Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao cá hồi cứ bơi ngược dòng cho đến lúc đuối sức mà chết? Hình ảnh con cá hồi có lẽ cũng giống con người: lao lực làm việc cốt yếu vì điều gì đó dù hơi thở ngắn ngủi sẽ hóa thinh không.
Mỗi người chúng ta thường làm việc với vài mục đích khác nhau. Có mục đích tốt, có mục đích xấu, có mục đích ở trạng thái hâm hẩm. Nhưng mục đích chính khiến bạn làm việc là gì? Cái “chính” đó sẽ nói lên con người bạn và xác định nồng độ hạnh phúc bạn nhận được từ công việc.
Mục đích sơ đẳng nhất của làm việc là nuôi sống bản thân. “Có làm thì mới có ăn”, ăn để còn sống. Ai cũng cần làm việc vì mục đích này, trừ những người được cung phụng suốt đời và những người không thiết sống. Song nếu chỉ có mục đích này thôi, người ta dễ chỉ thấy lo lắng: lo ngày mai ăn gì, mặc gì, ở đâu, lo hôm nay có kiếm đủ tiền để ấm thân no bụng. Người làm lụng cả đời chỉ lo ăn mặc tự khiến mình bất hạnh hơn cả loài khác. Muông thú không làm việc vẫn có mồi trong rừng, ngoài đồng hoặc dưới nước. Hoa cỏ là loài nay sống mai chết còn được Tạo Hóa mặc cho những bộ quần áo đẹp đẽ đủ màu. Con người được sinh ra ắt không thể chỉ để gánh nỗi lo cơm áo. Lao động được ban cho con người ắt phải có những mục đích cao quý khác. Nếu không giá trị của lao động bị rẻ rúng biết bao! Vậy bên cạnh nhu cầu phụ là nuôi sống bản thân, chúng ta có mục đích chính nào khi làm việc?
“Con người được ích lợi gì
Khi phải lao khổ nhọc nhằn dưới ánh mặt trời?”
Câu hỏi trên được nêu lên ngay sau khi tác giả sách Truyền đạo (Kinh Thánh) rút ra một chiêm nghiệm chua xót: “Hư không của sự hư không! Tất cả đều hư không”. Nếu những lời lẽ này do một kẻ trót mang tiếng là ăn không ngồi rồi thở hắt ra với giọng điệu chán đời thì hẳn nhiều người trong chúng ta có thể nhún vai: Thật là nhàn rỗi sinh nông nổi, không chịu làm nên mới lấy cớ than vãn. Làm việc để có tiền, nuôi mình và nuôi người thân, để sống, để vv và vv chứ còn để làm gì. Song nếu biết rằng đây là những lời của Solomon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan và giàu có vào bậc nhất thế giới từ trước đến nay, chúng ta mới cẩn trọng và suy nghĩ nghiêm túc hơn về câu hỏi. Một người lao lực vì vương quốc sự nghiệp của mình, té ra cũng có lúc nhận thấy làm việc là sự hư không sao? Thế thì vì sao ông nói vậy?
Là một người cao trọng và vượt trội hơn bất kì vị vua Do Thái nào sống trước ông, một nhà thông thái mà những thế hệ về sau có lẽ lắp mô-tơ vào chân cũng chẳng đuổi kịp ông bởi Chúa ban cho ông sự thông sáng và phán “trước con không ai bằng và sau con cũng sẽ không ai sánh kịp (ICác vua 3:12b), Solomon hẳn phải xem xét kĩ càng mọi mục đích mà con người có thể hướng đến khi làm việc, trước khi ông đặt ra câu hỏi trên.
1. Hưởng thụ giàu sang
Nhiều người trong chúng ta làm việc để kiếm thật nhiều tiền, những mong có cuộc sống giàu sang chỉ việc hưởng thụ về sau. Solomon đã đạt được sự giàu sang mà những người ấy phải mơ ước. Theo cuốn sách Bí mật của vua Solomon (Bruce Fleet – Alton Gansky) thì giá trị tài sản của vị vua này, sau khi đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình lạm phát, đến nay vẫn vượt rất xa tổng giá trị tài sản của Bill Gate và Warren Buffet gộp lại. Những nguồn tư liệu khác trên báo chí cho biết Solomon có 2,2 nghìn tỉ USD. Mỗi năm, trong suốt 39 năm trị vì của mình, ông được cống tặng 25 tấn vàng, tương đương hơn 40 tỷ USD. Một bài viết trên tờ Dân Việt bình luận “sự giàu có của vị vua này khiến cho kim loại bạc trở nên vô giá trị như đá sỏi vậy”.
Solomon đã xây cất cung điện, những vườn nho, các vườn trồng đủ loại hoa trái, đào hồ chứa nước tưới cả rừng cây, mua đầy tớ, nuôi bạt ngàn chiên bò, thu trữ bạc vàng, báu vật của các vua, có nhiều ca sĩ hát mua vui cho mình, và có tới 700 bà vợ và 300 cung phi đáp ứng lạc thú của mình (các sách Truyền đạo, ICác vua). Trong sự cao trọng và vượt trội như vậy, ông “vẫn giữ được sự khôn ngoan” để suy xét: “Ta không từ chối điều mắt mình thèm muốn, cũng chẳng ngăn lại điều lòng mình ưa thích, vì lòng ta vui vẻ về mọi công lao của ta; và đó là phần ta được hưởng trong mọi công lao của mình” (Truyền đạo 2:10). Tuy nhiên sau khi ngẫm nghĩ về những điều đó, Solomon nhận ra làm việc để hưởng sự giàu sang, vui thú thật là “hư không, theo luồng gió thổi, và chẳng ích lợi gì cả dưới ánh mặt trời”.
Thực tế nhiều người giàu có trong thế giới hiện đại cũng mắc phải chứng dư thừa trống rỗng. Họ là những người từng bận rộn với công việc làm ăn hòng kiếm hàng triệu đô la, những mong sự giàu có sẽ mang đến hạnh phúc cho mình. Song sau những tháng ngày vui vẻ ngắn ngủi, họ nhận thấy những gì? Tỉ phú John Caudwell, người sáng lập Phones4U tâm sự trên BBC rằng mức độ hạnh phúc của ông có lẽ chỉ ở mức 2/10. Còn Tim McCarthy, một ông chủ người Mỹ sau quãng đời lao lực điều hành một công ty tiếp thị đến lúc cho phép mình ngồi nghỉ hưu trên khối tài sản kếch sù thì cũng chẳng sung sướng gì hơn. Sau khi bán công ty với giá 45 triệu USD, ông mua du thuyền mời bạn bè đi chơi, tặng những món quà cao cấp cho họ. Ông dành thời giờ đi du lịch khắp thế giới cùng gia đình, chở con mua hàng hiệu, thăm người thân,… Song sau đó ông vẫn cảm thấy trống rỗng. Kèm với cảm giác ấy, ông hoang mang không biết dùng 45 triệu USD như thế nào cho hợp lí. Trong đầu ông, nhiều câu hỏi cứ trồi lên tươi tốt như nấm rộ sau trận mưa rào: “Liệu mình có xứng đáng với số tiền này không? Mình sẽ dùng số tiền này đúng đắn chứ? Mình sẽ không lãng phí chứ?”… và hàng loạt đắn đo lo ngại khác nữa mỗi khi ông định mua một thứ gì đắt giá.
Khi đã đạt đến đỉnh cao giàu sang, con người thường thấy mục đích mình đeo đuổi là vô nghĩa. Có những người làm việc khó nhọc nhưng chưa kịp hưởng thụ thì đã phải lìa đời. Những người khác được ngồi trên khối tài sản mình gây dựng, song thời gian hưởng thụ của họ liệu có bõ với quãng đời họ phải thức ngày cày đêm, lao tâm khổ tứ vì công việc? Họ nhận thấy sự sống con người là ngắn ngủi, hơi thở họ có thể tắt đi bất cứ lúc nào: bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, bị cướp giết,… Còn những người có cơ hội nhìn ngắm tuổi già của mình thì lại nhận thấy họ đã trả một giá đắt: đánh đổi sức khỏe, tuổi trẻ để kiếm tiền, và giờ đây, khi mắt mờ, răng rụng, chân run thì lũ tiền bạc cũng chẳng giúp họ nhìn rõ thế giới muôn màu, chẳng đánh thức được vị giác của họ khi nếm các của ngon vật lạ, chẳng khiến họ chinh phục những tòa tháp cao, những đỉnh núi kì vĩ và đại dương bao la bằng chính đôi chân của họ. Solomon đã nhìn thấy điều này qua người khác:
Có một người sống cô độc;
Không con cái, cũng không có anh em.
Nhưng người không ngừng lao khổ,
Mắt chăm nhìn của cải không hề chán;
Người không tự hỏi rằng: “Tôi phải chịu lao khổ,
Bắt mình từ bỏ những lạc thú là vì ai?”
Đây cũng là sự hư không,
Thật là công việc cực nhọc”.
(Truyền đạo 4:8)
Sự dư thừa vật chất còn dẫn đến sự quá tải lựa chọn. Nhiều người trở nên băn khoăn, mệt óc khi phải cân nhắc tiêu tiền như thế nào, nên mua gì, ăn gì và đầu tư hưởng thụ vào việc gì. Họ bị mắc kẹt vào chính sự tự do vật chất của mình.
Kèm theo đó là cảm giác lo lắng, bất an khi phải quản lí khối tài sản kếch sù. Lo bị trộm cắp, lo bị lừa đảo, bị lợi dụng. Điều này khiến họ sống trong tâm trạng nơm nớp e ngại và dễ hoài nghi, dè chừng đồng loại.
Tuy nhiên, nhiều người đang đeo đuổi triết lí làm việc là làm giàu có thể tặc lưỡi: trước khi những người trên kia thấy chán đời thì họ cũng đã được nếm vị giàu sang phú quý rồi. Thế thì mình cứ làm để hưởng trước đã, đến lúc có đâm ra chán hưởng thì sẽ lo sau. Đó có phải là quyết định khôn ngoan hay nó chỉ là một quyết định bồng bột bị chi phối bởi sự háo hức trẻ con, rằng dù được cảnh báo thực tế phũ phàng nhưng vẫn tò mò muốn thử? Nếu những người đã làm việc khôn ngoan nên mới đứng trên đỉnh của núi vàng kia được quay trở lại vạch xuất phát để đưa ra mục đích chính khi làm việc của họ, liệu họ có dại dột chọn làm chủ yếu vì tiền trong khi họ đã thấm thía tiền không phải ý nghĩa công việc? Chắc chắn là không. Vậy cớ gì chúng ta lại chọn? Có phải vì người làm việc cốt để kiếm tiền giống như một tay chơi bạc, thu về được chút lúc đầu thì máu cờ bạc càng hăng. Một người đầu tắt mặt tối với công việc vì mục đích này, sau khi đã có chút của ăn của để sẽ dễ nảy sinh tham vọng kiếm được nhiều tiền hơn.
Tuy nhiên với tham vọng đó, người ta dễ đánh mất những giá trị tinh thần cao đẹp và suy mòn về đạo đức. Người ta có thể sẽ thích vơ vào mình những phần việc lợi lộc, sẽ dối trá trong công việc nếu thấy có lợi, sẽ nghĩ tới mánh khóe, thủ đoạn, và từ việc nghĩ tới việc thực hiện, rồi dấn sâu nó cũng chẳng khác gì hiệu ứng domino. Nếu ở mức độ nhẹ hơn thì những người như thế dễ rơi vào xu hướng làm gì (dù hỗ trợ xung quanh) cũng quy ra tiền, đi đâu cũng đánh hơi tiền, để rồi lấy tiền ra cân đong với cả lòng tốt, tình người. Người ta có thể trở nên ích kỉ, chi li, lên mặt với những người xung quanh. Một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley cho thấy nhiều người tham gia một trò chơi trong nghiên cứu này tỏ ra họ thích độc quyền. Những người càng giàu trong cuộc chơi lại càng hẹp hòi, họ hạ thấp những thành viên nghèo hơn và cho rằng mình ở vị trí áp đảo. Vậy người làm việc theo đuổi giàu sang và sự hưởng thụ càng chăm chút thể xác mình càng dễ bỏ bê phần tâm hồn, thân xác càng được vỗ béo thì tâm hồn có nguy cơ suy dinh dưỡng.
2. Danh vọng
Với nhiều người khác, động cơ làm việc của họ lại là danh tiếng, địa vị. Tuy nhiên, nhìn vào tấm gương Solomon một lần nữa chúng ta thấy người đạt tới đỉnh cao danh vọng như ông cũng chỉ thấy điều đó là hư vô. Solomon là một vị vua đầy quyền lực, nức tiếng trong thời đại của ông đến nỗi nữ hoàng Sheba, khi lặn lội tới Israel để được thấy những điều người ta đồn đại về ông, phải thốt lên: “Nhưng trước khi đến đây và thấy tận mắt những điều nầy thì tôi chẳng tin. Thực ra người ta nói chưa đến được một nửa! Sự khôn ngoan và giàu có của ngài vượt trội hơn những gì tôi đã nghe. Các bà vợ của ngài thật có phước! Quần thần của ngài, những người luôn đứng chầu trước mặt ngài và được nghe sự khôn ngoan của ngài, thật phước biết bao!”. Ngày nay, người ta còn áp dụng những châm ngôn của ông vào nhiều lĩnh vực như quân sự, giáo dục, tài chính kinh doanh, vào lối sống và ứng xử, chứng tỏ mức độ che phủ của danh tiếng vị vua này ăn đứt bụi phủ của thời gian. Song ông thấy người làm việc vì danh vọng cũng chỉ “là hư không, theo luồng gió thổi”:
“Ta nhận thấy con người làm việc với mọi lao khổ và tài năng, chỉ vì muốn ganh đua giữa người này với kẻ khác mà thôi” (Truyền đạo).
Thực có những người hùng hục làm giàu nhưng không nhằm chạm vào giàu sang mà muốn chạm vào danh vọng. Họ muốn được người khác công nhận, khen ngợi về tài tháo vát, sự chăm chỉ hoặc khối của cải mà mình làm được. Họ muốn hơn người, vượt trội lên hẳn đồng nghiệp, đồng bạn hoặc cao hơn là đồng loại. Dường như đây là tâm lí phổ biến của con người, chẳng phải chỉ ở độ tuổi được coi là trưởng thành mà còn nảy mầm từ khi người ta còn là đứa trẻ. Trẻ thơ thích được khen ngợi, người lớn quá đà hay so sánh những đứa trẻ với nhau để chúng thấy đồng bạn vượt trội hơn mình mà quyết tâm trổ tài thi thố cho người ta… biết mặt. Những cuộc thi vì thế có thể bị biến chất, thành những cuộc cạnh tranh. Môi trường giáo dục để bồi dưỡng trí tuệ tâm hồn trở thành lò luyện của những cuộc ganh đua về điểm số, thành tích giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa lớp với lớp, trường với trường.
Có một chuyện thực, ở kí túc xá nọ có hai học sinh cùng phòng ngầm đua nhau xem ai học giỏi hơn và học chăm hơn. (Học tập, có thể coi là một kiểu làm việc đặc biệt). Bởi vậy mà nhiều tối, dù đã xong bài vở, hoặc đã rất khuya, hoặc mắt đã díu lại vì buồn ngủ, em này vẫn cứ ngồi gật gù bên bàn học chỉ vì em kia chưa chịu tắt đèn. Sau khi đèn của em kia tắt được vài phút thì em này cũng đi ngủ, lòng mừng vì thi thoảng bạn bè khen rằng mình thức muộn hơn em cùng phòng, để học bài.
Chốn trường học là vậy, bước chân ra khỏi giảng đường để làm việc, sinh hoạt cộng đồng lại càng lắm đua tranh. Một chuyện khác: có một căn nhà lợp fibro xi-măng lụp xụp nằm co ro cạnh một ngôi nhà ba tầng khang trang. Chủ căn nhà thứ nhất không đành lòng để vợ con sống trong nơi tối tăm ẩm thấp nên đã nỗ lực làm ăn hòng xây một ngôi nhà một tầng vững chãi. Khi mong ước toại nguyện, người đó ngắm nhìn thành quả lao động của mình, hài lòng vì từ nay gia đình mình sẽ không phải lo cảnh dột nát ngày mưa, nóng nực ngày nắng. Song lúc nhìn sang nhà hàng xóm, anh ta xuýt xoa: giá nhà mình, không cần phải cao bằng nhà lân cận, mà chỉ được thêm một tầng nữa thôi thì sẽ rộng rãi hơn nhiều. Nghĩ vậy, anh lại làm quần quật ngày đêm, nhịn ăn nhịn mặc để góp tiền xây tầng hai. Sự chăm chỉ của anh được đền đáp. Anh bảo vợ sắm đồ về liên hoan khi tầng mới hoàn thiện. Song từ cửa sổ tầng hai nhìn ra bên ngoài, anh thấy tòa nhà hàng xóm che khuất mắt. Anh nghĩ bụng: nếu mình xây lên thêm tầng nữa thì sẽ thoáng đãng hơn nhiều. Vậy là anh thuyết phục vợ phụ làm thêm ban tối với mình, cắt giảm mọi chi tiêu lễ tết để sớm biến nhà cũ thành ngôi nhà ba tầng. Với quyết tâm, anh đã làm được. Vợ anh những tưởng giờ cả gia đình mình sẽ được thảnh thơi, làm ăn thong dong ngày tháng, không ngờ khi nhà mới được xây xong, người chồng chẳng hề sung sướng như những lần trước mà lại trở nên bực bội. Cứ mỗi lần đi ra thấy nhà hàng xóm, anh ta càng hậm hực: mình làm lụng khổ sở bao năm nay, vợ con cũng chịu thiếu ăn thiếu mặc mà cuối cùng cũng chỉ xây được cái nhà cao bằng nhà thằng hàng xóm sao! Không được mình phải xây vượt nó một tầng để cho vợ con, thiên hạ biết rằng mình cao hơn nó! Mình đã quyết lần nào là làm được lần ấy. Không cứ gì lần này mình thua nó. Nghĩ vậy, anh đắc chí cười thầm. Từ đó anh giống như một con thoi, cắm mặt làm ăn, mặc kệ sức khỏe dần suy giảm, chẳng thèm để ý đến vẻ ngoài xộc xệch, cũ kĩ của mình, đồng thời bỏ bê luôn cả vợ con. Anh đốc thúc vợ làm; vợ con bị bệnh nhẹ hay nặng, anh cũng chỉ hỏi han qua loa, tặc lưỡi bệnh tự đến tự đi, bởi bản thân anh cũng đã nhờn với việc mình ốm đau. Tâm tính anh cũng dần thay đổi: anh cục cằn, cáu gắt nếu bữa nào kiếm ít tiền hơn ngày thường; anh đong muối đếm hành, kêu ca mỗi khi nộp tiền điện, gắt om lên lúc vợ xin tiền đổ ga; anh mắng vợ con tiêu hoang làm anh khổ. Ra ngoài, anh cau có với người hàng xóm cạnh nhà mình, chắt lép với láng giềng, đố kị với cả những người làm việc cùng giàu có hơn anh, lên mặt với những người kém cỏi hơn anh. Khi mục đích làm nhà của người đàn ông đó thay đổi, phẩm cách của anh ta cũng đổi thay.
Tuy nhiên anh này không phải là trường hợp điển hình của việc tham danh tiếng sinh ra đố kị và thoái chất. Thực tế có nhiều người leo lên chức cao vọng trọng vì những cống hiến cho nghề nghiệp thì ít mà bằng mánh khóe thì nhiều. Nhiều “sao” đánh bóng tên tuổi bằng việc giả từ thiện, gây tiếng tăm bằng những vụ bê bối, nâng mình lên bằng cách bôi nhọ, hạ bệ đồng nghiệp. Có những tác giả muốn có tiếng hơn nữa đã không ngại đạo văn, đạo nhạc, hoặc lo lót trong các cuộc bình bầu trao giải. Người ta đã sẵn lòng đánh đổi đạo đức để lấy thành quả lao động.
Làm việc vì khao khát danh tiếng, địa vị còn khiến người ta dám đánh đổi cả mạng sống của mình. Trong một khảo sát năm 1984, nhà nghiên cứu Robert Goldman đã hỏi 198 vận động viên hàng đầu rằng liệu họ có sử dụng chất kích thích để nâng cao thành tích hay không nếu điều đó giúp cho họ đoạt được một huy chương vàng nhưng sẽ khiến họ lìa đời trong vòng 5 năm sau đó. Hơn một nửa số người được hỏi nói rằng họ sẽ dùng. Không ít người đeo đuổi sự nghiệp vì muốn “thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” đã rũ bỏ sự sống của mình để được đứng trên đỉnh cao danh vọng. Điều này có thể không khiến người ta xuống dốc về đạo đức nhưng sự đánh đổi như vậy liệu có đáng?
Lời ca ngợi như gió bay, danh vọng như tấm áo dát kim tuyến theo năm tháng rồi cũng tàn tã. Tiếng tăm chỉ “vang bóng một thời”, hoặc cùng lắm là vài đời, rồi sau cũng tắt lịm. Hình bóng một người có sống mãi trong lòng đồng loại được chăng khi trái đất rồi cũng đến ngày tàn? Như cách nói đùa của ông Thái Bá Tân với học trò thì, sở dĩ dạo này thầy ít làm thơ viết văn vì sau khi trái đất bị hủy diệt thì chẳng còn ai đọc văn thơ, mà khoảng thời gian từ giờ cho đến ngày tận thế theo dự tính của khoa học chẳng bõ cho thầy mất công sáng tác!
Dù thế nào chăng nữa thì suy cho cùng giá trị của chúng ta có đến từ đánh giá của người khác? Một lời khen có thể khích lệ bạn tiến lên, một thành công có thể tạo động lực cho bạn chăm chỉ làm việc hơn nữa, nhưng nó cũng khiến nhiều người tự mãn, thôi nỗ lực. Và nếu để những lời tôn vinh và hào quang danh vọng chi phối mình, người ta sẽ dễ sinh ra ảo tưởng về bản thân, lên mặt với xung quanh, hoặc ngược lại, lệ thuộc vào thái độ của người khác. Vui đôi chút khi được ca ngợi và công nhận thì có thể không hại gì nhưng cứ nhấm nháp nó, nuôi nó lớn từng ngày thì hẳn là có vấn đề. Một người sống vì sự tán tụng của người khác tưởng rằng mình vượt trội trên đám đông nhưng thực chất lại bạc nhược yếu đuối hơn đám đông. Còn một người kiêu ngạo, khoe mình, nhìn xuống đồng loại thì hẳn là đáng trách. Dù người đó không lấy tay vỗ ngực trước mặt kẻ khác mà ngực nở phập phồng đắc chí bên trong thì về bản chất vẫn là kiêu ngạo.
Lord Byron, một nhà thơ đứng trên đỉnh cao danh vọng, hội tụ đủ cả tăm tiếng lẫn tai tiếng từng đúc kết: “Con người thường tôn vinh những kẻ nhanh chóng lên cao trên nấc thang danh vọng, trong khi đó chẳng có thứ gì lên cao nhanh hơn là bụi, rơm và lông chim. Danh vọng cũng phù du như ba thứ ấy”, “Danh tiếng là gì? Lợi thế vì được biết tới bởi những người mà bạn chẳng biết gì nhiều, và bởi những người mà bạn chẳng quan tâm gì mấy”. Jean Jacques Rousseau, nhà triết học Khai sáng Pháp, tên tuổi vang dậy với những cuốn sách như Emille hay là về giáo dục và Khế ước xã hội, cho thấy sự thoáng qua và mặt trái của danh vọng khi phát biểu: “Danh vọng chỉ là hơi thở của con người, và nó thường độc hại”.
3. Lo cho đời sau
Một mục đích khác, thoát ra khỏi sự vị kỉ, mà nhiều người cho là lẽ chính để mình làm việc, là lo cho con cháu sau này. (Ở đây không bàn đến chuyện nuôi con cháu là mục đích lao động chính vì đó không thể là mục đích làm việc suốt đời của một người. Không ai nuôi con cái đến lúc chúng già. Con cháu đến một độ tuổi nào đó cũng sẽ gánh lấy sứ mệnh lao động, tự lo cho bản thân mình. Trừ những trường hợp không có khả năng làm việc. Song ở đây chỉ xin bàn đến những mục đích mang tính phổ quát). Làm việc chủ yếu nhằm tích lũy của cải cho đời sau có tiền đề vững chãi, có điều kiện phát triển bản thân, gây dựng sự nghiệp không có nghĩa là miễn trừ trách nhiệm lao động cho con cháu. Bởi vậy lí do này có thể tính vào mục đích lao động trọn đời.
Một người khởi nghiệp với số vốn cha mẹ để lại cho sẽ dễ dàng hơn người bắt đầu bằng bàn tay trắng. Người được thừa hưởng gia tài có điều kiện học hành lên cao, mở rộng tầm mắt bằng những chuyến du lịch hơn người phải làm việc trước mới có tiền đăng kí các khóa đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ sau đại học. Người được cha mẹ hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn hoặc trong những trường hợp rủi ro đột xuất sẽ có nhiều cánh cửa thoát nguy hơn những người cùng địa vị, cùng mức sống nhưng phải tự lực cánh sinh khi lâm nạn. Vậy làm việc cốt để bảo đảm cho thế hệ sau xét về những trường hợp trên là tốt đẹp.
Tuy nhiên nó có nhiều mặt trái khiến chúng ta phải đắn đo xem có nên đưa nó lên làm mục đích hàng đầu của lao động hay không. Solomon nói: “Ta cũng ghét mọi công việc mà ta đã vất vả làm ra dưới ánh mặt trời, vì phải để lại cho người sống sau mình”. Đây có phải một lí do vị kỉ? Hãy nghe ông giải thích rõ hơn: “Ai biết được rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay là ngu dại?… Bởi thế ta trở nên thất vọng về mọi công việc ta đã lao khổ làm ra dưới ánh mặt trời. Vì có người làm việc vất vả với sự khôn ngoan, tri thức và tài năng, rồi phải để lại cơ nghiệp của mình cho kẻ chẳng hề lao khổ làm ra nó. Điều đó cũng là một sự hư không và một đại họa”. Hư không với người vất vả làm việc và đại họa với kẻ không làm mà được hưởng.
Quả thật có nhiều rủi ro nếu chúng ta làm chỉ để cho con cháu mình hưởng. Liệu người ta có biết trân trọng một khối tài sản lớn từ trên trời rơi xuống chứ không phải do mồ hôi, nước mắt mình làm ra? Liệu người ta có ỷ lại vào những gì được hưởng đến nỗi ăn chơi trác táng, chây lười trong công việc? Liệu người ta có đủ khôn ngoan để quản lí cơ nghiệp mà mình không có kĩ năng, kinh nghiệm gây dựng nó? Liệu người ta học được gì, rèn luyện bản thân như thế nào nếu không có những bước đi gian nan ban đầu? Tạo dựng cho con cháu một cơ đồ dường như đã tước đi mất những bài học đầu tiên của chúng trên con đường lao động.
Solomon đã để lại cho con mình cả vương quốc ông nỗ lực xây đắp, nhưng Israel đã bị chia rẽ, lâm vào nguy khốn ở đời vua sau ông. Cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ vất vả lập cơ nghiệp cả đời, nhưng đứa con phá cơ nghiệp ấy chỉ trong một đêm. Cuộc sống hiện đại nhiều cám dỗ càng khiến nhiều người lo chắt chiu tiền bạc cho con vừa lo con ngu dại. Trên một chuyến xe khách Hà Nội – Thái Bình, người viết được nghe một hành khách tâm sự rằng bạn anh khuyên anh đừng ham làm giàu, vì con cái nó thấy bố mẹ giàu nó dễ ỷ lại, không chịu học hành, làm ăn. Anh này tặc lưỡi: kể cũng có lí, mình hễ có của ăn của để là lo ngay ngáy con trai nó đua đòi, theo bạn chơi điện tử, rồi hút chích,… Đó là tâm sự của một người từng chuyển nghề giáo viên vì mức lương bèo bọt sang làm doanh nghiệp với thu nhập khá hơn.
Khác với những con nhà đại gia, dòng dõi, vẫn có rất nhiều người tạo được sự nghiệp vẻ vang hay một cuộc sống hạnh phúc từ trong nghèo khó. Hans Christian Andersen có lẽ chẳng thành một đại văn hào với những câu chuyện cổ tích giàu trắc ẩn, thấm đẫm tình yêu thương con người nếu ông không phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống từ năm 11 tuổi. Abraham Licon có lẽ chẳng trở thành một tổng thống vĩ đại, nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi chính nghĩa của con người, đặc biệt là người nô lệ nếu ông không sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và có một tuổi thơ cơ cực. Steve Jobs có lẽ chẳng cống hiến nhiều trong công nghệ như thế nếu ông không phải bỏ học vì học phí đại học tư quá cao, nếu ông không dự thính các lớp học tại Reed, nếu ông không phải ngủ dưới sàn nhà bạn bè, đổi lon nước ngọt để lấy tiền ăn. Jobs nói: “Nếu tôi chưa từng dự lớp học thư pháp riêng lẻ đó tại đại học thì Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ hay phông chữ có tỉ lệ cân xứng như vậy“. Còn rất nhiều tấm gương không được hưởng thành quả lao động của bố mẹ nhưng đã vươn lên bằng ý chí, nghị lực của mình. Vậy lao động cho đời sau hưởng chưa hẳn giúp đời sau sống tốt hơn.
4. Kiếm thêm thời gian
Cách đây không lâu có bài viết của một người trẻ đưa ra mục đích của làm việc rốt cuộc là kiếm thêm thời gian. Song người ta cần thêm thời gian để làm gì? Nếu lại để làm việc và làm việc lại để kiếm thêm thời gian thì con người dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Nếu kiếm thêm thời gian để làm thêm được nhiều việc nhằm có điều kiện hưởng thụ sau này thì tại sao chúng ta không hưởng thụ ngay lúc trẻ, lúc khỏe đi, sau khi xong khối lượng công việc với mức thời gian có sẵn. Tại sao phải đuổi theo guồng quay làm việc – mua thời gian của người khác – làm việc – mua thêm thời gian – …. – hưởng thụ cho mệt mỏi? Lỡ với nhiều người, tới một lúc mệt nhoài với guồng quay đó, rồi đau ốm, hoặc đột quỵ hay qua đời sớm thì có phải những gì làm được với lượng thời gian mua được của ngày hôm qua là vô ích sao?
Một ngư phủ ung dung nằm ngắm hoàng hôn sau khi đã làm việc chẳng phải là biết tận hưởng cuộc sống hơn vị doanh nhân khuyên ông ta đánh bắt thêm trong câu chuyện bài viết ấy đưa ra sao? Đánh bắt thêm để có tiền mua tàu, mua tàu để đánh được nhiều cá hơn, nhiều cá hơn để kiếm được thêm tiền, thêm tiền để sắm thêm nhiều tàu, rồi lại…. sau cùng để hưởng thụ – thật là một vòng luẩn quẩn! Vả như đã phân tích ở trên, hưởng thụ có nên là giá trị cao nhất của lao động?
Trong truyện Hoàng tử bé, nhà văn Saint Exupéry đã thể hiện sự phản đối của mình với những con người tìm mọi cách bòn thêm thời gian làm việc song rốt cuộc không đem lại giá trị thực sự gì cho việc ấy. Đoạn truyện cậu hoàng tử bé đối thoại với người bán những viên thuốc có thể làm dịu cơn khát thật đáng để người thời đại công nghệ ngày nay suy ngẫm:
“Người ta chỉ cần nuốt một viên mỗi tuần là không thấy cần phải uống nước nữa.
Tại sao ông lại bán thứ đó? Hoàng tử bé nói.
– Đó là thứ tiết kiệm thời giờ ghê lắm, ông lái buôn nói.
Các chuyên gia đã tính toán rồi. Người ta dành ra được những năm mươi ba phút mỗi tuần.
– Thế người ta dùng năm mươi ba phút ấy để làm gì?
– Người ta muốn làm gì thì làm thôi…
Còn tôi, hoàng tử bé tự nhủ, nếu tôi có năm mươi ba phút để tùy ý sử dụng, tôi sẽ thong thả đi tới một vòi nước…”
Cũng trong truyện này, hoàng tử bé có lúc phải bất bình thốt lên trước sự bận rộn vô nghĩa của con người. “Tôi biết một hành tinh có một ông nọ mặt đỏ dừ. Ông ta không bao giờ ngửi hương một bông hoa. Ông ta không bao giờ ngắm một ngôi sao. Ông ta chẳng yêu bất cứ một ai. Ông ta không làm gì ngoài làm tính cộng (tức việc kinh doanh các vì sao của ông ta – LNV). Và suốt ngày ông ta cứ nói mãi giống như ông: “Tôi bận lắm, toàn những chuyện nghiêm túc!’, và điều đó khiến ông ta kiêu hãnh đến mức phình hết cả người lên”.
Bạn có bao giờ kiêu hãnh đến mức đó vì đã quên hết thảy mọi thứ để vùi đầu vào công việc? Bạn có thể lựa chọn: hi sinh những phút nghỉ ngơi để làm và làm, hoặc có những quãng nghỉ giữa giờ làm để vừa nhấm nháp tách cà phê vừa suy ngẫm về cuộc sống, để phút mơn trớn khóm hoa bạn trồng và thầm cảm ơn Tạo Hóa đã mang đến cho cuộc sống nhiều hương sắc. Bạn có thể mua thời gian của người giúp việc để đầu tư thêm giờ vào công việc của mình, hoặc đôi lúc tự tay giặt là quần áo, tự nấu ăn cho gia đình để cảm nhận mình đang gửi gắm tình yêu, sự chăm chút chồng con vào từng nếp vải và từng món ăn. Bạn có thể thuê người làm công nhật tới dọn nhà để có thời gian vùi đầu vào công việc, hoặc tự dọn đống hổ lốn của mình hàng tuần để biết trân trọng công việc chân tay và liên hệ việc đó với việc bạn đang dọn dẹp chính tâm hồn mình. Dù lựa chọn thế nào, mong rằng bạn sẽ không phải hối tiếc như người cha trong câu chuyện dưới đây:
Một người đàn ông hàng ngày đi sớm về muộn, bận rộn ở công ty đến nỗi ít khi nhìn thấy mặt con lúc có mặt ở nhà. Anh luôn đi làm sớm khi con còn đang ngủ, và trở về khuya khi con đã tắt đèn phòng. Anh nghĩ rằng bao nhiêu thời gian mình bỏ ra cho công việc là bấy nhiêu thời giờ mình đang đầu tư cho cuộc sống của con. Một hôm, khi về nhà, anh thấy đứa con đợi bố để hỏi: “Bố ơi một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền ạ?”. “Nếu con cần biết thì bố kiếm 20 USD một giờ”, anh trả lời. “Vậy hả bố…- cậu bé cúi mặt – … con có thể mượn bố 10 USD được không?”. Anh giận dữ, tự hỏi con còn bé thế dùng tiền để làm gì, nhưng vài ngày sau nghĩ lại, anh vào phòng ngủ đưa tiền cho con. Cậu bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: “Ôi, cảm ơn bố!”. Rồi luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Nhìn thấy tiền của con, người bố lại bắt đầu nổi giận. Cậu bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố.
– Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa ? – Người cha giận dữ.
– Bởi vì con không đủ… nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ… Bố ơi, bây giờ con có 20 USD, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố – cậu bé nói.
Chúng ta có nên hết mua thời gian của người khác, lại lấy thời gian của người thân cho công việc, để rồi người thân phải mua lại thời gian của chúng ta để được gần gũi chúng ta? Hay nên làm việc với quỹ thời gian được ban tặng và cân bằng công việc với những điều khác? Bởi có nhiều giá trị lớn lao hơn từ cuộc sống không đến từ việc làm. Và chúng cũng không chờ đợi chúng ta đến khi ta nhìn lại.
4. Quan điểm Thánh Kinh
Với những người tin vào một Đấng Tối Cao là Đức Chúa Trời, thì mục đích cao nhất của làm việc hoàn toàn khác những điều đã nêu trên. Người sống theo Kinh Thánh dạy tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên vũ trụ, trong đó có con người và muôn loài khác, Ngài ban cho con người công việc nên mục đích làm việc của loài người đến từ Ngài.
Khoa học đã củng cố những sự thật trên trong Kinh Thánh khi thuyết Tương đối của Albert Einstein phản bác lại ý kiến cho rằng vũ trụ tồn tại mãi mãi bằng tuyên bố: “Vũ trụ có thời hạn. Nó có một khởi đầu”. Nhà thiên văn học Hugh Ross nhận thấy thuyết này làm sáng tỏ điều Kinh Thánh nói về nguồn gốc của vũ trụ. Ông viết: “Tôi không lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc. Nhưng khi tôi nghiên cứu các tôn giáo khác nhau trên thế giới, tôi nhận ra các tôn giáo đó đều dạy rằng các thần của họ được sinh ra khi không gian và thời gian đã có sẵn… Nhưng với Chúa của Kinh Thánh, vũ trụ không tồn tại cho đến khi không gian và thời gian tồn tại. Ngài đã tạo nên không gian và thời gian. Và vì vậy, tôi phải cám ơn các định lý không gian/thời gian đã chứng minh cho tôi biết chính Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đấng đã tạo ra vũ trụ, chứ không phải thần của các tôn giáo khác trong thế giới này”.
Người tin Chúa nhận biết sứ mệnh của mình, trong đó có sự làm việc, thông qua lời Chúa trong Kinh Thánh – bức thư yêu thương Chúa gửi cho các thế hệ con cái Ngài. Theo đó, Đức Chúa Trời là Đấng ban công việc cho con người. Kinh Thánh viết, sau khi nắn lên loài người theo hình ảnh của Ngài, “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất” (Sáng thế kí 1: 28). Không chỉ thế Đức Chúa Trời có chương trình cho từng người, Ngài ban những ân tứ khác nhau cho mọi người để mỗi người làm trọn công việc được Ngài giao phó. Châm ngôn 16: 9 viết: “Con người hoạch định đường lối mình, nhưng Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người”. IITi-mô-thê 1: 9 nói về những người tin Chúa Giê-xu Christ, con của Đức Chúa Trời rằng: “Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh… theo mục đích riêng và ân điển của Ngài...”. Bởi vậy, Chúa ban cho người này khả năng vẽ để làm họa sĩ, cho người kia khả năng dạy dỗ để làm giáo viên, có người được ban giọng hát hay để làm ca sĩ, lại có người được nhận ân tứ viết lách để làm nhà văn, hoặc trong khi người này rất nhạy bén với máy móc, thì người khác lại có đôi bàn tay khéo léo để may vá thêu thùa,…
Song mục đích cao nhất của Chúa khi giao việc cho loài người là gì? Kinh Thánh cho biết ấy là để phụng sự Chúa. Người chối bỏ Chúa, tự tìm công việc theo ý riêng của mình thường đưa ra những mục đích làm việc khác nhau vì mình hoặc vì người khác. Song người tin Chúa sẽ nhận biết rằng mọi điều mình có như sự sống, thân thể, tâm trí, cảm xúc, linh hồn, năng lực và sức khỏe, môi trường mình sống và các mối quan hệ,… đều là những món quà Chúa ban cho nên người đó sẽ tìm kiếm ý Chúa trong cuộc đời mình: Chúa muốn người phục vụ Ngài ở công việc nào. Trong chính công việc ấy, người sẽ cảm thấy phù hợp, bình an và hạnh phúc nhất, người có thể phát triển tốt nhất ở môi trường Chúa đặt để, phát huy được hết những tố chất trong mình:“..mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8: 28). Trong công việc ấy, mọi điều dù xấu hay tốt xảy đến với người đều ích lợi. Đức Chúa Trời của người có thể biến những điều đó thành một bản thánh ca hay nhất mà người có, gồm cả nốt thăng, nốt trầm, để người dâng Chúa.
Kinh Thánh nhắc nhở nhiều lần mọi công việc con người làm hãy làm vì Chúa: “Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa” (Cô-lô-se 3:23-24). “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:31).
Chính vì mục đích tôn vinh danh Chúa nên người tin kính Chúa, dù được giao phó bất cứ việc gì cũng cần nỗ lực làm tốt nhất có thể, làm đến đầu đến đũa, với thái độ trân trọng công việc, với lòng nhiệt tình và tấm lòng trong sáng, không mảy may tư lợi thấp hèn. Martin Luther King từng khuyên người quét đường rằng: “Nếu một người được kêu gọi làm người lao công quét dọn đường phố, anh ta nên quét dọn giống như Michelangelo vẽ tranh, hay Beethoven sáng tác âm nhạc, hoặc Shakespeare viết kịch. Anh ta nên quét đường phố sạch đến mức cả thiên đàng và dưới đất sẽ dừng lại và nói ở đây có một người quét đường phố rất sạch, anh ấy đã làm tốt công việc của mình”.
Người làm việc vì Chúa không nhằm tạo nên danh vọng cho mình, cũng không vì mang lại vinh quang cho sếp nhưng vì vinh hiển của Đức Chúa Trời, là Chủ và cũng là Cha của mình. Người làm việc vì Chúa không khoe việc mình trước mắt mọi người cốt để nhận lời khen ngợi mà làm một cách lặng thầm, nỗ lực cả khi không ai biết đến vì biết Đấng nhìn thấy mọi sự cả trong bóng tối sẽ hài lòng với thái độ ấy của mình. Người làm vì Chúa bởi lòng biết ơn Ngài, bởi được Ngài hết mực yêu thương và bởi yêu Ngài mà vâng phục.
Làm vinh hiển danh Chúa, với những người tin Chúa, còn thể hiện ở mục đích làm việc để giúp ích cho người khác. Một người nhận được tình yêu của Chúa hẳn muốn chia sẻ tình yêu ấy cho những người xung quanh bằng hành động cụ thể. Kinh Thánh nói đó là điều đẹp lòng Đức Chúa Trời, Đấng là Tình Yêu. Đức Chúa Trời coi mỗi người tin nhận Chúa Giê-xu là một chi thể trong cùng một thân thể. Các chi thể không thể hoạt động riêng lẻ mà phải hỗ trợ lẫn nhau, đau cùng đau, khỏe mạnh cùng khỏe mạnh. Chi thể vì nhau và vì thân thể. Mỗi người cũng thế, được ban cho một công việc khác nhau là để hỗ trợ những người khác và nhằm phục vụ Chúa: “Vì thân không phải chỉ là một bộ phận mà gồm nhiều bộ phận. Nếu chân nói, “Vì tôi không phải là tay, tôi không thuộc về thân,” có phải vì vậy mà chân không là một phần trong thân chăng? Nếu tai nói, “Vì tôi không phải là mắt, tôi không thuộc về thân,” có phải vì thế mà tai không là một phần trong thân chăng? Nếu cả thân là mắt thì làm sao nghe? Nếu cả thân là tai thì làm sao ngửi? Nhưng Ðức Chúa Trời đã sắp đặt các bộ phận trong thân, cái nào vào việc nấy theo ý Ngài muốn. Nếu tất cả là một bộ phận thì thân ở đâu? Thế thì có nhiều bộ phận, nhưng chỉ có một thân. Mắt không thể nói với tay rằng, “Tôi không cần đến bạn,” hay đầu cũng không thể nói với chân rằng, “Tôi không cần các bạn”. Ngược lại, những bộ phận nào trong thân tưởng là yếu hơn lại là cần thiết. Những bộ phận nào trong thân chúng ta nghĩ là tầm thường, chúng ta phải đối xử cách tôn trọng hơn; những bộ phận nào kém đẹp đẽ, chúng ta phải trang điểm nhiều hơn cho được đẹp đẽ lên. Còn những bộ phận nào đã đẹp sẵn rồi thì không cần trang điểm thêm. Ðức Chúa Trời đã khéo sắp đặt các bộ phận trong thân, để bộ phận nào yếu kém thì được tôn trọng nhiều, hầu trong thân không có sự chia rẽ, nhưng tất cả các bộ phận phải lo tưởng đến nhau. Nếu một bộ phận nào đau, tất cả các bộ phận cùng đau; nếu bộ phận nào được tôn trọng, tất cả các bộ phận cùng vui mừng” (ICô-rinh-tô 12: 14 – 26).
Điều này không chỉ đúng với cộng đồng Cơ Đốc giáo mà còn được thể hiện trong xã hội loài người nói chung. Kinh Thánh bày tỏ Đức Chúa Trời thấy loài người ở một mình không tốt. Từ A-đam Chúa đã tạo thêm Ê-va để giúp đỡ người. Mỗi người không thể sống cô độc cả đời mà phải hòa hợp với cộng đồng. Một người không thể biết tất cả mọi điều, làm được tất cả mọi việc mà phải biết hợp tác với những người khác. Sống trong cộng đồng, con người cần học yêu thương, giúp đỡ nhau. Làm việc cũng vì mục đích đó. Bác sĩ cần đề cao mục đích chữa bệnh cứu người. Thợ xây cần hướng tới việc dựng lên những công trình an toàn, vững chãi cho người ở. Giáo viên cần hết lòng dạy trẻ em con chữ và truyền thụ kiến thức chuyên môn, giáo dục lối sống cho học trò. Nhà báo cung cấp thông tin cho độc giả, phản ánh những điều bất công, chia sẻ những điều tốt đẹp cần nhằm hướng đến việc đẩy lùi cái tiêu cực, lan tỏa điều tử tế trong xã hội. Công an cần thẳng tay với kẻ ác, dù là kẻ nắm quyền lực cao, vì trật tự, bình yên cho người dân. Người lãnh đạo chính quyền cần vì yêu thương dân, vì lợi ích nhân dân mà đưa ra chính sách phù hợp,… Với những tội phạm, như trộm cắp, trong Kinh Thánh dạy: “Kẻ quen trộm cắp đừng trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, tự tay mình làm việc lương thiện để có thể giúp đỡ người thiếu thốn thì hơn” (Ê-phê-sô 4: 28). Đó chính là cách làm việc vì người khác nhằm tôn vinh Chúa.
Vậy người làm việc như thế chẳng nhận được ích lợi gì sao? Ngược lại, người đó gặt được rất nhiều. Người tin Chúa biết rằng làm việc vì Chúa sẽ được phần thưởng có giá trị vĩnh viễn trên thiên đàng. Đó là những điều người ngoại đạo không tin nên không thể nhận thấy được. Song một khía cạnh khác mà ai cũng phải công nhận: mục đích làm việc quyết định thái độ và hiệu quả công việc. Người làm việc vì Đức Chúa Trời của mình sẽ làm với thái độ Chúa dạy: liêm khiết, nhiệt tâm, chăm chỉ, yêu mến công việc và trung tín. Đó là những cách lí tưởng để rèn giũa tính cách, nâng cao trình độ, phát huy thế mạnh bản thân. Người như vậy dù không màng danh vọng và tiền bạc thì hai thứ đó vẫn đuổi theo người. Nhưng điều quan trọng là người không vì mục đích cá nhân nên dù được lợi cho mình, người vẫn giữ được lòng trong sạch.
Người làm việc để bày tỏ yêu thương với xung quanh sẽ được xung quanh yêu thương, giúp đỡ lại. Điều này giống như người rảy nước hoa cho kẻ khác cũng sẽ có vài giọt nước hoa vương vào mình. Người ấy cũng nhận được niềm vui từ công khó nhọc của mình nhưng không phải là sự cố công kiếm tìm mà là phần thưởng tự đến.
Solomon đúc kết lại những điều này trong sách Truyền đạo 3: 12-13: “Vậy ta nhận ra rằng chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ và làm lành trọn đời mình. Hơn nữa ai nấy hãy ăn, uống và hưởng phước của công lao mình, vì đó cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.
Dù là Cơ Đốc nhân hay người phi Cơ Đốc, nhiều người đã định vị mình qua một trong các mục đích làm việc trên đây. Còn bạn, bạn có mục đích chính nào khi làm công việc của mình?
Tác giả: Quỳnh Vũ, Biên dịch viên @ My Home
Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/quynh.vu.12576
——————————
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.