Thuốc Ultracet (tramadol hydrochlorid, paracetamol) là một loại thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện. Bên cạnh đó, thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Vậy Ultracet được dùng để điều trị bệnh gì, uống như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Những điểm nào cần lưu ý để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Tên thành phần hoạt chất: 37,5 mg tramadol hydrochlorid, 325 mg acetaminophen.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Proxybon, Philmadol, Yuraf.
1. Thuốc Ultracet dùng để điều trị bệnh gì?
Thuốc Ultracet được chỉ định để kiểm soát cơn đau cấp tính nghiêm trọng khi các phương pháp điều trị thay thế khác không hiệu quả.
2. Một số lưu ý khi dùng thuốc Ultracet
- Nguyên tắc: Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất phù hợp với mục tiêu điều trị bệnh nhân cá nhân, lưu ý không sử dụng thuốc quá 5 ngày.
- Trẻ em > 12 tuổi, người trưởng thành: Bắt đầu điều trị với 2 viên cách mỗi 4 – 6 tiếng khi cần thiết để giảm đau cấp, tối đa 8 viên/ ngày.
- Liều dùng thuốc của từng bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của cơn đau, phản ứng của bệnh nhân và các yếu tố nguy cơ gây nghiện, lạm dụng thuốc. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý uống thuốc theo toa của người khác.
- Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 30 ml/phút): Không quá 2 viên mỗi 12 giờ.
- Không sử dụng đồng thời với các thuốc có chứa thành phần paracetamol (Panadol, Efferalgan) hoặc tramadol khác.
3. Trường hợp nào tuyệt đối không được sử dụng Ultracet?
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
- Điều trị hậu phẫu ở trẻ dưới 18 tuổi.
- Bệnh nhân phẫu thuật cắt amidan hoặc các loại phẫu thuật cắt bỏ khác.
- Suy hô hấp đáng kể.
- Hen phế quản cấp tính hoặc nặng không kiểm soát hoặc thiếu thiết bị hồi sức.
- Nghi ngờ bị tắc nghẽn đường tiêu hóa.
- Quá mẫn với tramadol hydrochloride, paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Đang sử dụng các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs) hoặc sử dụng MAOI (là các thuốc dùng trong điều trị trầm cảm) trong vòng 14 ngày qua.
>> Xem thêm: Paracetamol (Pandadol, Efferalgan): 9 điều cần lưu ý khi sử dụng
4. Thận trọng gì khi dùng thuốc Ultracet?
- Nguy cơ co giật.
- Nguy cơ tự tử: Không kê đơn cho bệnh nhân có nguy cơ tự tử hoặc dễ bị nghiện thuốc.
- Bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận nên rất thận trọng khi sử dụng thuốc Ultracet
- Đối với bệnh nhân bị suy hô hấp mãn tính: Giám sát chặt chẽ, đặc biệt khi bắt đầu sử dụng thuốc và thay đổi liều dùng.
- Đối với bệnh nhân hạ huyết áp nặng: Theo dõi khi bắt đầu sử dụng thuốc và thay đổi liều dùng. Tránh sử dụng thuốc Ultracet ở bệnh nhân bị sốc tuần hoàn.
- Đối với bệnh nhân tăng áp lực nội sọ, u não, chấn thương đầu hoặc suy giảm ý thức: theo dõi hiệu quả giảm đau và suy hô hấp. Tránh sử dụng thuốc Ultracet ở những bệnh nhân bị suy giảm ý thức hay hôn mê.
5. Tác dụng phụ của thuốc là gì?
5.1. Những tác dụng không mong muốn phổ biến
- Tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, buồn nôn.
- Chán ăn, chóng mặt và đổ mồ hôi.
- Buồn ngủ.
5.2. Những tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng ít gặp
- Nghiện hoặc lạm dụng thuốc.
- Suy hô hấp đe dọa tính mạng.
- Hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh: Xảy ra khi mẹ bầu uống thuốc này trong thời gian mang thai. Khi sinh ra, em bé vẫn còn phụ thuộc vào thuốc. Các bé sinh ra trải qua các triệu chứng bú kém, thở nhanh, run rẩy và quấy khóc nhiều.
- Nhiễm độc gan.
- Động kinh.
- Hội chứng Serotonin: xuất hiện nhóm dấu hiệu như rung giật cơ tự ý, kích động hoặc toát mồ hôi, rung giật nhãn cầu không kiểm soát, run và tăng phản xạ, tăng trương lực cơ, nhiệt độ tăng 38°C và rung giật nhãn cầu.
- Tự tử.
- Suy tuyến thượng thận.
- Hạ huyết áp nặng.
- Phản ứng quá mẫn.
- Hội chứng cai thuốc opioid.
Thông báo ngay cho bác sĩ khi bạn gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc.
6. Ultracet có thể tương tác với thuốc gì?
Hãy thận trọng khi bạn có đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào dưới đây:
- Thuốc ức chế CYP2D6: quinidine, fluoxetine, paroxetine and bupropion…
- Thuốc ức chế CYP3A4: kháng sinh nhóm macrolide, thuốc trị nấm…
- Thuốc cảm ứng CYP3A4: rifampin, carbamazepine, phenytoin…
- Thuốc giảm đau tác động lên hệ thần kinh trung ương: morphin, codein…
- Thuốc ức chế serotonin: thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc ức chế MAO: phenelzine, tranylcypromine, linezolid…
- Thuốc giãn cơ: làm giảm thần kinh cơ và gây suy hô hấp.
- Thuốc lợi tiểu: giảm tác dụng lợi tiểu.
- Digoxin: một trong những thuốc điều trị suy tim.
- Warfarin: một trong những thuốc chống đông máu.
- Thuốc giảm đau opioid khác (nalbuphin, buprenorphin, pentazocin): làm giảm tác dụng giảm đau và nguy cơ xuất hiện hội chứng cai thuốc.
>> Xem thêm: Những điều cần biết về thuốc Glotadol (paracetamol)
7. Phụ nữ mang thai và cho con bú có được dùng Ultracet không?
Đối với phụ nữ mang thai: Dùng Ultracet có thể gây hại cho thai nhi, gây ra hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh (như đã đề cập ở phần tác dụng có hại phía trên)
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Ultracet không được khuyến cáo dùng trước phẫu thuật sản khoa hoặc sau sinh ở bà mẹ cho con bú vì sự an toàn ở trẻ sơ sinh chưa được nghiên cứu.
8. Triệu chứng và cách xử trí khi sử dụng quá liều
- Ức chế hô hấp.
- Co giật.
- Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa.
- Khó chịu xanh xao đổ mồ hôi.
Trên đây là một số triệu chứng thừng gặp khi sử dụng thuốc quá liều. Khi đó bạn hãy đến các cơ sở y tế ngay lập tức và điều trị bằng cách hỗ trợ chức năng tim mạch và các biện pháp làm giảm hấp thụ thuốc. Các biện pháp thở oxy, dịch truyền tĩnh mạch, thuốc co mạch, thông khí và các biện pháp hỗ trợ khác nên được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
9. Bảo quản thuốc Ultracet như thế nào?
Bảo quản trong bao bì kín ở nhiệt độ 20 – 25oC, có thể dao động giữa 15 – 30oC.
10. Thuốc Ultracet giá bao nhiêu?
Thuốc giảm đau Ultracet có mức giá dao động khoảng 252,000đ/hộp/30 viên. Bạn có thể tìm mua sản phẩm tại các nhà thuốc chính hãng trên toàn quốc.
Thuốc Ultracet với hoạt chất là tramadol hydrochloride, paracetamol, được sử dụng để giảm cơn đau cấp tính và nghiêm trọng. Bên cạnh thuốc Ultracet, còn có các loại thuốc khác có chứa thành phần hoạt chất với công dụng tương tự. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Hãy đi khám ở các bệnh viện và phòng khám uy tín để được bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.