Thuật châm cứu là gì?

Thuật châm cứu là gì?

Được phát triển tại Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm, nhiều nghiên cứu gần đây thực hiện bởi các nhà khoa học châu Âu và Mỹ cho thấy châm cứu ít nhất có hiệu quả vừa phải trong chữa trị cơn đau và buồn nôn.

Cụ thể, một trong những nghiên cứu lớn nhất đến nay về châm cứu và đau mãn tính – một phân tích tổng hợp gồm 29 nghiên cứu thực hiện trên gần 18.000 bệnh nhân và được đăng tải trên tạp chí Archives of Internal Medicine – cho thấy châm cứu mang lại hiệu quả trong chữa trị các cơn đau mãn tính, do đó là một lựa chọn đáng để tham khảo. Các bác sĩ cho biết: “Sự khác biệt đáng kể giữa châm cứu thật và “giả” chứng tỏ châm cứu có tác dụng nhiều hơn một loại thuốc trấn an” nhưng nói thêm “sự khác biệt này chỉ ở mức vừa phải”.

Theo tiến sĩ Ting Bao, bác sĩ chuyên khoa về ung thư học tích hợp tại Trung tâm Memorial Sloan-Kettering Cancer tại New York, các nhà nghiên cứu cũng thực hiện các nghiên cứu để xem liệu châm cứu có hiệu quả trong điều trị chứng trầm cảm, lo âu, các dạng ung thư và các triệu chứng liên quan đến điều trị ung thư.

Bác sĩ Bao đang tìm cách dùng châm cứu như một phương pháp điều trị bổ sung cho các bệnh nhân ung thư vú. Theo bác sĩ Bao, phần lớn các bác-sĩ-không-phải-bác-sĩ-châm-cứu không tin liệu pháp cổ truyền của Trung Quốc này có thể chữa trị các bệnh cụ thể, như tiểu đường hoặc bệnh gan hay các bệnh về thận, giống như những gì được mô tả bởi một số người hành nghề ở Trung Quốc.

Vị bác sĩ này cho biết: “Hiện tại, châm cứu đã được dùng để giảm tác dụng phụ khi điều trị ung thư hoặc các triệu chứng do ung thư gây ra, nhưng không bao giờ trực tiếp chữa khỏi ung thư. Sẽ thực sự thú vị nếu châm cứu có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Nhưng tôi không nghĩ nghiên cứu đã đạt đến mức độ đó”.

Châm cứu có vào khoảng 100 năm trước công nguyên.

Châm cứu có tác dụng như thế nào?

Châm cứu có vào khoảng 100 năm trước công nguyên, khi một hệ thống chẩn đoán và điều trị sử dụng những cây kim châm lần đầu được miêu tả tại Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu pháp này dường như còn xuất hiện trước cả khi có ghi chép này trong lịch sử, theo tiến sỹ Edzard Ernst, một bác sĩ nghiên cứu chuyên về liệu pháp bổ sung và thay thế.

Nhưng liệu pháp châm cứu hiện đại đã thay đổi đáng kể từ lần đầu được giới thiệu tại Trung Quốc, theo David W.Ramey và Bernard E. Rollin mô tả sự phát triển của châm cứu trong cuốn sách “Complementary and alternative veterinary medicine considered” (Các loại thuốc thú y bổ sung và thay thế). Vào thế kỷ 18, thuật châm cứu khác nhiều so với các liệu pháp được mô tả trong văn bản của người Trung Quốc cổ đại. Cũng theo các tác giả, đến đầu thế kỷ 20, các bác sĩ thực tập tại Viện Y Khoa Hoàng Gia Trung Quốc đã không còn nghiên cứu về thuật châm cứu nữa.

Theo các tác giả, tuy nhiên, trong suốt chiến dịch Đại Nhảy Vọt những năm 1950 và Cách mạng Văn hóa những năm 1960, nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông bắt đầu tích cực thúc đẩy thuật châm cứu và các liệu pháp y học cổ truyền khác như là “các giải pháp thực tế để cung cấp chăm sóc y tế cho đại đa số dân chúng do thiếu hụt bác sĩ trầm trọng”. Cũng theo các tác giả, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc hồi sinh liệu pháp cổ xưa về châm cứu mang lại kết quả trong việc cải thiện sức khỏe cho người dân Trung Quốc.

Trong y học Trung Quốc cổ truyền, châm cứu bắt nguồn từ niềm tin rằng bệnh tật là do sự ứ trệ của dòng chảy năng lượng hoặc khí trong cơ thể. Châm cứu kích thích các điểm trên hoặc dưới da gọi là các điểm châm cứu hay các điểm bấm huyệt, giải phóng luồng khí này. Khí sau đó lưu thông qua các kênh gọi là kinh mạch, theo Trung tâm tâm linh và chữa trị tại Đại học Minnesota.

Tuy nhiên theo bác sĩ Bao, liệu pháp châm cứu được thực hiện tại các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế khác tại phương Tây ngày nay không dựa trên các nguyên tắc được xây dựng trong các văn bản phương Đông cổ đại. Các nhà khoa học phương Tây đã thử nghiên cứu cơ chế châm cứu trong nhiều năm và đưa ra một số giả thuyết.

“Giả thuyết chính là châm cứu tác động qua quá trình điều tiết hệ thần kinh. Về cơ bản, bạn đặt một cây kim châm qua các điểm cụ thể trên cơ thể và kích thích dây thần kinh. Dây thần kinh này thực tế sẽ gửi các tín hiệu đến bộ não để bộ não giải phóng hormone thần kinh như beta-Endorphin. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể thấy phấn khích hoặc vui vẻ và làm tăng ngưỡng chịu đau khiến người bệnh thấy ít đau đớn hơn”, Bác sĩ Bao cho biết.

Trong nghiên cứu của Kylie, bác sĩ về thuật châm cứu và y học cổ truyền Trung Hoa tại Bệnh viên Beaumont, đồng tình với các nghiên cứu hiện tại rằng châm cứu có thể kích thích các phản ứng sinh hóa trong cơ thể người qua các dây thần kinh. Bản thân châm cứu không trực tiếp giải phóng các chất hóa học có lợi mà có thể hỗ trợ khi bị viêm, căng thẳng…, nhưng cũng có thể tác động cao hơn lên các chuỗi như ảnh hưởng đến tuyến yên để sản sinh ra các hormone phụ.

Giả thuyết khác cho thấy châm cứu hoạt động bằng cách giảm tác nhân gây viêm, hoặc protein trong cơ thể. Một vài nghiên cứu trên động vật và con người đưa ra giả thuyết bằng việc châm cứu, bạn có giảm đáng kể các tác nhân gây viêm bao gồm TNF và IL-1β, làm giảm viêm và cơn đau, bác sĩ Bao cho biết. Điểm này nằm ở dưới đầu gối (còn được biết đến là Huyệt túc tam lý – stomach 36), được sử dụng trong một loạt các liệu pháp chữa trị liên quan đến viêm nhiễm ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng như tăng cường sinh lực và hệ thống miễn dịch, từ đó cũng giúp giảm viêm nhiễm.

Cũng có một giả thuyết khác áp dụng một cách cụ thể làm thế nào châm cứu được dùng để điều trị tổn thương thần kinh, như bệnh lý dây thần kinh ngoại biên gây ra tình trạng tê liệt hoặc làm yếu chân và bàn tay.

Bác sĩ Bao cho biết: “Ý đồ là đưa cây kim vào trong, bạn kích thích bộ não tiết ra một số nhân tố tăng trưởng thần kinh và sau đó giúp dây thần kinh phục hồi”.

Châm cứu cũng được sử dụng rộng rãi kết hợp với các phương pháp điều trị vô sinh khác. Theo nghiên cứu, châm cứu thực sự làm tăng hiệu quả của nhiều loại thuốc thông thường nhằm tăng khả năng thụ thai bằng cách gia tăng các mức độ hormone di chuyển đến buồng trứng một cách tự nhiên. Có nhiều nghiên cứu về những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), gặp khó khăn trong việc thụ thai. Một tóm tắt trên một số bài báo từ năm 2006 đến 2014 bởi HealthCMI về chủ đề này cho thấy châm cứu có thể giúp cân bằng các hormone, như làm giảm mức testosterone và điều hòa việc rụng trứng, làm tăng cơ hội thụ thai thành công lên đến 33%.

Một nghiên cứu được công bố năm 2017 bởi Sean Grand và các cộng sự sử dụng châm cứu để chữa trị cho những người bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể chữa trị một số tác dụng phụ của hội chứng PTSD, như trầm cảm, đặc biệt là được điều trị ngay sau khi chẩn đoán. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo mặc dù nghiên cứu này đầy triển vọng nhưng lại tương đối mới mẻ và còn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đẩy mạnh châm cứu thành một trong những liệu pháp chữa trị cho những người mắc hội chứng PTSD.

Một bài báo công bố năm 2017 bởi các nhà nghiên cứu Đức và Thụy Sĩ về tác động của châm cứu trên những bệnh nhân mắc bệnh hen dị ứng. Thông qua một thử nghiệm trên quy mô lớn, ngẫu nhiên, châm cứu khi được thêm vào thói quen hàng ngày của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể triệu chứng hen trong thời gian thử nghiệm 3 tháng. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là các bệnh nhân và những người hành nghề không bị “mù” trong quá trình thử nghiệm, do vậy có thể có yếu tố thiên vị trong kết quả.

Nhìn chung, châm cứu được xem là liệu pháp bổ sung cho các phương pháp điều trị thông thường.

Hạn chế và nhận thức lệch lạc

Ngày càng nhiều bác sĩ chuyên khoa và các viện y học chấp nhận liệu pháp châm cứu, chủ yếu trong chữa trị các cơn đau và chứng buồn nôn. Theo công ty Nghiên cứu ung thư của Anh, trong bản đánh giá năm 2013 châm cứu có thể làm giảm triệu chứng nôn và buồn nôn của các bệnh nhân do hóa trị liệu.

Cũng theo bác sĩ Bao, nghiên cứu vẫn đang tiến hành xem liệu châm cứu có thể giúp ích đối với các triệu chứng liên quan đến điều trị ung thư, bao gồm nóng bừng người, bệnh dây thần kinh ngoại vi và phù bạch huyết (sưng cánh tay hoặc bàn tay).

Tổ chức Y tế thế giới vẫn duy trì một danh sách phổ cập các loại bệnh và tình trạng (phần lớn liên quan đến các chứng đau) có thể được chữa trị bằng châm cứu. Hiện tại, nhiều bác sĩ không còn can ngăn bệnh nhân tiếp nhận liệu pháp châm cứu khi mà phương pháp y học thông thường không còn đáp ứng được hoặc khi biện pháp chữa trị thông thường gây ra quá nhiều tác dụng phụ.

Khá nhiều nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu châm cứu có thể dùng để chữa trị chứng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và nghiện ma túy. Nhưng nhìn chung, châm cứu được xem là liệu pháp bổ sung cho các phương pháp điều trị thông thường và nó hiệu quả nhất khi thực hiện cùng với các thói quen sống lành mạnh hàng ngày.

Bác sĩ Bao cũng tập trung nghiên cứu sử dụng châm cứu để hỗ trợ các vấn đề về lo âu, tiêu hóa, giảm cân, vô sinh và đau mãn tính. Theo nghiên cứu này, châm cứu sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với thuốc men và các phương pháp điều trị khác.

Bà cho biết: “Thông thường, khi mọi người ý thức đến sức khỏe nhiều hơn, họ sẽ chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn, nghĩ đến cách tiếp cận suy nghĩ và cơ thể nhằm giảm căng thẳng và sau đó cũng có thể sử dụng châm cứu. Lý tưởng nhất, tôi nghĩ tất cả điều này nên được kết hợp cùng lúc thay vì mục đích dùng châm cứu để chữa trị mọi loại bệnh”.

Theo Khoa học TV/Vnreview

Rate this post

Viết một bình luận