Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến 11 tuổi là một trong các kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ quan trọng mà ba mẹ nên nghiên cứu. Bởi kiến thức này giúp bạn nắm được thành phần dinh dưỡng cần thiết để xây dựng cho bé khẩu phần ăn khoa học. Nhờ vậy mà trẻ sẽ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Vậy tháp dinh dưỡng cho trẻ là gì và có nội dung như thế nào? Hãy cùng tìm câu trả lời với Huggies qua bài viết dưới đây nhé!
Tham khảo thêm: Tra cứu thực đơn ăn dặm cho bé
Tháp dinh dưỡng cho trẻ là gì?
Tháp dinh dưỡng cho trẻ là một mô hình kim tự tháp thể hiện các nhóm thực phẩm khác nhau và hàm lượng thức ăn tiêu thụ cần thiết của trẻ nhỏ trong 1 tháng.
Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo mọi người nên áp dụng mô hình này vào trong chế độ ăn, nhất là với trẻ em. Mục đích là để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học nhẳm bảo đảm sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật tốt nhất cho bé.
Tham khảo thêm: Tra cứu thực đơn cho bé ăn ngon và bổ dưỡng
Tháp dinh dưỡng cho trẻ giúp ba mẹ xây dựng thực đơn cho bé hợp lý (Nguồn: Sưu tầm)
Ý nghĩa của tháp dinh dưỡng cho bé
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể luôn khỏe mạnh là việc hết sức cần thiết ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là trẻ nhỏ. Tháp dinh dưỡng cho trẻ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về các loại thực phẩm, hàm lượng nên chọn lựa và bổ sung trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Bên cạnh đó, tháp dinh dưỡng cho trẻ còn cho mẹ biết các thực phẩm mà bạn nên hạn chế cho bé. Nhờ áp dụng mô hình này thường xuyên mà bạn sẽ xây dựng cho bé một thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học.
Tham khảo thêm: Trẻ 6 tháng ăn được những gì? Thực đơn ăn dặm cho bé
Tháp dinh dưỡng cho trẻ cho bạn biết thông tin về các nhóm thực phẩm và khẩu phần ăn phù hợp với từng độ tuổi của trẻ (Nguồn: Sưu tầm)
Tháp dinh dưỡng có mấy tầng?
Tháp dinh dưỡng cho trẻ gồm có 6 tầng, cụ thể:
1. Nhóm ngũ cốc, bột đường
Nhóm thực phẩm này chiếm 60% trong tổng năng lượng khẩu phần của bé bởi là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và nằm dưới đáy tháp dinh dưỡng cho trẻ.
Theo tính toán, cứ 1g carbohydrate sẽ cung cấp cho trẻ khoảng 4 kcal năng lượng. Bên cạnh đó, nhóm bột đường còn giữ vai trò điều hòa hoạt động cơ thể, phát triển hệ thần kinh cũng như cấu tạo nên các mô và tế bào ở trẻ nhỏ.
Nhóm này có nhiều trong ngũ cốc, bánh mì, gạo, khoai tây, khoai lang, mì, bắp,… Trong đó, gạo là thực phẩm phổ biến nhất nên cần cung cấp 60-120g gạo/ ngày cho bé < 1 tuổi, 120-220g/ ngày cho bé 1-6 tuổi và 220-330g/ ngày cho bé 7-11 tuổi.
Tham khảo thêm: Cách lựa chọn ngũ cốc ăn sáng tốt cho bé
2. Nhóm rau, củ, quả
Theo các nghiên cứu thì cho trẻ dùng nhiều rau, củ, quả sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng, phòng chống táo bón và ngăn ngừa béo phì. Đặc biệt, khả năng tiếp thu của bé sẽ tốt hơn vì nhóm thực phẩm này rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, bạn nên bổ sung tối thiểu 300g nhóm rau, chủ, quả cho bé mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu bé “lười ăn rau” thì bạn có thể thêm hoa quả và rau củ vào chế độ ăn bằng cách để sẵn với những món bé yêu thích hoặc làm sinh tố,… Hãy nhớ, đừng ép buộc trẻ mà hãy luôn thay đổi các loại rau củ đa dạng để bé thưởng thức.
Tham khảo thêm:
Tháp dinh dưỡng – Nhóm rau, củ, quả (Nguồn: Sưu tầm)
3. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa mẹ, sữa công thức và các loại sữa khác cung cấp rất nhiều axit béo có lợi và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não cùng canxi cho xương và răng của trẻ chắc khỏe.
Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa hoặc phô mai còn là bữa phụ tuyệt vời bởi chúng giúp bổ sung năng lượng cho bé. Đặc biệt, sữa chua có chứa hàng ngàn vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa giúp bé tăng cường hấp thu dinh dưỡng.
Các mẹ nên cho bé uống sữa 3-6 lần/ ngày với 170-250ml/ lần cho trẻ < 1 tuổi. Trẻ trên 1 tuổi, tuy chế độ ăn chính hàng ngày chính là cơm, mì, phở,… Nhưng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết thì trẻ vẫn cần một lượng sữa khoảng 400-600ml/ ngày.
Tham khảo thêm:
4. Nhóm thực phẩm chứa đạm
Đây là nhóm thực phẩm nằm ở vị trí thứ 4 từ dưới đếm lên trong tháp dinh dưỡng cho trẻ. Tương tự như nhóm bột đường thì cứ 1g chất đạm sẽ mang đến 4 kcal năng lượng cho trẻ. Việc cung cấp đầy đủ đạm là cách để bảo vệ cơ thể trẻ nhỏ khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus có hại và tăng cường khả năng phòng tránh bệnh tật.
Có 2 nguồn cung cấp đạm chính cho bé là đạm thực vật trong các loại đậu, hạt và đạm động vật trong thịt, cá, trứng, sữa,…. Bé < 1 tuổi cần 12-25g/ ngày, bé 1-6 tuổi cần 25-55g/ ngày và 7-11 tuổi 55 – 85g/ ngày.
Nhóm thực phẩm chứa đạm giúp cung cấp năng lượng cho bé (Nguồn: Sưu tầm)
5. Nhóm dầu, mỡ
Nhóm các chất béo sẽ cung cấp cho bé nguồn năng lượng dồi dào và là dung môi giúp các vitamin tan trong dầu dễ dàng. Một số vitamin quan trọng mà bạn không thể bỏ qua đó là vitamin A, D, E và K. Các bé cần hấp thụ chất béo từ dầu, mỡ, lạc, vừng mỗi ngày với hàm lượng 35g cho bé < 1 tuổi, 35g-55g cho bé 1-6 tuổi và 55-75g cho bé 7-11 tuổi.
Tham khảo: Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh
6. Nhóm đường, muối và đồ ăn vặt
Đây là nhóm thực phẩm nằm ở trên đỉnh chóp của tháp dinh dưỡng cho trẻ và chiếm hàm lượng cần bổ sung ít nhất. Trong một ngày, bé nên uống tối đa 1 cốc nước ép trái cây hoặc nước ngọt và bé chỉ được phép ăn tối đa từ 1-2 cái kẹo.
Để phòng tránh tình trạng bé quen ăn mặn, không tốt cho thận sau này thì bạn không nên nêm mắm, muối vào thức ăn với những bé < 1 tuổi. Còn với trẻ từ 1-11 tuổi thì chỉ cần bổ sung 0,5-1g muối mỗi ngày là đủ.
Nhóm đường, muối và đồ ăn vặt là nhóm thực phẩm nên ít tiêu thụ nhất (Nguồn: Sưu tầm)
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1 – 6 tuổi
Để trẻ từ 1-6 tuổi phát triển khỏe mạnh và toàn diện thì ba mẹ cần bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ. Dưới đây là thông tin về tháp dinh dưỡng cho trẻ 1-6 tuổi mà ba mẹ cần tham khảo để chuẩn bị khẩu phần ăn bổ dưỡng và lành mạnh cho con.
Đặc điểm phát triển của bé từ 1 – 6 tuổi
Giai đoạn từ 1-6 tuổi là “thời điểm vàng” phát triển cả về trí lực và thể lực. Vì thế, ba mẹ cần sự hỗ trợ của tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1-6 tuổi để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, ba mẹ cần chú ý đến tốc độ tăng trưởng thể chất và thói quen ăn uống của trẻ trong thời gian này, bởi vì:
- Chỉ làm theo sở thích của bản thân: Trẻ sẽ thể hiện rõ việc thích hoặc không thích thực phẩm nào cũng như quyết định sẽ ăn tiếp hoặc bỏ dở. Thêm vào đó, các bé từ 3-6 tuổi sẽ muốn làm chủ bữa ăn và thưởng thức nhiều món mới lạ hơn.
- Trẻ dần phát triển ổn định hơn: Ở giai đoạn này, thân hình của trẻ không còn bụ bẫm nữa mà sẽ dài ra và gọn hơn. Vì vậy, ba mẹ không cần quá lo lắng rằng con mình suy dinh dưỡng hay thấp còi.
Tham khảo thêm: Trẻ 6 tháng tuổi: Phát triển, dinh dưỡng, vận động
Trẻ từ 1-6 tuổi sẽ thể hiện rõ việc thích hoặc không thích thực phẩm nào cũng như quyết định sẽ ăn tiếp hoặc bỏ dở (Nguồn: Sưu tầm)
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1 – 3 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ vẫn cần người hỗ trợ và giám sát trong lúc ăn uống để tránh bị nghẹn. Thức ăn chính của trẻ vẫn là sữa, cháo, bột ăn dặm, súp, các loại thực phẩm mềm hoặc cắt nhỏ, dễ nhai và nuốt. Trong độ tuổi 1- 3 tuổi, ba mẹ có thể cho bé ăn từ 3-4 bữa chính là cháo, súp hoặc bột ăn dặm với đầy đủ 4 nhóm chất sau:
- Tinh bột gồm gạo, bắp, phở,… từ 2-4 phần/ ngày.
- 2 phần đạm/ ngày, ăn cả cái gồm thịt, cá, trứng,… và hạn chế cho ăn nước hầm, ninh.
- Chất béo gồm mỡ, dầu ăn,… chỉ cần bổ sung một chút ít.
- Vitamin và khoáng chất trong các loại rau củ, hoa quả đã được xay hoặc cắt nhỏ cũng như các chế phẩm từ sữa thì nên bổ sung 2-4 phần/ ngày.
Tham khảo thêm: Các tuần khủng hoảng Wonder Week của trẻ
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1 – 3 tuổi (Nguồn: Sưu tầm)
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 – 5 tuổi
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-5 tuổi là ấn phẩm thuộc Viện Dinh Dưỡng và được biên soạn dựa trên các cơ sở khoa học lẫn thực tế. Do đó, mô hình này giúp ba mẹ lựa chọn đúng và đa dạng các loại thực phẩm với số lượng phù hợp để có một chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
- Sữa: khoảng 500ml/ ngày.
- Nước: ≥ 1000 ml/ ngày.
- Tinh bột: Nên bổ sung lượng tinh bột từ gạo, bún,… từ 120-160g/ ngày.
- Nhóm rau củ quả: Nên cho bé ăn khoảng 300g rau củ và 220g trái cây mỗi ngày để bổ sung đầy đủ vitamin, chất xơ cho cơ thể.
- Nhóm chất đạm: gồm thịt từ 120-160g/ ngày; Cá, tôm và cua từ 104-160g/ ngày và 2-3 quả trứng/ tuần.
- Nhóm chất béo: 30-40g/ ngày.
- Nhóm muối, đường: muối < 3g và đường < 10g mỗi ngày.
- Các loại khoáng chất: từ 500-600 mg/ ngày. Với tỷ lệ giữa canxi/ photpho là 1:1,5 hoặc 1:1,8 còn sắt là 7-8mg/ ngày và kẽm là 8-10mg/ ngày.
- Các loại Vitamin: vitamin A từ 400-450 mcg/ ngày, vitamin C là 30mg/ ngày và vitamin D 400UI/ ngày.
Tham khảo thêm: Chiều cao cân nặng trẻ 5 tuổi bao nhiêu là chuẩn?
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 – 5 tuổi (Nguồn: Viện Dinh Dưỡng)
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 5 – 6 tuổi
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 5-6 tuổi gồm:
- Tinh bột: gồm gạo, ngũ cốc, khoai và các sản phẩm chế biến,… từ 8-13 đơn vị (1 đơn vị tương đương 20g glucid).
- Chất xơ và khoáng chất: gồm rau xanh, các loại trái cây, củ quả với 2-3 đơn vị (1 đơn vị tương đương 100g rau xanh).
- Đạm: gồm thịt, trứng, sữa, cá, hải sản,… từ 4-6 đơn vị (1 đơn vị tương đương 7g protein hoặc 100g canxi).
- Dầu mỡ: 5 – 6 đơn vị với 1 đơn vị tương đương 5ml.
- Đường: dưới 15g.
- Muối: dưới 4g.
Tham khảo thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chuẩn WHO
Nguyên tắc chăm sóc trẻ theo tháp dinh dưỡng từ 1 đến 6 tuổi
Để đáp ứng cho sự phát triển toàn diện của trẻ từ 1-6 tuổi thì ba mẹ cần chú ý các nhóm chất quan trọng gồm chất béo omega 3, đạm, thực phẩm chứa lợi khuẩn và nhóm rau củ quả,… Bởi đây là nguồn dinh dưỡng thiết yếu giúp trẻ phát triển não bộ và hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Đặc biệt, ba mẹ cần phải đa dạng hóa nguồn thực phẩm, không nên chỉ tập trung vào một số loại nhất định vì dễ khiến trẻ bị ngấy.
Ngoài ra, khi xây dựng chế độ ăn hàng ngày cho trẻ từ 1-6 tuổi, cha mẹ nên tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Phân bổ nhóm thực phẩm, lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
- Với trẻ < 3 tuổi, nên tập cho trẻ ăn từ thức ăn dạng lỏng, lượng ít tới dạng đặc, lượng nhiều dần cũng như giúp bé làm quen với những loại thực phẩm mới.
- Nên sử dụng lượng dầu mỡ vừa đủ để giúp hòa tan các vitamin tan trong dầu mỡ.
- Nên tập cho trẻ ăn thịt, tôm, cua, cá,… nguyên cái thay vì chỉ ăn nước ninh, hầm.
- Trang trí món thật đẹp mắt với hương vị hấp dẫn sẽ kích thích trẻ ăn nhiều hơn và khởi gợi hứng thú với thực phẩm.
- Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, vệ sinh và luôn rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
- Nếu thấy trẻ biếng ăn, chậm lớn,… thì ba mẹ nên bổ sung cho bé các các sản phẩm hỗ trợ có chứa vitamin nhóm B, kém, crom, selen, lysine và các vi khoáng chất,…
Tham khảo: Cách dạy trẻ 1 tuổi biết nghe lời và thông minh
Trang trí món thật đẹp mắt với hương vị hấp dẫn sẽ kích thích trẻ ăn nhiều hơn (Nguồn: Sưu tầm)
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6 – 11 tuổi được xây dựng thế nào?
Trong độ tuổi từ 6-11 tuổi, trẻ đã bắt đầu bước vào khoảng thời gian tiền dậy thì và có không ít bé đã bắt đầu dậy thì. Theo đó, trẻ ở độ tuổi này thì cần khoảng 1.350 đến 2.200 kcal/ ngày và có nhu cầu ăn uống đa dạng hơn trước.
Bên cạnh đó, các bữa ăn nhẹ giữa những bữa chính cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì những món ăn nhẹ này có thể đóng góp tới 1/3 lượng calorie nạp vào cơ thể bé trong ngày. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế các đồ ăn nhanh, dầu mỡ hay bánh kẹo cho các bữa ăn nhẹ vì không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên các loại trái cây, bánh mì sandwich, phô mai, bánh quy,…
Tham khảo thêm: Bé bị ngã đập đầu phía sau có sao không? Mẹ cần làm gì?
Dưới đây là những thông tin quan trọng trong tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi mà bạn nên tham khảo:
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6 – 11 tuổi (Nguồn: Viện Dinh Dưỡng)
Hình ảnh minh họa kích cỡ đơn vị ăn của một số thực phẩm
Hình ảnh minh họa cho kích thước đơn vị ăn của một số thực phẩm (Nguồn: Sưu tầm)
Chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ 6 – 11 tuổi, cần tuân thủ những gì?
Dựa trên tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi, để xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày cho bé, thì ba mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Chất muối đường: < 4g muối và < 15g đường vì các loại thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, rau củ cũng đã chứa một lượng đường, muối nhất định.
- Chất béo: 5 phần cho trẻ từ 6-7 tuổi và 5,5-6 phần cho trẻ từ 8-11 tuổi. Mỗi phần tương đương 5g mỡ hay 5ml dầu ăn (khoảng 1 thìa cafe).
- Chất đạm: 4 phần cho trẻ từ 6-7 tuổi; 5 phần cho trẻ từ 8-9 tuổi và 6 phần cho trẻ từ 10-11 tuổi. Với một phần đạm từ thịt, trứng,… sẽ cung cấp 7g protein tương đương với 34g thịt bò, 71g thịt gà, 38g thịt heo, 87g tôm biển, 44g phi lê cá và 1 quả trứng,…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: 4 phần cho trẻ từ 6-7 tuổi và 5-6 phần cho trẻ từ 8-11 tuổi. Một phần sữa sẽ cung cấp 100mg canxi, tương đương 1 cốc sữa 100ml, 1 miếng phô mai 15g hoặc 1 hộp sữa chua 100g. Ba mẹ nên ưu tiên chọn sữa có hàm lượng canxi cao, không béo hoặc ít béo để giúp hệ xương của bé phát triển tốt nhất.
- Tinh bột: đây là nhóm thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng chính cho hoạt động trong ngày của bé nên cần bổ sung khoảng 8-9 phần cho trẻ 6-7 tuổi; 10-11 phần cho trẻ 8-9 tuổi và 12-13 phần cho trẻ 10-11 tuổi. Nên cho bé ăn ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cao nhất với mỗi phần sẽ cung cấp 20g glucid, tương đương ½ bát cơm (55g), ½ bát nhỏ phở hoặc bún (60-80g), 1 trái bắp luộc (122g),…
- Trái cây, rau củ: đây là nguồn vitamin và chất xơ dồi dào, tốt nhất cho bé. Với mỗi phần rau củ tương đương 100g thì bạn sẽ phân bổ số lượng như sau: Trẻ từ 6-7 tuổi là 2 phần; Trẻ từ 8-9 tuổi là 2-2,5 phần và trẻ từ 10-11 tuổi là 3 phần.
- Nước và các loại thức uống dạng lỏng: Bé từ 6-11 tuổi cần cung cấp ≥ 1300ml nước lọc, sữa hay nước trái cây mỗi ngày. Ba mẹ nên hạn chế các loại nước chứa nhiều đường hóa học như nước ngọt, nước giải khát có gas,… vì sẽ tăng nguy cơ béo phì ở bé.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh đầy đủ thông tin về tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1-11 tuổi. Nhờ đó mà ba mẹ có thêm kiến thức để biết cách lựa chọn những thực phẩm lành mạnh để giúp trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, cân nặng lẫn trí não.
Tuy nhiên, ba mẹ nhớ tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ chuyên môn để nhận được sự tư vấn tốt nhất nếu trẻ gặp bất cứ vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Đừng quên ghé thăm chuyên mục Chăm sóc bé của Huggies thường xuyên để tích lũy thật nhiều kiến thức trong việc nuôi dạy trẻ chuẩn phương pháp chuyên gia nhé!
Tham khảo thêm: Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy (BLW) cho bé