Tengu: Từ Yokai độc ác đến vị thần Thiên Cẩu mang phước lành | KILALA eMagazine

Quá trình tiến hoá của Tengu

Thế kỷ thứ 9 – 10: Thời này, câu chuyện về Tengu lan truyền trong dân chúng với những hành vi gian ác như các loài Yokai khác. Tengu được miêu tả là những con quỷ sống trên núi vô cùng gian xảo và thường dụ dỗ con người vào rừng bằng âm nhạc, ném đá cuội vào nhà, nhập vào người mù làm cho họ đột nhiên có khả năng viết chữ Kanji hay gây ra hoả hoạn lớn. Ngoài ra, một số câu chuyện cổ khác về Tengu lại kể rằng chúng rất dễ bị đánh bại. Khi sử dụng khả năng biến hình thành người, Tengu hóa thành vị Phật xuất hiện bên trong một cái cây toả ra ánh sáng rực rỡ kèm theo một cơn mưa hoa. Tuy nhiên, một trưởng làng thông minh đã nghi ngờ và nhìn chằm chằm vào nó trong một giờ. Tức thì, sức mạnh của Tengu bị suy yếu, nó biến thành một con chim ưng, rơi khỏi cây và bị gãy cánh. Câu chuyện đặt nền móng cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Tengu và Phật giáo, chúng dần trở thành kẻ thù của đạo Phật.

Thế kỷ 11 – 18: Đến thế kỷ 11, nhiều truyền thuyết về Tengu được phát triển và tập hợp thành 31 tập trong truyện Konjaku Monogatari. Trong những câu chuyện ấy, Tengu biến hình thành Phật để đánh lừa các nhà sư. Chúng cũng bắt cóc các vị sư và dụ dỗ họ đi theo Tengu để học hỏi sức mạnh thay vì theo đạo Phật để tìm con đường giác ngộ. Một số nhà sư đã mắc bẫy của Tengu. Chuyện kể rằng, một vị Yamabushi – tu sĩ núi đã nghe lời dụ dỗ của Tengu và theo học nhiều năm. Dù có khả năng chữa khỏi bệnh cho vua nhưng khi các vị sư thân cận bên cạnh nghi ngờ và bắt đầu tụng kinh, người này đã nằm xuống sàn và khóc lóc xin tha mạng: “Trong suốt những năm qua, tôi luôn tôn thờ các Tengu và cầu mong họ làm cho mình nổi tiếng. Nhưng đó là một sai lầm khủng khiếp vì học được sức mạnh của Tengu không giúp tôi giác ngộ”. Từ câu chuyện này, các giáo phái Phật giáo đang tranh chấp với nhau thường gọi phe thù địch là “Tengu” nhằm hạ bệ đối phương và ngụ ý giáo lý của họ là lừa lọc hoặc nguy hiểm.

Vào thế kỷ 12, người ta bắt đầu lan truyền câu chuyện các vị sư xấu xa khi chết đi sẽ biến thành Tengu. Bên cạnh đó, mục tiêu tấn công của Tengu vào thời gian này không còn là dân thường và các vị sư nữa, thay vào đó, chúng kiểm soát và hãm hại Thiên hoàng. Chuyện kể rằng, một vị Thiên hoàng bị mù nhưng thỉnh thoảng có thể nhìn được. Hồn ma của vị sư đã biến thành Tengu xuất hiện, nói rằng: “Tôi đang ngồi trên cổ của Thiên hoàng và lấy đôi cánh che mắt ông ta, khi tôi vỗ cánh, ông ấy có thể nhìn thấy thoáng qua”. Ngoài ra, còn có sự tương đồng giữa Tengu với Garuda trong Phật giáo và Hindu giáo. Đó là con vật mình người mỏ chim, thú cưỡi của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo bên cạnh thần Brahma và thần Shiva.

Tranh Tengu và Yamabushi của hoạ sĩ Kawanabe Kyousai thể hiện cảnh Tengu đang cướp nón và áo choàng của tu sĩ. Nguồn: wikipedia.orgTranh Ushiwakamaru và vua Tengu trên núi Kuruma của hoạ sĩ Seisai Eiichi. Nguồn: ukiyo-e.org

Đến thế kỷ 13, Tengu lại giả dạng thành tu sĩ Yamabushi. Trang phục Tengu cũng giống với các bộ đồ mà Yamabushi mặc. Khác với các tu sĩ ở ẩn, Tengu muốn được con người tôn thờ. Lúc này, chúng nổi danh nhờ võ thuật phi phàm, Samurai huyền thoại thời Heian Minamoto no Yoshitsune cũng đã học kiếm thuật từ Tengu Soujoubou, nhưng cũng có nhiều câu chuyện kể lại rằng Tengu thời này bắt đầu bắt cóc trẻ em.

Vào thế kỷ 14, Tengu với chiếc mũi dài xuất hiện và trở thành hình ảnh phổ biến của loài Yokai này. Các học giả cho rằng khi Yokai ban đầu có hình dáng động vật dần biến hoá thành hình người, điều này đồng nghĩa chúng trở nên thiện lương và giúp đỡ cho cuộc sống của con người. Khi mang hình người, những nhân vật nổi tiếng trong thế giới Tengu bắt đầu xuất hiện, chúng sống ở các ngọn núi nhất định và có thể là Tengu tốt hoặc Tengu xấu. Thêm vào đó, các Thiên Cẩu thuộc phe ác không chỉ tập trung vào gây rối cho các vị sư mà hướng tới tàn phá xã hội loài người. Đến thế kỷ 17, các Tengu được miêu tả là Yokai hình người với chiếc mũi dài và sở hữu sức mạnh thể lực đáng sợ.

Tranh Ushiwakamaru và vua Tengu trên núi Kuruma của hoạ sĩ Seisai Eiichi. Nguồn: ukiyo-e.org

Thế kỷ 19 đến nay: Vào thế kỷ 19, Tengu có thêm khả năng bay. Câu chuyện nổi tiếng về Tengu biết bay được kể lại như sau: vào năm 1810, một người đàn ông không mảnh vải che thân đã rơi từ trên trời xuống Asakusa, Edo. Khi được hỏi, người này đáp rằng anh rời Kyoto vào hai ngày trước để đi hành hương và được một Tengu biết bay chở đi. Ngoài ra, cũng có một số truyền thuyết khác như vị sư nọ bỗng nhiên biến thành Tengu, mọc cánh và bay đi. Bên cạnh khả năng bay, Tengu cũng được cho là có thể hô mưa, gọi gió, tạo sấm sét. Khi tức giận, chúng làm ra những cơn bão lớn và gió lốc cuốn bay người lên không trung.

Đến nay, Tengu trở thành vị thần linh bảo vệ khu rừng mà họ sinh sống. Những người tiều phu khi lỡ đốn gỗ trong rừng có Tengu ngự trị, nếu dâng lễ vật là bánh gạo hoặc cá có thể làm Tengu nguôi giận và tha cho mình. Một số câu chuyện khác kể rằng tu viện dù không ai quét dọn nhưng khu vườn vẫn luôn sạch sẽ hoặc tất cả các cửa và cổng đều không đóng nhưng khi kẻ trộm xâm nhập, chúng lại không thể tìm được lối ra. Tất cả những điều này là nhờ vào sự bảo vệ của vị thần Tengu.

Tranh Yoshitsune trên núi Kurama của hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu. Nguồn: ukiyo-e.orgTranh Yoshitsune trên núi Kurama của hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu. Nguồn: ukiyo-e.org

Rate this post

Viết một bình luận