“Tôi nghe nói cá ngừ và đồ biển dễ gây dị ứng nên không cho con mình ăn những thực phẩm này. Có phải chức năng gan của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên không loại được độc tố của cá ngừ?”.
Trả lời:
Việc ăn cá ngừ hoặc bất cứ thức ăn nào mà cơ thể không chấp nhận sẽ dẫn đến dị ứng. Hiện tượng này do chất histamin gây ra.
Histamin thường được giữ bên trong các tế bào bạch cầu và không gây hại. Chỉ khi tồn tại ở trạng thái tự do và gắn vào các thụ thể, nó mới gây dị ứng. Chẳng hạn, khi histamin gắn vào các thụ thể ở da, nó sẽ gây ngứa, mề đay; gắn ở hệ hô hấp sẽ gây tiết dịch ở niêm mạc mũi, phù nề phế quản…
Có 2 nguyên nhân gây dị ứng cá ngừ:
– Trong thịt cá ngừ đã có sẵn histamin tự do (khi không còn tươi, thịt cá bị chuyển hóa, sinh ra histamin).
– Cơ thể người ăn không chấp nhận chất đạm từ cá ngừ (thịt cá ngừ là chất dễ gây dị ứng), khiến histamin từ các tế bào bạch cầu được phóng thích ra quá nhiều sinh ra dị ứng.
Không chỉ cá ngừ mà bất cứ thức ăn biển nào như cá thu, tôm hùm, nghêu sò, ghẹ… cũng đều có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa mà một người có thể dị ứng với thức ăn này nhưng không dị ứng với thức ăn kia.
Trong trường hợp bị dị ứng cá ngừ (hoặc bất cứ thức ăn nào khác), nếu chỉ nổi mề đay, ngứa, bệnh nhân có thể đến nhà thuốc nhờ dược sĩ chọn và hướng dẫn dùng thuốc chữa dị ứng (còn gọi là thuốc kháng histamin) như: phenergan, polaramine, claratyne, hismanal, zyrtec…). Nếu dị ứng nặng, phải đến bệnh viện chữa trị.
Cá ngừ và thức ăn biển nói chung là nguồn chất đạm rất tốt. Vì vậy, nếu trẻ không bị dị ứng với cá ngừ (thử trước bằng cách cho ăn một lượng nhỏ cá ngừ, nếu không xảy ra bất thường như nổi mề đay, ngứa thì không việc gì), rất nên cho ăn thực phẩm này để tăng cường chất dinh dưỡng.
TS Nguyễn Hữu Đức, Sức Khỏe & Đời Sống