Lạc quan là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh và tích cực trước mọi tình huống cho dù là bất lợi giúp con người ta luôn cảm cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản. Một số nghiên cứu cho thấy có những người luôn lạc quan trong phần lớn cuộc đời của họ ngay cả khi phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng. Vậy đâu là lý do cho sự lạc quan lâu dài này?
Các nghiên cứu khảo sát mức độ lạc quan từ độ tuổi 16 đến 100 cho thấy sự lạc quan thường tăng lên liên tục trong suốt tuổi thiếu niên, sau đó ổn định và giảm dần ở tuổi trưởng thành. Không phải chỉ những người có một cuộc sống thuận lợi mới có được sự lạc quan lâu dài mà kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn khi được phỏng vấn cũng cho thấy một tinh thần tích cực và hướng về phía trước.
Trái với những suy nghĩ thông thường, những sự kiện được cho là tiêu cực về cảm xúc như cái chết hay ly hôn không thực sự khiến con người ta thay đổi cái nhìn lạc quan về tương lai. Mọi người luôn chọn tập trung vào những điều khiến họ hạnh phúc và duy trì cảm xúc cân bằng sau khi phải đối mặt với những khoảng thời gian khó khăn.
Khoảng thời gian mà con người có xu hướng lạc quan nhìn vào những mặt tích cực của cuộc sống thường rơi vào khoảng 15 đến 60 tuổi, điều này một phần liên quan đến những trải nghiệm thành công trong công việc và cuộc sống của họ. Đây là khoảng thời gian mà con người có đủ sức khỏe và tự chủ để tìm kiếm mục đích trong công việc, xây dựng những mối quan hệ mong muốn hay tóm lại là phần nào kiểm soát được tương lai của bản thân. Do đó, họ có xu hướng trông đợi vào một tương lai tươi sáng dù có phải đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống.
Ngược lại, khi bước vào tuổi già, sự lạc quan có thể bị giảm sút do lo lắng về sức khỏe hoặc ý thức về việc mình đang bước tới những chặng cuối của cuộc đời. Nhiều ý kiến cho rằng độ tuổi nghỉ hưu là khi con người ngừng làm việc và có thời gian nghỉ ngơi hoặc theo đuổi những sở thích của mình nhưng việc này cũng không khiến họ có cách nhìn tốt hơn về cuộc sống.