Thắc mắc: Thuốc an thần có phải là thuốc ngủ không?
Thứ Hai ngày 28/02/2022
Chúng ta thường thấy nhóm thuốc an thần, thuốc ngủ đi chung với nhau. Vậy thuốc an thần có phải là thuốc ngủ không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Cuộc sống hiện đại ngày một tạo nhiều áp lực lên tâm trí con người, từ đó dẫn đến các cơn đau đầu, thần trí mệt mỏi gây rối loạn giấc ngủ. Và việc tìm đến thuốc an thần như là một biện pháp.
Thuốc an thần là gì?
Các dòng thuốc an thần làm chậm hoạt động của não bộ và giúp làm dịu, điều hòa thần kinh. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương để tạo sự kích thích hoặc ức chế tâm thần để phòng và chữa bệnh.
Trước đây, bệnh nhân chỉ được sử dụng các loại thuốc an thần này khi điều trị các bệnh liên quan về thần kinh, tâm thần như: động kinh, tâm thần phân liệt… hoặc dùng để gây mê trong quá trình phẫu thuật. Ngày nay, thuốc đã được cho phép sử dụng rộng rãi hơn để điều trị những vấn đề ảnh hưởng đến tâm thần và tâm lý như: rối loạn lưỡng cực, lo âu, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu,…
Thuốc an thần có phải là thuốc ngủ không?
Thuốc ngủ là một loại thuốc thần kinh có chức năng là gây ngủ và được sử dụng trong điều trị chứng mất ngủ hoặc gây mê phẫu thuật.
Nhóm này có liên quan đến thuốc an thần. Trong khi thuật ngữ thuốc an thần là để chỉ các loại thuốc phục vụ mục đích làm dịu hoặc giảm bớt lo lắng, thì thuật ngữ thuốc ngủ sẽ chỉ các loại thuốc có mục đích chính là bắt đầu, duy trì hoặc kéo dài giấc ngủ. Bởi vì hai chức năng này thường xuyên trùng lặp với nhau và bởi vì các loại thuốc trong nhóm này thường tạo ra các tác dụng tuỳ vào liều dùng nên chúng thường được gọi chung là thuốc an thần – thuốc ngủ.
Thuốc an thần và thuốc ngủ có một số chức năng trùng với nhau
Thuốc an thần và thuốc ngủ có một số chức năng trùng với nhau
Những loại thuốc an thần thường gặp
Các nhóm thuốc an thần hiện tại được chia làm nhiều loại khác nhau dựa trên công dụng của chúng, bao gồm: thuốc giúp an thần kinh, thuốc bình thần, thuốc chỉnh khí sắc, thuốc gây trầm cảm.
Nhóm thuốc giúp an thần kinh
Các dòng thuốc thường gặp: Clorpromazina, Levomepromazin, Haloperidol, Sulpirid, Risperidon, Thioridazine,…
Các loại thuốc này giúp trấn an, điều hòa tinh thần, làm dịu thần kinh, tạo cảm giác buồn ngủ. Ngoài ra, thuốc này cũng có khả năng chống loạn thần nên thường được dùng để điều trị các chứng bệnh tâm thần như: Hoang tưởng, ảo giác, tâm thần phân liệt. Khi dùng thuốc này với các loại thuốc ngủ, thuốc gây mê sẽ làm thuốc này phát huy tác dụng tốt hơn.
Thuốc bình thần
Bao gồm hai nhóm thuốc: Thuốc thuộc nhóm Benzodiazepin gồm Diazepam, Flurazepam, Estazolam, Temazepam,… Và nhóm thuốc thế hệ mới như: Buspirone, Zolpidem,…
Nhóm thuốc này hỗ trợ an thần, giảm bớt lo lắng, căng thẳng sau chấn thương. Ngoài ra thuốc còn làm giảm cảm giác căng thẳng, âu lo, làm chậm những hoạt động đi lại, dịu sự bồn chồn, giảm những cảm xúc thái quá và giảm căng thẳng tâm thần, chống co giật. Nếu bệnh nhân bị mất ngủ do stress thì có thể sử dụng thuốc bình thần để dễ ngủ hơn.
Thuốc chống trầm cảm
Một số loại thuốc chống trầm cảm thường gặp là: Thuốc ức chế MAO, Anafranil, Amitriptyplin, Fluvoxamine, Paroxetine, Sertraline,…
Thuốc thường dùng cho những người lo âu, mỏi mệt dễ có nguy cơ bị trầm cảm, dùng cho người đang điều trị trầm cảm, gây hoạt hóa tâm thần. Thuốc dùng được cho trường hợp bị mất ngủ, tạo sự êm dịu cho tinh thần, điều trị lo âu.
Thuốc chống trầm cảm giúp giảm lo âu, căng thẳng
Thuốc chống trầm cảm giúp giảm lo âu, căng thẳng
Thuốc chỉnh khí sắc
Một số dòng thuốc chỉnh khí sắc: Lithium, thuốc chống động kinh (Valproate, Carbamazepine,…).
Đây là thuốc giúp cho tình trạng cảm xúc của người bệnh ổn định hơn, điều trị trạng thái hưng cảm và trạng thái trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Một số thành phần trong thuốc còn có khả năng chống động kinh.
Thuốc an thần gây ngủ từ thảo dược
Bên cạnh các loại thuốc tây thì ông bà ta từ xưa cũng đã tìm ra được các loại thảo dược có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi, gây ngủ hay dễ ngủ hơn.
Trong đó, một số loại thảo dược trong các bài thuốc đông y thường thấy là cây bình vôi, giàu hoạt chất Rotunda giúp an thần, gây ngủ, hỗ trợ giảm đau đầu, điều hòa huyết áp, ổn định nhịp tim. Bên cạnh đó, những vị thuốc đông y như: cây trinh nữ, lá sen, lạc tiên, lá vông nem, tam thất, xạ đen cũng có hiệu quả trong việc an thần và giảm sự căng thẳng của thần kinh.
Tác dụng phụ của thuốc an thần
Một số tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc an thần như:
Bệnh nhân trở nên mệt mỏi, uể oải, vụng về, lú lẫn (đối với bệnh nhân cao tuổi), miệng khô đắng, giảm trí nhớ.
Trong thời gian đầu sử dụng, nếu không sử dụng đúng liều và đúng cách sẽ làm người bệnh sẽ cảm thấy: Chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, nhức đầu, đau ngực, ù tai,… Nếu gặp trường hợp này thì cần có sự điều chỉnh.
Một số người dùng thuốc an thần bị đau tức ngực
Một số người dùng thuốc an thần bị đau tức ngực
Gây vô kinh ở nữ giới, giảm ham muốn tình dục, tăng cân nhanh chóng và khó kiểm soát.
Một số trường hợp bị viêm cơ tim và co giật đối với người sử dụng thuốc an thần Clozapine.
Việc uống thuốc giúp an thần với liều lượng cao không phù hợp với khả năng chịu đựng của cơ thể và làm bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, một số trường hợp còn bị tác dụng phụ ngoại tháp và rối loạn vận động cao.
Trên đây là một số thông tin về thuốc an thần cũng như các loại thuốc an thần hiện có trên thị trường. Hi vọng qua bài viết, quý đọc giả có thể tự tìm được câu trả lời cho mình về vấn đề “thuốc an thần có phải là thuốc ngủ không” cũng như hiểu rõ về thuốc an thần để có cách sử dụng thuốc đúng đắn nhất.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.