–
Thứ hai, 06/09/2021 20:00 (GMT+7)
Các vật thể không gian lớn như hành tinh và ngôi sao có xu hướng hình cầu trong khi các tiểu hành tinh không có hình dạng cố định. Ảnh: AFP/Shutter
Khi nhìn vào Hệ Mặt trời, chúng ta có thể nhìn thấy vô số các vật thể đủ mọi hình dạng và kích cỡ, từ hạt bụi nhỏ xíu cho tới Mặt trời và những hành tinh to lớn. Nhưng có một điểm chung là các vật thể lớn như hành tinh, ngôi sao, Mặt trăng hay Mặt trời đều có dạng hình cầu trong khi các vật thể nhỏ hơn như sao chổi hay tiểu hành tinh dường như không tuân theo quy luật nào.
Lực hấp dẫn
Chìa khóa giải mã cho câu hỏi tại sao các vật thể không gian lớn có hình cầu là lực hấp dẫn. Vật nào càng lớn thì khối lượng càng lớn và tạo ra một lực hấp dẫn lớn tương đương. Lực hấp dẫn của một vật luôn hướng về trọng tâm ở phần lõi của nó. Khi mới hình thành, các hành tinh chưa có hình dạng xác định, chính lực hấp dẫn đã kéo các vật chất hướng về phía trung tâm của nó, dẫn đến sau hàng triệu, hàng tỉ năm, cuối cùng các hành tinh cũng có hình dạng cố định là hình cầu.
Trái đất chính là một hành tinh hình cầu. Ảnh: NASA
Tuy nhiên, một vật thể phải thực sự to lớn mới có thể tạo ra một lực hấp dẫn đủ mạnh, đủ khả năng vượt qua được sức mạnh của vật chất tạo ra nó.
Trạng thái cân bằng thủy tĩnh
Khi một hành tinh tạo ra trọng lực đủ lớn để thắng được sức mạnh của vật chất tạo ra nó, nó sẽ có xu hướng kéo tất cả vật chất thành hình cầu. Những nơi quá cao trên hành tinh sẽ bị kéo xuống, đè nén các lớp vật chất bên dưới, còn những khu vực quá thấp cũng không thể bị đẩy ra bên ngoài.
Khi đạt đến dạng hình cầu đó, ta nói hành tinh đang ở trạng thái “cân bằng thủy tĩnh”. Nhưng không phải mọi hành tinh đều đạt đến trạng thái cân bằng thủy tĩnh, điều này còn phụ thuộc vào việc nó được cấu tạo bằng gì.
Một vật thể chỉ có thành phần là nước lỏng sẽ thực sự dễ dàng để chế ngự vì về cơ bản các phân tử nước chuyển động rất dễ dàng nên không có sức mạnh chống lại lực hấp dẫn.
Trong khi đó, một vật thể cấu tạo bằng sắt nguyên chất sẽ cần phải có khối lượng lớn rất hơn nhiều để trọng lực của nó thắng được sức mạnh của sắt. Trong Hệ Mặt trời, ngưỡng đường kính cần thiết để một vật thể băng giá trở thành hình cầu là ít nhất 400km. Riêng đối với những vật thể được làm chủ yếu từ các vật chất rắn, ngưỡng này thậm chí còn phải lớn hơn.
Mặt trăng Mimas của sao Thổ do tàu vũ trụ Cassini chụp. Ảnh: NASA
Mặt trăng Mimas của Sao Thổ, trông giống như ngôi sao Tử thần, có hình cầu và đường kính 396km. Đây hiện là vật thể không gian nhỏ nhất minh chứng cho tiêu chí nêu trên.
Chuyển động liên tục
Mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi bạn nhận ra thực tế rằng tất cả các vật thể đều có xu hướng quay tròn hoặc nhào lộn trong không gian. Nếu một vật thể đang quay, các vị trí ở xích đạo của nó (điểm nằm cách đều hai cực) sẽ cảm nhận được lực hấp dẫn giảm nhẹ so với các vị trí ở gần cực.
Kết quả của việc này là dạng hình cầu hoàn hảo trong trạng thái cân bằng thủy tĩnh trên thực tế sẽ được chuyển sang cái được gọi là “hình cầu dẹt” – khi các vật thể ở xích đạo trông có vẻ phồng lên so với các cực của nó. Điều này đúng với Trái đất của chúng ta, có đường kính xích đạo là 12.756km và đường kính từ cực đến cực là 12.712km.
Một vật thể không gian quay càng nhanh thì hiệu ứng này càng mạnh. Sao Thổ là hành tinh chứa khí là chủ yếu nên lỏng hơn cả nước dù cũng có một lõi đặc bên trong. Hành tinh này quay trên trục của nó hết một khoảng thời gian 10 giờ 30 phút, ngắn hơn so với chu kỳ 24 giờ của Trái đất. Kết quả là sao Thổ có hình cầu dẹt hơn nhiều so với Trái đất.
Hình ảnh sao Thổ và các Mặt trăng của nó. Ảnh: NASA
Một số ngôi sao thậm chí còn mất cân xứng hơn. Ngôi sao sáng Altair, có thể quan sát thấy trên bầu trời phía bắc Australia trong những tháng mùa đông, là một minh chứng. Nó tự quay quanh trục trong vòng 9 tiếng. Nhanh đến mức đường kính xích đạo của nó lớn hơn 25% so với khoảng cách giữa các cực.