Thành phần biệt lập là một trong những ngữ pháp tiếng Việt nằm trong chương trình ngữ văn lớp 9. Để hiểu rõ thành phần biệt lập là gì? cũng như những thông tin liên quan đến thành phần biệt lập, chúng tôi xin cung cấp đến Quý bạn đọc bài viết dưới đây:
Thành phần biệt lập là gì?
Trong một câu có các thành phần mà không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu thì gọi là thành phần biệt lập trong câu.
Ví dụ:
+ Ôi chao! Hôm nay cô ăn mặc lộng lẫy quá nhỉ?
“Ôi chao” chỉ là thành phần thể hiện cảm xúc của người nói, không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa trong câu.
+ Ô! Cô còn quên chiếc khăn mùi soa đây này.
(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)
“Ô” trong câu trên cũng là thành phần thể hiện cảm xúc của người nói, từ “Ô” không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu.
Các loại thành phần biệt lập
Thứ nhất: Thành phần gọi đáp
Thành phần trong câu dùng để gọi đáp, có tác dụng duy trì và tạo lập các mối quan hệ của chủ thể được nhắc tới trong câu gọi là thành phần biệt lập gọi đáp. Nó không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa trong câu.
Ví dụ:
+ Linh ơi, cậu cho tớ mượn quyển sách nhé.
“Ơi” là thành phần biệt lập gọi đáp.
Thứ hai: Thành phần phụ chú (ghi chú)
Trong một câu có các thành phần được thêm vào để giải thích, liệt kê hoặc bổ sung thêm thông tin cho sự việc được rõ hơn gọi là thành phần phụ chú trong câu.
Thành phần phụ chú có thể là một từ, một câu và thường đứng sau dấu hai chấm ( : ), dấu gạch ngang ( – ) và một dấu phẩy ( ,) hoặc dấu ngoặc tròn ( ) hay đứng giữa hai dấu phẩy.
Đặt câu có thành phần phụ chú.
Ví dụ: Bác Hồ – Người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Sau hai từ “Bác Hồ” là dấu gạch ngang, dấu gạch ngang này chính là thành phần phụ chú thể hiện rằng cụm từ “Người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam” sau dấu gạch ngang là thông tin nổi bật để miêu tả về Bác.
Ví dụ: Một số các nguyên âm trong tiếng Anh bao gồm: / i /, / i: /, / e /, / æ /, / ɔ /.
Thành phần nằm sau dấu hai chấm có chức năng liệt kê một số nguyên âm trong tiếng Anh.
Thứ ba: Thành phần tình thái
Thành phần tình thái là thành phần được dùng trong câu để thể hiện cách nhìn nhận sự việc của người nói được nhắc tới trong câu.
Các mức độ tin cậy của sự việc được thể hiện theo mức độ tăng dần qua một số từ ngữ:
Dường như/ hình như/ Có vẻ như/ Có lẽ/ Chắc là/ Chắc hẳn/ Chắc chắn.
Đặt câu có thành phần tình thái:
Ví dụ:
+ Có lẽ, hôm nay trời sẽ mưa.
+ Có vẻ như bạn rất thích quyển sách này.
Thứ tư: Thành phần cảm thán
Thành phần cảm thán là thành phần biệt lập được sử dụng trong câu để bộc lộ các cảm xúc, tâm lý của người nói đối với sự vật, sự việc được nhắc tới trong câu.
Tâm lý của người nói có thể là vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên, sốc…
Ví dụ:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên)
Từ “ôi” trong đoạn thơ có tác dụng thể hiện cảm xúc của tác giả, từ “ôi” không diễn đạt nội dung của câu thơ. Khi thêm từ “ôi” vào trong câu ta có thể cảm nhận được tình yêu đất nước da diết của tác giả, nó góp phần làm cho câu thơ trở nên hay và giàu cảm xúc hơn.
Dấu hiệu nhận biết các thành phần biệt lập
– Thành phần biệt lập trong câu có thể dễ dàng nhận biết.
– Thành phần tình thái: nhận biết qua thể hiện cách nhìn người nói đối với sự việc trong câu.
– Thành phần cảm thán : nhận biết qua bộc lộ tâm lí, cảm xúc trong câu.
– Thành phần phụ chú: bổ sung chi tiết, các kí tự đặc biệt giúp cho nội dung chính rõ nghĩa và dễ hiểu hơn.
– Thành phần gọi – đáp: nhận biết nhờ các đại từ nhân xưng, từ ngữ mang ý nghĩa gọi đáp, mối quan hệ giao tiếp.
Một số bài tập về thành phần biệt lập
Bài 1: Tìm thành phần gọi – đáp trong bài ca dao sau và cho biết lời gọi – đáp đó hướng đến ai.
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
(Ca dao)
Trả lời:
– Thành phần gọi đáp trong bài ca dao là: “ơi”
– Lời gọi đáp “ai ơi” hướng đến tất cả mọi người chúng ta, lời gọi đáp này hàm ý muốn nói với tất cả mỗi chúng ta rằng hãy biết trân trọng từng hạt gạo bởi để làm ra nó phải đánh đổi bằng công sức làm lụng cực khổ.
Bài 2: Tìm thành phần phụ chú trong các trường hợp sau và cho biết ý nghĩa của chúng
a) Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.
(Thanh Tịnh)
b) Em để nó ở lại – Giọng em ráo hoảnh – Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau.
(Khánh Hoài)
Trả lời:
– Thành phần phụ chú là: dấu (,) sau cụm từ “Buổi mai hôm ấy”.
– Ý nghĩa: dấu (,) sau cụm từ “Buổi mai hôm ấy” có chức năng là để bổ sung thông tin rằng buổi mai hôm đó là “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”
– Thành phần phụ chú là: dấu (-) sau cụm từ “Buổi mai hôm ấy”.
– Ý nghĩa: dấu (-) có chức năng là để giải thích câu “Em để nó ở lại” và câu “Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau” là lời nói của nhân vật “em”.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến câu hỏi “Thành phần biệt lập là gì?”. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ Chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.