Tắc kè cũng như các loài thằn lằn khác nổi tiếng với khả năng mọc lại đuôi, bao gồm cả xương cột sống của chúng khi bị đứt. Nhưng điều này sẽ còn khiến bạn bất ngờ hơn nữa, các nhà nghiên cứu tại Đại học Guelph, Canada mới đây còn phát hiện những con tắc kè có khả năng tái tạo được cả não.
Và bởi vì bộ não của những con tắc kè khá giống với con người, phát hiện này có thể khởi đầu một lĩnh vực nghiên cứu mới, mở ra tiềm năng kích hoạt não bộ tái tạo giúp điều trị chấn thương và các bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Tắc kè không chỉ mọc lại đuôi, chúng còn tái tạo được cả não bộ
Khả năng tái sinh các bộ phận trên cơ thể của tắc kè đã đặt ra cho các nhà khoa học một câu hỏi: Liệu chúng có khả năng tái tạo não bộ hay không?
Và để kiểm tra điều này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Guelph đã tiêm vào não những con tắc kè một hóa chất có khả năng bám dính vào DNA của những tế bào mới hình thành. Bằng cách đó, họ đã ghi nhận được vị trí, loại tế bào mới và con đường di chuyển khi chúng được sinh ra trong não.
Kết quả thật sự ngoài mong đợi, các nhà nghiên cứu tìm thấy rất nhiều tế bào mới hình thành, nhiều hơn mức họ dự đoán. Chúng bao gồm một loại tế bào gốc thường tiến hóa thành tế bào trong vỏ não trung gian của tắc kè.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra tế bào gốc có liên quan đến sự hình thành của các tế bào thần kinh mới trong não tắc kè.
“Bộ não là một cơ quan phức tạp và có rất ít phương pháp điều trị tốt cho chấn thương não, vì vậy đây là một lĩnh vực nghiên cứu rất thú vị“, giáo sư Matthew Vickaryous tại Khoa Khoa học Y sinh, Đại học Thú y Ontario (OVC) cho biết.
“Những phát hiện này chỉ ra rằng bộ não tắc kè liên tục thay mới các tế bào não cũ, một điều mà con người khó có thể làm được“, ông nói.
Nếu bạn chưa biết, thằn lằn và con người có một mối liên hệ gần gũi hơn động vật lưỡng cư hoặc cá, vì vậy, chúng thường được dùng làm đối tượng trong các nghiên cứu liên quan đến tái sinh. Bây giờ, với phát hiện mới của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Guelph, họ có thể thay đổi cách mà bộ não con người được nghiên cứu.
“Hầu hết các nghiên cứu tái tạo trước đây chỉ xem xét cá ngựa hoặc cá nhám. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng thằn lằn, loài vật có liên quan gần gũi hơn với động vật có vú“, Rebecca McDonald, một sinh viên cao học dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
“Bước tiếp theo trong lĩnh vực nghiên cứu này là xác định lý do tại sao một số loài, chẳng hạn như tắc kè, có thể thay thế các tế bào não trong khi các loài khác, như con người, không thể“, Vickaryous nói.
Kết hợp với nghiên cứu về bộ não tắc kè, chúng ta hi vọng các nhà khoa học có thể kích hoạt sự tái sinh tế bào trong não bộ con người.
Trong khi bộ não con người không giỏi để tái tạo lại các tế bào, đã có rất nhiều nghiên cứu từ một thập kỷ qua chỉ ra chúng ta có khả năng hình thành các kết nối thần kinh mới trong suốt cuộc đời mình.
Lĩnh vực nghiên cứu này gọi là Neuroplasticity, trong đó, các tế bào thần kinh cũ phát triển các kết nối mới để bù đắp và thậm chí làm thay nhiệm vụ của các tế bào thần kinh khác đã bị thiệt hại do chấn thương hoặc bệnh tật.
Neuroplasticity lật đổ một quan niệm trước đây, nói rằng não bộ chỉ phát triển đến một độ tuổi nhất định là ngừng lại. “Gần đây, đã có rất nhiều thông tin mới xuất hiện về khả năng tạo ra các tế bào mới của bộ não, một điều mà từ lâu đã được cho là không thể“, McDonald nói.
Bây giờ, kết hợp với nghiên cứu về bộ não tắc kè, chúng ta hi vọng các nhà khoa học có thể mở ra tiềm năng kích hoạt sự tái sinh tế bào trong não bộ con người. Nếu có thể, nó chắc chắn sẽ được ứng dụng để chữa lành các căn bệnh thoái hóa như Alzheimer và Parkinson, cũng như các chấn thương não xảy ra do tai nạn.
Tham khảo Collective-evolution