(HNMCT) – Đứng trước bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào, dù là tự nhiên hay nhân tạo, để bày tỏ quan điểm về tầm vóc, giá trị của nó, chúng ta thường thốt lên: Đó là một kiệt tác. Vậy, như thế nào là một kiệt tác? Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chúng tôi xin nêu lên một số suy nghĩ, nhằm hình dung rõ hơn phẩm chất của một tác phẩm được gọi là kiệt tác.
Truyện Kiều đã được dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới.
Trong những trình bày có tính chất gợi ý của H.Benac (Dẫn giải ý tưởng văn chương), kiệt tác luôn luôn là một tác phẩm phản ánh và (đôi khi) làm sáng rõ thời đại của nó.
Điều này hiển nhiên với hầu hết các tác phẩm, không riêng gì kiệt tác. Bởi lẽ, tác phẩm là sự phóng chiếu tinh thần, nhận thức, ý hướng của chủ thể sáng tạo về thế giới – thời đại vào trong cấu trúc nghệ thuật. Ở khía cạnh này, văn học nghệ thuật trung đại, cận hiện đại, đương đại đều có những đặc thù riêng, thể hiện chân dung của lịch sử ở thời điểm tác phẩm ra đời. Vì thế, đây không phải là phẩm chất cốt lõi nhất, nhưng một kiệt tác thì đương nhiên phải có, dù là được thể hiện dưới hình thức kỳ ảo, hư cấu đến như thế nào. Bất kỳ hệ thống biểu nghĩa nào cũng mang tính phản ánh, dù ít, dù nhiều, dù sâu xa gián tiếp hay trực diện.
Vượt lên trên tính nhất thời đó, kiệt tác bao trùm thời đại và “vượt qua thời đại”. Truyện Kiều sau hơn 200 năm vẫn là kiệt tác vì các giá trị nhân sinh, nghệ thuật vẫn không ngừng khiến con người thao thức. Đó là mẫu hình của ngôn ngữ nghệ thuật cùng chiều sâu tư tưởng, thể hiện con mắt trông thấu sáu cõi, nghĩ suốt ngàn đời của bậc đại thi hào như Nguyễn Du. Cũng như thế, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là một kiệt tác, bởi đó không chỉ là câu chuyện của chàng Dế Mèn mới lớn, cũng chẳng phải chỉ là chuyện của thế giới loài vật, thể loại đồng thoại dành cho thiếu nhi… Dế Mèn phiêu lưu ký là câu chuyện của xã hội con người vẫn chưa thôi khiến chúng ta ngạc nhiên.
Vượt lên thời đại có lẽ là phẩm chất hàng đầu của một kiệt tác. Điều đó chính là sức sống của tác phẩm. Một tác phẩm sống được với nhiều không gian, nhiều lịch sử, nhiều thời đại, tự nó đã bày tỏ phẩm chất ưu tú mà những giá trị nhất thời không sao gánh vác nổi. Nhìn rộng ra, những kiệt tác thế giới như Don Quixote của Cervantes, Romeo và Juliet của Shakespeare, Những người khốn khổ của V.Hugo, Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy, Lâu đài của F.Kafka, Âm thanh và cuồng nộ của W.Faulkner, Đi tìm thời gian đã mất của M.Proust… luôn gợi lên trong chúng ta những ưu tư trước các vấn đề của hiện tại.
Chưa bao giờ ngưng trên trái đất này nhịp đập vĩnh cửu của tình yêu, của khao khát sống cao cả, những lo âu khắc khoải về tồn tại, những vây bủa bức bách từ đời sống, chiến tranh và bạo lực, ký ức, lịch sử và thân phận… Những kiệt tác đã bao trùm lên những vấn đề cốt lõi nhất của con người, muôn nơi và muôn thuở. Ai đã đọc Trong gia đình của Hector Malot, hẳn sẽ thấy thêm yêu cuộc sống, gia đình, những niềm tin vào ý chí, nghị lực, lòng bao dung và khát vọng sống một cuộc đời cao cả, vị tha. Ai đã từng đọc Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky mới thấu tỏ tinh thần của con người cách mạng được tôi luyện trong “lửa đỏ và nước lạnh”, của tình yêu và lẽ sống. Đó có thể là những kiệt tác khi chúng ta nhìn về những giá trị nhân văn mà nhân loại đang hướng tới.
Kiệt tác phải giữ được trong lòng nó những bí ẩn không nguôi thôi thúc con người tìm kiếm, lý giải. Xã hội vận động không ngừng và con người tìm thấy trong những kiệt tác đó dấu ấn của thời đại mà mình hiện diện. Một kiệt tác thực sự phải là một phần nội tâm của mỗi con người xuyên qua các thời đại, các không gian khác nhau. Nó luôn luôn là một cấu trúc động để đáp ứng những diễn biến tinh vi của lòng người trước cuộc đời. Ký ức là địa hạt của nhân tính, lịch sử tựa vào khả năng đó của con người mà tồn tại.
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, dù có bỏ qua mọi điểm nhấn về mặt hiện tượng, thì vẫn luôn là niềm khắc khoải khôn nguôi của con người trên bước đi của thời gian. Đời sống của mỗi cá nhân kết dệt nên bằng quá khứ, đan dày những trải nghiệm hiện tại đồng thời chắp nối bởi ước mơ, hy vọng, chờ đợi ở tương lai. Vang bóng một thời nhắc lại những vùng ký ức làm cân bằng trạng thái chông chênh, phôi phai, trôi trượt của hiện tại, giữ chặt con người trong quỹ đạo vô thủy, vô chung của thời gian. Theo nghĩa đó, nền văn học cách mạng của Việt Nam sẽ đọng lại trong ký ức như là một tượng đài của khát vọng hòa bình và thống nhất, vượt lên trên sự hủy diệt bạo tàn của bom đạn. Con người đã kinh ngạc và có lẽ sẽ còn phải kinh ngạc hơn nữa khi sự sống vẫn bừng lên mạnh mẽ từ trong khói lửa đạn bom và cái chết.
Kiệt tác, nếu nhìn từ góc độ tác giả, như H.Benac đã chỉ ra, phải là một tác phẩm lớn, chủ chốt, nơi mà tác giả đạt đến sự hoàn thiện nhất. Sự hoàn thiện của tác giả ở một tác phẩm không nhất thiết là ở giai đoạn sáng tác sau, khi đã có nhiều kinh nghiệm, tri thức hay thành thạo về kỹ thuật, phương pháp. Văn học nghệ thuật là loại hình của sáng tạo, là nơi thăng hoa của cảm xúc, bùng cháy của tâm hồn và sự đột khởi của trí tuệ.
Bởi vậy, kiệt tác có thể ra đời ngay với tác phẩm đầu tay mà các giai đoạn sau tác giả có thể không tìm lại được. Nó gần như là một cơ duyên, hạnh ngộ hơn là một trải nghiệm mang ý nghĩa lịch sử. Tất nhiên, không phải kiệt tác nào cũng là sản phẩm của cơ duyên. Trải nghiệm, tri thức, phương pháp cùng với sự chín muồi của cảm xúc, suy tưởng cũng là những nhân tố quan trọng, góp phần hình thành những tác phẩm hứa hẹn. Sự hoàn thiện của tác giả thể hiện trong kiệt tác cần phải được nhìn nhận trên nhiều bình diện. Cùng với các phẩm chất như đã trình bày ở trên, một kiệt tác còn thể hiện rõ tầm vóc tư tưởng, triết học, mỹ học, khả năng bao quát những vấn đề có tính phổ quát của con người.
Nhìn từ phía độc giả, một kiệt tác dĩ nhiên là luôn luôn đem đến cho người đọc nhiều thế hệ sự thích thú, say mê, thán phục, sự thôi thúc kiếm tìm, lý giải hay chinh phục. Kiệt tác vượt lên thời gian để sống cùng nhân loại nhiều thời, thử thách và vẫy gọi. Nhiều kiệt tác văn học của nhân loại, cho đến giờ vẫn làm say lòng người đọc, mời gọi những quá trình thông diễn. Đời sống của kiệt tác phụ thuộc vào khả năng đánh thức nhu cầu đọc, đọc lại của công chúng. Thực tế là trong tiến trình lịch sử của việc đọc, có tác phẩm bị oan khuất đã tìm lại vị trí vinh quang, cũng có tác phẩm đã không còn được thừa nhận. Đó cũng là lẽ thường, là lửa thử vàng trong đời sống của kiệt tác.
Để có một kiệt tác cần hội tụ nhiều yếu tố, phẩm chất. Các tiêu chí đánh giá kiệt tác cũng không phải là cái khuôn đông cứng. Sẽ là hợp lý hơn khi chúng ta hình dung rằng, dù trong bất kỳ không gian xã hội, lịch sử, thời đại nào, một tác phẩm vẫn sống, vẫn không thôi mời gọi người đọc, tham dự vào đời sống tinh thần của con người, ấy chính là kiệt tác.