm thấu ra ngoài, lại đem ra sấy, sấy cho tới lúc khô 9 phần, bỏ vào trong xảo, lắc đi lắc lại cho củ rễ và đất cát rơi xuống hết, sau đó phân loại đem bán.
Một cách sơ chế huyền sâm nữa cũng được áp dụng khá nhiều là phương pháp chế biến huyền sâm Triết Giang. Huyền sâm sau khi thu hoạch về, đem phơi nắng ngay, lúc phơi khô được một nửa, đem chất đống 2 – 3 ngày, sau đó lại đem phơi, qua độ 40 ngày thì khô kiệt, nếu trường hợp bị mưa thì cũng có thể sử dụng lửa để sấy. Dù là sấy hay phơi khô, điền đáng phải chú ý là không được làm cho rỗng ruột. Nếu phải dùng lửa sấy thì cần lưu ý đặc biệt đến lửa sấy, nhất thiết không được quá to lửa, để tránh khô giòn rỗng ruột.
1.3. Vị thuốc huyền sâm
Phần rễ cây huyền sâm vẫn gọi là củ khô, hình trụ, chính giữa phình lớn và phía dưới thuôn nhỏ dần. Phía trước gốc cổ hẹp, phía trên phình ra. Rễ dài khoảng 15 cm, rộng khoảng 2 cm. Mặt ngoài rễ màu nâu đất, có nếp nhăn sâu rõ ràng và các bì khoảng dài ngang màu đất sét, nếp nhăn nằm ngang tương đối ít, có thể thấy sẹo của nhánh rễ sẽ bị đứt ngang. Mặt cắt ngang rễ màu đen, có nhiều thịt, đầu ướt, chính giữa dạng xơ, phía ngoài có lớp bần mỏng và phía trong có nhiều vân tỏa. Bột rễ huyền sâm có màu đen, vị ngọt mặn xen kẽ.
1.4. Phân loại
Hiện nay huyền sâm thường được chia ra 2 loại chính thống là: Thổ Huyền sâm, và Quảng Huyền sâm, ngoài ra còn có một loại huyền sâm mọc hoang (thường được gọi là Dã Huyền sâm).
Quảng huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl) là cây thân cỏ sống lâu năm. Mặt sau lá và trên cây non có lông ngắn mọc chi chít, thân cây hình vuông, cao khoảng 1,5 m. Lá mọc đối, có cuống, hình trứng hẹp, đầu nhọn, có cuống rộng hơn cuống lá thổ huyền sâm, mép lá có răng cưa đều đặn, lá cũng dầy hơn lá thổ huyền sâm. Về mùa hè cây ra hoa, tụ họp thành chùy tròn, phần ống tràng giống như chiếc tách, rìa cánh hình môi, màu tím đỏ, 4 nhị đực, 1 nhị cái. Quả bế đôi nhỏ, hình trứng. Rễ củ tương đối to mập, hình búa, vỏ màu nâu xám ruột trắng sau khi chế biến khô thì sẽ tự trở thành màu nâu đen.
Dã huyền sâm (Scrophularia oilhami Oliv) về hình thái thì rất giống cây Quảng huyền sâm, chỉ khác là đuôi lá của loài này nhọn nhỏ, mặt phẳng nhẵn, thân không có lông, hoa tự dạng bông dài nhỏ, tràng màu vàng xanh nhạt, củ gầy gò, mọc hoang dại ở vùng Đông Bắc tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc.
2. Tác dụng của huyền sâm
Với nhiều thành phần dược liệu quan trọng như vậy, huyền sâm có tác dụng gì? Hãy cùng đến với câu trả lời ngay sau đây:
2.1. Theo Y Học Hiện Đại
Có đến hơn 162 hợp chất khác nhau đã được xác định và phân lập từ huyền sâm. Trong đó có một số hợp chất quan trọng với sức khỏe con người bao gồm iridoids và iridoid glycoside, phenylpropanoid glycoside, axit hữu cơ, dầu dễ bay hơi, terpenoid, saccharide, flavonoid, sterol và saponin. Những hợp chất này có nhiều đặc tính dược lý khác nhau liên quan đến hệ tim mạch, gan và hệ thần kinh, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và có khả năng kháng lại các tế bào ung thư.
Cao lỏng huyền sâm đã được các nhà khoa học thí nghiệm trên tim ếch với nồng độ thích hợp làm tăng sức co bóp cơ tim và giảm nhịp tim. Còn khi tiêm tĩnh mạch ở thỏ, nó làm giảm huyết áp nhẹ và tăng hô hấp. Nó còn thể hiện tác dụng an thần và kháng nhiều loại vi khuẩn gây bệnh ở da.
2.2. Theo Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, huyền sâm thường có vị đắng, ngọt, tính mát, quy vào kinh Phế, Thận. Vị thuốc có tác dụng tư âm giáng hỏa, sinh tân, lương huyết giải độc, hoạt trường và nhuận táo. Tức là bổ phần âm của cơ thể, làm mát bên trong, trị các chứng nóng trong người, nổi mụn nhọt, táo bón…
Vị thuốc này chủ trị sốt cao, sốt nóng về chiều, viêm họng, miệng lưỡi lở, phát ban, mụn nhọt, mẩn ngứa và táo bón. Nó còn có tác dụng tán kết, nhuyễn kiên ứng dụng trong làm mềm các khối u rắn và tích hòn khối trong cơ thể.
2.3. Một số bài thuốc phổ biến từ huyền sâm
Tăng dịch thang: Huyền sâm 40g, Sinh địa 32g, Mạch môn đông 32g, sắc uống. Bài thuốc này chủ trị sốt cao, nóng trong người, khô khát, miệng lưỡi khô và táo bón.
Thanh dinh thang: Tê giác 12g, Huyền sâm 12g, Kim ngân hoa 12g, Hoàng liên 6g, Mạch môn đông 12g, Sinh địa 20g, Trúc diệp 4g, Liên kiều 8g, Đan sâm 8g. Sắc 8 chén còn 3 chén, uống 3 lần trên ngày. Bài thuốc dùng trị trường hợp sốt cao, không tỉnh táo, nói nhảm, mất ngủ và người khô khát. Tuy nhiên ngày nay vị thuốc tê giác đã không còn được sử dụng nên cần thay thế bằng các vị thuốc khác công dụng tương tự
Thiên vương bổ tâm đan: Nhân sâm, Huyền sâm, Đan sâm, Bạch linh, Viễn chí, Cát cánh mỗi thứ 20g, Đương quy, Mạch môn, Thiên môn, Bá tử nhân, Toan táo nhân mỗi thứ 40g, Sinh địa 160g. Các vị thuốc tán nhỏ, làm thành viên hoàn bằng hạt bắp, sử dụng Chu sa làm áo bên ngoài. Uống với nước ấm vào lúc đói. Bài thuốc này dùng điều trị mất ngủ, người mệt mỏi, hồi hộp đánh trống ngực.
Bài thuốc kinh nghiệm chữa viêm họng, viêm amidan gây sốt, cổ họng sưng đỏ: Huyền sâm 12 – 20g, Sinh địa 12 – 16g, Mạch môn 12 g, Sa sâm 12g, Liên kiều 8 – 12g, Bạc hà 8g, Ô mai 2 quả, Hoàng cầm 8 – 12g, Cát cánh 8 – 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống, Bạc hà sẽ cho vào sau.
Bài thuốc kinh nghiệm trị tróc da tay từ huyền sâm: Mỗi ngày dùng huyền sâm, sinh địa mỗi thứ 30g. Hãm với nước nóng, rồi uống như trà.
Huyền sâm là một loại dược liệu có tác dụng bổ phần âm trong cơ thể, thanh nhiệt, làm mát, trị mụn nhọt, nóng trong người, sốt…. Huyền sâm được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền để điều trị các loại bệnh thường gặp khác nhau. Giống các vị thuốc khác để đạt được hiệu quả trị bệnh tối đa, huyền sâm cũng cần kết hợp với các vị thuốc khác. Ngoài ra, trước khi đưa huyền sâm vào sử dụng điều trị bệnh, người bệnh cũng cần tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!