Đối với những người đam mê cá cảnh, bể thủy sinh của họ phải đa dạng các loại cá, từ các giống cá sang trọng, tao nhã đến các giống cá bình dị, gần gũi. Cá bảy trầu chính là loài cá mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà ta có thể nhìn thấy được ở hầu hết những bể thủy sinh. Vẻ đẹp của chúng trở nên đặc trưng, nổi trội bởi sự điềm tĩnh, hiền hòa, đem đến cho người nhìn cảm giác yên bình mỗi lần ngắm nhìn.
Trong bài viết này, chúng mình sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về loài cá này cũng như cách chăm sóc, chế độ ăn và sinh sản của chúng, để xem loài cá này có gì đặc sắc mà lại được đông đảo người chơi cá cảnh ưa chuộng đến vậy nhé !
Thông tin cơ bản về cá bảy trầu
Cá bảy trầu có tên khoa học là Trichopsis vittata, tên tiếng anh là Croaking Gourami. Một loài cá nước ngọt kích thước nhỏ, thành viên của họ Osphronemidae (họ tai tượng). Người ta có thể biết đến loài cá này qua những cái tên khác như cá thanh ngọc chấm, cá bã trầu,… Loài này có thể được tìm thấy tự nhiên ở Borneo, Campuchia, Lào, Malaysia, Sumatra, Việt Nam, Java và Thái Lan. Chúng có nguồn gốc ở Đông Nam Á và được nhập khẩu trên khắp thế giới để nuôi thủy sinh.
Chúng sinh sống ở các vùng nước nông, di chuyển chậm với thủy sinh phong phú như các kênh, mương, hệ thống thoát nước, đồng cỏ ẩm ướt và ao nước dày đặc. Cá bảy trầu còn được những người đam mê cá ưu ái đặt cho cái tên cực kỳ thú vị – “Talking Gourami” vì những tiếng ồn “cạch cạch” mà chúng tạo ra khi ngoe nguẩy vây ngực.
Đặc điểm nhận dạng cá bảy trầu
Cá bảy trầu đặc biệt bởi có sự pha trộn giữa màu sắc óng ánh của xanh lam, xanh lá cây và đỏ. Màu sắc nổi bật khiến chúng trở nên nổi trội hơn hẳn so với chú cá nhỏ khác trong bể thủy sinh. Chúng có thể có những hàng vết màu đen hay nâu ở hai bên của cơ thể, kéo dài trên má và nắp mang.
Chúng sở hữu một lớp ánh kim màu xanh lam nổi bật trên các viền vây. Những chú cá trưởng thành thường có các tia dạng sợi, dài ở trên vây bụng, vây đuôi, vây lưng và hậu môn. Con đực đa phần có nhiều màu sắc hơn và có vây hậu môn dài hơn con cái. Vây lưng của con đực tròn, trong khi của con cái lại nhọn.
Hướng dẫn nuôi cá Lóc da beo | Loài cá quyến rủ cho bể cá nước lợ
Cá bảy trầu có thể đạt được kích thước trung bình đến 5cm, một số con trưởng thành có thể phát triển lên đến 6 hay 7cm. Tuổi thọ trung bình của loài cá này là 2 năm, tuy nhiên nếu được chăm sóc đúng cách trong bể thủy sinh, chúng có thể sống được đến 5 năm.
Hướng dẫn chăm sóc cá bảy trầu
Thiết lập bể chứa đúng cách
Kích thước bể tối thiểu cho một bể thủy sinh để nuôi cá bảy trầu là khoảng từ 38 đến 58 lít nước, bán kính 50cm. Độ pH phù hợp trong khoảng từ 6,8 – 7,8; độ cứng của nước dao động từ 3 – 8 dGH. Nhiệt độ nước thích hợp ở 24 – 27℃.
Bể thủy sinh nên có nhiều cây cối rậm rạp và nhiều mái che. Sở dĩ loài cá này khá nhút nhát, chúng có xu hướng rình mò khắp mọi khu vực của bể, ẩn nấp giữa những đám lau sậy và bên dưới những chiếc lá khổng lồ gần sàn nước. Lớp nền tối hơn sẽ tạo ra một màu sắc sống động, ấm áp, bắt mắt, làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế của cá bảy trầu trong dòng nước của bể thủy sinh. Dòng nước ưu tiên chuyển động chậm hoặc trung bình, do đó nên hạn chế tối đa các dòng nước quá mạnh, gây hỗn loạn cho bể chứa.
Giống như hầu hết các loài cá tai tượng, những con cá này cũng dễ bị mắc bệnh và nhiễm trùng, vì vậy điều cần thiết khi nuôi cá là điều chỉnh nước và thay nước thường xuyên. Chúng chịu được nhiệt khá cao, điều này thuận lợi cho việc điều trị các bệnh cho cá trong bể như bệnh ich.
Để đảm bảo điều kiện nước trong bể luôn ổn định, bạn nên thay 25% lượng nước trong bể 2 tuần một lần hoặc 10% hằng tuần. Bạn cũng có thể sử dụng các dụng cụ làm sạch sỏi, thay nước và điều hòa nước để hỗ trợ công việc này. Nguồn nước máy khi cho vào bể phải được xử lý trước.
Cá bảy trầu được xem là một loài cá có thể sinh sống tốt trong bể cộng đồng. Bởi chúng có tích cách ôn hòa, có phần khá nhút nhát. Tuy nhiên, một số con đực có xu hướng tranh giành lãnh thổ với nhau, đặc biệt là trong quá trình sinh sản, do đó việc chuẩn bị một bể cá lớn là điều cần thiết. Để giảm bớt sự cạnh tranh trong bể, người ta khuyến khích nên nuôi nhiều con cái hơn con đực.
Không nên kết hợp nuôi cá bảy trầu cùng những con cá lớn, hung dữ. Chúng thích hợp hơn với những chú cá nhỏ, hiền lành, khuyến khích nên nuôi cùng với các loài cá như cá thần tiên, cá bảy màu, cá tetra,…
Chế độ ăn
Trong tự nhiên, cá bảy trầu phần lớn ăn các loài côn trùng, ấu trùng, bọ. Loài cá này không quá kén chọn thức ăn bởi chúng có thể ăn được thức ăn sống, đồ ăn khô và đông lạnh. Thỉnh thoảng chúng cũng ăn các loài động vật phù du, động vật giáp xác, thịt tôm và thực vật. Trong môi trường thủy sinh, bạn nên thiết lập chế độ ăn giảm trọng lượng để duy trì sức khỏe lâu dài của chúng.
Cá bảy trầu cần được cung cấp những bữa ăn dạng vảy cùng với các loại thực phẩm bổ sung thông thường như giun huyết đông khô, giun tubifex, tôm ngâm nước muối hay một ít vảy làm từ tảo sẽ cung cấp cho chúng lượng vitamin cần thiết.
Có thể cho cá bảy trầu ăn hai lần với lượng thức ăn được tiêu thụ trong vòng 2 phút. Một quy tắc mà bạn nên ghi nhớ: Không cho cá ăn quá nhiều vì phần vụn thức ăn còn sót lại đang phân hủy trong bể cá chắc chắn sẽ gây ô nhiễm bể chứa và gây nhiễm trùng cho cá.
Tìm hiểu cá Lông gà | Loài cá hung dữ và đầy thú vị cho bể cá cảnh
Sinh sản
Điều kiện nước mềm và nhiệt độ hơi cao được cho là khả năng cao có thể gây ra hành vi sinh sản ở cá. Bể cá phải có nắp đậy kín nhất có thể vì cá con cần được tiếp cận với một lớp không khí ấm và ẩm, nếu không có sự phát triển của cơ quan mê cung có thể bị suy giảm.
Không cần thiết phải tách cặp trước khi sinh sản. Con đực có xu hướng xây tổ của mình trên bề mặt của thảm thực vật, dưới phần nhô ra hoặc trong hốc. Sau khi sinh sản, những con trưởng thành thường được để lại tại chỗ. Con cái thường được con đực bao bọc và thậm chí có thể đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ tổ khỏi những kẻ xâm nhập xung quanh. Trứng thường nở trong vòng 48 giờ và cá con ở trong tổ thêm khoảng 3 – 4 ngày, cho đến khi túi noãn hoàng được hấp thụ hoàn toàn.
Cá cái có thể đẻ lên đến 100 – 2000 trứng và chúng phải được đưa ra khỏi bể này sau khi sinh sản xong. Cá đực nên được loại bỏ ngay khi cá con bắt đầu bơi tự do. Điều cực kỳ quan trọng là phải duy trì một lớp không khí ấm áp giữa bề mặt nước và trang bị các tấm phủ mọi nơi trong khi cá con đang phát triển cơ quan mê cung của chúng, rất quan trọng trong những tuần đầu tiên của loài cá này.
Hơn bất cứ những loài cá cảnh sang trọng đắt tiền nào, cá bảy trầu mang một vẻ đẹp gần gũi, một sức hấp dẫn lạ kỳ từ thiên nhiên. Loài cá này như là một điểm nhấn, mang một nét đẹp rất riêng, chinh phục bao trái tim của người đam mê cá cảnh. Hy vọng những thông tin mà bách hóa review cung cấp trong bài viết này giúp ích được phần nào cho bạn trong việc lựa chọn một chú cá cảnh góp thêm sắc màu cho bể thủy sinh của gia đình mình. Cá bảy trầu thực sự sẽ là một lựa chọn hoàn hảo, còn chần chừ gì nữa, rinh ngay em ấy về đi nhé!