Thái Sơn Thạch Cảm Đương – Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc

Thái Sơn nằm ở giữa tỉnh Sơn Đông, xếp vị trí đầu trong “Ngũ Nhạc” (năm ngọn núi nổi tiếng) của Trung Quốc, được gọi là Đông Nhạc (ngọn núi ở miền đông), cũng được tôn vinh là “Thiên hạ đệ nhất sơn”, là một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất có phong cảnh đẹp nhất Trung Quốc, Khổng Tử từng có lời ca ngợi Thái Sơn như sau “Đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ”. Trong dòng suối và thung lũng xung quanh dãy núi Thái Sơn có đá Thái Sơn—một loại đá rắn cứng có vân đá đẹp màu sắc biến đổi. Đá Thái Sơn nổi tiếng trong và ngoài nước với đặc điểm mộc mạc, cứng rắn và vững vàng.

Đá Thái Sơn linh thiêng đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong đời sống người dân tỉnh Sơn Đông. Đi trên đường phố của thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông—nơi sở tại của đá Thái Sơn, cửa hàng bán đồ mỹ nghệ mọc hai bên đường đều bán đá Thái Sơn, trong ngõ ngách, trên đầu cầu, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy đá trên khắc chữ “Thái Sơn Thạch Cảm Đương”. Thế thì, Thạch Cảm Đương là gì? Thái Sơn Thạch Cảm Đương có ngụ ý gì? Nó có nguồn gốc lịch sử và bối cảnh văn hóa như thế nào?

Kể đến nguồn gốc và ngụ ý của “Thái Sơn Thạch Cảm Đương”, Giáo sư Chu Ảnh của Học viện Thái Sơn, Sơn Đông được bình chọn là “Học giả Thái Sơn” nói:

“Thái Sơn Thạch Cảm Đương có nghĩa gì? Nghĩa rất đơn giản: đá của Thái Sơn có thể chống đỡ được tất cả mọi thứ. Tại sao nói đá của Thái Sơn có thể chống đỡ được tất cả mọi thứ? Điều này liên quan tới tín ngưỡng ‘Sùng bái đá linh thiêng’—tín ngưỡng đá đã lưu truyền nghìn năm kể từ tổ tiên người Trung Quốc.”

Thạch Cảm Đương là một loại bia đá dựng trên đường phố, nhất là ở chỗ ngã ba, dùng để xua đuổi tà ma. Trên bia đá có khắc chữ “Thạch Cảm Đương” hoặc “Thái Sơn Thạch Cảm Đương”, phía trên có điêu khắc nổi hình ảnh đầu sư tử hoặc đầu hổ.

Nói đến nguồn gốc của Thạch Cảm Đương, trước tiên phải nói đến nguồn gốc giữa con người với đá. Kể từ khi con người xuất hiện đến nay, thì luôn có đồ đá làm bạn, đá trở thành công cụ sản xuất sớm nhất của con người. Trong lịch sử con người dài dằng dặc, không có bất cứ vật chất nào như đá luôn ở bên cạnh con người, cũng không có bất cứ vật chất nào như đá lắng đọng vào tiềm thức của con người sâu như vậy. Vì vậy, con người dĩ nhiên nảy sinh tình cảm nương tựa vào đá và coi đá là vật tổ dùng để đeo cổ hoặc tay.

Dân tộc Trung Hoa từ xưa đã coi đá có linh hồn, sùng bái đá linh thiêng, và trong dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện thần thoại liên quan tới đá. Trong 4 bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng nhất Trung Quốc, có 2 bộ tiểu thuyết trong đó đều có nội dung về “sùng bái đá linh thiêng”. Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết “Tây Du Ký” sinh ra từ một hòn đá, còn tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” vốn có tên là “Thạch Đầu Ký”, trong phần mở đầu tiểu thuyết là câu chuyện thần kỳ về Nữ Oa luyện đá vá trời. Cả bộ tiểu thuyết lấy “hòn đá” (Giả Bảo Ngọc) làm vai chính, kể lại bi kịch tình yêu giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc với “Mộc thạch tiền minh” là đầu mối chính.

Đến đời nhà Tống, cùng với tín ngưỡng Thái Sơn phát triển hưng thịnh, vị thế núi linh thiêng nhất của Thái Sơn đã được xác định trong dân gian. Giáo sư Chu Ảnh giới thiệu tiếp rằng:

“Sự hưng thịnh của tín ngưỡng Thái Sơn đã ảnh hưởng trực tiếp tới tín ngưỡng về đá linh thiêng, vì ngọn núi là do đá hình thành, còn trong thiên hạ đá ở nơi nào linh thiêng nhất? Chắc chắn là đá của Thái Sơn—ngọn núi linh thiêng nhất thiên hạ, như vậy, sùng bái núi linh thiêng và sùng bái đá linh thiêng đã được kết hợp với nhau, Thạch Cảm Đương cũng dĩ nhiên trở thành Thái Sơn Thạch Cảm Đương.”

Về Thái Sơn Thạch Cảm Đương có nhiều câu chuyện thần thoại và truyền thuyết, người dân cũng giao phó nhiều hình ảnh cụ thể cho Thái Sơn Thạch Cảm Đương, từ anh hùng, hảo hán xua đuổi tà ma, đến tướng quân đá dẫn quân chống địch, bác sĩ đá có tài chữa bách bệnh, đến “Thái Sơn Đồng Tử”—linh vật Đại hội Thể thao Toàn quốc Trung Quốc, các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết đều giao phó ngụ ý cầu mong bình yên, xua đuổi bệnh tật và tà ma cho Thái Sơn Thạch Cảm Đương. Cùng với sự phát triển và biến thiên của thời đại, hình ảnh Thái Sơn Thạch Cảm Đương cũng nhiều lần được tôn tạo.

Câu chuyện và truyền thuyết về Thạch Cảm Đương cũng đã cung cấp tài liệu phong phú để sáng tác tuồng, kịch rối bóng, cắt giấy, hoạt hình v.v của tỉnh Sơn Đông. Để bảo tồn phong tục dân gian Trung Quốc, năm 2006, “Phong tục về Thái Sơn Thạch Cảm Đương” đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đợt đầu Trung Quốc do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố.

Để tôn vinh văn hóa Thái Sơn Thạch Cảm Đương, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa địa phương, tháng 9 năm 2011, Liên hoan Nghệ thuật Thái Sơn Thạch Cảm Đương lần đầu tiên đã diễn ra tại thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trong thời gian Liên hoan Nghệ thuật đã tổ chức Hội thảo văn hoá về Thạch Cảm Đương, Triển lãm đồ mỹ nghệ Thạch Cảm Đương, còn mang lại nhiều tác phẩm văn nghệ có đề tài Thạch Cảm Đương với hình thức kịch rối bóng và tuồng Sơn Đông. Khi nói đến mục đích tổ chức hoạt động lần này và nội hàm văn hóa của Thái Sơn Thạch Cảm Đương, ông Diêu, chủ tịch Hội Nghệ sĩ Dân gian thành phố Thái An tỉnh Sơn Đông, đơn vị chính tổ chức hoạt động lần này nói:

“Phong tục và tín ngưỡng Thạch Cảm Đương từ trước đến nay luôn lưu truyền ở Trung Quốc, nơi bắt nguồn là tỉnh Sơn Đông và tỉnh Phúc Kiến. Thái Sơn Thạch Cảm Đương của tỉnh Sơn Đông đã hội nhập văn hóa của người Hoa toàn cầu. Liên hoan Văn hóa du lịch và Leo núi Quốc tế Thái Sơn lần này cần phải khai thác và làm phong phú thêm văn hóa Thái Sơn, trước kia khi kể đến Thái Sơn, chúng tôi nói nhiều đến văn hóa Phong Thiền. Văn hóa Phong Thiền là văn hóa đế vương, còn văn hóa Thạch Cảm Đương là văn hóa bình dân, cần phải nói rằng, văn hóa Phong Thiền và văn hóa Thạch Cảm Đương đã cùng hình thành văn hóa Thái Sơn, hai văn hóa đan xen nhau. Văn hóa Thạch Cảm Đương là văn hóa cầu nguyện quốc thái dân an, có dân an trước, mới thực hiện được quốc thái.”

Phạm vi ảnh hưởng của phong tục Thái Sơn Thạch Cảm Đương đã không chỉ hạn chế trong tỉnh Sơn Đông, mà dần dần mở rộng đến khắp nơi toàn quốc Trung Quốc cũng như khu vực cư trú của Hoa kiều ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á và các nước trên thế giới với trung tâm là khu vực Thái Sơn, tỉnh Sơn Đông. Ở nhiều nước của châu Mỹ La-tinh thậm chí khai quật ra nhiều cổ vật có hình ảnh Thái Sơn Thạch Cảm Đương, Thạch Cảm Đương cũng trở thành một dấu ấn về sự giao lưu giữa Trung Quốc và các nước châu Mỹ La-tinh trong thời kỳ đầu.

Rate this post

Viết một bình luận