Thịt trai bổ dưỡng và chữa bệnh

Cơ thể người lớn trung bình chứa 2-3 g kẽm. Một nửa nằm trong cơ, 1/3 trong xương. Hàm lượng kẽm cao nằm trong tuyến tiền liệt, tóc, mắt nên thiếu kẽm thì các cơ quan này dễ mắc bệnh.

Thiếu kẽm gây các rối loạn phần móng (dễ gãy, chậm mọc, vết trắng), tóc dễ rụng gãy, da khô và dễ bị tổn thương, vết thương lâu lành, xương gãy lâu liền. Trẻ em thiếu kẽm dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột và phổi, chậm lớn. Nam giới giảm khả năng sinh sản, nữ giới bị các rối loạn nội tiết và thai nghén cũng bị ảnh hưởng (khó thụ thai, thai chậm phát triển, đẻ non, sẩy thai, thai nhẹ cân…). Thiếu kẽm lâu dài gây mỏng da teo cơ, loãng xương, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, thoái hóa khớp, xơ cứng mạch máu, các bệnh ngoài da (vảy nến, Herpes, trứng cá) và nhiều bệnh tật khác.

Không có vi khoáng nào khi thiếu hụt lại gây nhiều rối loạn như kẽm.
Khi phát hiện được nguyên nhân thiếu kẽm, nếu được bổ sung kẽm kịp thời thì bệnh thuyên giảm và lành nhanh chóng. Dùng thuốc có kẽm thường phải đề phòng quá liều. Liều trên 150 mg/ngày có thể gây ức chế miễn dịch (liều thấp kích thích). Nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây ảnh hưởng sang các chức phận khác như đối với sắt, đồng. Phần lớn thuốc kẽm khó hấp thu và khó được cơ thể dung nạp. Có thể gây buồn nôn.

Việc dùng thịt trai có thể bổ sung kẽm mà không gặp những phiền toái như dùng thuốc. Trong 100 g thịt trai có 70 mg kẽm, gần gấp đôi so với thịt bò. Ngoài ra, thịt trai còn quý vì chất béo của nó không gây hại. Trai cũng có tác dụng kích dục an toàn hơn các loại chất kích dục khác.

Theo Đông y, trai vị ngọt đậm, tính hàn, có công năng bổ âm, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc; thường dùng cho trẻ em hay ra mồ hôi trộm, chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú, băng huyết, khí hư và chữa mắt bị sưng đỏ do nhiệt, nhặm mắt. Nó rất tốt cho người bị lòi dom, trĩ chảy máu. Thịt trai khô là thức ăn, thuốc bổ thận từ xưa của y học Đông phương. Sau đây là một số cách dùng thịt trai để phòng chữa bệnh.

Cháo trai: Có tác dụng bổ âm, chữa ra mồ hôi trộm. Trai làm sạch luộc lấy nước, thịt trai thái rồi ướp mắm tiêu, nấu cháo nhừ rồi cho trai vào quấy đều, cho gia vị, cho hành răm nếu dùng cho người lớn. Nếu dùng cho trẻ em thì cho lá dâu, ăn nóng.

Canh trai giải nhiệt ngày hè sẽ ngon miệng mát, bổ: Trai luộc chín thái nhỏ ướp mắm muối gia vị, xào lăn. Nước luộc trai lọc trong, đun sôi, cho trai đã xào vào. Cho hành và rau răm thái nhỏ. Ăn nóng. Dùng ăn với cơm. Có thể xào lăn với cà chua hoặc quả dọc, hoặc me ta được món canh chua trai. Phụ nữ có thai ăn tốt cho cả mẹ và con.

Canh trai mì sợi: Trai 200 g, mì sợi 50 g, gừng tươi 10 g, hành 15 g, muối 6 g, rượu 5 g, dầu thực vật 30 g. Trai chần thái nhỏ, mì ngâm nước cho nở. Xào trai sau đó cho nước (1,5 lít) đun sôi rồi cho rượu đun nhỏ lửa 40 phút. Cho mì, muối đun thêm 2 phút, sôi lại thì múc ra rắc hạt tiêu và ăn nóng.

Trai nướng chữa yếu sinh lý: Trai to, cậy khéo (không làm sứt vỡ) lấy trai ra băm nhỏ cùng mộc nhĩ, giò sống, hành củ băm nhỏ, gia vị trộn đều viên tròn cho vào trong vỏ trai. Nướng trên bếp than, ăn nóng chấm mắm chanh ớt.

Trai hấp dùng cho người già yếu ăn kém: Thịt ba chỉ băm nhỏ, trộn gia vị cùng trai, cho vào vỏ rồi xếp vào nồi hấp chín. Để nhắm rượu.

Chả trai chữa nhức mỏi cơ xương khớp, ho có đờm: Trai làm sạch, thái nhỏ, ướp gia vị, sau đó cho một miếng trai với một miếng thịt ba chỉ (hoặc dùng thịt nạc băm với trai), ướp gia vị, sau đó bọc lá xương sông hoặc lá lốt, đem nướng trực tiếp trên than củi hoặc xếp vào vỉ kẹp nướng, ăn nóng.

Theo BS Phó Đức Thuần
Sức Khỏe & Đời Sống

Rate this post

Viết một bình luận