Tiên tri

\ Prophet. Prophète.

III. Các tiên tri được soi dẫn.– Luận tới việc các tiên tri chịu cảm động có nhiều vấn đề nảy ra:

Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho các sách tiên tri như sau nầy:

Các tiên tri là những người Đức Chúa Trời dấy lên trong thời kỳ suy đồi và bội đạo của Y-sơ-ra-ên. Trước hết, họ là những người phấn hưng và ái quốc, họ được Đức Chúa Trời dùng để nói thế cho Ngài. Các sứ mạng tiên tri có hai tính cách: trước nhứt, là thuộc địa phương và nhằm vào thời điểm của tiên tri đang sống; thứ nhì, là dự ngôn về ý định Đức Chúa Trời trong tương lai. Có khi lời dự ngôn ra trực tiếp từ hoàn cảnh của địa phương (xem Ê-phê-sô 7:1-11 với câu 12-14).

Cũng phải nhớ rằng tiên tri có tính cách của một người Y-sơ-ra-ên. Thường thường những lời tiên tri dự ngôn có tính cách trực tiếp chứ không phải để dạy dỗ và trừu tượng, nhưng vẫn có ý nói về sự kết ước của dân sự, tội lỗi và thất bại, cũng như về vinh hiển tương lai của họ. Dân ngoại được nói đến như là đồ dùng để sửa phạt Y-sơ-ra-ên, như thể họ phải bị đoán xét như vậy, dân ngoại cũng được dự phần ân điển về điều còn phải được tỏ ra đối với Y-sơ-ra-ên. Về Hội Thánh, về đoàn thể thì không có trong sự hiện thấy của tiên tri Cựu Ước (Ê-phê-sô 3:1-6). Phước hạnh tương lai của Y-sơ-ra-ên như một dân tộc được lập trên nền giao ước Pha-lê-tin về sự lập lại và trở lại cùng Chúa (Phục truyền 30:1-9), và giao ước với Đa-vít về chức vị Vua của Đấng Mê-si. Con vua Đa-vít (2Sa-mu-ên 7:8-17), và khiến lời dự ngôn có tính cách về Đấng Mê-si. Sự tôn cao Y-sơ-ra-ên được ở trong nước, và nước lấy quyền để chúc phước từ Ngôi vị của Vua, Con Đa-vít, cũng là “Em-ma-nu-ên.”

Song vì Vua cũng là Con của Áp-ra-ham (Ma-thi-ơ 1:1); Đấng Cứu chuộc đã hứa, và vì sự cứu chuộc chỉ bởi tế lễ của Đấng Christ, vậy lời tiên tri của Đấng Mê-si cần bày tỏ Đấng Christ trong hai tính cách: Đấng Mê-si đau khổ (xem Ê-sai 53:1-) và Đấng Mê-si trị vì (xem Ê-sai 11:1-). Hai tính cách đó, đau thương và vinh hiển, yếu đuối và quyền phép, là một lẽ mầu nhiệm đã khiến các tiên tri khó hiểu (2Phi-e-rơ 1:10-12; Lu-ca 24:26, 27).

Lời giải lẽ mầu nhiệm đó, như Tân Ước chỉ rõ, là ở trong hai lần giáng lâm của Chúa, — lần thứ nhứt để cứu chuộc bởi sự đau thương; lần thứ hai để lập nước trong sự vinh hiển, khi các lời hứa riêng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 1:21-23; Lu-ca 2:28-35; 24:46-48, với Lu-ca 1:31-33, 68-75; Ma-thi-ơ 2:2, 6; 19:27, 28; Công vụ 2:30-32; 15:14-16). Các tiên tri thật đã mô tả hai sự giáng lâm bằng hai hình thức không thể đồng thời với nhau (xem Xa-cha-ri 9:9, trái với 14:1-9); song đối với họ, không được tỏ rằng giữa sự giáng lâm để chịu thương khó và sự giáng lâm để được vinh hiển sẽ được ứng nghiệm mấy “lẽ mầu nhiệm về nước” (Ma-thi-ơ 13:11-16); cũng không được tỏ rằng kết quả sự chối bỏ Đấng Mê-si, là Hội Thánh Tân Ước sẽ được gọi ra. Những điều đó, đối với họ là “lẽ mầu nhiệm đã giấu kín trong Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:1-10).

Bởi vậy, nói rộng nghĩa, lời tiên tri dự ngôn có trong sự ứng nghiệm của hai giao ước với Pha-lê-tin và với Đa-vít; giao ước với Áp-ra-ham cũng có dự phần nữa.

Các cường quốc ngoại bang được nói đến như có liên quan với Y-sơ-ra-ên, nhưng các lời tiên tri (trừ trong Đa-ni-ên, Áp-đia, Giô-na và Na-hum) cũng không chú trọng đến lịch sử thế giới ngoại bang. Sách Đa-ni-ên nói đến thế giới ngoại bang nhưng có một tính cách riêng biệt.

Những lời dự ngôn về sự lập lại quốc gia Y-sơ-ra-ên từ sau thời gian 70 năm bị phu tù tại Ba-by-lôn, phải được phân biệt với những lời dự ngôn về sự lập lại quốc gia từ sự tản lạc dân Do-thái khắp thế gian ngày nay. Thượng hạ văn rất rõ ràng. Giao ước với Pha-lê-tin (Phục truyền 28:1-30:9) là khuôn của lời tiên tri dự ngôn trong một nghĩa rộng hơn, — sự không vâng phục của quốc dân, tan lạc khắp thế gian, ăn năn, Chúa tái lâm, nhóm họp Y-sơ-ra-ên lại và lập lại nước, sự trở lại đạo và ơn phước của Y-sơ-ra-ên và sự đoán xét những kẻ hà hiếp Y-sơ-ra-ên.

Có sự phân chia của các tiên tri là: –Trước phu tù, tức trong Giu-đa: Ê-sai, Giê-rê-mi (đến tận trong hồi phu tù), Giô-ên, Áp-đia, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, và Sô-phô-ni. Trong Y-sơ-ra-ên: Ô-sê, A-mốt, Giô-na. Trong kỳ phu tù, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên, cả hai thuộc nước Giu-đa, song nói tiên tri cho cả dân tộc. Sau kỳ phu tù, thuộc cả Giu-đa: A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Sự phân chia thành các đại tiên tri và tiểu tiên tri là tùy theo sách dài hay ngắn, chớ không theo lịch sử và niên biểu.

Những chìa khóa mở ý nghĩa tiên tri là: hai sự giáng lâm của Đấng Mê-si, lần đến để chịu đau thương (Sáng Thế Ký 3:15; Công vụ 1:9), và lần đến để cai trị (Phục truyền 30:3; Công vụ 1:9-11); lẽ đạo về Dân sót (Ê-sai 10:21); lẽ đạo về ngày của Chúa (Ê-sai 2:10-22; Khải Huyền 19:11-21), và lẽ đạo về Nước (Cựu Ước, Sáng Thế Ký 1:26-28; Xa-cha-ri 12:8; lời chua; Tân Ước, Lu-ca 1:31-33; 1Cô-rinh-tô 15:28, lời chua). Các đoạn trung tâm, xét chung cả toàn thể lời tiên tri, là Phục truyền 28:1-; 29:1-; 30:1-; Thi Thiên 2:1-; Đa-ni-ên 2:1-; 7:1-.

Phải nhờ toàn thể lời tiên tri để quyết định ý nghĩa của một khúc riêng (2Phi-e-rơ 1:20). Bởi đó, điều quan trọng là trước hết phải học biết toàn thể các đại đề kể trên; và muốn học như vậy, phải tìm suốt toàn thể các sách tiên tri, những đề mục, nói đến trong khúc trước. Về đề mục, “thời cuối cùng” mà mọi lời tiên tri dẫn đến, người học sẽ được hiểu rõ hơn nếu thêm vào đề mục đó có vấn đề “Con Thú” (Đa-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20), và “Ha-ma-ghê-đôn” (Khải Huyền 16:14; 19:17, lời chua).

1Cô-rinh-tô 12:10.– Ơn nói tiên tri. Xem bài “Nói tiên tri.”

Ma-thi-ơ 2:15.– Giải nghĩa tiên tri. Xem bài “Nói tiên tri.”

1Cô-rinh-tô 14:1.– Sự ban cho nói tiên tri. Xem bài “Ơn ban cho thuộc linh.”

Rate this post

Viết một bình luận