Thời tiết năm nay lạnh kỷ lục, đồng nghĩa sẽ có nhiều bệnh nhân sẽ bị “cước da” nhiều hơn. Vậy cước da có biểu hiện gì, điều trị ra sao? BS Hoàng Văn Tâm và BS Nguyễn Doãn Tuấn giải đáp vấn đề này.
1. Cước da là gì?
Cước da là tính trạng da đổi màu đỏ hay xanh nhạt sau khi tiếp xúc với lạnh. Từ tiếng Anh “chilblians” xuất phát từ tiếng Anh cổ, “chill” có nghĩa là lạnh và “blegen” có nghĩa là đau.
Đặc trưng của bệnh là các nốt, sẩn, mảng hay dát màu từ đỏ đến tím ở vị trí tiếp xúc với lạnh, thường kèm theo ngứa, rát bỏng, đau.
2. Những ai dễ bị bệnh cước da, thường bị cước da khi nào?
Bệnh cước da hay gặp ở trẻ em, người già.
+ Cước da ở trẻ em có thể tái phát vào mỗi mùa đông, trong vài năm sau đó sẽ khỏi.
+ Cước da ở người cao tuổi có xu hướng nặng hơn hàng năm trừ khi tránh được các yếu tố làm nặng bệnh
Bệnh thường khởi phát vào mùa đông và đỡ khi sang xuân.
3. Tại sao chúng ta lại bị cước da?
Bệnh do phản ứng bất thường của mạch máu với lạnh (cơ chế cụ thể hơn mọi người xem comment ở dưới).
Bệnh cước không phải bệnh cơ địa mà là một dạng dị ứng da tại chỗ do thời tiết. Khi trời lạnh, các đầu ngón chân, ngón tay sưng lên, nóng đỏ, hơi đau do phù nề, mức độ khác nhau. Nhiều người ngứa quá mức phải gãi gây trầy xước và nhiễm trùng, dẫn đến viêm da.
4. Biểu hiện của bệnh cước da thế nào?
- Các dát, sẩn, nốt màu đỏ cho đến xanh tím. Trường hợp nặng có thể có bọng nước.
- Số lượng một hoặc nhiều, xuất hiện cùng lúc.
- Vị trí: đối xứng vùng đầu ngón chân, ngón tay, ít hơn ở gót chân, mũi, tai.
- Triệu chứng kèm theo: ngứa, bỏng rát, đau.
- Diễn biến: cấp hoặc mạn tính
Cấp tính: thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với lạnh 12-24 giờ, và tự hết sau 1-3 tuần.
Mạn tính: tái phát, dai dẳng kéo dài nhiều tuần, thường hay gặp ở người già bị suy tĩnh mạch hay mắc bệnh lý hệ thống.
5. Để chẩn đoán bệnh cước da có cần làm xét nghiệm gì không?
- Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán.
- Trong trường hợp bệnh mạn tính kéo dài, có thể làm các xét nghiệm khi có các biểu hiện nghi ngờ các bệnh lý phối hợp, đặc biệt ở người già.
6. Chẩn đoán bệnh cước da thế nào?
Dựa trên tiền sử và biểu hiện lâm sàng phù hợp khi thăm khám:
- Các dát, sẩn, nốt màu đỏ hoặc tím, phù nề, phân bố đối xứng tại vị trí các đầu cực
- Bệnh khởi phát sau khi tiếp xúc với lạnh
- Mức độ nặng của bệnh có liên quan đến những tháng thời tiết lạnh trong năm. Bệnh cải thiện sau khi không tiếp xúc với lạnh.
7. Cần phân biệt cước da với các bệnh gì?
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các bệnh sau: cước da lupus, viêm mô mỡ do lạnh, xanh tím đầu cực, hội chứng Raynaud, cryoglobulin máu…
8. Điều trị cước da thế nào?
Quan trọng nhất: giữ ấm tay chân.
Các thuốc có thể sử dụng:
- Toàn thân: nifedipine 20-60mg/ngày có thể hiệu quả lên đến 70%. Gần đây có tác giả dùng pentoxyfylline 400mg 3 lần/ngày cũng cho hiệu quả.
- Tại chỗ: nitroglycerin 0,2%.
- Có thể dùng corticoid bôi tại chỗ loại mạnh hay trung bình tuy nhiên lợi ích không quá rõ ràng, chủ yếu giảm ngứa, đỏ.
9. Phòng cước da như thế nào? (đặc biệt với các bệnh nhân có khuynh hướng cước da mạn tính)
- Không hút thuốc (nicotin làm co mạch)
- Nhà và nơi làm việc nên tránh gió lùa vào mùa đông, có thiết bị sưởi ấm
- Giữ ấm tay chân bằng găng tay, tất.
- Găng tay chống thấm khi làm việc trong nước
- Ngâm tay trong nước ấm vài phút có thể làm ấm tay trong vài giờ
- Tập thể dục
- Hạn chế các thuốc co mạch: caffein, thuốc thông mũi và hỗ trợ ăn kiêng
- Dùng các thuốc giãn mạch như nifedipine trong mùa đông.
Bác sĩ: Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Doãn Tuấn