Tam tòng là người nữ “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, được nhiều người hiểu là ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai; thực ra câu này bị diễn giải sai lệch…
Đã một thời gian dài, chúng ta từ khi đi học cho đến lớn lên đọc sách báo, đều thấy một quan niệm mặc định bất biến rằng: Trong xã hội phong kiến, đàn ông áp bức phụ nữ, phụ nữ bị kỳ thị, bị nô dịch, bị hủy hoại. Rằng giai cấp thống trị phong kiến vì để củng cố địa vị của mình mà đã tiến hành một loạt giáo điều áp bức phụ nữ, cấm đoán phụ nữ, để duy trì quyền lực thống trị và nam quyền.
Thực tế, khi đi sâu vào những câu chữ, và diễn giải này, chúng ta sẽ không khó nhận thấy, rất nhiều điều bị bóp méo, bị diễn giải sai lệch, đoạn chương thủ nghĩa.
Tam tòng bị diễn giải sai lệch
Tam tòng là người nữ “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai);
Đôi khi câu này cũng được viết là “vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử” (chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai).
Câu nói này được giải thích là, người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị áp bức, là biểu hiện địa vị nô tỳ của của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ.
Đây là minh chứng địa vị chủ nô của đàn ông, người nữ từ bé cho đến tận khi già cả vẫn phải phục tùng nam giới, thậm chí phục tùng cả con mình.
Cách giải thích sai lệch trên đây lại được dạy dỗ các thế hệ trẻ, rồi thế hệ trẻ lớn lên lại dạy các thế hệ sau sai lệch như thế, trở thành cách hiểu méo mó phổ biến trong xã hội.
Người xưa coi trọng đạo hiếu, vua quan cũng răm rắp nghe lời mẹ
Do người hiện đại không học kỹ, không tìm hiểu sâu văn hóa truyền thống, lại bị tuyên truyền những diễn giải sai lệch, nên dễ dàng nghe theo.
Người tìm hiểu văn hóa truyền thống sẽ dễ dàng tìm ra các bằng chứng phủ định, như chuyện Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ, một lần Mạnh Tử trốn học, mẹ Mạnh Tử chặt khung cửi dạy con, Mạnh Tử sợ hãi nghe theo lời mẹ, chăm chỉ học tập, và trở thành bậc Á Thánh của Nho gia.
Hay như chuyện gần gũi với người Việt là chuyện vua Tự Đức đi săn do mưa lũ về muộn, dù đang mưa, vua vẫn đội mưa mang roi đến dâng lên Hoàng thái hậu Từ Dụ, và quỳ xuống xin chịu đòn.
Đến như bậc Thánh nhân, vua chúa còn coi trọng đạo Hiếu, răp rắp nghe theo lời mẹ như thế, thì làm gì có chuyện người phụ nữ sau khi chồng chết thì nghe theo sự sai bảo của con trai.
Tam tòng thực chất chỉ là tuân theo 3 loại tang phục của người xưa
Thời xưa tang lễ chia ra làm 5 loại tang phục, gọi là Ngũ phục, gồm: “Trảm thôi, tề thôi, đại công, tiểu công và ty ma”.
5 loại tang phục này ứng với để tang người hàng kỵ, cụ, ông, cha và bản thân. Vượt ra ngoài phạm vi quan hê 5 đời này thì không phải mặc tang phục, trong đó Trảm thôi là nặng nhất, và Ty ma là nhẹ nhất.
“Tại gia tòng phụ” là người nữ chưa lấy chồng, khi tang lễ sẽ mặc tang phục theo người cha.
“Xuất giá tòng phu” là người nữ sau khi lấy chồng, khi tang lễ sẽ mặc tang phục theo người chồng.
“Phu tử tòng tử” là người nữ khi chồng chết sẽ mặc tang phục theo con trai.
Ví dụ, khi người ông qua đời, người chồng mặc tang phục là Tề thôi, thì người vợ cũng mặc Tề thôi giống như chồng. Nếu người chồng đã chết trước đó, người con trai trưởng chịu tang cụ mặc Đại công, thì người mẹ theo con trai cũng mặc Đại công.
Ví dụ nữa, chồng chịu tang kỵ (cụ 5 đời) thì mặc tang phục Ty ma, người vợ cũng mặc Ty ma giống như chồng. Nếu chồng đã chết, thì con trai trưởng là đời thứ 6, không phải mặc tang phục, và người mẹ cũng theo con trai, không phải mặc tang phục.
Thế nên “Tam tòng” hoàn toàn không có một chút hàm nghĩa trọng nam khinh nữ, nam cai quản nữ như cách diễn giải sai lệch khiến người ngày nay hiểu sai về đạo đức văn hóa truyền thống tốt đẹp của người xưa.
Thái An
Theo Nhansinh
0
0
votes
Xem thêm