Tại sao cái ác luôn tồn tại?

Nếu bạn đặt câu hỏi này cho thánh Augustine, một trong những triết gia Trung cổ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo hội Kitô giáo, chắc chắn bạn sẽ nhận được một cái lắc đầu. Chắc chắn, thánh Augustine sẽ bảo: ở trên đời này làm gì có cái gọi là cái ác!

Cũng giống như những tín đồ mộ đạo khác, Augustine tin mãnh liệt rằng mọi sự trên đời này đều được sinh ra bởi Chúa. Hơn thế, mọi quyết định của chúng ta cũng đều được định đoạt bởi Chúa. Chúa biết hết và biết trước. Chúa lập trình mỗi cuộc đời như cách mà các kĩ thuật viên lập trình máy tính. 

Chính từ quan niệm này mà Augustine phải đối diện với một mệnh đề nan giải: nếu Chúa tạo ra mọi thứ thì Chúa tạo ra cả sự tử tế lẫn đốn mạt, Chúa tạo ra cả người cao thượng lẫn kẻ tầm thường, Chúa tạo ra cả thiện và ác? 

Nếu đúng vậy, Chúa có bất công với loài người hay không? Câu trả lời của Augustine: Không! Chúa tạo ra mọi thứ trong cuộc đời này đều đẹp đẽ và lương thiện. Cái mà chúng ta gọi là “xấu”, cái mà chúng ta gọi là “ác” chỉ là một trục trặc, một khuyết thiếu của cái “đẹp”, cái “thiện” mà thôi. 

Cũng giống như bóng tối vậy, theo Augustine, bóng tối không phải là một thực thể độc lập mà chỉ là tình trạng thiếu thốn của ánh sáng.

Cách nhìn nhận của Augustine về cái ác có vẻ mang màu sắc của một sự đánh tráo khái niệm. Nhưng nó không hẳn là một cái nhìn đơn độc, bởi ngay ở thời hiện đại này, chúng ta cũng bắt gặp một cái nhìn tương đồng trong cuốn sách Những độ không của sự thấu cảm của giáo sư tâm lý Simon Baron-cohen (Đại học Cambridge). 

Trong cuốn sách gây tranh cãi này, Simon Baron nói rằng, trong cuộc sống hiện đại của chúng ta, những người bị đánh giá là độc ác hay tàn nhẫn là những người đánh mất đi “khả năng thấu cảm”. 

Điều đó có nghĩa, muốn diệt trừ cái ác, chúng ta phải tìm cách gia tăng năng lực thấu cảm cho “con bệnh”. Có một điều thú vị, nếu “cái ác” là thứ mà các nhà khoa học không thể cân đo đong đếm được thì năng lực thấu cảm lại là thứ có thể định lượng được. 

Cụ thể, trong não người có một bộ phận được các nhà thần kinh đặt tên là amygdala, và amygdala càng nhỏ thì năng lực thấu cảm càng thấp và ngược lại. 

Như thế, nếu thánh Augaustine định nghĩa cái ác  là sự khuyết thiếu  của cái thiện như để bênh vực cho phẩm chất và quyền năng của Chúa thì đến Simon Baron việc tạo ra một cây cầu liên hệ giữa “cái ác” với “khả năng thấu cảm” giúp chúng ta có thể dễ dàng lượng hóa vấn đề.

Bạn sẽ nghĩ, cách nhìn của thánh Augustin hay Simon Baron là cách nhìn cực đoan. Vậy thì bạn phải biết rằng ở phương diện ngược lại, những nhà hiền triết phương Đông bậc thầy như Tuân Tử (Trung Quốc) hay đức Phật Thích Ca Mầu Ni (Ấn Độ) cũng cực đoan không kém.

Tuân Tử quan niệm con người từ khi sinh ra đã mang tính ác. Sau đó lớn lên, trưởng thành, ai cũng thích lợi ích của mình, ghen ghét với lợi ích của người khác. 

Do đó quan điểm về “thuyết tính thiện” vốn xuất hiện trước đó chỉ là một sự trang điểm bịa đặt mà thôi. Tuân Tử quan niệm, cái ác có thể được diệt trừ bằng lễ. Một xã hội có phép tắc, lễ nghĩa là một xã hội quản trị được cái ác, một xã hội ổn định. 

Một trong những học trò xuất sắc nhất của Tuân Tử là Hàn Phi Tử sau này chính là người chủ trương đường lối pháp gia – dùng sự hà khắc của pháp luật để cai trị xã hội. Theo quan điểm này thì bên cạnh “lễ”, cái ác trong bản tính người cũng có thể được quản trị bằng “pháp”.

Với đức Phật, điểm cơ bản số 1 trong luận thuyết “Tứ diệu đế” chính là khổ đế, nghĩa là thừa nhận đời là khổ. Hẳn nhiên, chúng ta hiểu phạm trù khổ đế chứa đựng trong nó cả cái ác. 

Chúng ta ác với nhau, chúng ta ác với vạn vật, chúng ta ác với muôn loài nên chúng ta khổ. Và để diệt khổ, diệt ác, đức Phật không chủ trương “lễ” theo quan điểm của Tuân Tử, cũng không chủ trương “pháp” theo quan điểm của Hàn Phi Tử mà chủ trương buông bỏ, tiêu diệt cái bản ngã vô thường trong mỗi chúng sinh. 

Theo đức Phật, chỉ có diệt bản ngã thì mới diệt được khổ, diệt được ác, từ đó mới có cơ hội được sống trong một trạng thái an lạc.

Phủ nhận cái ác, hay khẳng định cái ác, hay tìm một cây cầu liên hệ giữa cái ác với một phạm trù nào đó tương phản với nó (cái thiện, khả năng thấu cảm…) thì xét cho cùng, cái mà chúng ta gọi là “cái ác” vẫn luôn tồn tại như một tất yếu của đời sống. 

Thậm chí, trở thành một nỗi ám ảnh lớn trong dòng lịch sử. Có vẻ như với mỗi thời đại, cái ác lại lộ thêm ra những khuôn mặt mới mẻ và do đó luôn cần những liều thuốc đặc trị khác nhau.

Đặt cái ác trong mối tương quan thời đại, chúng ta bắt buộc phải đặt ra câu hỏi: vậy trong thời đại công nghệ hôm nay, cái ác có khốc liệt hơn không? 

Một cách hình dung đơn sơ nhất: một kẻ thủ ác đứng trước một đám đông, điều gì xảy ra nếu trong tay hắn chỉ là một thanh kiếm? Và điều gì xảy ra nếu trong tay hắn là một khẩu súng? Chưa hết, điều gì xảy ra nếu trong tay hắn không phải là một thanh kiếm, cũng không phải là một khẩu súng mà là một cái điều khiển – và chỉ cần bấm một nút nhỏ là ở đâu đó sẽ có một con robot nào đó y lệnh giết người? 

Tất cả chúng ta đều hiểu câu trả lời và chúng ta càng thấm thía thêm câu nói của Einstein: Nếu có một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, e là loài người khi đó sẽ cầm đá ném vào nhau. Người ta chỉ có thể cầm đá ném nhau, hệt như cách người nguyên thủy ném những con thú vì trước đó, hệ thống vũ khí tối tân đã hủy diệt tất cả rồi.

Ảnh: L.G.

Tuy nhiên, cái ác không chỉ gợi lên suy ngẫm trong những tương quan công nghệ, thông qua thao tác tư duy đơn giản, đơn tuyến ấy. Cái ác trong mối tương quan với công nghệ còn có những đường đi dích dắc, phức tạp hơn nhiều. 

Một trong những đặc tính quan trọng nhất của công nghệ, biểu hiện ở sự phát triển như vũ bão của các mạng xã hội là cho phép con người được sống trong trạng thái ẩn danh. Ai cũng có thể lên mạng, lập một tài khoản mạng không đúng với tên thật của mình. 

Và ngay cả khi sử dụng tài khoản mạng với đúng tên thật của mình thì chúng ta cũng có thể dễ dàng phát ngôn mà không phải mặt đối mặt với đối tượng tiếp nhận phát ngôn. Đây chính là một cơ chế mà cái ác tiềm ẩn trong mỗi con người rất dễ bị gọi ra.

Nhà phân tâm học Sigmund Freud đầu thế kỷ 20 từng nói một câu rất đáng suy ngẫm rằng: “Con người đạo đức hơn ta nghĩ nhưng con người cũng vô đạo hơn ta nghĩ”. 

Theo Freud, có một vùng trong tâm lý con người canh giữ cái phần “hơn ta nghĩ”, ấy là vùng vô thức. Nếu sống ở thế kỷ 21, chứng kiến những cơ chế ẩn danh đang phát triển tột độ ở thế kỷ 21, rất có thể Freud sẽ có những nghiên cứu thú vị về mối liên hệ giữa “vùng vô thức” với “cơ chế ẩn danh” trên môi trường mạng. 

Rất có thể cái cơ chế ẩn danh kia khiến vô thức dễ phát lộ hơn, những điều không tưởng dễ bùng nổ hơn và cái ác – với tất cả những hình hài của nó cũng dễ bùng nổ hơn?

Nếu chúng ta nhìn nhận cái ác như một con virus thì chắc chắn con virus ấy có khả năng lây lan đáng sợ. 

Hàng loạt những Facebook nổi tiếng hoặc những kênh YouTube nổi tiếng, có cả triệu người theo dõi hiện nay lan truyền cái ác. Sẽ ảo tưởng nếu tin rằng những đứa trẻ còn chưa định hình nhân cách khi tắm mình vào những trang mạng này lại không bị ảnh hưởng, ở cấp độ này hay cấp độ kia.

Việc cả một nhóm nữ sinh quây lại giật đồ, đánh đập một nữ sinh yếu thế rồi ngang nhiên quay clip tung lên mạng, rất có thể chính là hậu quả của sự lây lan đáng sợ này.

Cái ác luôn luôn hiện hữu và tất cả những phương thuốc diệt trừ cái ác mà tiền nhân đưa ra như lễ trị, pháp trị hay tư tưởng trị…, đến tận lúc này vẫn còn nguyên tác dụng. Nhưng với những đặc điểm thời đại hôm nay, có lẽ cần phải có thêm những liều thuốc đặc hiệu của hôm nay.

Diệt trừ cái ác thời 4.0 -đó là chủ đề mà các nhà tư tưởng thời hiện đại sẽ còn phải tiếp tục suy ngẫm và trở đi trở lại nhiều lần.

Rate this post

Viết một bình luận