Thức ăn nhanh thường có vị thơm ngon và nhìn trông rất hấp dẫn bởi sử dụng phương pháp chiên hoặc nướng. Vậy thức ăn nhanh là gì? Tác hại của thức ăn nhanh và các loại tốt cho sức khỏe ra sao, bạn thực sự hiểu rõ hay chưa? Hãy để chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH giúp bạn có cái nhìn sâu hơn nhé!
1. Thức ăn nhanh là gì? Nguồn gốc của thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh là gì?
Thức ăn nhanh là loại thức ăn được chế biến nhanh, phục vụ nhanh và thưởng thức chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí, thức ăn được nấu sẵn và chỉ hâm lại trước khi phục vụ tại chỗ hoặc dễ đóng gói mang đi.
Thuật ngữ thức ăn nhanh được công nhận vào năm 1951 và xuất hiện trong từ điển bởi Merriam – Webster.
Nguồn gốc của thức ăn nhanh
Thuật ngữ thức ăn nhanh dùng để chỉ những loại thực phẩm được nấu sẵn để bán, nó được gắn liền với sự phát triển của đô thị khi con người ngày càng trở nên bận rộn với cuộc sống cũng như ưa chuộng những loại thức ăn để tiết kiệm thời gian chế biến và chi phí hơn.
Cụ thể, những ngôi nhà ở các thành phố lớn thường thiếu không gian nấu ăn hoặc không đủ dụng cụ để chuẩn bị và chế biến thực phẩm. Thậm chí việc mua nguyên liệu nấu ăn cũng có thể nhiều tiền ngang ngửa với sản phẩm đã được chế biến sẵn.
Đồng thời, việc chiên thực phẩm cũng có thể gây ra hỏa hoạn. Vì thế, người dân thành thị lúc bấy giờ được khuyến khích mua các loại thịt hoặc tinh bột được chế biến sẵn như bánh mì ở bên ngoài. Nhất là trong thời kỳ bùng nổ kinh tế Mỹ sau Thế chiến thứ hai, người Mỹ bắt đầu chi tiêu và mua sắm nhiều hơn.
Tùy vào mỗi vùng và văn hóa đất nước mà thức ăn nhanh cũng có nhiều loại, như pizza, bánh mì Thổ Nhì Kỳ (còn gọi là bánh mì Kebab), bánh hamburger, khoai tây nghiền, bánh mì sandwich,…
2. Tác hại của thức ăn nhanh
Ngoài việc mang lại khả năng tiết kiệm thời gian chế biến và một số lợi ích nhất định về mặt sức khỏe, thì thức ăn nhanh vẫn được biết đến với nhiều tác hại hơn nếu bạn sử dụng không đúng cách, chẳng hạn:
Có thể làm tăng lượng đường trong máu
Các loại thực phẩm nằm trong nhóm thức ăn nhanh thường chứa nhiều carbohydrate và hầu như không chứa chất xơ (nếu có thì rất ít). Vì thế, khi hệ tiêu hóa của bạn hoạt động để xử lý các thực phẩm này, đồng nghĩa với việc carbs được giải phóng dưới dạng đường glucose để đi vào máu, từ đó lượng đường trong máu tăng lên.
Lúc này, tuyến tụy trong cơ thể sẽ phản ứng với sự gia tăng của glucose bằng cách giải phóng insulin – nó có nhiệm vụ vận chuyển đường đến các tế bào của mỗi bộ phận cơ thể nhằm cung cấp năng lượng hoạt động. Do đó, khi cơ thể đã sử dụng năng lượng (từ đường) hoặc lưu trữ tại các bộ phận cơ thể, thì lượng đường tổng thể trong máu sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ăn nhiều thức ăn nhanh, đồng nghĩa với việc tiêu thụ quá nhiều carbs thì có thể làm cho lượng đường trong máu tăng lên đột biến nhiều lần. Thói quen này, dần dần sẽ làm cho các đợt phản ứng của insulin trong cơ thể bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng kháng insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 hoặc tăng cân.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một số thực phẩm trong nhóm thức ăn nhanh cũng chứa rất nhiều đường, nhiều calo mà dinh dưỡng thì lại ít. Ví dụ, một lon soda có thể chứa đến 8 muỗng cà phê đường, tương đương với 140 calo và 39gr đường. Trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã khuyến nghị rằng: cơ thể chúng ta chỉ nên tiêu thụ khoảng 100 – 150 calo từ đường mỗi ngày, tương đương khoảng 6 – 9 muỗng cà phê đường mà thôi.
Ngoài ra, chất béo chuyển hóa cũng thường được tìm thấy trong các thức ăn nhanh như: bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, bánh pizza,… Điều đáng nói ở đây là hầu như các chất béo chuyển hóa đều được đánh giá là không lành mạnh cho sức khỏe con người, vì nó làm tăng cholesterol LDL xấu và giảm cholesterol HDL tốt cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim lẫn tiểu đường.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Đối với một số người, việc kết hợp giữa đường, chất béo và muối (natri) làm cho món thức ăn nhanh trở nên hấp dẫn hơn bởi hương vị. Tuy nhiên, nếu bạn cứ duy trì chế độ ăn nhiều natri thì có thể làm cho cơ thể bị giữ nước, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng hoặc sưng phù sau khi ăn thức ăn nhanh.
Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều natri còn gây bất lợi đến sức khỏe người bị huyết áp, vì nó làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng: người lớn không nên tiêu thụ quá 2300miligram natri mỗi ngày, vì một bữa ăn nhanh của bạn có thể đạt đến nửa giá trị natri được khuyến cáo dùng cho mỗi ngày.
Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Khi lượng calo trong cơ thể bị dư ra, có thể gây tăng cân và béo phì, dẫn đến việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, như khó thở và hen suyễn.
Thậm chí, khi cân nặng vượt quá kiểm soát có thể gây áp lực cho tim và phổi, khiến cho việc đi bộ hay leo cầu thang cũng cảm thấy khó thở. Đặc biệt, đối với trẻ em khi ăn thức ăn nhanh ít nhất 3 lần/tuần đều có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Việc tiêu thụ thức ăn nhanh có thể giúp bạn chống lại cơn đói trong thời gian ngắn nhưng theo nghiên cứu cho thấy: những người sử dụng thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến sẵn (đóng gói) có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn, tỷ lệ khoảng 51% so với những người ăn ít hoặc không ăn thức ăn nhanh.
Ảnh hưởng đến sức khỏe làn da
Thức ăn nhanh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Chẳng hạn, các thức ăn chiên nhiều dầu mỡ và sô cô la là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá. Vì các thực phẩm giàu carbs làm tăng lượng đường trong máu, dễ gây xuất hiện mụn trứng cá.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu còn cho thấy thêm: các đối tượng như thanh thiếu nhiên và trẻ em nếu sử dụng thức ăn nhanh 3 lần/tuần có khả năng mắc bệnh chàm nhiều hơn. Đây là bệnh da liễu gây ngứa ngáy khó chịu khi các mảng da bị viêm và sưng lên.
Ảnh hưởng đến răng và hệ thống xương
Khi tiêu thụ nhiều đường và carbs từ thức ăn nhanh (hoặc các thực phẩm chế biến sẵn) có thể làm tăng lượng axit trong khoang miệng. Sự xuất hiện của axit làm cho men răng bị phá vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ thức ăn bám vào răng, làm sâu răng.
Không những thế, khi cơ thể dư nhiều carbs và đường cũng sẽ làm cho cơ thể béo phì, làm xuất hiện các biến chứng liên quan đến mật độ xương và khối lượng cơ thể. Bạn có thể thấy người béo phì dường như có nguy cơ bị ngã và gãy xương cao hơn so với những người gầy.
3. Các loại thức ăn nhanh tốt cho sức khỏe
Tuy thức ăn nhanh được đánh giá không lành mạnh cho sức khỏe nhưng bạn có thể chọn và sử dụng thức ăn nhanh sao cho hợp lý, khẩu phần ăn vừa đủ để sức khỏe không bị ảnh hưởng. Bạn có thể tham khảo một số loại thức ăn nhanh tốt cho sức khỏe mà Điện máy XANH gợi ý như sau:
Salad rau trộn
Salad rau trộn là một trong những món thức ăn nhanh rất được ưa chuộng vì sử dụng nhiều loại rau xanh cùng với nước sốt thường có vị chua ngọt để kích thích vị giác ngon miệng hơn trong bữa ăn.
Bạn có thể sử dụng rau bina, cải xoăn và kể cả rong nho, vì chứa nhiều vitamin và các chất hợp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe, phòng chống bệnh tim mạch và ung thư. Ngoài ra, chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa. Trung bình 100gr rau bina cung cấp khoảng 21kcal, còn cải xoăn 35kcal cho cơ thể.
Bánh hạt hoa quả
Bánh sử dụng các loại hạt hoa quả cũng là món ăn vặt giúp bạn nhâm nhi và giảm bớt những cơn đói xuất hiện trong lúc làm việc hay học hành. Chẳng hạn, bánh biscotit hạt chia giòn rụm với hương thơm của tắc và hạt chia có lợi cho tiêu hóa do chứa nhiều chất xơ cũng như nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Hay bánh hạt sen chiên giòn rụm, vị bùi ngọt vừa dễ ăn mà lại giúp bạn ngủ ngon.
Cháo yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe và cũng nằm trong danh sách thức ăn chế biến nhanh. Bạn có thể nấu cháo yến mạch với sô cô la, táo và mật ong, thậm chí với dây tây để thay đổi hương vị cho món cháo thường ngày. Yến mạch cung cấp khoảng 10.6gr chất xơ và 379kcal cho cơ thể trong mỗi 100gr.
Bánh mì trái cây
Mỗi loại trái cây đều có giá trị dinh dưỡng khác nhau, nhìn chung cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất và hợp chất chống oxy hóa cho cơ thể. Vì thế, bạn có thể sử dụng bánh mì có thành phần trái cây như nho, dưa gang, táo hoặc cam để thưởng thức. Hơn nữa, hàm lượng carbs trong bánh mì còn góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và chống đói hiệu quả.
Sữa chua
Sữa chua là một trong những loại thức ăn nhanh có nhiều công dụng cho sức khỏe, từ việc có lợi cho tiêu hóa đến việc làm đẹp cho da. Sữa chua nhìn mềm mịn, trắng nõn cùng với vị chua đặc trưng, bạn có thể dùng trực tiếp hoặc kết hợp với nhiều loại rau củ khác để tăng thêm chất dinh dưỡng.
Bánh kẹp thịt
Bánh kẹp thịt có lẽ không còn quá xa lạ, đây là thức ăn nhanh tiết kiệm thời gian để chuẩn bị hay khoản chi tiêu cá nhân mỗi ngày của bạn. Bạn có thể sử dụng bánh mì kẹp thịt chả hay bánh mì Hy Lạp cuộn thịt gà nướng/gà chiên giòn rụm, để thưởng thức. Lớp bánh mì nóng hổi kết hợp với vị thịt dai mềm vừa phải, cùng với nước sốt đậm đà, dùng làm món điểm tâm hay bất kì thời điểm nào mà bạn cảm thấy đói.
Hoa, quả, hạt khô
Các loại hoa, quả, hạt khô với phương pháp rang hoặc sấy tự nhiên, thậm chí được kết hợp với một số gia vị khác như tỏi ớt, đường và muối, đều trở thành món ăn vặt hấp dẫn cho mọi lứa tuổi. Bạn có thể sử dụng mít sấy, vải sấy hay hạt điều rang tỏi ớt để nhâm nhi trong lúc làm việc, học hành cũng đều rất thú vị.
Sữa hạt
Sữa hạt không chỉ cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể mà còn được sử dụng để thay thế cho bữa ăn sáng. Các loại hạt được dùng phổ biến như hạt óc chó, hạt điều, hạt sen, đậu nành hay mè đen, yến mạch đều giúp cho cơ thể cảm thấy no với vị béo bùi uống rất ngon miệng, kèm với nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Tuy nhiên, Điện máy XANH khuyên bạn nên kết hợp sữa hạt với các loại thực phẩm khác để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, chứ không nên quá lạm dụng một loại thực phẩm nhé!
Với những chia sẻ phía trên, Điện máy XANH hy vọng bạn đã hiểu hơn về thức ăn nhanh là gì? Tác hại của thức ăn nhanh và các loại tốt cho sức khỏe ra sao nhé. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe cùng với chuyên mục Mẹo vào bếp.
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nhiều nguồn như Wikipedia và Healthline.
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 12/12/2020