Tên gọi của Nhật Bản có ý nghĩa gì?

Nhật Bản là đảo quốc thuộc vùng Đông Á với diện tích gần 380.000 km vuông. Tên gọi của quốc gia trong tiếng Nhật là “Nippon” hoặc “Nihon” (chung cách viết bằng chữ kanji), nghĩa là “nguồn gốc của mặt trời”. Người dân tin rằng Nhật Bản là nơi khởi nguồn của mặt trời và những người phương Tây thường dịch tên của quốc gia này thành “xứ sở mặt trời mọc”. 

Ngoài ra, tổ tiên của người Nhật được cho là Thái Dương thần nữ (nữ thần mặt trời Amaterasu). Quốc kỳ của Nhật Bản có nền trắng, đĩa tròn màu đỏ ở trung tâm, tượng trưng cho mặt trời. 

Quốc kỳ Nhật Bản. Ảnh: Picquery

Quốc kỳ Nhật Bản. Ảnh: Picquery

Nhật Bản còn được gọi là “xứ sở hoa anh đào”. Khoảng tháng 4 hàng năm, hoa anh đào (hay sakura) bắt đầu khoe sắc dọc từ bắc tới nam. Hoa bắt đầu tàn chỉ một tuần sau thời điểm bung nở rực rỡ nhất. Các lễ hội ngắm hoa cùng nhiều hoạt động thú vị thu hút du khách khắp thế giới.

Trong khi đó, cái tên “đất nước hoa cúc” được sử dụng bởi hoa cúc là một biểu tượng quốc gia, xuất hiện trên hoàng gia huy Nhật Bản (còn gọi là Cúc Văn), được các thành viên hoàng thất sử dụng. Bông hoa cúc 16 cánh tượng trưng cho mặt trời đang tỏa ánh nắng. Chế độ quân chủ của Nhật Bản cũng thường được nhắc đến với hình ảnh tượng trưng là ngai vàng hoa cúc.

Theo cuốn “Nhật Bản” thuộc bộ sách “Đối thoại với các nền văn hóa” của Nhà xuất bản Trẻ, khoảng 72% diện tích nước Nhật là núi non. Các triền núi đều khá dốc, gây khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp. Địa hình dốc đứng này buộc người Nhật phải đi ra biển, theo nghề hàng hải và đánh cá. Tất cả thành phố quan trọng của nước Nhật đều nằm sát bờ biển.

Ảnh: Welcome2Japan

Núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất Nhật Bản. Ảnh: Welcome2Japan

Giống như những dân tộc hải đảo ở khắp nơi, người Nhật Bản nhờ đến biển để đảm bảo cuộc sống. Tuy vậy, những ngọn núi luôn là nền tảng định hướng tính cách của người Nhật, truyền cho họ tính kiên cường và chịu đựng với nghịch cảnh.

 Nhật Bản hình thành từ 6.852 hòn đảo, tạo thành hình cánh cung khổng lồ. Bốn đảo lớn gồm Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm 97% diện tích đất liền.

Honshu là hòn đảo lớn nhất, nằm ở giữa. Trong quá khứ, các thế lực phong kiến và đế quốc tập trung ở Honshu. Ngày nay, Honshu là trung tâm công nghiệp của nước Nhật và là nơi sinh sống của 80% dân số.

Ngọn núi cao nhất (núi Phú Sĩ, cao 3.776m), con sông dài nhất (sông Shinano, dài 367km), hồ nước lớn nhất (hồ Biwa, 670 km2) đều nằm trên đảo Honshu.

 

Bốn hòn đảo lớn của Nhật Bản. Ảnh: Go Japan Go

Bốn hòn đảo lớn của Nhật Bản. Ảnh: Go Japan Go

 

 

Thần đạo (Shinto) là tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Nhật Bản, xuất hiện từ trước Công nguyên. Đây là một trong hai tôn giáo hàng đầu ở xứ sở Phù Tang, bên cạnh Phật giáo (du nhập năm 552).

Cuốn “Nhật Bản” thuộc bộ sách “Đối thoại với các nền văn hóa” cho biết thần đạo nghĩa đen là “con đường của thần thánh”, không có nguyên tắc rõ ràng, không có danh tính xác định các vị thần. Nó hiện diện trong niềm tin của người Nhật ngay từ thuở sơ khai rằng có một thần linh nào đó ẩn náu trong vạn vật, cả sinh vật sống hay vật vô tri vô giác. Họ gọi chúng là “kami”, nghĩa là “bên trên” hay “ở trên cao”.

Linh hồn của các anh hùng dân tộc, học giả nổi tiếng và ông quan, của núi non, sông hồ, cây cối hay vách đá là “kami”. Họ lập ra các đền miếu nhằm tỏ lòng biết ơn đối với sự phù hộ độ trì và ban phúc của các “kami”, và mọi người tới các đền miếu này để cầu thành đạt.

Thần đạo là tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Ảnh: Emaze

Thần đạo là tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Ảnh: Emaze

Thần đạo không có đồ tế tự như hầu hết tôn giáo khác. Những cây gậy, lá cây và dải giấy được dùng trong các nghi lễ đơn giản thông thường. Một đặc điểm cốt lõi của nghi lễ Thần đạo là hành động thanh tẩy có tính chất tượng trưng mà người Nhật thực hiện trước khi đến một ngôi đền Thần đạo, như rửa tay và súc miệng. Nghi lễ Thần đạo là một phần trong lễ cưới, sinh nở, lễ hạ thủy tàu bè, đặt móng cho công trình xây dựng mới.

 Nhà Yamato của Nhật Bản là triều đại tồn tại lâu đời nhất lịch sử thế giới với hơn 2.000 năm. Đương kim Thiên hoàng Akihito là Thiên hoàng thứ bao nhiêu của Nhật Bản?

Hoàng gia Nhật Bản là sự tiếp nối từ một dòng dõi liên tục hơn 2.000 năm. Không một hoàng gia nào trong lịch sử nhân loại giữ được địa vị trong thời gian dài như vậy. Theo danh sách Thiên hoàng truyền thống, Thiên hoàng đầu tiên là Jimmu (lên ngôi năm 660 TCN) và đương kim Thiên hoàng Akihito là người lên ngôi thứ 125 vào năm 1989.

Akihito là con trai trưởng và là người con thứ năm của Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) và Hoàng hậu Hương Thuần (Kuni Nagako). Vợ ông, hoàng hậu Michiko là người có xuất thân thường dân đầu tiên trở thành thành viên của Hoàng tộc Nhật Bản.

Nhà vua Nhật Bản Akihito sẽ thoái vị năm 2019, truyền ngôi cho Thái tử Naruhito. Ảnh: AFP

Nhà vua Nhật Bản Akihito sẽ thoái vị năm 2019, truyền ngôi cho Thái tử Naruhito. Ảnh: AFP

Giống hầu hết chế độ quân chủ lập hiến, Thiên hoàng không đứng đầu Chính phủ. Vai trò lãnh đạo tôn giáo cũng không còn được thừa nhận kể từ ngày Tết đầu năm 1946. Tuy nhiên, Hoàng gia luôn được xem là nhân tố đảm bảo sự yên bình, ổn định cho đất nước và Thiên hoàng là một biểu tượng được người dân tôn kính.

 St. Vnexpress.net

 

Rate this post

Viết một bình luận