Tiếng Việt yêu dấu

Đối với chúng tôi, quá trình học tiếng Việt gây những ấn tượng trái chiều, từ bỡ ngỡ và nản lòng đến hưng phấn say mê.

Có nhiều lý do để học tiếng Việt: chúng tôi muốn thấu hiểu, trải nghiệm và gắn bó với văn hóa bản địa một cách sâu sắc hơn và muốn vượt qua rào cản ngôn ngữ để giao tiếp với những người Việt chưa thạo tiếng Anh. Như Nelson Mendela từng nói, nếu chúng ta nói bằng ngôn ngữ mà người nghe được học, họ sẽ ghi nhớ bằng não bộ, còn nếu ta nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ sẽ nhớ bằng cả trái tim.

Thực tế cho thấy hiện rất ít người nước ngoài thành công trong việc học tiếng Việt. Theo lời của chủ một trung tâm Việt ngữ lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, đến 80% học sinh bỏ cuộc trong hai tháng đầu tiên. Cản trở hiển nhiên nhất là hệ thống thanh điệu và phát âm rất đặc trưng của tiếng Việt gây nhiều khó khăn cho người đến từ phương Tây.

”Các dấu trong tiếng Việt thực sự là một ác mộng”, một người quen thổ lộ với tôi. Bạn ấy phải cặm cụi lắp bắp, xoắn lưỡi để nói hết một câu đầy đủ. ”Tôi bị mặc cảm tự ti bởi vì mỗi khi mở miệng nói một câu, bất cứ sai lầm phát âm nào có thể gây hiểu lầm và làm hỏng nỗ lực giao tiếp của tôi”. Hầu hết mọi người nước ngoài ở Việt Nam có thể kể một vài giai thoại về những tình huống hài hước tại nhà hàng mà các ”phốt” phát âm của họ gây ra.

Nói một cách tổng quát, rất nhiều người Việt phản ứng rất tích cực nhiệt huyết khi bạn nước ngoài cố gắng nói tiếng của họ. Họ sẽ ghi nhận nỗ lực của người học và khích lệ, khen họ ”giỏi” và hăm hở trò chuyện với họ. Tuy nhiên, phản ứng của một số người khiến nhiều bạn nước ngoài thấy bối rối, thậm chí nản lòng. Ví dụ, họ sẽ bật cười lên, khiến bạn nước ngoài đỏ mặt xấu hổ vì không biết tại sao họ cười mặt như thế: giọng ngọng của mình có nghe kỳ lạ, ngộ nghĩnh hay nực cười không? Một phản ứng phổ biến khác là biểu cảm rất lúng túng khi người Việt nghe thấy chất giọng chưa chuẩn xác của chúng tôi: họ sẽ nhún vai ra hiệu ”không hiểu”, lẩm bẩm bằng một tiếng Việt nhanh như chớp hay trả lời bằng tiếng Anh. ”Tôi bị thất vọng do thiếu nỗ lực của một số người Việt”, một bạn của tôi tâm sự. ”Do giọng nói của tôi kỳ cục hay không chuẩn nên họ không thực sự cố gắng nói chậm lại hay hiểu ý tôi”. Những trải nghiệm ”bẽ mặt” cay đắng như vậy có thể khiến nhiều bạn nước ngoài bỏ học.

Mặt khác, tôi cũng từng gặp nhiều bạn sống ở Việt Nam trong nhiều năm trời nhưng vẫn còn mù tịt tiếng Việt và không biết nói gì ngoài từ ”xin chào” và ”cảm ơn”. Tôi tự hỏi tại sao họ sống như vậy và ngoài thanh điệu phức tạp của ngôn ngữ, tôi nghĩ lý do khác là thiếu động lực. Bởi vì khác hẳn với nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc, Pháp hay Đức, ở Việt Nam người nước ngoài không cần biết ngôn ngữ bản địa để làm việc kiếm sống. Trên thực tế, xã hội chưa yêu cầu hay kỳ vọng chúng tôi biết nhiều hơn các từ ”xin chào” và ”cảm ơn”. Tôi sẽ đưa một ví dụ cá nhân: mấy năm trước tôi làm cho một trung tâm Anh ngữ lớn của miền Tây, và hầu hết mọi học sinh Việt đều có một tên tiếng Anh: Sally, Jack, John, Mary… Giờ tôi cho rằng rằng một trong những lý do là để các thầy giáo nước ngoài đỡ phải ”vật lộn” nhớ nổi và phát âm chuẩn tên Việt ”khó đọc” của các học sinh.

Có lẽ lý do là vì người ta cho rằng tiếng Việt khó học và không thực sự hữu ích hay quan trọng ở tầm quốc tế (dù điều này cũng đúng với hầu hết mọi ngôn ngữ trên thế giới ngoại trừ một chục ngôn ngữ phổ biến của các quốc gia hùng mạnh hoặc đông dân). Do đất nước chưa thịnh vượng giàu có nên tôi hay nghe người Việt nói đến ”quốc gia nhỏ bé” khi nói về nước mình trong bối cảnh quốc tế. Khi nghĩ đến kích thước và dân số của Việt Nam so với phần lớn quốc gia châu Âu, cái từ ”nhỏ bé” thật khó hiểu. Với gần một trăm triệu người bản ngữ (nhiều hơn cả trường hợp của tiếng Hàn hay tiếng Ý), tiếng Việt không hề là một ngôn ngữ ”nhỏ bé”.

Điều tích cực là ở Việt Nam có ngày càng nhiều người ngoại quốc hăng say học tiếng Việt. Bản thân tôi từng gặp ở Hà Nội hàng chục bạn đến từ khắp năm châu có thể nói tiếng Việt lưu loát. Thi thoảng họ thậm chí kiếm chút danh tiếng bằng cách làm Youtube, xuất hiện trên truyền hình như nhân vật trải nghiệm hay thậm chí làm ca sĩ hay diễn viên bằng tiếng Việt. Hiện tượng người phương Tây nói tiếng Việt vẫn hiếm hoi nên người Việt vừa thấy thích thú khác lạ vừa tò mò muốn nghe ý kiến và góc nhìn của họ về đất nước Việt Nam. Đó là điều dễ hiểu không chỉ ở Việt Nam: ví dụ thời gian gần đây, một cô gái Việt (Liz Dương) đang làm sóng làm gió ở quê tôi (Serbia) sau khi tung ra một kênh Youtube bằng tiếng Serbia.

Chúng tôi học tiếng Việt theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào tính cách và sở thích cá nhân. Người thì thích tán gẫu với các tiểu thương vỉa hè và la cà ngồi quán trà đá hay bia hơi với những bạn Việt. Người thì thích nghe nhạc V-pop, bolero hay rap Việt. Tôi thì học bằng cách đọc ngấu nghiến, từ điển luôn chờ sẵn trên tay. Cuốn sách tiếng Việt đầu tiên mà tôi đọc là ”Cà phê cùng Tony” vào cuối năm 2015, chỉ sáu tháng sau khi tôi bắt đầu học. Hiện tại nhà ở Hà Nội tôi có cả một thư viện nhỏ với khoảng một trăm cuốn và mọi buổi sáng tôi bỏ một vài tiếng để say sưa đọc những tác giả lớn của văn chương Việt Nam và quốc tế. Khám phá những tác phẩm xuất sắc bằng ngôn ngữ mà tôi chỉ bắt đầu học ở tuổi 28 mang đến cho tôi một cảm giác kỳ diệu khó tả. Nhờ sách và văn học, tiếng Việt trở thành đam mê và tình yêu lớn trong đời tôi.

Tôi cảm phục cấu trúc linh hoạt, trí tuệ dân gian của muôn vàn tục ngữ và từ vựng dồi dào của tiếng Việt, một vốn từ phong phú mà tôi cho rằng là ngang bằng với các ngôn ngữ lớn của thế giới. Tiếng Việt đã giúp tôi gắn bó và đắm mình vào văn hóa của đất nước này ở một mức độ sâu hơn nhiều. Ngày nào tôi cũng sinh hoạt, đọc báo chí, xem bản tin, lướt qua mạng xã hội bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, nó giúp tôi tìm lại đam mê sáng tác viết lách, và năm ngoái tôi hoàn thành và xuất bản ”Phố Nhà Thờ”, tiểu thuyết đầu tiên do người nước ngoài viết bằng tiếng Việt. Hơn nữa, trong thời đại dịch tôi tranh thủ thời gian giãn cách để viết thêm một tiểu thuyết nữa.

Để kết thúc, tôi nghĩ rằng việc ngày càng nhiều người ngoại quốc học tiếng Việt là điều rất đáng mừng. Bởi ngôn ngữ cũng là một công cụ quảng bá văn hóa và hình ảnh quốc gia và là nhân tố quan trọng trong việc củng cố quyền lực mềm của một đất nước.

Marko Nikolic

Rate this post

Viết một bình luận