Tiêu chuẩn phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng? Hồ sơ xét duyệt và đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”? Trình tự, thủ tục công nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”?
Nhân dân ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã ngã xuống để giành lại độc lập cho dân tộc. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thanh niên đã rời khỏi gia đình, quê hương để đấu tranh. Rất nhiều gia đình cả cha và con đều hy sinh nơi chiến trường. Để thể hiện sự ghi ơn sâu sắc cho những người vợ, người mẹ trong các gia đình đó, Nhà nước ta đã có chế độ phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng.”
Cơ sở pháp lý:
– Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994, đã sửa đổi, bổ sung năm 2012;
– Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
– Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 của Bộ Nội vụ, Bội Quốc phòng, Bộ Lao động thương binh và xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
1. Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là gì?
Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
2. Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiếng Anh là gì?
Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiếng Anh là “Vietnamese heroic Mother”.
3. Tiêu chuẩn để phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. (Khoản 1 Điều 2 TTLT số 03/2014/TTLT- BNV -BQP-BLĐTBXH)
Tại điều 2 Pháp lệnh quy định danh hiện vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng quy định: “Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:
1.Có 2 con trở lên là liệt sĩ;
Xem thêm: Điều kiện bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
2. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
3. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;
4. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
5. Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.”
Tại Nghị định số 56/2013/NĐ-CP giải thích chi tiết hơn về điều kiện để phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng tại điều 3.
Theo đó:
“Người con liệt sĩ” là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.
“Người chồng là liệt sĩ” là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.
Xem thêm: Mức tiền thưởng danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen mới nhất
“Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên” là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.
Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Con đẻ, con nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền cấp xã xác nhận. (Khoản 2 Điều 2 TTLT số 03/2014/TTLT- BNV -BQP-BLĐTBXH)
Và tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 56/2013/NĐ- CP cũng quy định mặc dù những trường hợp đạt đủ những điều kiện theo luật định để trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Tại Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT- BNV -BQP-BLĐTBXH tiếp tục có những quy định chi tiết về điều kiện công nhân bà mẹ Việt Nam anh hùng.
– Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi
Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
– Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác
Xem thêm: Xét tăng lương trước thời hạn và bảo lưu danh hiệu chiến sĩ thi đua
Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.
– Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá
Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.
Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.
– Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
– Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất.
4. Hồ sơ xét duyệt và đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Hồ sơ xét duyệt, gồm:
– Bản khai cá nhân theo Mẫu số 01a/BMAH; thân nhân của bà mẹ kê khai theo Mẫu số 01b/BMAH, kèm theo giấy ủy quyền theo Mẫu số 02/BMAH;
Xem thêm: Chế độ quyền lợi của Bà mẹ Việt Nam anh hùng
– Bản sao Bằng Tổ quốc ghi công, Giấy chứng nhận thương binh có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng, gồm:
– Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này;
– Biên bản xét duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 03/BMAH;
– Tờ trình kèm theo danh sách theo Mẫu số 04/BMAH đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Tại Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT- BNV -BQP-BLĐTBXH quy định chi tiết thêm về hồ sơ xét duyệt và đề nghị phong tăng
Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người thân của liệt sĩ, thương binh
– Trường hợp bà mẹ cư trú ở nhiều địa phương nhưng không còn người lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì chính quyền cấp xã nơi bà mẹ có hộ khẩu thường trú và hưởng trợ cấp tiền tuất lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng.
Xem thêm: Trách nhiệm tổ chức tang lễ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng
– Trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, họ tộc ủy quyền thực hiện, mà người đó không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sĩ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình trạng nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có tái giá hay không, thái độ chính trị, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước).
5. Trình tự, thủ tục công nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Tại điều 5 của Nghị định số 56/2013 quy định về trình tự, thủ tục công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng:
– Bà mẹ hoặc thân nhân của bà mẹ lập bản khai cá nhân hoặc thân nhân (01 bản chính) kèm theo giấy tờ làm căn cứ xét duyệt (03 bộ), nộp về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bà mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với bà mẹ còn sống) hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người được ủy quyền kê khai.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
+ Tổ chức họp xét duyệt hồ sơ của từng trường hợp đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” với thành phần đại diện cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quân sự, công an và các đoàn thể có liên quan;
+ Lập hồ sơ (03 bộ), ký Tờ trình kèm theo danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
+ Chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;
Xem thêm: Kinh phí hỗ trợ tang lễ cho bà mẹ Việt Nam anh hùng
+ Ký Tờ trình kèm theo danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
+ Chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;
+ Ký Tờ trình kèm theo danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Thủ tướng Chính phủ.
– Bộ Nội vụ trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
– Thời gian xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” hàng năm được tiến hành 03 đợt vào các dịp: Ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4; ngày Quốc khánh 02 tháng 9 và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12;
– Trường hợp người kê khai không lưu giữ được giấy tờ làm căn cứ xét duyệt theo quy định thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận để làm căn cứ lập hồ sơ;
– Trường hợp người con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh hoặc cư trú ở địa phương khác thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý thương binh xác nhận để làm căn cứ lập hồ sơ;
Xem thêm: Tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xét duyệt trả lại hồ sơ và thông báo lý do bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng thì yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ.