Tại sao 53 nhân viên viện Nhiệt đới tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19?

TP HCMChuyên gia nhận định không có loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh, song có thể giúp người nhiễm bệnh không bị nặng hay tử vong.

Đến sáng 13/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ghi nhận 53 nhân viên dương tính nCoV trong tổng số 887 nhân viên bệnh viện. Những nhân viên này đã được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đầy đủ hai liều. Bệnh viện đang phối hợp Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.

Giáo sư Trần Tịnh Hiền, giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nhấn mạnh “không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh”.

Theo giáo sư Hiền, một khảo sát trên dân số Anh đã chủng ngừa từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, vaccine Covid-19 AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ 60% sau 28 ngày. Theo công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine AstraZeneca giúp giảm các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nặng.

“Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine, nếu ghi nhận tỷ lệ 5-10% trường hợp xét nghiệm dương tính, thì không phải do tiêm chủng thất bại”, giáo sư Hiền nhấn mạnh.

Giáo sư Hiền phân tích, bên cạnh khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng hay tử vong, tiêm ngừa vaccine tạo ra lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng, khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80% dân số. Hai loại vaccine tốt nhất hiện nay ở Mỹ và cả thế giới là Moderna và Pfizer, vẫn có những trường hợp mắc bệnh sau tiêm.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết điều quan trọng là người đã tiêm vaccine nếu bị bệnh thì rất hiếm khi xảy ra bệnh nặng, gần như không có. Người đã tiêm ngừa nếu mắc virus xâm nhập được vào cơ thể thì khả năng virus nhân lên thấp hơn bình thường, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng thấp hơn.

Thực tế, 52 trong số 53 nhân viên mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hoàn toàn không có triệu chứng. Một trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ, là nhân viên phòng công nghệ thông tin đầu tiên được phát hiện dương tính khi phân luồng khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lúc đến bệnh viện làm việc, sáng 11/6. Từ ca đầu tiên này, bệnh viện khẩn trương sàng lọc, truy vết, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện, phát hiện 52 ca nhiễm, chủ yếu tại các phòng ban khối hậu cần.

Theo bác sĩ Hùng, thống kê của hãng AstraZeneca ghi nhận khoảng 4-6 tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai mới tạo được miễn dịch tốt nhất. Trong 4 tuần đầu sau khi tiêm mũi thứ hai, nếu tiếp xúc F0 vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao vì chưa được bảo vệ tốt nhất.

“Sau tiêm mũi thứ hai khoảng 4 tuần, khả năng mắc bệnh giảm, nhưng không có nghĩa 100% không mắc bệnh”, bác sĩ Hùng nói. Theo đó, cơ thể mỗi người tạo ra lượng kháng thể khác nhau sau khi tiêm vaccine. Nếu tiêm mà cơ thể không tạo ra lượng kháng thể đủ thì vẫn bị nhiễm virus.

“Điều này không thể nói là chất lượng vaccine không tốt”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh. Ngay cả người từng mắc Covid-19 rồi vẫn có thể tái nhiễm, phụ thuộc cá nhân có tạo ra lượng kháng thể đủ để phòng chống bệnh hay không.

Bác sĩ Hùng cũng nhìn nhận, lợi ích của vaccine phải nhìn trên tổng thể, ở yếu tố miễn dịch cộng đồng. Tiêm vaccine đồng loạt, với tỷ lệ khoảng 70-80% người trong cộng đồng được chích ngừa, có thể bảo vệ được cộng đồng đó khỏi mắc bệnh.

Bác sĩ Hùng viện dẫn sau khi Mỹ triển khai tiêm vaccine ở phần lớn dân số, vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 khoảng 10.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, số này đã giảm rất nhiều lần so với trước đây, khoảng 400.000 ca một ngày. Số ca bệnh nặng, số tử vong cũng giảm hẳn. Tương tự, số mắc mới, số tử vong ở Trung Quốc cũng giảm mạnh sau khi tiêm vaccine diện rộng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, lý giải gần 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM sau khi tiêm ngừa, sống trong cộng đồng gần như chưa ai tiêm vaccine thì nguy cơ nhiễm bệnh từ cộng đồng rồi mang vào lây truyền trong bệnh viện là rất cao. Càng nhiều người trong cộng đồng cùng chích ngừa, hiệu quả bảo vệ mới càng nâng lên cao.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng cho rằng tốc độ lây nhiễm nhanh với nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là do khối văn phòng làm việc trong phòng máy lạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, giai đoạn hiện nay, không phải chỉ tiêm vaccine là phòng chống được Covid-19 mà cần có sự kết hợp tốt giữa các biện pháp phòng ngừa 5K. Việc kết hợp giúp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Người chưa tiêm vaccine, người đã tiêm song không tạo được kháng thể, tuân thủ tốt 5K giúp phòng bệnh.

Gần 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã được chích đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Hữu Khoa.

Gần 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã được chích đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Hữu Khoa.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang phong tỏa từ chiều 12/6 để tiến hành các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh. Bệnh viện vẫn duy trì xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đang chữa trị.

Bệnh viện từ đầu tuần nay chuyển công năng thành bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Do đó, bệnh viện chỉ còn 88 bệnh nhân đang điều trị nội trú ở các khoa nặng như uốn ván, viêm não, HIV/AIDS, bệnh gan mạn, tất cả đều âm tính lần một. Khoảng 80 nhân viên y tế phụ trách điều trị Covid-19 không tiếp xúc với các nhân viên khoa phòng khác, cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là một trong những nơi đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/3, với vaccine của AstraZeneca. Đến nay, hơn 1,4 triệu liều đã được tiêm, trong đó hơn 54.000 người đã được tiêm đủ hai mũi.

Hiện, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp 4 loại vaccine Covid-19 là AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer. Bộ Y tế Việt Nam đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Lê Phương

Rate this post

Viết một bình luận