Tăng huyết áp nguyên phát, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn nguyên phát, là loại tăng huyết áp phổ biến vì chiếm đến 95% số trường hợp và biến chứng dần theo thời gian. Gọi là nguyên phát hay vô căn vì bác sĩ không thể xác định nguyên nhân tăng huyết áp một cách cụ thể.
1. Cao huyết áp vô căn nguyên phát là gì?
Huyết áp là lực áp suất tác động đến thành động mạch, do tim tạo ra để vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Tăng huyết áp xảy ra khi cường độ áp suất mạnh hơn mức bình thường.
Bệnh tăng huyết áp vô căn nguyên phát là một dạng cao huyết áp mà bác sĩ không thể xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp này còn được biết đến qua tên gọi tăng huyết áp nguyên phát.
Hầu hết các trường hợp cao huyết áp đều được phân loại là tăng huyết áp vô căn. Một loại cao huyết áp khác được biết đến là tăng huyết áp thứ phát, tức là nguồn gốc phát triển bệnh được xác định rõ, chẳng hạn như bệnh thận.
2. Tăng huyết áp vô căn nguyên phát có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp vô căn nói riêng và tăng huyết áp nói chung nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ để lại rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong cho người bệnh. Các biến chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp vô căn nguyên phát được đề cập đến là:
- Động mạch tổn thương vĩnh viễn:
Những động mạch khỏe mạnh sẽ giúp máu lưu thông tốt, không bị cản trở. Việc tăng huyết áp lâu dài khiến động mạch tổn thương, trở nên ít co giãn và cứng hơn. Do vậy, chất béo trong máu cũng dễ dàng tích tụ trong động mạch, dần hạn chế lưu lượng máu, gây tắc nghẽn, tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ.
- Biến chứng tại tim do tăng huyết áp:
Tăng huyết áp khiến trái tim phải hoạt động quá sức, áp lực mạch máu càng cao thì cơ tim càng phải bơm nhiều hơn, tốn sức hơn. Lâu dần, tim bị giãn nở, đến một mức nào đó sẽ làm tăng các nguy cơ rối loạn nhịp tim, suy tim, đau tim, đột tử,…
- Các biến chứng về não bộ:
Não bộ cũng như các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động bình thường đều cần tới máu giàu oxy được tim bơm đến. Tăng huyết áp vô căn nói riêng và các loại tăng huyết áp nói chung làm giảm lượng máu cung cấp đến não, gây ra những cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs). Nếu dòng máu tắc nghẽn đáng kể, lâu dài có thể khiến tế bào não chết, đột quỵ.
- Biến chứng ngoài tim và não:
Khi huyết áp tăng sẽ dẫn đến tăng áp lực lọc lên tổ chức thận, lâu dần gây suy thận. Tại mắt có thể gây biến chứng phù đáy mắt, xuất huyết đáy mắt, giảm thị lực, mù mắt. Tăng huyết áp không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ, giao tiếp và suy đoán.
Khi phát hiện những triệu chứng của tăng huyết áp, bạn cần đến bệnh viện sớm để xác định chính xác nguyên nhân và chẩn đoán bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
3. Chẩn đoán tăng huyết áp vô căn
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để theo dõi sát tình trạng huyết áp của mình. Chỉ số huyết áp thường được viết dưới dạng phân số, chẳng hạn như 120/80 mmHg, với mmHg là đơn vị đo huyết áp. Cách đọc chỉ số huyết áp sau khi đo như sau:
- Số đầu tiên là huyết áp tâm thu, dùng để đo áp suất của máu lên thành động mạch khi tim bơm máu đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể
- Số thứ hai là áp suất tâm trương, dùng để đo áp suất của máu lên thành động mạch khi cơ tim giãn ra.
Chỉ số huyết áp của bạn có thể dao động lên xuống trong ngày. Chúng thay đổi sau khi tập thể dục, nghỉ ngơi, lúc cơ thể bị đau và khi bạn căng thẳng hoặc tức giận. Thỉnh thoảng chỉ số huyết áp tăng cao không có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp. Bạn chỉ được chẩn đoán bị cao huyết áp nếu kết quả đo từ 2 – 3 lần đều vượt phạm vi lý tưởng.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sau đây để kiểm tra các vấn đề về tim và thận khi có các dấu hiệu tăng huyết áp nói chung:
- Xét nghiệm cholesterol: Kiểm tra mức độ cholesterol trong máu
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim, từ đó kiểm tra liệu tim có bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào không
- Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim bạn
- Thận và các xét nghiệm chức năng khác: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc siêu âm thận có thể được áp dụng để kiểm tra thận cũng như các cơ quan khác đang hoạt động như thế nào.
4. Điều trị tăng huyết áp vô căn nguyên phát như thế nào?
Do tăng huyết áp vô căn không xác định được chính xác nguyên nhân nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi chỉ có thể khắc phục triệu chứng mà không giải quyết được triệt để vấn đề. Người bệnh tăng huyết áp vô căn cần được thường xuyên theo dõi sức khỏe và có liệu trình điều trị phù hợp.
Với trường hợp tăng huyết áp vô căn nhẹ
- Có thể không cần điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ đưa ra những gợi ý thay đổi lối sống cũng như cách phòng ngừa tăng huyết áp đột ngột, từ đó ngăn chặn nguy cơ phát triển bệnh tim mạch;
- Khi bị tăng huyết áp, người bệnh nên hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích, bia, rượu, thuốc lá,…;
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày cũng giúp kiểm soát chỉ số huyết áp hiệu quả;
- Tránh tiêu thụ lượng muối vào cơ thể quá nhiều, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, ăn mỡ thực vật thay vì mỡ động vật, hạn chế đồ cay nóng,…
Với trường hợp tăng huyết áp vô căn nặng
- Huyết áp tăng đồng nghĩa với nguy cơ phát triển thành bệnh tim mạch trong 10 năm tới trên 20%. Tỷ lệ này khá cao nên việc sử dụng thuốc điều trị, khắc phục và phòng ngừa biến chứng là rất cần thiết;
- Việc điều trị thường kết hợp giữa thuốc và thay đổi lối sống;
- Một số nhóm thuốc thường dùng gồm nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc ức chế canxi, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương, nhóm thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin.
Với trường hợp tăng huyết áp vô căn trầm trọng
- Nếu bệnh tăng huyết áp trầm trọng, huyết áp đạt ở mức 180/110mmHg là báo hiệu vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân cần được điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt, giảm tối đa những biến chứng nguy hiểm.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!