Tác hại của cá dọn bể | Cổng TTĐT Tài năng trẻ Quốc gia

Cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây cực sắc nhọn và cứng như đinh. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác.

Vây cá dọn bể có thể làm thủng lốp ô tô, đem đi chôn lấp cũng rất khó phân hủy. Khi được thả tự do xuống sông, hồ, chúng chiếm lĩnh môi trường sống của các loài sinh vật khác. Do đó, tuyệt đối không nên nuôi loài cá này.


 

Ăn nhiều, đẻ khỏe, sống được trên cạn

Đối với những gia đình nuôi cá cảnh, chắc hẳn không thiếu một vài con cá dọn bể cho nước sạch, trong, đỡ vẩn đục. Nhưng thói quen thả cá dọn bể ra ngoài môi trường đang vô tình giết chết các loài sinh vật bản địa khác. Càng ngày, số lượng cá dọn bể sống ngoài môi trường càng nhiều. Thậm chí có những hộ dân ở Nam Định gom cá dọn bể đem chôn lấp nhưng vây cá không phân hủy, cứng như đinh, thậm chí có thể làm thủng lốp ô tô.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, gọi là cá dọn bể hay lau kính vì loài này ăn tạp như chất thải của cá khác, rong rêu bám trên thành bể… Đặc điểm của chúng là ăn nhiều, đẻ khỏe, sống được ở trên cạn.

Cá dọn bể có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu các loài cá khác có khả năng thích nghi kém sẽ chết. Nguy hiểm hơn do cá thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá dọn bể đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác.

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT tại 14 tỉnh, thành trên khắp mọi miền đất nước, từ Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Nam Định, Nghệ An đến Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp… thì cá dọn bể lây lan với tốc độ chóng mặt. Ở Đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn rất nhiều. Bà con phản ánh, có những mẻ lưới có đến 50% là cá dọn bể, loài cá này nhẹ thì làm rách lưới, còn không có thể phá hủy bờ bao vì đặc tính của chúng là ăn rong rêu và các tạp chất trong môi trường nước.

 

Không dùng làm thực phẩm

Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, điều đáng tiếc là hiện nay, tình trạng xâm hại môi trường của cá dọn bể đã ở mức rất nghiêm trọng. Chính TS Nguyễn Kiêm Sơn từng chứng kiến người dân bắt được những con cá dọn bể nặng đến gần 1kg ở sông Hồng. Các sông khác như Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, cá dọn bể cũng sinh sống khá nhiều. Đặc biệt trong Đồng bằng Sông Cửu Long, có những mẻ lưới của người dân có đến vài chục con cá dọn bể.

Họ cá dọn bể có đến hơn 1400 loài, trong đó chỉ có hơn chục loài thuộc dạng xâm lấn mạnh được thế giới khuyến cáo không nuôi. Tuy nhiên ở rất nhiều gia đình nuôi cá cảnh, khi con cá dọn bể lớn là người ta đem ra ao, hồ để thả, sau đó lại mua con nhỏ hơn về thả vào bể. Hành động này rất nguy hại, phá vỡ môi trường sống của các loài sinh vật bản địa.

“Dù có trọng lượng đến cả kg, phổ biến là 500-600gram song cá dọn bể lại không được sử dụng làm thực phẩm do cấu tạo cơ thể chúng chủ yếu là xương và vỏ cứng. Riêng vây và lớp vỏ của chúng cứng và cực kỳ sắc nhọn, chắc chắn rất khó để có thể ninh nấu cho nó mềm ra được. Lượng thịt trong mỗi con cá có màu trắng, nhưng cực kỳ ít. Nên dù là sinh vật bản địa, nhưng lại không thể tận dụng để làm thực phẩm cho người hay gia súc, nên người ta lại càng chọn cách vứt ra môi trường”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Độ sắc, nhọn của vây và thân cá có thể đứng vào bậc nhất trong các loài sinh vật. Hiện cá dọn bể không được sử dụng vào bất cứ mục đích gì ngoài làm cá cảnh nhưng chúng lại xâm hại môi trường nghiêm trọng. Do đó, đã đến lúc phải lên kế hoạch tận diệt chúng.

 

Một trong 5 loài có nguy cơ cao

Theo Thông tư liên tịch số 27/ 2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT, quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, cá dọn bể được xếp vào một trong những loài ngoại lai xâm hại vì đã đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Đã tự thiết lập quần thể trong tự nhiên, đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn và gây hại đối với các sinh vật bản địa, có khả năng phát tán mạnh; có xu hướng hoặc đang gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện ở Việt Nam; qua khảo nghiệm, thử nghiệm thể hiện có xâm hại.

Năm 2017, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cũng đã công bố công trình nghiên cứu đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Qua hơn 2 năm nghiên cứu, phân tích và đánh giá 62 động vật ngoại lai tác động đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên, 27 loài ngoại lai đã xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên đã được tìm ra.

Trong số 27 loài ngoại lai có 5 loài là cá chim trắng, cá lau kính, rô phi thường, rô phi vằn và ốc bươu vàng được xếp vào hạng ở mức mối nguy cao.

Dù nhiều người khẳng định cá dọn bể có thể ăn được nhưng cũng không thể phủ nhận tác hại của nó đối với các loài thủy sản khác. Bắt được loài này, nhẹ thì rách lưới, nặng thì đứt tay, còn thả chung với loài khác thì chúng hút hết nhớt của cá, tranh giành không gian sống của các loài bản địa.

Nhiều người khẳng định, ở Đồng Nai, Tây Ninh, những hồ thủy điện lớn như Trị An,… xuất hiện rất nhiều loài cá này. Điều dễ nhận thấy là, nơi nào có loài này sinh sống thì những loài khác “không còn đất dung thân”.

 

Nguồn: khoahocdoisong.vn, danviet.vn (TL)

Rate this post

Viết một bình luận