‘Tiếng Việt lệch chuẩn vì nhiều người thích phát âm dễ dãi’

‘Tại sao nhiều người cứ nhất định vẽ rắn thêm chân, quốc tế hóa cách phát âm của tiếng Việt’.

Tôi đồng ý với bài viết của bạn Đức Thịnh, Tiếng Việt lệch chuẩn là do người ta lười phát âm chuẩn, phát âm trại ra cho dễ. Tiếng Việt chuẩn và giọng vùng miền là hai chuyện khác nhau. Giọng vùng miền thiên về dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) tuy cũng có liên quan đến phát âm nhưng vẫn nghe hiểu được. Giọng miền Nam là giọng thiên về dấu ngã, xuất xứ từ Thanh Hóa, quê hương của Chúa Nguyễn Hoàng. Phương ngữ thì không liên quan đến phát âm. Ví dụ như “mô, tê, răng, rứa” để thay cho “đâu, kia, sao, thế”.

Phát âm chuẩn thì bất kể là vùng miền nào bạn vẫn nghe hiểu được. Nghe mà không hiểu là do người ta phát âm trại ra. Ví dụ, Quảng Ngãi phát âm “o” thành “ô”. Bình Định phát âm “a” thành “e”, Bến Tre phát âm “r” thành “g”, “â” thành “u”, Hà Nội phát âm “ưu” thành “iu”… Nắn lại mấy cách phát âm này chỉ để lại phương ngữ và giọng vùng miền là điều kiện để chuẩn hóa lại tiếng Việt.

Tiếng Việt của chúng ta không cần phiên âm như tiếng Anh. Những ngôn ngữ không cần phiên âm là những ngôn ngữ mà mỗi chữ cái đều có cách phát âm riêng, ghép vào nhau là đọc ra luôn. Còn tiếng Anh, rành rành mỗi chữ cái có phát âm riêng nhưng ghép vào nhau lại không đọc được. Ví dụ như chữ “h” trong tiếng Anh. Đem phát âm của chữ này trong bảng chữ cái ra ghép vào một từ có nghĩa nào đó xong đọc luôn thì coi chừng nuốt luôn cả lưỡi mà vẫn phát âm không ra.

Chữ cái tiếng Nga khá lạ lẫm với những ký hiệu “không thông dụng” nhưng nếu bạn biết phát âm toàn bộ bảng chữ cái thì từ gì của tiếng Nga bạn vẫn đọc được mặc dù không hiểu nghĩa. Tương tự với tiếng Pháp. Bởi thế, từ điển Nga – Việt hay Pháp – Việt không có phiên âm quốc tế với mỗi từ có nghĩa trong khi từ điển Anh -Việt, bất kỳ từ nào cũng phải có phiên âm quốc tế đi kèm.

Đã không cần phiên âm nhưng tại sao nhiều người cứ nhất định “vẽ rắn thêm chân” quốc tế hóa cách phát âm của tiếng Việt? Ký tự La-tinh mà chúng ta dùng không phải là những ký hiệu duy nhất. Ký tự đơn giản chỉ là một ký hiệu, một hình vẽ đại diện cho một cách phát âm nào đó. Ký tự của Trung Quốc, Ấn Độ, Arab cũng là những ký hiệu như thế. Bởi vì không ai nghiên cứu thống kê nên không biết có bao nhiêu ký hiệu khác nhau nhưng chỉ đại diện cho một cách phát âm giống nhau. Và nếu như người ta lựa chọn một ký hiệu nào đó làm “chuẩn” cho một cách phát âm chung trên toàn thế giới, có lẽ mọi người sẽ tranh cãi tại sao không dùng ký hiệu này (ký hiệu ngôn ngữ của họ) mà lại dùng ký hiệu kia (ký hiệu ngôn ngữ của dân tộc khác).

Chúng ta thường phát âm như thế nào thì chúng ta có ngần ấy ký tự chữ cái, nguyên âm, phụ âm. Họ phát âm không giống ta thì họ có bảng chữ cái nhiều hơn hoặc ít hơn ta, phụ âm nguyên âm cũng khác chúng ta. Tại sao chúng ta cứ nhất định phải làm sao cho “giông giống” với họ? Cái chúng ta cần làm là tiếp tục cải cách tiếng Việt để làm sao phân biệt được “k” và “c”, “ng” và “ngh”. Còn những chữ khác không cần “cải” nữa vì không có sự nhầm lần trong phát âm.

>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến  tại đây.

Lâm

Rate this post

Viết một bình luận