11:09:35 14-11-2018
Ứng tuyển (apply) du học Mỹ là một quá trình đầy gian nan và mệt mỏi, đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc về thời gian và công sức của bản thân cũng như gia đình. Trong cả quá trình ứng tuyển, điều đặc biệt quan trọng mà bạn luôn phải lưu tâm đến đó là THỜI GIAN. Bởi lẽ, hơn 4000 trường đại học, cao đẳng ở Mỹ áp dụng không chỉ duy nhất một mà là nhiều hình thức ứng tuyển khác nhau. Do đó, điều này thường gây bối rối cho những ứng viên bước đầu tìm hiểu quá trình ứng tuyển cũng như những ứng viên lơ là và chuẩn bị không tốt về mặt thời gian. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan mà rõ nét về các hình thức ứng tuyển cùng một số điều cần lưu ý.
Các hình thức ứng tuyển đại học, cao đẳng ở Mỹ được chia ra thành hai dạng chính, đó là Rolling Admission (Ứng tuyển mở) và Deadline Admission (Ứng tuyển có thời hạn)
ROLLING ADMISSION (RA)
Hãy bắt đầu với dạng ứng tuyển Rolling Admission (RA). Đúng như tên gọi của nó, Rolling Admission là kì ứng tuyển không có thời hạn nhất định và không mang tính ràng buộc. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bị áp lực quá nhiều về mặt thời gian, có thể nộp hồ sơ lúc nào cũng được trong khoảng từ mùa thu năm này đến mùa thu năm sau. Thêm vào đó, khi nộp hồ sơ theo hình thức RA vào một trường, bạn vẫn có thể tiếp tục nộp vào bất kỳ trường nào khác bạn muốn. Các trường sẽ nhận và xét hồ sơ liên tục cho đến khi đủ chỉ tiêu. Chẳng hạn như đối với trường Penn State, ứng viên có thể bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 1 tháng 9, nhà trường sẽ nhận và đánh giá ngay khi có hồ sơ gửi về. Một điều bạn cần phải đặc biệt lưu ý, đó là không nên vì Rolling Admission không có deadlines (thời hạn) chính xác mà chủ quan nộp hồ sơ lúc nào cũng được. Bạn thực sự nên nộp hồ sơ ngay khi có thể, càng sớm càng tốt bởi vì các trường áp dụng RA sẽ nhận, đánh giá và đưa ra quyết định cho một bộ hồ sơ ngay khi nó được gửi đến văn phòng tuyển sinh. Do đó, nếu bạn nộp hồ sơ sớm thì bạn sẽ nhận được kết quả sớm, bạn nộp hồ sơ muộn thì bạn sẽ nhận được kết quả muộn. Hơn nữa, bạn nên nhớ rằng, có vô vàn ứng viên cũng đang nỗ lực nộp hồ sơ giống bạn, sự cạnh tranh luôn hiện diện trong quá trình apply này. Trong khi đó, không có một trường nào có đủ chỗ và đủ khả năng nhận tất cả các ứng viên cho dù họ muốn nhận cỡ nào đi nữa. Chính vì vậy, nếu chủ quan nộp hồ sơ muộn, bạn rất có thể bị loại một cách vô cùng uổng phí vì lý do không đáng có, rằng “trường đã đủ chỉ tiêu”.
Tuy nhiên, một số trường sử dụng RA vẫn đưa ra deadline ưu tiên cụ thể vào khoảng tháng 11 hoặc tháng 12. Chẳng hạn như với Penn State, deadline ưu tiên là 30/11. Do vậy, khi nghiên cứu về một trường, bạn nên tìm hiểu xem trường có sử dụng RA không và nếu có thì trường có đặt deadline ưu tiên hay không để có thể đưa ra cho mình kế hoạch chuẩn bị hồ sơ thật tốt mà lại tránh khỏi áp lực.
Bên cạnh dạng ứng tuyển mở (Rolling Admission), các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ còn áp dụng dạng ứng tuyển có kỳ hạn cụ thể (Deadline Admission). Deadline Admission gồm có 3 hình thức ứng tuyển mới 3 mốc thời hạn khác nhau là Early Action, Early Decision và Regular Decision.
EARLY ACTION (EA)
Early Action là một trong hai kỳ ứng tuyển sớm với thời hạn nộp hồ sơ phổ biến là ngày 1 tháng 11 và ngày 15 tháng 11. Bạn sẽ nhận được kết quả vào khoảng tháng 12.
Khi nộp hồ sơ theo hình thức EA, sẽ có 3 khả năng có thể xảy ra với bạn. Bạn được nhận (accepted), bạn bị từ chối (denied) hoặc bạn bị chuyển sang đợt xét tuyển sau (deferred). Đối với trường hợp deferred, điều này có nghĩa là thay vì được xét sớm, hồ sơ của bạn sẽ được xét cùng đợt với các ứng viên nộp hồ sơ vào kỳ hạn thông thường. Bạn không cần quá lo lắng nếu như bị deferred vì độ cạnh tranh trong kỳ EA thường có xu hướng tăng lên hàng năm, dẫn đến số lượng ứng viên bị deferred cũng sẽ tăng lên theo. Đây là điều hết sức bình thường. Thay vì lo lắng và thất vọng, bạn có thể làm một vài việc hữu ích hơn như liên lạc với văn phòng tuyển sinh để có thêm thông tin chi tiết, hay hoàn thiện lại hồ sơ của mình bằng cách thi lại các kì thi và gửi bổ sung điểm mới cho văn phòng tuyển sinh.
EA là kỳ ứng tuyển sớm không có ràng buộc hay hạn chế, bạn có thể nộp hồ sơ vào trường nào bạn muốn ngoài trường EA đã ứng tuyển. Nếu được nhận, thì bạn không nhất thiết hay bắt buộc phải theo học, bạn có thời gian đến tận trước ngày National Response (ngày 1 tháng 5) để cân nhắc, so sánh các chính sách hay khoản hỗ trợ tài chính được offer giữa các trường, đưa ra quyết định và nộp quyết định của mình (deposit). Tuy nhiên, một số ít trường ở Mỹ như Harvard, Yale, Stanford, Princeton hay Notre Dame áp dụng hình thức EA hạn chế (Restrictive Early Action), nghĩa là bạn sẽ chỉ được nộp hồ sơ vào một trường duy nhất mà không được nộp EA hay ED vào bất cứ trường nào khác. Dưới đây là danh sách một số trường áp dụng hình thức ứng tuyển EA kèm theo deadline cụ thể.
*bảng danh sách các trường EA
Như đã nói ở trên, bên cạnh kì ứng tuyển Early Action (EA) còn có một kỳ ứng tuyển sớm nữa, đó là Early Decision (ED).
EARLY DECISION (ED)
EA và ED đều có chung kỳ hạn (Deadline là tháng 11, ngày trả kết quả rơi vào khoảng tháng 12 cho đến đầu tháng 1), tuy nhiên hai kỳ ứng tuyển này có một điểm khác biệt rất lớn. Không giống như EA, ED là hình thức ứng tuyển có ràng buộc. “Ràng buộc” ở đây nghĩa là bạn và gia đình, cùng người tư vấn phải ký vào một bản cam kết mà theo đó, bạn nhất định sẽ theo học tại trường nếu như bạn được nhận và được mức hỗ trợ tài chính phù hợp với gia đình bạn (dựa trên form tài chính CSS). Sau đó bạn phải rút hết hồ sơ đã nộp vào các trường khác (nếu có). Do vậy, khi bạn ứng tuyển ED vào một trường, nghĩa là bạn phải rất yêu trường và rất mong muốn được theo học tại trường. Hay nói cách khác, trường mà bạn nộp ED chính là lựa chọn số một của bạn. Chính vì lẽ đó, bạn nên cân nhắc và suy xét thật kỹ trước khi quyết định ứng tuyển ED vào một trường nào đó.
Hình thức ứng tuyển ED được chia thành hai kỳ nhỏ là ED1 và ED2 (do có một số trường áp dụng chương trình ED2). Hai kì ED này chỉ khác nhau ở kỳ hạn của chúng. ED2 thường diễn ra cùng thời gian với kỳ ứng tuyển thông thường (Regular Decision) nhưng công bố kết quả sớm hơn (vào khoảng giữa tháng 2). Nếu bạn không thành công khi nộp hồ sơ ED1 vào một trường mà vừa hay trường đó lại mở kỳ ED2 thì ED2 chính là cơ hội thứ hai của bạn. Trong khoảng thời gian từ kỳ ED1 đến kỳ ED2, bạn có thể cải thiện điểm số, trau chuốt thêm cho bộ hồ sơ của mình. Hoặc nếu như bạn ứng tuyển không thành công ở kỳ ED1 vào một trường và bạn lại rất thích một trường khác thì bạn có thể nộp ED2 vào trường đó. Khi nộp hồ sơ ED2 vào một trường, bạn phải nộp hồ sơ vào các trường khác ở kỳ ứng tuyển thông thường (Regular Decision). Nếu được nhận ED2, bạn phải rút hết hồ sơ ở các trường đó về. Dưới đây là danh sách một số trường có áp dụng hình thức ED2 kèm theo deadline của hai kỳ ED ở mỗi trường.
*Danh sách trường kèm theo deadline
Hình thức ứng tuyển cuối cùng cũng là hình thức được rất nhiều ứng viên ưa chuộng, đó là Regular Decision (RD) – Ứng tuyển thông thường.
REGULAR DECISION (RD)
Kỳ hạn của RD thường rơi vào đầu tháng 1 (phổ biến nhất là ngày 1 tháng 1 và ngày 15 tháng 1) và kết quả sẽ được trả vào khoảng tháng 3. Tuy nhiên, có một số trường đưa ra deadline RD sớm hơn hoặc muộn hơn. Chẳng hạn như hệ thống trường đại học California (UC) đặt deadline vào ngày 30/11, hay như trường University of Michigan đặt deadline vào ngày 1 tháng 2.
Giống như RA hay EA, RD là hình thức ứng tuyển không có ràng buộc. Bạn có thể nộp vào bao nhiêu trường bạn muốn, nhưng con số lý tưởng là khoảng 15 – 20 trường. Trong khoảng từ khi nhận kết quả vào giữa tháng 3 cho đến ngày National Response (ngày 1 tháng 5), bạn có thể cân nhắc giữa các trường để đưa ra quyết định cuối cùng. Dưới đây là danh sách một số trường áp dụng hình thức ứng tuyển RD kèm theo deadline cụ thể.
*Danh sách trường kèm theo deadline.
Một số trường sẽ có yêu cầu nhất định yêu cầu bạn phải hoàn thành trước ngày deadline mà trường đặt ra. Ví dụ như trường MIT đưa ra deadline phỏng vấn vào ngày 10/12 trong khi deadline RD là đầu tháng 1. Do đó, bạn cần tìm hiểu rõ các yêu cầu của trường để lên kế hoạch ứng tuyển hợp lý.
Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý đối với các hình thức ứng tuyển.
-
Các trường thường áp dụng một hoặc một số chứ không áp dụng hết tất cả các hình thức ứng tuyển. Do vậy, khi nghiên cứu trường, bạn cần tìm hiểu thật kỹ trường đó sử dụng hình thức ứng tuyển nào để có hướng đi đúng đắn.
-
Quá trình chuẩn bị hồ sơ sẽ lấy đi của bạn rất nhiều thời gian, đặc biệt là thời gian chuẩn bị cho các kì thi như SAT/ ACT hay IELTS/TOEFL, thư giới thiệu, bài luận cá nhân. Bạn cần phải biết rõ các trường bạn muốn ứng tuyển áp dụng hình thức ứng tuyển nào với deadline ra sao, từ đó lên được cho bản thân mình các deadline nhỏ cho mỗi công đoạn chuẩn bị hồ sơ sao cho phù hợp với deadline của trường.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các hình thức ứng tuyển được áp dụng tại hơn 4000 trường đại học/ cao đẳng tại Mỹ cũng như những lưu ý cần ghi nhớ khi chuẩn bị hồ sơ dựa theo các hình thức ứng tuyển.
Biên tập: Thanh Huyền
Nguồn tham khảo: College Board và Coursera.