Không phải một loại rau phổ biến nhưng trên thực tế, rau sam chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Nhiều người cho rằng rau sam chỉ là một loại cỏ dại nhưng thực tế, rau sam là một loại rau ăn được, thậm chí còn đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Rau sam có tên khoa học là Portulaca oleracea, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông nhưng hiện nay đã thích nghi được với nhiều môi trường thời tiết khác nhau, sống được ở nhiều nơi.
Rau sam là một loại cây mọng nước với khoảng 93% là nước. Rau sam thường có thân màu đỏ, lá nhỏ màu xanh lục, hoa vàng hoặc hồng, thân cây mọc bò có thể dài tới 40 cm. Rau sam có thể ăn sống hoặc nấu chín, vị hơi chua hoặc mặn, tương tự như rau chân vịt hoặc cải xoong. Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhiều nhất là những bụi cỏ ven đường hoặc những khe nứt trên tường.
Trong y học cổ truyền, rau sam được sử dụng trong nhiều bài thuốc, có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Trong 100 gram rau sam chứa những thành phần dinh dưỡng như sau:
– Vitamin A (từ beta-carotene): 26% DV (giá trị dinh dưỡng hàng ngày)
– Vitamin C: 35% DV
– Magiê: 17% DV
– Mangan: 15% DV
– Kali: 14% DV
– Sắt: 11% DV
– Vitamin B1
– Vitamin B2
– Vitamin B3
– Folate
– Đồng
– Phốt pho
Tác dụng của rau sam
1. Chứa nhiều axit béo omega-3
Axit béo omega-3 là chất béo quan trọng mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Do đó, bạn cần cung cấp axit béo omega-3 thông qua những thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Trong rau sam có hàm lượng chất béo tổng hợp thấp, phần lớn chất béo của loại rau này ở dạng axit béo omega-3. Rau sam có chứa 2 loại axit béo omega-3 là ALA và EPA. ALA được tìm thấy trong nhiều loại thực vật hơn, còn EPA được tìm thấy hầu hết trong các sản phẩm từ động vật (ví dụ như các loại cá béo) và tảo.
So với các loại rau xanh khác, rau sam chứa hàm lượng ALA cao hơn gấp nhiều lần. Nó chứa hàm lượng ALA cao gấp 5-7 lần so với rau chân vịt. Đặc biệt hơn, rau sam cũng chứa một lượng nhỏ EPA. Chất béo omega-3 này hoạt động tích cực hơn trong cơ thể so với ALA và thường không được tìm thấy trong các loại thực vật mọc trên cạn.
2. Giàu chất chống oxy hóa
Rau sam chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm:
– Vitamin C: Còn được gọi là axit ascorbic, vitamin C là một chất chống oxy hóa cần thiết cho việc duy trì làn da, cơ và xương.
– Vitamin E: Rau sam có chứa hàm lượng cao một dạng vitamin E được gọi là alpha-tocopherol. Nó có thể bảo vệ màng tế bào khỏi bị hư hại.
– Vitamin A: Rau sam chứa khá nhiều beta-carotene, một chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển thành vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt.
– Glutathione: Chất chống oxy hóa quan trọng này có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
– Melatonin: Rau sam cũng chứa melatonin, một loại hormone tốt cho hệ thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ và giấc ngủ.
3. Chứa nhiều khoáng chất quan trọng
Rau sam là một nguồn cung cấp kali tốt, giúp điều chỉnh huyết áp. Việc tiêu thụ kali có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ và cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Rau sam cũng chứa nhiều magie. Đây là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng tham gia vào hơn 300 phản ứng enzyme trong cơ thể, có tác dụng chống lại bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Rau sam cũng chứa canxi, một khoáng chất vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của xương. Ngoài ra, một lượng nhỏ phốt pho và sắt cũng được tìm thấy trong rau sam.
Các nhà khoa học đã chứng minh, những cây rau sam già hơn, trưởng thành hơn thường chứa hàm lượng các khoáng chất cao hơn so với những cây non.
4. Những tác dụng khác
– Tốt cho da, cơ và xương
– Bảo vệ màng tế bào và tế bào
– Tốt cho mắt
– Cải thiện giấc ngủ
– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
– Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
– Hỗ trợ điều trị bệnh gút
– Chữa tiểu rát, tiểu ra máu
– Hỗ trợ điều trị bệnh xơ vữa động mạch
– Hỗ trợ giảm cân.
Lưu ý khi sử dụng rau sam
1. Ăn rau sam kỵ với gì?
Rau sam có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số căn bệnh. Tuy nhiên, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể ăn được với rau sam. Theo dân gian, có 3 thứ tuyệt đối không nên dùng chung với rau sam là: thịt ba ba, rùa và trứng vịt lộn. Nếu dùng chung, nó có thể gây ra ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
2. Những đối tượng không nên sử dụng rau sam
– Không sử dụng rau sam với phụ nữ đang cho con bú.
– Không dùng rau sam cho người bị yếu bụng, lạnh bụng, tiêu chảy.
– Không dùng rau sam với những người có tiền sử mắc bệnh sỏi thận hoặc đang điều trị sỏi thận.
Nguồn tham khảo:
Purslane – A Tasty “Weed” That is Loaded With Nutrients – Đăng tải trên trang tin y tế Health Line – Xuất bản ngày 16/6/2017.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-rau-sam-la-gi-an-rau-sam-ky-voi-gi-d2…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-rau-sam-la-gi-an-rau-sam-ky-voi-gi-d282896.html
Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)